Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Người dân lo sợ, muốn tản cư vì động đất liên tục Thủy điện Sông Tranh 2 . Ai nói an toàn, hãy dọn về gần Sông Tranh 2 mà sống!




Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012

Thủy điện Sông Tranh 2: Động đất liên tục, người dân lo sợ, muốn tản cư

Công nhân đang sửa đập thủy điện Sông Tranh 2 - miền trung Việt Nam (Ảnh chụp ngày 21/03/2012)
REUTERS

Thụy My

Hôm nay, 09/09/2012, tại khu vực thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam lại liên tục xảy ra hai vụ rung chấn mạnh có kèm theo tiếng nổ.

Như vậy từ tối 03/09 đến nay, đã có ít nhất 12 vụ động đất tại khu vực gần đập thủy điện Sông Tranh 2. Người dân tại chỗ hết sức lo sợ, nhiều người mong muốn được tản cư.


Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, một người dân Bắc Trà My đã cho biết chi tiết như sau :


Một người dân Bắc Trà My - 09/09/2012

09/09/2012

Nghe (04:59)





Tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 ở Trà My, đến giờ phút này – chiều hôm nay – thì các ban ngành như ngành quân sự, tức là Bộ Tư lệnh Quân khu 5, rồi kể cả các nhà khoa học, cũng lên đây. Sáng nay thì cũng có động đất nhưng mà nhẹ chứ không nặng, không có lớn như mấy bữa 4,2 độ Richter vừa rồi, nói chung là có chấn động đấy.

Bà con họ rất hoang mang. Nhà nào mà cấp 4 thì cũng bị rung rồi nứt, chứ còn chưa có ảnh hưởng gì tới cuộc sống hay là tính mạng, đe dọa này khác. Nhưng mà về mặt tư tưởng đối với dân thì họ sợ, hoang mang, kể cả cấp lãnh đạo của huyện cũng đang rất lo, lo lắm ! Họ cũng đang đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, tìm mọi biện pháp.

Chứ còn như thế này thì đối với dân, thực sự mà nói, ví dụ như một hai lần họ còn chịu được, nhưng mà đây đã quá nhiều lần ! Tức là từ bữa đó đến nay đã có 42, 43 rung chuyển rồi. Như thế thì không biết về lâu dài sẽ như thế nào.

Các nhà khoa học trả lời vẫn bảo đảm an toàn. Nhưng mà theo tôi, cái đập chính sẽ không thể vỡ, nhưng mà ngược lại, bên phải và bên trái, giữa kết cấu bê-tông với đất, thì chuyện đó sẽ xảy ra. Tức là hai cánh sẽ bị phá vỡ, cánh đi lên dòng sông thì bên phải, nhưng mà bên trái sẽ sụp xuống, kéo lại bên phải, bởi vì kết cấu vô mà - để gãy bê-tông là rất khó, lẽ dĩ nhiên là nó có nứt nẻ nhưng sẽ xảy ra như thế.


RFI : Các vụ động đất diễn ra như thế nào ?

Tức là nó rung chuyển, cả vùng đều bị rung chuyển, nhà cửa thì có thể mình để ly nước hay vật gì khác trên bàn rung hết, bị đổ ngã.


RFI : Mỗi lần như vậy người dân có chạy ra khỏi nhà không ?

Chạy chớ sao không chạy ! Bà con cứ chực chạy chứ đâu có dám ở đó, nghe rung cái là chạy ra khỏi nhà liền chớ. Nói chung đa số người dân hiện nay là tư tưởng hoang mang. Bà con rất, rất hoang mang về việc này. Nếu thủy điện tích nước nó sẽ xảy ra nữa.

Bởi vì sao ? Nếu động đất, nó sẽ phá vỡ cái « cánh gà » của đập, tức là hai bên. Vì hai bên đập vô trong núi, việc sạt lở sẽ xảy ra. Nhất là bên tây, hiện nay gọi là đường DT616, nếu mà có động đất hay là lũ chặn dòng lớn ; có lũ, có mưa hai ngày đến ba ngày thì nước sẽ bung theo đường đó. Nước sẽ không phá vỡ đập, nhưng phá vỡ cái vai của đập.

Đường DT616 là đường đi lên trên ngọn sông, đất bên trái là đất rất yếu. Nó đã nứt rồi, vì là đất đã có nước sình ra từ hồi xưa tới giờ rồi, nhưng mà mỗi lần thì lại bị trục đất, vì đất rất yếu. Nói chung là không bảo đảm được nếu sự cố xảy ra - tức là động đất. Đập thì không vỡ, nhưng giữa vai đập vô trong đất liền sẽ vỡ. Điều đó là chắc chắn.


RFI : Nếu vai đập vỡ như ông nói thì sẽ có ảnh hưởng gì ?

Nếu mà đập vỡ thực sự, nói chung là sinh mạng con người thì ít nhất cũng thiệt hại, ảnh hưởng cỡ sáu, bảy trăm nghìn người. Nhất là toàn bộ hạ lưu sẽ bị hết, nó cuốn chiếu mấy huyện luôn. Dân số ở dọc sông hiện nay sẽ bị cuốn trôi hết. Đó là tính mạng, chứ chưa nói tài sản, của cải.

Bởi vì cao trình của nó tới 195 m, mức lũ bình thường lúc chưa làm thủy điện. Chỉ cần lũ một ngày thôi là ở dưới đã thiệt hại biết bao nhiêu rồi, huống chi cái này nếu bị vỡ đi nó sẽ phá kể cả đập thủy điện Sông Tranh 3 nữa.


RFI : Như vậy đồng bào sống xung quanh có nghĩ tới chuyện di cư đi nơi khác không thưa ông?

Thì cũng đang tính. Hiện nay di cư là di cư tự do. Sáng nay bên quân đội họ đã tới tính toán để di cư dân. Bên quân đội đã khảo sát, xem xét địa hình để di tản dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng mà quyết định ngày nào thì chưa. Quyết định của ai thì chưa, chủ trương di cư thì chưa, nhưng hiện nay thì như thế. Còn riêng địa phương, đối với huyện thì họ muốn để di cư dân.


RFI : Trước tình hình bất an như vậy thì người dân cũng như chính quyền địa phương có ý định kiến nghị cho ngưng kế hoạch đập thủy điện Sông Tranh 2 không ?

Hiện nay chính quyền địa phương họ vẫn đề nghị là thứ nhất, phải bảo đảm an toàn đối với sinh mạng nhân dân địa phương, thứ hai là phải ổn định cuộc sống cho dân. Chứ còn để cho dân hoang mang này khác, nó sẽ ảnh hưởng cả về mặt chính trị rồi kinh tế của dân, nhứt là về mặt kinh tế. Dân bây giờ không có tư tưởng làm ăn gì thì làm sao.

Đó là cái điều hiện nay đang trăn trở về khó khăn của địa phương. Mà địa phương thì với tầm tay không được, đang đề nghị cấp trên thôi. Kể cả EVN, tập đoàn nước ngoài họ cũng khẳng định là bảo đảm được, không có gì. Nhưng mà về mặt tư tưởng, họ nói vậy nhưng dân thì đang hoang mang lắm, kể cả cấp lãnh đạo huyện thì họ rất hoang mang về chuyện này.

RFI : Xin rất cảm ơn ông.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120909-thuy-dien-song-tranh-2-dong-dat-lien-tuc-nguoi-dan-lo-so-muon-tan-cu

_____________

Ai nói an toàn, hãy dọn về gần Sông Tranh 2 mà sống!

Chủ Nhật, 09/09/2012 07:48

Đó là đề nghị của rất nhiều bạn đọc khi chịu không nổi trước những tuyên bố có phần thờ ơ của những người có trách nhiệm trước những trận động đất mạnh xảy ra ngày càng dày đặc ở huyện Bắc Trà My – Quảng Nam.


Nói thủy điện an toàn chỉ là lừa dư luận?

Từ khi đập thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện, cuộc sống bình yên của người dân huyện Bắc Trà My, Quảng Nam bắt đầu bị xáo trộn. Đầu tiên là những rung chấn trong đêm vào cuối năm 2011. Sau đó là hiện tượng nứt, thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2.

Chưa đủ, thời gian gần đây, người dân huyện Bắc Trà My ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà vì chỉ trong vòng 4 ngày xảy ra đến 10 vụ động đất.

Thủy điện Sông Tranh 2 làm người dân Bắc Trà My - Quảng Nam mất ăn mất ngủ


Không phải là dân địa phương nhưng dõi đôi mắt về đất Quảng, nhiều bạn đọc lòng như lửa đốt.

Bạn Mười Hơi sốt ruột: Trước giờ đâu có hiện tượng này, từ hồi thuỷ điện về ngự trị đã làm xáo trộn tất cả. Điện là để phục vụ cho lợi ích của dân, lợi ích đâu chưa thấy nhưng cái hại thì đã nhãn tiền. Liệu con đập có thực sự trụ được khi có động đất tương tự xảy ra trong lòng hồ?

Còn bạn Đặng Xiên thì lo lắng: Mình đọc thông tin qua báo chí thôi  thấy đã run rồi huống hồ gì người dân ở đó. Mấy vị cấp cao thử đặt mình vào vị trí của người dân đi, sống dưới một túi nước khổng lồ như thế ai mà yên tâm cho được.

Đáp lại tâm trạng lo lắng, bất an của người dân, những người có trách nhiệm mà cụ thể là Tập đoàn điện lực Việt Nam (chủ đầu tư công trình) và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng - Bộ Xây dựng cứ luôn miệng “động đất là bình thường, đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn”.

Nhưng làm sao an tâm cho được khi người dân ở đó, đêm đang ngủ phải chạy thục mạng ra đường vì động đất. Ban ngày, học sinh đang học phải khóc thét lên vì mặt đất rung chuyển kèm theo những tiếng nổ đùng đùng.

Bạn đọc Trịnh Hà cảnh báo: Mối đe doạ đã bắt đầu rõ nét hơn khi động đất mạnh xảy ra liên tục, hồ đầy nước tạo áp lực nén trên mặt đất, thêm vào đó đập thủy điện Sông Tranh vốn dĩ đã bị thương sẽ trở thành mối hiểm họa lớn, đe doạ tính mạng, tài sản của hàng ngàn người dân phía hạ lưu.

Còn bạn Xuân Thời bức xúc: Từ xưa giờ chưa ai dự báo chính xác về động đất, vậy cớ sao cứ cho là không có gì? Động đất cộng với những tiếng nổ lớn như vậy chắc chắn là do thủy điện gây nên, cớ sao không bỏ thủy điện hay dời dân tới chỗ an toàn? Phải tiếc từng mạng người dân chứ!

Tự xưng là người dân Quảng Nam, bạn đọc Như Huyền cho biết: Nhà tôi ở một huyện đồng bằng, nơi mà chắc chắc hứng lụt nếu cái đập này bị vỡ. Chị gái tôi lấy chồng ở Bắc Trà My, tối ngủ nghe động đất cứ tưởng tượng là rùng mình. Các ông Nhà nước nói an toàn chứ dân thì thấy nó phiêu lắm! Nếu cái đập vỡ ra thì như thế nào? Nếu chết vì thiên tai thì là bất khả kháng, còn chết vì sai lầm của người khác thì chúng tôi không thể cam tâm.

Bạn Khang Hy nhận định, việc các chuyên gia nói đập thủy điện an toàn chỉ là lừa dư luận.Bạn đọc này nhấn mạnh, an toàn của một công trình không những về mặt khoa học kỹ thuật mà phải an toàn về mặt tâm lý cho những người dân sống xung quanh công trình. Nếu người dân bất an thì không thể gọi là an toàn được.

Nhiều bạn đọc không tin tuyên bố "đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn"


Cần một kết luận có trách nhiệm


Không chỉ không có động thái gì rõ ràng để giải tỏa nỗi bất an của người dân ngoài những giải thích, kết luận chung chung, phía EVN và Bộ Xây dựng còn cố tình bưng bít thông tin khi ngày 3-9 xảy ra động đất thì ngày 4-9 lại họp riêng với tỉnh, kết luận đập vẫn an toàn và sẽ cho tích nước trở lại mà không thông báo rộng rãi cho người dân.

Động thái đó là người dân Bắc Trà My càng hoang mang và dư luận càng nổi giận.

Bạn Trung Chiến viết: Thông tin ở nước ta ngộ thiệt, công trình bị hư hại, ảnh hưởng đến tính mạng người dân mà đợi "khắc phục" xong mới cho dân biết! Ở những nước tiên tiến, cái đầu tiên là họ cảnh báo rồi di tản người dân xong mới sửa chữa. Bó tay!

Còn bạn Tiến Sỹ thì bực bội: Hội đồng Nghiệm thu nhà nước do ai đứng đầu? Nếu nói đập Sông Tranh vẫn an toàn thì đề nghị đích danh một ai đó ở hội đồng này đứng ra chịu trách nhiệm nếu có sự cố vỡ đập. Cứ nói chung chung, đến lúc xảy ra rồi chỉ khổ cho dân, còn các ông thì chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Nên nhớ rằng lương các ông đang hưởng là do tiền thuế dân đóng góp nên dù nói hay làm cũng phải có trách nhiệm một chút, bạn đọc này nhắc nhở.

Theo nhiều bạn đọc, cái kiểu kết luận thiếu trách nhiệm như vậy hoàn toàn không có giá trị an dân. Bạn đọc Kiến Phúc thắc mắc: Sao những người có trách nhiệm không dám phát biểu câu có trách nhiệm hơn nữa để dân yên tâm nhỉ, chẳng hạn "nếu đập vỡ tôi chấp nhận đi tù 50 năm"...?

Có vẻ như chịu hết nổi với thái độ thờ ơ của những người có trách nhiệm, rất nhiều bạn đọc có chung một yêu cầu là những ai nói đập an toàn hãy đưa gia đình đến sinh sống gần đập Sông Tranh 2.

Thực tế nhất là mời những người có trách nhiệm về Quảng Nam cất nhà quây quần cùng nhân dân để chứng tỏ giá trị của các tuyên bố. Nếu làm được như vậy thì nhân dân sẽ rất an tâm, bạnThiên Nga đề nghị.

Trong khi đó, không ít bạn đọc cho rằng cần phải triệt tận gốc nguyên nhân của vấn đề đó là bỏ thủy điện Sông Tranh 2 vì tính mạng người dân mới là vốn quý.

Bạn Quang Nguyễn tha thiết: Chấm dứt để dân yên tâm làm ăn, đừng vì lợi ích của một nhóm mà để người dân hoang mang. "An cư mới lạc nghiệp", đừng để người dân Bắc Trà My tiến hành một đợt di dân đến các nơi khác, hậu quả rất lớn đấy.

Đồng quan điểm này, nhiều bạn đọc cho rằng nếu nhà nước vì sợ lãng phí số tiền đã đổ ra để xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 mà để dân sống trong sợ hãi là không nên.

Xảy ra thảm họa thì tiền bạc không có nghĩa lý gì so với đau khổ của nhân dân, rồi lòng tin với chính quyền cũng trôi xuống biển, bạn Bùi Đức Lộc nhận định.
NLĐO
http://nld.com.vn/2012090912432682p0c1042/ai-noi-an-toan-hay-don-ve-gan-song-tranh-2-ma-song.htm

______________

XEM THÊM

Thứ bảy, ngày 08 tháng chín năm 2012
Đập thủy điện Sông Tranh: Liên tục 4 ngày, có 10 vụ động đất, nhưng trung ương cứ bảo là an toàn và chưa có một quyết sách đúng đắn nào cho việc di tản người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. !!! Đập vỡ thì dân sẽ chạy đi đâu? http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/09/ap-thuy-ien-song-tranh-lien-tuc-4-ngay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét