Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Với mức án 20 năm tù dành cho "con cưng", ở trong nước có nhận định rằng ông Phạm Thanh Bình vẫn có thể hy vọng ra tù sau vài năm.

Một số người trong ngành dẫn lại vụ ông Ngô Đình Quý, Tổng giám đốc Liên hiệp đóng tàu Việt Nam, bị bắt năm 1993 vì tội tham ô, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Ông Quý sau đó bị kết án 20 năm tù, nhưng được tự do sau 5 năm.


+++++




Khi "con cưng" nhận án tối đa


Các bị cáo vụ Vinashin ra tòa ở Hải Phòng


Bê bối Vinashin bị cho là đã bộc lộ những vấn đề lớn hơn của kinh tế Việt Nam

Ngày thứ Sáu tuần qua có các sự kiện quan trọng với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam 
(Vinashin).


Vào hôm 30/03, ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinashin bị tòa kết án mức án tối đa 20 năm tù trong phiên xử ở Hải Phòng về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tám người khác bị các án tù từ ba đến 19 năm.
Vào cùng ngày, các hãng tin tài chính nước ngoài là Bloomberg và Financial Times thông báo về việc một trong các chủ nợ từng kiện Vinashin ra tòa ở London vì không trả nợ đáo hạn đã "thôi kiện".


Bloomberg cho hay một luật sư đại diện cho Elliott Associates LP, một trong khoảng 20 chủ nợ trong hợp đồng cho Vinashin vay 600 triệu đôla, nói với hãng này rằng thân chủ của họ thôi kiện Vinashin trong khi Financial Times xác nhận tin này nhưng nói người phát ngôn của quỹ đầu tư Elliott từ chối bình luận liệu đã có sự dàn xếp nào ngoài tòa hay không.


Bằng việc tuyên án mức tối đa cho ông Phạm Thanh Bình và những bị cáo khác, chính phủ Việt Nam kể như muốn gửi đi thông điệp mạnh tới các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước đã và đang được ưu đãi về nhiều mặt (đất, vốn, môi trường kinh doanh và cạnh tranh, v.v...)


Chính phủ Việt Nam, mặc dù hạn chế số lượng phóng viên nước ngoài tới đưa tin phiên xử, cũng muốn trấn an giới đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài về nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là cam kết cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.


Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra nghi ngờ mức độ nghiêm túc của nỗ lực này.


"Chiến lược cải cách của chính phủ dường như không ưu tiên siết chặt khâu quản trị doanh nghiệp hoặc tăng cường tính minh bạch".


"Thị trường cũng dường như không phạt Việt Nam khi Vinashin không trả nợ đáo hạn", ông Jonathan Pincus, Hiệu trưởng Chương trình Kinh tế Fulbright tại Tp HCMC được Reuters dẫn lời.




'Đưa tiền tận nơi'



Ông Bình nói ông làm tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể.




Trong khi đó trả lời BBC trước phiên xử Vinashin, nhà quan sát Nguyễn Quang A từ Hà Nội mô tả điều ông gọi là "Có lẽ cái sai cốt lõi của vụ Vinashin là ở đường lối phát triển kinh tế của Đảng Cộng Sản Việt Nam bởi đã đặt nền kinh tế nhà nước làm chủ đạo trong nghị quyết Đại hội Đảng".


"Với đường lối như thế thì người ta tạo ra các tổ chức kinh tế như Vinashin, vì những tổ chức như thế này hoạt động để phục vụ mục đích chính trị mà người ta đặt ra cho nó chứ không phải để làm ăn có lời, chưa kể đưa người không có năng lực vào làm việc, dẫn đến nhiều thứ méo mó, lộng hành".


"Những doanh nghiệp như Vinashin được ưu ãi ở mức người ta đưa tiền vào đến tận nơi để họ sử dụng".


"Nếu chính phủ Việt Nam không ưu ái cho Vinashin như muốn lấy đất ở đâu thì lấy, lệnh cho các ngân hàng phải cho Vinashin vay, thì cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế này",
"Giới lãnh đạo Vinashin cũng có lỗi chứ không phải là không nhưng họ thực ra chỉ là người thừa hành", ông Quang A nói.



"Nếu chính phủ Việt Nam không ưu ái cho Vinashin như muốn lấy đất ở đâu thì lấy, lệnh cho các ngân hàng phải cho Vinashin vay thì cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế này"
Nguyễn Quang A




Đánh giá về phiên xử cũng như nỗ lực chỉnh đốn của Đảng, ông Quang A nói "Tôi không tin nhiều lắm, nếu xét về những gì đã diễn ra trong lịch sử thì phiên tòa cũng không gây ra sự chuyển biến gì nhiều".


Trong lời nói cuối trước tòa, ông Phạm Thanh Bình được trích dẫn nói “có những lúc nóng vội, thậm chí có những lúc ‘xé rào’ làm sai quy định của Chính phủ nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, không vì tính cá nhân nào”.


Hiện cũng có nhận định từ trong nước rằng ông Bình vẫn có thể hy vọng ra tù sau vài năm vì vụ ông Ngô Đình Quý, Tổng giám đốc Liên hiệp đóng tàu Việt Nam, bị bắt năm 1993 vì tội tham ô, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước bị kết án 20 năm tù nhưng được tự do sau 5 năm.


Vụ bê bối Vinashin khơi dậy lời kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bảo hộ cho tập đoàn Vinashin.


Gần đây, Thủ tướng Dũng có lần nhận trách nhiệm trên sóng truyền hình trong nước nhưng nói rằng ông "không ra quyết định nào sai" liên quan bê bối ở Vinashin.


"Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai," ông Dũng nói vào tháng 12 năm ngoái.



Bbc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét