Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

63% dân Trung Quốc muốn thể chế dân chủ kiểu Tây phương



Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012.
Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012.
REUTERS/Bobby Yip

Thụy My



Bài phân tích của thông tín viên nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh, mang tựa đề « Trung Quốc : Dân chủ được đặt lên hàng đầu ». Theo cuộc thăm dò của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, thì có đến 63% người dân Trung Quốc bày tỏ mong muốn áp dụng một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây ».


Libération nhận định, khát vọng dân chủ của người dân Trung Quốc ngày càng lệch pha với chính quyền cộng sản, theo như kết quả một cuộc thăm dò dư luận chưa từng có từ trước đến nay, được công bố hôm qua trên bản tiếng Anh của tờ Hoàn cầu Thời báo, tức Global Times, một nhánh của Nhân dân Nhật báo. 




Có đến hơn 63% người được hỏi muốn có một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây », theo cuộc điều tra được thực hiện với 1.010 đại diện cho nhiều tầng lớp trên toàn quốc. Đại đa số nghi ngờ rằng một hệ thống bầu cử tự do và tách biệt tam quyền như thế có thể trở thành hiện thực trong điều kiện hiện nay, nhưng 15,7% cho rằng mục tiêu này có thể áp dụng được ngay từ bây giờ.




Kết quả độc đáo của cuộc thăm dò, cũng như việc nó được công bố, theo Libération, là rất đáng ngạc nhiên, vì số 15,7% trên đây mong muốn chế độ độc tài, độc đảng hiện nay cần phải nhanh chóng biến mất, hoặc biến ngay lập tức. Hơn 49% người được hỏi cho biết đang chờ đợi một « cuộc cách mạng » mới, 15% trong số này nghĩ rằng Trung Quốc « chắc chắn đang ở bên bờ một cuộc cách mạng mới », và 34% cho rằng điều này là « có thể ».




Libération cho biết, cuộc thăm dò mang tính « nổi loạn » này chỉ được công bố bằng tiếng Anh. Bản tiếng Hoa của Global Times không có, và không có tờ báo chính thức nào đề cập đến. Sự táo bạo của các nhà báo Global Times - có thể bị Ban Tuyên huấn trừng phạt - dường như biểu hiện cuộc tranh cãi nội bộ giữa hai phe ủng hộ và chống đối một công cuộc cải cách chính trị thực sự.




Hôm thứ Bảy, ông Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Quốc hội hiện đang họp phiên thường niên, đã khẳng định là không có việc Trung Quốc dân chủ hóa theo kiểu phương Tây. Ông cam đoan là hệ thống « chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa » sẽ còn tồn tại rất lâu, và kêu gọi các đại biểu Quốc hội « bài trừ các tư tưởng và chủ thuyết sai lạc ». Ngô Bang Quốc nhấn mạnh là đảng Cộng sản duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ, với bộ máy lập pháp và tư pháp. Năm ngoái, nhân vật số hai vô cùng bảo thủ của đảng đã buộc các đại biểu phải long trọng tuyên bố « bác bỏ quan niệm đa đảng ». Ông ta nói : « Nếu chúng ta yếu đi, thì đất nước sẽ chìm vào vực thẳm của sự hỗn loạn ».




Càng sớm dân chủ hóa, Trung Quốc càng có lợi ?




Nhưng theo Tổng biên tập một tạp chí lịch sử ở Bắc Kinh, thì trong nội bộ đảng Cộng sản đang có một « cánh dân chủ ». Ông nhận định : « Nếu đảng Cộng sản tuân theo quy luật bầu cử dân chủ vào lúc này, thì rất có nhiều cơ hội duy trì quyền lực. Còn nếu để lâu hơn, thì sẽ càng phức tạp hơn ».




Một nhà triết học kiêm sử gia của trường đại học Trung Sơn tại Quảng Đông bình luận : « Trung Quốc không thể kháng cự được lâu dài trước các nguyên tắc của nền văn minh hiện đại. Một ngày nào đó Trung Quốc sẽ phải chấp nhận dân chủ, cac nguyên tắc công lý và tự do. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian ». Ông nói : « Về mặt kinh tế, thì Bắc Kinh đã nhượng bộ khi chấp nhận các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng trên quan điểm chính trị, thì Trung Quốc đã đề kháng bằng cách khuếch trương một dạng chủ nghĩa dân tộc, tự cho rằng mình là xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, có quá ít nhân tố xã hội tại Trung Quốc, còn ít hơn cả các nước phát triển như Pháp chẳng hạn. Hơn nữa, phần lớn các đảng viên Trung Quốc chẳng còn tin vào chủ nghĩa cộng sản nữa ».




Trấn áp để tiếp tục chính sách độc đảng




Libération nhận xét, dù vậy, đảng Cộng sản vẫn muốn là đảng cầm quyền duy nhất, bằng mọi giá. Ngân sách dành cho việc « duy trì ổn định » năm 2011 đã vượt qua ngân sách quốc phòng, và năm nay lại còn tăng lên 11%. Một phần lớn số tiền này được dùng để bóp chết từ trong trứng nước tất cả các vụ nổi dậy, hoặc để đàn áp khoảng 180.000 vụ xung đột diễn ra mỗi năm, giữa chính quyền và người dân phẫn nộ trước những bất công do các cán bộ đảng tham nhũng gây ra.




Tuy vậy, theo tờ báo cánh tả Pháp, thì cái giá phải trả là rất đắt. Theo báo cáo của China Human Rights (CHRD) được công bố vào tuần rồi, thì « Việc đàn áp chưa bao giờ mạnh mẽ như thế từ ít nhất mười năm qua. Trong năm 2011, gần bốn ngàn nhà hoạt động chính trị đã bị bắt giam », hầu hết trong những nhà tù không chính thức. Tố cáo các biện pháp giam giữ không thông qua xét xử, báo cáo cho biết cụ thể : « Có 159 tù chính trị bị tra tấn, và 20 người đã bị mất tích trong nhiều tuần lễ thậm chí nhiều tháng ».




Hy vọng về một nhà lãnh đạo sáng suốt tiến hành cải cách tại Trung Quốc, trước đây vẫn ăn sâu, nay đã tàn úa, theo như thăm dò trên đây của Global Times : chỉ có 26% người được hỏi là còn tin. Đối với 69% số người được thăm dò, thì Bắc Kinh sẽ cải cách « dưới áp lực của các phương tiện truyền thông », « các điều kiện xã hội » hay « đòi hỏi của công chúng », và 62% cho rằng các trở lực chủ yếu cho cải cách là « những lợi lộc mà các nhóm lợi ích thu được ».


Rfi





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét