Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Sau 37 năm "thống nhất", sau 37 năm miền Nam có đảng, nước Việt ra sao? Tại sao chiến tranh chấm dứt lâu rồi mà lòng thù hận vẫn chưa nguôi?








ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ HÒA HỢP DÂN TỘC


Nhớ lại 37 năm trước, ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi hòa trong dòng người Hà Nội trôi bồng bềnh trên các đường phố với một niềm vui sướng tưởng như bất tận: Sài Gòn giải phóng rồi ! Cả Hà Nội đổ ra đường. Một hãng thông tấn nước ngoài đưa tin: Hôm nay Hà Nội là thành phố vui nhất thế giới!



Niềm vui nào rồi cũng qua đi… cho đến bây giờ. Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, chương trình thời sự VTV lại vang lên giai điệu hào hùng của bài ca “giải phòng Miền Nam” quen thuộc tự thuở nào. Nhưng lòng tôi thì đã lạnh lùng. Tôi đang là công dân của Sài Gòn. Và tôi thấu hiểu câu nói của ông Võ Văn Kiệt – người con ưu tú của miền Nam: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Ông Võ Văn Kiệt được dân Sài Gòn – nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ – yêu mến, kính trọng nhiều hơn bởi câu nói đầy “chất Người” đó. Còn tôi, tôi muốn gọi ông là “người Cộng Sản có trái tim”.


Thế hệ những người như tôi sinh ra cùng Cách mạng tháng Tám, cùng nhà nước Dân chủ Cộng hòa. Cả một thời lịch sử oanh liệt và bi thương đi qua mái tóc bạc cùng cả một đời mong mỏi. Thời kháng chiến 9 năm thì mong đến “Ngày Độc lập”, sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thì lại mong đến “ngày Thống nhất”. Rồi ngày ấy cũng đến, ngày 30 tháng Tư năm 1975 được coi là ngày thống nhất đất nước.


Báo chí ngày ấy nhắc đi nhắc lại câu: “Non sông đã thu về một mối”. Nhưng ít người để ý rằng “lòng người còn trăm mối ngổn ngang”. Người giải phóng trong cơn say chiến thắng cứ đinh ninh nghĩ rằng mình “chiến đấu và chiến thắng kẻ thù” mà có biết đâu là mình “chiến đấu và chiến thắng đồng bào của mình”.


Hai người lính trẻ từ hai chiến tuyến



Tôi viết đến đây thì bỗng nghe trong một chương trình truyền hình Trọng Tấn đang hát bài “Đất nước trọn niềm vui”. Tôi muốn hỏi nhạc sĩ Hoàng Hà – tác giả ca khúc này – phải chăng ông đã viết ra nhạc phẩm ấy trong một tâm trạng phấn khích ngây thơ? Vì ông ở trong phe chiến thắng nên ông không nhận ra “có hàng triệu người đang buồn” và thế nên “đất nước chưa trọn niềm vui”.



Tôi cứ tự hỏi tại sao ngày ấy chúng ta phải giam giữ hàng vạn đồng bào (sỹ quan binh lính Việt Nam cộng hòa) khi họ đã buông súng đầu hàng? Những nhà tù được gọi là “trại cải tạo” ấy chẳng những không “cải tạo” được ai mà còn chuốc thêm thù oán. Tại sao chúng ta lại để cho hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi khiến ngôn ngữ loài người có thêm từ ngữ “thuyền nhân”? Tại sao chúng ta lại chiếm đoạt các nhà máy, cửa hàng… của các công dân trong cái gọi là “cải tạo tự bản tư doanh”?



Tại sao?


Lại nghĩ, nếu như lúc ấy trong tư thế người chiến thắng, chúng ta hành xử với các đồng bào của mình (những người ở phía bên kia) được như người Tây Đức đối đãi với người Đông Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì tình thế có lẽ đã khác biết bao? Nhưng chúng ta đã không đủ văn hóa để ứng xử văn minh như người Đức. Thực tế là chúng ta đã hành xử hà khắc nếu không muốn nói là vô luân. Và vì thế mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc càng thêm căng thẳng.



Tuy thế vấn đề hòa hợp dân tộc cũng đã được đặt ra. Nhà nước Việt Nam cũng đã có những chính sách ngày càng cởi mở hơn, tạo điều kiện cho kiều bào đóng góp với quê hương đất nước. Nhưng những gì đã có là chưa đủ. Đâu đó vẫn còn những quy định, những phát ngôn, những việc làm chưa thấu suốt tinh thần hòa hợp.



Theo thiển nghĩ của tôi, chỉ trừ những kẻ phản quốc, còn tất cả những người có huyết thống thuộc 54 dân tộc Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, đều là thành viên của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. 


Không thể có chuyện tất cả 90 triệu nhân dân đều có chung một quan điểm chính trị, đều có chung một cách nhìn nhận. Ngay cả lòng yêu nước cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau. Cho nên để hòa hợp dân tộc thì phải chấp nhận sự khác biệt, vượt lên trên những khác biệt, kể cả sự khác biệt về chính kiến, để tất cả mọi công dân đều có cơ hội chung sức chung lòng xây dựng đất nước Việt Nam.


Sự hòa hợp dân tộc trong một quốc gia còn thể hiện ở chỗ đại bộ phận nhân dân ủng hộ chính quyền, ủng hộ người lãnh đạo mình.


Muốn đạt được như vậy thì chính quyền phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, không có cách hành xử chống lại nhân dân. Những vụ việc không tốt đẹp xảy ra ở Tiên Lãng, Văn Giang và nhiều nơi khác vừa qua đã làm cho lương tâm nổi giận, sẽ tiếp tục dẫn đến sự đối đầu trái với tinh thần hòa hợp dân tộc mà tất cả mọi người dân đều tha thiết.


Hòa hợp dân tộc chỉ có thể có được trong một chính thể cởi mở, có nhiều tổ chức xã hội quy tụ nhân dân. Chính quyền và nhân dân cùng phấn đấu cho một mục tiêu chung. Nó đòi hỏi phải có sự minh bạch để nhân dân tin tưởng là chính quyền trong sạch, tin tưởng sự đóng góp của mình là để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là để giúp đỡ cộng đồng chứ không phải để nuôi béo một nhóm người. Do đó hòa hợp dân tộc còn dựa trên tinh thần phản biện để tìm ra chân lý, tránh mê tín, sùng bái cá nhân hoặc tâm lý “đám đông”.


Hòa hợp dân tộc là con đường sáng, là nguyện vọng của toàn dân. Hòa hợp dân tộc chỉ có “được”. Nhưng chỉ những ai không sợ “mất” thì mới mong muốn thôi. Đúng thế không các bạn ? 
BÙI CÔNG TỰ 



http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/04/bui-cong-tu-oi-ieu-suy-nghi-ve-hoa-hop.html?spref=fb






++++++++






XEM THÊM


37 năm thống nhất! 37 năm miền Nam có đảng!




“Đêm chong đèn, ngồi nhớ lại, 
từng câu chuyện ngày xưa...” (*)




Có cuộc chiến nào mà hai bên không bắn giết nhau, không thù hận nhau? Tại sao chiến tranh chấm dứt lâu rồi mà lòng thù hận vẫn chưa nguôi? 



37 năm đã qua. Ngày ấy, người dân hai miền, người lính hai bên nghĩ rằng từ đây anh em thôi chém giết nhau, giả từ vũ khí, tiếng súng đã ngưng và thời chết chóc đã qua.



Ai không mơ ước thanh bình khi cuộc chiến dữ dội, đẫm máu đã chấm dứt? Người lính, dù đứng bất cứ bên nào thì cũng là người Việt Nam, họ chính là những người mơ ước cuộc sống thanh bình mãnh liệt nhất. 



Phải chi ngày ấy, đảng làm đúng lời đảng nói “giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua, chỉ có nhân dân là người chiến thắng” (**). 



Phải chi ngày ấy, đảng hàn gắn vết thương trong lòng từng người, từng gia đình, cùng nhau xây dựng lại những tan vỡ trên hai miền đất nước. 



Nhưng không, đảng đã say men “chiến thắng miền Nam” như thú say máu con mồi, đảng xây thêm nhà tù, dựng trại cải tạo và nhân danh kẻ chiến thắng, đập hết, phá hết, bất chấp đúng sai, hay dở. 



Phải chi ngày ấy, đảng đừng lấy hận thù đối xử với nhau, đừng đẩy người thua cuộc đi cải tạo không biết ngày về, đừng buộc gia đình họ đi kinh tế mới để mặc sống chết; Đừng lấy cớ cải tạo xã hội, cải tạo tư tưởng, phân chia nhân dân ra thành phần này thành phần nọ để rồi dựng lên một xã hội, mà chung quy, trong đó chỉ có hai thành phần chính là “có công” và “có tội” với cách mạng - cuộc “cách mạng vô sản” do đảng CS tiến hành từ năm 1954. 



37 năm đã trôi qua, quê hương Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn phải bị ngụp lặn trong vũng lầy ý thức hệ XHCN. Cùng bằng thời gian này, nước Nhật, một đất nước tan hoang sau đệ nhị thế chiến đã trở thành cường quốc thế giới. Cũng bằng thời gian này, nhiều nước ở Châu Á, nghèo hơn miền Nam Việt Nam năm 1975, đã vươn lên thành rồng. 



Nếu dân tộc chúng ta đừng bị áp đặt phải theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cái chủ nghĩa mà ngày xưa, chính cha đẽ nó khi đến cuối đời đã muốn tìm cách chối bỏ vì tính mâu thuẫn của nó và ngày nay, bị loại người lên án là chủ nghĩa diệt chủng. 



Nếu đất nước chúng ta không bị ép buộc phải xây dựng XHCN, cái xã hội mà ngày nay chỉ còn rất ít người theo mà ngay chính đảng CS cũng mơ hồ không biết nó như thế nào? 



Nếu lời xin lỗi nhân dân của lãnh đạo đảng CS và những giọt nước mắt muộn màng của Hồ Chí Minh sau cuộc cải cách ruộng đất làm chết oan hàng trăm ngàn người miền Bắc năm 1954, đảng CS hiểu ra rằng xây dựng XH theo lối đấu tranh giai cấp và chuyên chính bạo lực của chủ nghĩa cộng sản chỉ đem đến đau thương, tan vỡ cho dân tộc thì ngày nay hiện tình đất nước có lẽ khác hơn chăng? 



Đảng CS không phải là những con thú hoang man rợ mà tại sao lại đối xử bất nhân với người bại trận và với chính đồng bào mình? Chỉ vì đảng CS là những con người bệnh hoạn, bệnh hoạn đến mất nhân tính do tôn thờ lý tưởng cộng sản. 



Lý tưởng CS đã làm cho lãnh đạo đảng CS có những suy nghĩ mê muội lệch lạc khác với suy nghĩ bình thường của con người, của dân tộc. 



Chính vì cùng lý tưởng CS mà đảng thờ ơ khi Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Sự bệnh hoạn đó càng tăng khi đảng ra tay đàn áp những người phản đối Trung Quốc ức hiếp ngư dân. 



Hành động đàn áp những người yêu nước phản đối sự xâm lược của Trung quốc là hành động đàn áp truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Mà từ trước đến nay, thành tích của đảng không phải là phá vỡ truyền thống dân tộc hay sao? 



Ngày 30/4/1975, đảng CS mới là kẻ chiến thắng chứ không phải nhân dân hay những người đã hy sinh xương máu cho sự chiến thắng đó. 



Từ ngày ấy, đảng đã độc quyền thâu tóm mọi thứ vào tay đảng, từ tư tưởng, quyền lực chính trị đến quyền lợi kinh tế. Đảng tha hồ áp đặt, chia chác và ban bố cho những kẽ, kể cả tôn giáo mà đảng xem là thuốc phiện, nếu phục tùng đảng. Đảng có phục vụ nhân dân không? câu trả lời là KHÔNG. 



Hãy nhìn hiện tình đất nước hiện nay thì rõ. Nền kinh tế lạc hậu chỉ có bề nỗi và gần như hoàn toàn lệ thuộc nước ngoài. Sau 37 năm, các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn phải lệ thuộc 80% nguyên liệu nhập khẩu. Các tập đoàn kinh tế Nhà nước sử dụng tới 45% vốn toàn xã hội nhưng chỉ để chia chác với nhau quyền lợi và quyền lực, đóng góp rất ít cho xã hội. 



Các tập đoàn kinh tế đó, con đẻ của đảng và nhà nước, đã thao túng nền kinh tế với sự giúp sức của cơ chế định hướng XHCN và sự che chở của lãnh đạo đảng CS, nó là nguồn tiền của lãnh đạo. Nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát làm cho đời sống nhân dân khốn đốn hiện nay mà chưa có cách nào khắc phục nỗi. 



Ngân hàng được mở ra chủ yếu là để góp vốn phục vụ các tập đoàn này, là nguyên nhân gây thiếu thanh khoản, giết chết các doanh nghiệp tư nhân, gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng trong xã hội và làm cho nông dân thấp cổ bé miệng chịu thiệt thòi, suốt đời thiếu nợ, không thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. 



Tham nhũng, nói láo và phong bì lót tay đã trở thành văn hóa giao lưu trong cuộc sống hàng ngày. 



Nạn cướp đất của dân tràn lan từ Nam ra Bắc không có gì kiểm soát hay kiềm chế được vì nạn phe nhóm và tham nhũng. 

Từ 30/4/1975, 37 năm đã trôi qua, người dân chuyển từ sống trong sợ hãi sang sống trong vừa bất an vừa sợ hãi. Bất an trong mọi lãnh vực, từ thời tiết, môi trường, văn hóa, đạo đức xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, giao thông cho đến y tế. Người sống đã thế, người chết cũng không thoát ra được, những vụ cưỡng chiếm, san bằng đất nghĩa trang là một thí dụ. 



Ngày nay đảng CS không còn có thể đỗ thừa cho “tàn dư Mỹ Ngụy”, cho “thực dân, đế quốc” cho “cấm vận kinh tế” được nữa vì đảng biết chính đảng là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, nghị quyết 4 về “chỉnh đốn đảng” vừa rồi là một minh chứng cụ thể nhất. 



Ngày nay “cách mạng vô sản” không còn hiệu nghiệm vì đảng đã quá giàu rồi. Cái nghèo, cái khốn khổ của dân thì ai cũng biết, nhưng cái giàu của lãnh đạo đảng đang nằm ở đâu đó thì khó ai mà biết được. 

Lá bùa đạo đức Hồ Chí Minh thì lại bị chính lãnh đạo và đảng viên cao cấp của đảng làm phá sản. Đảng bây giờ nhìn đâu cũng thấy “phản động”, cũng thấy “nguy cơ diễn biến hòa bình”, đảng chỉ còn biết dựa vào sự gian xảo, lưu manh của bọn Mafia xã hội đen và bạo lực của công an “nhân dân” để bảo vệ mình. 



37 năm thống nhất cả nước dưới sự lãnh đạo của đảng CS, đất nước Việt Nam chỉ còn là những khẩu hiệu. Một trong những khẩu hiệu thể hiện rõ nét nhất bản chất của đảng CS là khẩu hiệu “Công An Nhân Dân Còn Đảng Còn Mình”. 



21/04/2012 



____________________________________

(*) Trịnh Công Sơn - Huyền Thoại Mẹ

(**) Ngày 1.5.1975, khi gặp Đại tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cuối cùng, tại dinh Độc Lập, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố: “Giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua, chỉ có nhân dân là người chiến thắng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét