Phỏng vấn bác Trần Văn Huỳnh về những nỗ lực vận động tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức
Dân Làm Báo (DLB): Trước hết cháu xin hỏi thăm sức khỏe gia đình bác và anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Bác Trần Văn Huỳnh (TVH): Xin cảm ơn DLB, tôi và gia đình vẫn
khỏe dù cuộc sống có khó khăn hơn. Cách đây khoảng một tháng gia đình có
đi thăm Thức, thấy Thức vẫn mạnh khỏe và lúc nào cũng tươi cười, làm cả
nhà rất phấn chấn.
DLB: Gia đình có cảm nhận được vì sao anh Thức lạc quan như vậy không ạ?
TVH: Trước hết đó là tính cách Thức lâu nay luôn lạc quan tỉnh
táo trước mọi khó khăn thử thách. Khi còn chưa vào tù, Thức nhiều lần
đối mặt với những tình huống ngàn cân treo sợi tóc nhưng vẫn bình thản
vượt qua nó. Thứ hai là có lẽ xuất phát từ khả năng nhận định tình hình
của Thức. Trong thư viết về nhà lâu nay, Thức luôn động viên gia đình
hãy cố gắng vượt qua khó khăn và cho rằng tình hình kinh tế xấu nhất sẽ
mau chóng qua đi trong năm nay và năm sau. Tôi cũng đọc thấy những dự
báo như vậy của Thức trong quyển sách Con đường Việt Nam. Những dự báo đó đã rất đúng về hiện trạng như hiện nay, nên tôi cũng tin vào những phần tương lai của nó.
DLB: Nhưng như thế có lạc quan quá không thưa bác? Tình hình hiện nay đang rất xấu và nhiều người nói vẫn chưa tới đáy.
TVH: Quả thật là tôi không đủ chuyên môn để hiểu hết những phân
tích dự báo sâu sắc của Thức về kinh tế, chính trị, xã hội nhưng tôi tin
vào khả năng này của Thức, qua thực tế những gì đã xảy ra trong một
thời gian dài, từ việc điều hành kinh tế vi mô đến phân tích vấn đề và
đưa ra các giải pháp kinh tế vĩ mô.
DLB: Dù sao thì người dân cũng mong kết quả sẽ như anh Thức dự
báo. Trong nhiều tháng qua, bác đã rất kiên trì gửi thư đến các giới
chức nước ngoài để vận động việc trả tự do cho anh Thức và một số tù
nhân chính trị. Ngoài những phản hồi của họ mà bác đã đăng tải, rộng
rãi, còn có những kết quả nào khác mà bác có thể chia sẻ với độc giả
không ạ?
TVH: Trước hết tôi xin cảm ơn DLB và thông qua cuộc phỏng vấn này
xin cảm ơn đến tất cả các phương tiện thông tin đại chúng khác đã giúp
tôi nhiệt tình trong cuộc vận động này. Nhờ vậy mà nó đã nhận được nhiều
sự ủng hộ tích cực.
Thứ nhất, trong thời gian qua đã có sự hình thành của rất nhiều nhóm vận động khác nhau tự nguyện hỗ trợ
để thúc đẩy cho cuộc vận động của chúng ta. Đây là điều rất thiết thực
vì nó tạo nên một sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng quốc tế, và vì tầm
vận động đã được mở rộng ra nhiều nước khác nhau bởi các nhóm tự nguyện
ở tại các nước đó.
Thứ hai đó là sự phản hồi chính thức từ nhiều cơ quan ngoại giao và quan chức nước ngoài
đối với đề nghị của tôi. Họ trả lời thẳng thắn, rõ ràng, không tránh né
và cũng không tạo ảo giác hứa hẹn. Nhưng qua đó thể hiện một thái độ
nghiêm túc, chân thành, một lối ứng xử văn minh với con người, và trên
hết là thể hiện một sự cam kết tích cực, đến cùng của họ đối với điều mà
tôi đề nghị. Đó là sự xác nhận về tính đúng đắn của những việc mà tôi
vận động.
DLB: Bác có thể đơn cử vài trường hợp cụ thể?
TVH:
- Phản hồi của Tổng vụ đối ngoại Châu Âu và bộ Ngoại giao Đan Mạch mà tôi đã phổ biến.
- Một chi hội của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International)
tại Mỹ đã hình thành nên nhóm vận động thả tù nhân chính trị tại Việt
Nam. Nhóm này đã hình thành nên một chương trình thỉnh nguyện gửi cho
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Các bạn có thể tham
khảo và ủng hộ chương trình này tại đây: http://www.change.org/petitions/the-release-of-political-and-religious-prisoners-and-detainees-in-vietnam.
Cũng người của nhóm này đã vận động trực tiếp đến các Thượng nghị sĩ Mỹ
cho những bức thư mà tôi gửi cho họ. Kết quả nhận được nhiều phản hồi
tích cực từ những nghị sĩ này. Ví dụ ngày 2 tháng 4 vừa rồi TNS Richard G. Lugar của bang Indiana đã phản hồi như sau: “Tôi
sẽ tiếp tục phối hợp với các quan chức Mỹ và Việt Nam thúc giục việc
trả tự do cho các tù nhân chính trị ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Trung, Trần
Huỳnh Duy Thức, và những người khác đề cập trong bức thư của ông Trần
Văn Huỳnh là những người thuộc những các trường hợp nổi bậc nhất.”
- Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã trao
đổi nhiều lần với tôi và xác nhận là đã xây dựng hồ sơ để bảo vệ và vận
động cho tự do của Thức. Có lẽ ai cũng biết uy tín và khả năng ảnh hưởng
của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế này.
- Một nhóm vận động dân chủ ở bang Oregon Mỹ cũng đã giúp tôi trực tiếp gửi thư của tôi đến TNS Jeffrey A. Merkley và đã nhận được phản hồi vào ngày 5 tháng 4 của ông như sau:
“Cảm ơn đã liên lạc và chia sẻ cho tôi về trường hợp cầm tù Trần Huỳnh
Duy Thức ở Việt Nam. Tôi rất hoan nghênh được nghe từ ông. Tôi hiểu
những quan ngại của ông và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các quyền
con người cơ bản và công bằng cho mọi người dân ở cả trong lẫn ngoài
nước... Xin được đảm bảo rằng tôi sẽ tiếp tục giám sát công lý quốc tế
nhằm vào những xâm phạm quyền con người ở Việt Nam. Nếu có các dự luật
về vấn đề này hoặc bất kỳ vấn đề khác về nhân quyền được đưa ra trước
Thượng viện, tôi chắc chắn sẽ ghi nhớ để xem xét nó bằng quan điểm của
ông.”
- Trong nước thì có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng đã rất tích
cực vận động cho Thức dựa vào các quan hệ với giới chức nhiều nước của
ông và cũng gây được ảnh hưởng rất tốt.
DLB: Trong thư của bác, bác không chỉ đề cập đến anh Trần
Huỳnh Duy Thức mà còn đề nghị cho nhiều trường hợp khác. Nếu có ai hỏi
bác căn cứ vào đâu mà yêu cầu cho họ, thì bác sẽ nói sao?
TVH: Thứ nhất, đơn giản là ai cũng có quyền có quan điểm riêng
của mình và bảo vệ quan điểm đó dù nó có khác biệt với quan điểm của nhà
nước hoặc của những người thuộc bộ máy nhà nước đi nữa. Thứ hai, những
trường hợp mà tôi nêu ra là những trường hợp mà các cơ quan ngoại giao
nước ngoài và các quan chức của họ đã lên tiếng bảo vệ, và yêu cầu nhà
nước Việt Nam trả tự do cho họ. Nhưng những người này đâu có bị bắt tội
gì mà còn được đón tiếp long trọng khi họ vào Viêt Nam.
DLB: Ở trên bác có đề cập đến chương trình thỉnh nguyện đến
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Amnesty, bác có
thể cung cấp thêm chi tiết?
TVH: Đây là một cuộc vận động của Amnesty International Association at Indiana University, một chi hội chính thức của tổ chức Amnesty International tại trường đại học Indiana, có website là http://www.wix.com/iuamnesty/home# và Facebook là https://www.facebook.com/iuamnesty
Nhóm này đang liên lạc với Amnesty International USA để phổ biến
chương trình thỉnh nguyện này rộng rãi hơn. Amnesty International là một
tổ chức làm việc rất hiệu quả, và có quy củ tổ chức rất chặt chẽ.
DLB: Xin cảm ơn bác về cuộc phỏng vấn này. Chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe và chân cứng đá mềm như anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét