Bức xúc vì bị cướp đất: một người dân đâm 2 cán bộ rồi tự sát.
Xác ông Nguyễn Văn Tưởng chết trong vụ tranh chấp đất đai ở Bình Phục, Quảng Ngãi, đang được đặt tại hiện trường xảy ra sự việc |
Tại
Quảng Nam lúc 10 giờ sáng nay, 23-3-2012, một cảnh náo loạn đã xảy ra
tại cuộc họp giữa các cơ quan chức năng xã và huyện Bình Phục với
những người dân bị cưỡng chế đất để xây dựng Trường Trung cấp Cảnh sát
giao thông tại Quảng Nam. Ngay trong cuộc họp, một người dân vì quá bức
xúc trong việc đền bù giải tỏa không thỏa đáng đã dùng dao đâm vào hai
cán bộ của đoàn công tác, khiến cuộc họp bất thành và đoàn công tác đã
phải chạy thoát ra khỏi địa bàn để gọi thêm công an đến cứu giúp.
Theo
tin tức ghi nhận được, trong lúc đang họp công bố phương án đền bù,
giải phóng mặt bằng thuộc phần đất của dân cư địa phương bị trưng thu
xây dựng trường cảnh sát, đại diện các cơ quan chức năng với người
dân đã có những vấn đề không đi đến thống nhất. Trong lúc đó, ông Nguyễn Văn Tưởng, 48 tuổi, một người dân trong xã nhiều lần đưa tay xin lên phát biểu ý kiến. Khi
được cho phát biểu và lên nhận micro, ông Tưởng đã bất ngờ rút dao ra
đâm ông Phan Ánh, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Tiếp theo,
ông Tưởng tiếp tục đâm ông Nguyễn Xuân Mai, Phó Giám đốc Trung tâm đang
ngồi bên cạnh. Sự việc xảy ra làm mọi người hốt hoảng, bỏ chạy và cuộc
họp bất thành.
Nhận được tin, công an huyện Thăng Bình đã được huy động tăng
viện đến để bảo vệ và hộ tống cho tất cả cán bộ tham gia cuộc họp rời
khỏi hiện trường. Khi công an huyện đến, ông Tưởng đã về nhà và sau đó
uống thuốc độc tự sát chết trên đường đi cấp cứu.
Trong
bản báo cáo huyện Thăng Bình gửi cho cơ quan chức năng Tỉnh Quảng Nam
ngay trong ngày, tường trình nguyên nhân dẫn đến vụ việc có cho biết là:
ông Tưởng có lô đất ở 87 m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất nhưng chưa xây dựng nhà ở, bị thu hồi và không được bố trí tái định
cư. Ông Tưởng đã làm đơn khiếu nại và được Chủ tịch huyện Thăng Bình xử
lý và đã đồng ý cấp cho ông Tưởng một lô đất trong khu tái định cư với
diện tích 100 m2 nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo qui định... Nhưng
ông Tưởng không đồng ý, và chủ tịch huyện nói "nếu không đồng ý giải
quyết của huyện thì ông Tưởng có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn".
Theo
người dân địa phương, vì quá bức xúc và không tin tưởng khiếu nại sẽ
được ở trên giải quyết, nên ông Tưởng đã đâm hai cán bộ Trung tâm khai
thác quĩ đất và tự sát để bày tỏ sự bất mãn, rồi sau đó tự sát để khỏi
bị xét xử oan ức.
Được
biết, ông Tưởng chỉ còn cha mẹ già đã ngoài 80 tuổi, lại không có vợ
con, nên việc mai táng phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con dân chúng
trong hàng xóm.
DienDanCTM (Bản tin 23-03-2012)
http://diendanctm.blogspot.com/2012/03/buc-xuc-vi-bi-cuop-at-mot-nguoi-dan-am.html
+++++
Cái chết oan uổng của một người nông dân bị mất đất
Saturday, March 24, 2012 6:09:38 PM
Vụ chém cán bộ rồi qua đời ở Quảng Nam
Liêu Thái/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) -
Câu chuyện bắt đầu từ một buổi họp dân, bàn về chuyện đền bù đất đai
của bà con ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh
Quảng Nam vào 8 giờ sáng ngày 23 tháng 3, đến 9 giờ sáng thì xảy ra
chuyện bất thường.
Anh
Nguyễn Văn Tưởng, sinh năm 1965, bỏ cuộc họp, tức tưởi chạy về nhà vác
dao sang địa điểm họp, vung dao chém hai nhân sự trong trung tâm phát
triển quỹ đất của huyện - một phó giám đốc và một cán bộ. Sau đó, anh
Tưởng vùng thoát thân, về vừa đến ngã ba quẹo vào nhà của anh thì gục
xuống bất tỉnh. Và sau đó qua đời.
Khi
chúng tôi đến thăm gia đình anh Tưởng thì mọi người bà con chòm xóm đã
ghé vào nhà đông đúc để chia sẻ, người chẻ sợi lạt, người khiêng cây
đòn, người lau chiếc quan tài... để chuẩn bị tẩm liệm cho anh.
Bên
cạnh căn nhà là bãi đất trống, đã được chuẩn bị xây dựng trường trung
cấp an ninh. Trường này sẽ loan rộng toàn bộ khu dân cư ở đây và nó cũng
là nguyên nhân của nỗi oan khiên.
Người
cha 90 tuổi của anh Tưởng ngồi bất động bên cạnh xác con, người mẹ thì
được đưa sang nhà bên cạnh để tránh bớt sốc, thi thoảng bà bị ngất,
không khí đã tang tóc còn thêm trầm trọng bởi người mẹ có nguy cơ đột tử
bất kì giờ nào vì đau xót cho con mình.
Mẹ và chị bên xác anh Tưởng được trùm chiếu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ðất bị giải tỏa, họp không được nói
Gặp
người anh trai của anh Tưởng, ông Nguyễn Văn Hoa, ông cho biết thêm:
“Ðất nhà chúng tôi thuộc diện đền bù, giải tỏa trong khu công nghiệp Tây
An, Thăng Bình, năm 2010, ban đền bù giải tỏa đến thông báo cho chúng
tôi biết và yêu cầu chúng tôi nhận đền bù giải tỏa. Chúng tôi đành chấp
nhận”.
“Mỗi
mét vuông đất thổ cư thì đền 45,000 đồng (tương đương $2.2), còn đất
ruộng thì đền bù 33 triệu đồng (tương đương $1,600) trên một sào
(500m2), và sau đó cho nhận đền bù 80% số tiền, bà con nhận tiền nhưng
chờ mãi vẫn chưa thấy cấp đất tái định cư. Ðến gần đây thì xảy ra nhiều
tranh tụng bởi sự chênh lệch về giá cả, vật liệu xây dựng... Bà con không tài nào xây lại nhà mới. Và có hàng loạt vấn đề khuất tất, chính vì vậy mà có cuộc họp dân ngày 23 đen tối này”.
Ông
Nguyễn Văn Hoa, anh ruột người quá cố, tiếp người viết bên ngoài căn
nhà, nơi bà con chòm xóm đã ghé vào nhà đông đúc. (Hình: Liêu Thái/Người
Việt)
Nói
đến đây, ông Hoa quệt nước mắt và nhờ người con trai mình kể tiếp,
người con trai ông Hoa cho biết: “Vì thắc mắc chuyện đất của mình không
được giải quyết thỏa đáng, chú Tưởng lên xin phát biểu ý kiến khiếu nại
cho 100m2 đất chưa được đền bù của mình. Nhưng chờ mãi người ta không
cho phát biểu, đến lúc chú Tưởng đưa ra lý do mình đã chờ quá lâu, đăng
ký sớm mà chờ phát biểu muộn hơn người khác, vẫn không được, ông chủ tọa
cuộc họp không cho chú phát biểu nữa”.
“Giận
quá, chú Tưởng chạy về nhà vác dao lên hù dọa nếu không cho phát biểu
chú sẽ đâm, vẫn không giải quyết được gì, chú Tưởng xông vào đâm, nhưng
vì con dao quá cùn nên không làm ai bị thương, sau đó chú Tưởng vùng
chạy thoát thân vì nghe tin có công an đến. Nhưng không hiểu sao khi chú về đến ngã ba vào nhà thì đổ gục xuống và tắt thở”.
Cha
anh Tưởng năm nay đã 90 tuổi (trái) chỉ ngồi bất động bên cạnh xác con
mình. Bên phải là người chị anh Tưởng. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Gia đình: Không có chuyện uống thuốc độc
Chúng
tôi hỏi cái chết anh Tưởng có phải là do uống thuốc độc như các báo
trong nước đã đưa tin thì được trả lời: “Không thể có chuyện uống thuốc
độc, vì nếu uống thuốc độc thì chết trong nhà, đằng này chết trên đường
chạy về nhà, chúng tôi nghĩ rằng đó là chết vì đột quị, nhồi máu cơ tim
hay gì đó chứ không thể là thuốc độc!”
“Hơn
nữa, người chết vì thuốc độc thì qua 24h đồng hồ sẽ sình to lên, mặt
mày tím tái, nhưng chú Tưởng cho đến giờ phút này, hơn 24 tiếng rồi mà
vẫn tươi tắn, thì càng không thể là chết do thuốc độc, anh không tin thì
vào đây xem!”.
Nói
đến đây, người cháu anh Tưởng dắt chúng tôi vào nhà thăm xác. Một người
làm giám định pháp y lâu năm đã bày cho chúng tôi cách biết người chết
do thuốc độc, nên chúng tôi cố gắng thử theo cách do ông chỉ. Ông nói
thường là chết bằng thuốc độc, dù là thuốc độc không mùi, nhưng khi
chết, từ xác người chết vẫn bốc ra mùi hôi nồng, rất khó thở, người
không quen đứng gần sẽ thấy ngạt thở. Và hơn hết là xác chết sẽ thâm
tím, sình to. Chúng tôi cố gắng ngửi xem thử có mùi thuốc độc thoát ra
từ xác hay không nhưng không thấy mùi nào.
Video: Ông Nguyễn Văn Hoa kể lại cái chết của em mình.
Ðiều
kỳ lạ là trên cánh tay phải anh Tưởng có một vết thương lớn, máu vẫn
còn dính đầy tay áo, nhưng khi chúng tôi hỏi người nhà về vết thương này
thì không ai giải thích được vì sao mà có.
Hơn nữa, nếu như đây không
phải là một cuộc xô xát, ẩu đả thì chỉ đơn giản anh Tưởng chết do đột
quị hoặc uống thuốc, không thể có vết thương nào.
Trong
lúc chúng tôi thực hiện phỏng vấn người nhà anh Tưởng, thì các công an
viên của xã Bình Phục vẫn đang dựng trại, dựng rạp cho người phúng điếu
phía trước sân. Dường như người nhà vẫn ngại trả lời một số câu hỏi có
liên quan đến vết thương của anh Tưởng và đặc biệt là họ tỏ ra sợ sệt,
lấp lửng trong câu trả lời về nguyên nhân cái chết của anh Tưởng.
Bãi
đất trống này là nơi chuẩn bị xây dựng trường trung cấp an ninh, nó sẽ
loang rộng toàn bộ khu dân cư ở đây. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Không chấp nhận giám định pháp y
Ðương
nhiên, trong thời gian ngắn ngủi, hỏi thăm người trong làng và tiếp cận
người thân của anh Nguyễn Văn Tưởng, chúng tôi vẫn chưa tìm hiểu được
cặn kẽ tình tiết cái chết của anh. Thiết nghĩ nếu tìm hiểu cũng chưa
chắc được gì vì cái chết của anh vẫn còn là ẩn số với cả người trong gia
đình.
Gia
đình anh Tưởng không chấp nhận giám định pháp y, vì theo lời ông Hoa
giải thích: “Chết cũng đã chết rồi, mà ai giám định, giờ mình dân quê,
có biết ất giáp chi mô, họ mổ xong rồi nói chi mình nghe nấy, mình dân
thấp cổ bé họng, nói ai nghe! Làm vậy thêm tội em mình, nó phải chết hai
lần, thôi thì chôn nó cho đủ nghĩa tình anh em vậy!”
Chuyện
đất, giải tỏa và đền bù đất ở cụm công nghiệp Tây An, Thăng Bình, Quảng
Nam là một câu chuyện dài, và những tiếng than của bà con dân nghèo bị
mất đất canh tác, bị dồn vào một khu tái định cư nhỏ hẹp, không có cơ
hội làm ăn sinh sống... cũng dài không kém.
Cái
chết của anh Nguyễn Văn Tưởng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về
chuyện đất và người, cái chết như một tiếng kêu thảm thiết của người dân
nghèo bị thiệt thòi và tăm tối, không lối thoát.
Video: Ông Nguyễn Văn Hoa kể chuyện bị mất đất
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146365&zoneid=307
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét