Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Cảnh báo : Ổ virus cực độc gây chết người từ tiết canh động vật. / Đường đi của thịt bẩn : Chợ trộn heo bệnh, heo lành.



Tiết canh động vật: Ổ virus cực độc gây chết người

18/09/2012 | 08:30:00

   
Món tiết canh. (Nguồn: vandinh.vn)
   
Hiện nay, món tiết canh động vật, đặc biệt là tiết canh lợn, tiết canh gia cầm đã trở thành món khoái khẩu của nhiều người.

Có không ít người quan niệm rằng đầu tháng ăn tiết canh cho đỏ, cho may mắn để làm ăn vào cầu. Nhiều người không biết rằng món tiết canh chính là nơi chứa ổ virus có nguy cơ gây chết người nhanh chóng.


Tiết canh chứa rất nhiều virus gây bệnh


Thời gian gần đây, chỉ vì ăn tiết canh, đồ tái sống đã có hàng chục bệnh nhân rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, thậm chí đã có vài trường hợp tử vong.


Vừa qua, có một bệnh nhân nam tại Hà Nội tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn vì ăn tiết canh đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh những ai có thói quen ăn món này.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đây là bệnh nhân thứ 3 trong vòng một tháng qua tử vong do ăn tiết canh lợn.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trên cơ thể của con lợn chứa không chỉ là liên cầu lợn mà một số bệnh ký sinh trùng như giun, sán lợn.

Ông Lâm khẳng định: “Tiết canh động vật, đặc biệt là tiết canh lợn tôi không thấy tiết canh mát, bổ ở đâu chỉ thấy bệnh nhân sau khi ăn lăn đùng đùng ra ốm, thậm chí bị tử vong sau đó. Bởi trong máu của gia súc, gia cầm kể cả những con khỏe mạnh đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi ăn những món đó, tức là con người trực tiếp đưa ổ vi trùng, vi khuẩn gây bệnh vào người.”

Theo ông Lâm, bình thường vi khuẩn liên cầu vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi lợn bị bệnh, sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển, gây bệnh. Tuy nhiên, khi nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C, vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt.

Đường lây truyền con vi khuẩn này với người chủ yếu do thói quen ăn uống. Lợn ốm thường theo đúng quy trình xử lý là phải vứt đi, đem chôn. Vì vậy khi người tiến hành giết mổ, chọc tiết lợn hay ăn tiết canh thì con virus này nó chui vào người qua đường tiêu hóa hay đường hô hấp để xâm nhập vào trong máu trở thành nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não.


Liên cầu lợn: Căn bệnh nguy hiểm


Bác sỹ Lâm khẳng định, đối với ngành y tế bệnh liên cầu lợn là một bệnh mới nổi được đánh giá là rất nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời thì bệnh diễn biến rất nhanh. Khi người bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh thường rất ngắn, chỉ trong vòng 10-20 giờ đã có thể rất nguy hiểm.

Điển hình như là gần đây đã có một trường hợp bệnh nhân nam, hơn 40 tuổi (quê Hà Nam) tử vong do sốc nhiễm khuẩn quá nặng và tử vong sau hai ngày điều trị.

Một trường hợp nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo các bác sỹ, nhiễm liên cầu lợn gây ra hai thể bệnh chính là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết diễn biến cấp tính, sốt cao, hoại tử ở chân tay, gây suy đa phủ tạng như suy gan, thận, hô hấp, có thể có hôn mê nên nếu không hỗ trợ hồi sức tích cực thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, xuất hiện ban hoại tử ở da chân, da tay thì nên đến bệnh viện ngay lập tức vì thường bệnh diễn biến rất nặng và nhanh. Thường các bệnh nhân khi mắc bệnh này phải điều trị từ 2-3 tuần, thậm chí hàng tháng mới được ra viện.

Cũng theo bác sỹ Lâm, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Người giết mổ động vật phải rửa tay sạch sau khi chế biến.

Đáng lưu ý, người dân không nên ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết.


Trong trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ như mặc áo bảo hộ, đi găng tay và đeo khẩu trang để không cho virus xâm nhập vào cơ thể./.



Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm tới nay đã có gần 50 trường hợp nhập viện điều trị do liên cầu khuẩn lợn. Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn heo đều tham gia chế biến, giết mổ, ăn thịt, tiết canh, lòng lợn nghi nhiễm bệnh…

Theo các chuyên gia về y tế, số người mắc liên cầu lợn thường tăng nhanh khi có dịch lợn tai xanh. Bởi khi có vụ dịch tai xanh xảy ra, con lợn mất sức đề kháng, liên cầu lợn bùng phát.


Thùy Giang (Vietnam+)



_____________



Đường đi của thịt bẩn : Chợ trộn heo bệnh, heo lành

Sau nhiều ngày dày công mai phục, PV đã tiếp cận và dần phơi lộ đường đi của loại thịt bẩn đang ngày ngày xâm nhập vào bữa ăn của nhiều hộ gia đình ở TP. HCM.


Xem bài khác trên Vef.vn
Lò mổ hiện đại 'đắp chiếu', dân ăn thịt bẩn


Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn lớn đông dân cư, mỗi ngày tiêu thụ cả ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Dù đã có các quy định về kiểm dịch nhưng trên thực tế bằng nhiều chiêu thức mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn thịt không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm tra, có nguồn gốc thịt bệnh, thậm chí thịt ôi thối, trong quá trình phân hủy được tuồn ra thị trường tiêu thụ để sau đó nó “ngự” vào bữa cơm của nhiều gia đình, hay bếp ăn tập thể của công nhân, sinh viên.

Bất kể ngày đêm, 200 lò mổ heo lậu ở tỉnh Đồng Nai vẫn vô tư hoạt động để tuồn ra thị trường hàng trăm tấn thịt mỗi ngày. Không ít trong số đó, có cả heo bị bệnh và heo chết.

Chiếc xe ba gác máy xé tan màn đêm, lao đi vun vút trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bất ngờ, tài xế giảm ga rồi quặt vào hẻm C337 thuộc tổ 4, nơi có lò mổ heo của bà Hồng Thúy hoạt động từ 5 năm nay.

4 con heo được đổ xuống. 3 con heo trong số đó, mỗi con có trọng lượng từ 70-90 kg kêu ré lên sau cú chích điện.

Một con nằm bẹp dưới nền nhà. Sau 20 phút xuống tay, cả 4 con heo được làm sạch, cơ thể bị xẻ đôi. Nội tạng được phân ra riêng, bỏ ngổn ngang trên nền nhà cáu bẩn.

11 giờ đêm, thời điểm chợ heo Tam Hòa ở TP Biên Hòa mở cửa, hai thanh niên mình trần trùng trục vứt hai con heo đã làm sạch lên chiếc xe máy không biển số, rồi rồ ga lao đi.


*
Người tiêu dùng khó có thể phân biệt thịt sạch ở chợ trộn lợn bệnh, lợn lành.



Sau hơn 15 phút chạy xe với tốc độ chóng mặt, 4 chân của con heo vắt trên yên sau của chiếc xe quệt xuống đất dính bùn biến dạng. Vừa trờ tới chợ, con heo này được các chủ sạp dùng cây đinh ba chấu đưa lên bàn, sau đó hai phụ nữ dùng dao ra thịt.

Hơn 12 giờ khuya, lần lượt 4 con heo được người thanh niên tập kết đưa ra chợ. Tất cả đều không được đóng dấu kiểm dịch giết mổ của thú y.


Heo bệnh vào lò


*
Chiếc xe ba gác máy chở đầy heo từ một lò mổ ra chợ Tam Hòa (ảnh lớn) và hàng loạt xe máy chở heo lậu từ lò mổ chui chạy ra chợ tiêu thụ (ảnh nhỏ).



Cách lò mổ của bà Thúy không xa, lò mổ của bà Nguyệt ở hẻm 699A, khu phố 4, phường Long Bình cũng hoạt động vô tư cả ngày đêm, bất chấp cách đây một tháng cơ sở này bị lực lượng chức năng bắt quả tang giết mổ chui và 4 con heo bị giết đều không được kiểm dịch, trong đó 3 con là heo bệnh.

Lò mổ heo lậu của ông Nguyễn Hợi ở C96 tổ 2, khu phố 3, phường Long Bình luôn kín cổng cao tường với người lạ. Người dân nơi đây cho biết, khó ai vào được lò mổ này vì “ông Hợi rất cảnh giác, nhà luôn có chó dữ”.

Ngày 5-9, trong vai những người ở TPHCM đi đặt mua thịt heo cho bếp ăn của công ty với 1.000 công nhân, chúng tôi mới được một người ở lò heo tiếp. Phía sau ngôi nhà cấp bốn, nơi giết mổ, 3 con heo bị hóa kiếp lăn lóc thịt và phụ phẩm dưới nền nhà dơ bẩn, cạnh nhà vệ sinh.

Khi chúng tôi xin được ra xem nguồn heo và nơi giết mổ, nhân viên của cơ sở này liền ngăn lại. “Anh yên tâm, heo nơi đây đều có nguồn gốc rõ ràng, heo lấy từ Trảng Bom về đều được thú y kiểm dịch sau giết mổ” - người này trấn an.

“Nếu lấy heo không kiểm dịch, heo bệnh nơi đây cũng có. Thịt loại này giá rẻ hơn, thường dành cho công nhân, các quán cơm bụi. Giá từ 20-45 nghìn/kg” - cô gái tiếp.

Lò mổ của của ông Hợi tưởng là “đệ nhất mất vệ sinh” nhưng chẳng thấm vào đâu so với lò của ông Bốn, nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc khu phố 4, phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Theo chân đoàn kiểm tra khi ập vào lò mổ này, chúng tôi chứng kiến 4 con heo có tổng trọng lượng gần 400kg đã bị giết mổ trong môi trường cực kỳ dơ bẩn.

Trong khi đó, 10 con heo khác đang ngắc ngoải trong chuồng, có 2 con mắc bệnh không thể đứng nổi. Chủ cơ sở cho biết chuẩn bị mổ để đưa ra chợ tiêu thụ.

Do tất cả số heo này đều không có nguồn gốc nên chúng nhanh chóng bị lực lượng thú y chặn lại. Chủ lò mổ thừa nhận số heo này được gom từ một trại nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.

Một ngày sau khi lò mổ của ông Bổn bị phát hiện mổ heo chui, ngành chức năng còn phát hiện ra một lò mổ “chui” khác cách đó không xa, của bà Đỗ Thị Lê.

Cơ sở này cũng hoạt động công khai từ nhiều năm qua. Người này cho biết mỗi ngày giết từ 2-5 con và số thịt heo lậu này được tiêu thụ chủ yếu ở chợ Biên Hòa và bỏ mối cho các quán ăn.


Chợ heo “trộn”


*
Tập kết heo, gà lậu trên quốc lộ 1A, khu vực Hố Nai, Biên Hòa để chuyển đi tiêu thụ


12 giờ đêm 4-9, chúng tôi có mặt ở khu giết mổ tập trung Rạng Đông trên xa lộ Hà Nội, phường Tân Biên, TP Biên Hòa, nơi mỗi ngày giết mổ khoảng 200 con heo, bò.

Trời mưa tầm tã, hai chiếc xe ba gác máy vẫn chất đầy thịt heo nối đuôi chạy ra chợ Tam Hòa. Theo sau hai xe ba gác là một xe ôm, có vẻ như làm “công tác cảnh giới”. Thịt được chất lăn lóc trên xe, không cần che đậy.

Lần theo những chiếc xe máy chở heo từ các lò mổ chui, chúng tôi phát hiện mỗi đêm có hàng trăm con heo không kiểm dịch, heo bệnh, heo chết được tập kết về chợ Tam Hòa, chợ Tân Biên ở TP Biên Hòa.

Tuy nhiên, trên các chốt chặn vào chợ, thậm chí ở trong khu chợ được cho là lớn nhất khu vực miền Đông Nam Bộ về kinh doanh heo vẫn không có bóng dáng của cán bộ thú y.

Từ 11 giờ đêm, chợ đầu mối heo Tam Hòa bắt đầu nhộn nhịp xe cộ vào ra. Ngoài xe ba gác, xe máy chở heo còn nhiều xe tải đông lạnh, xe tải 1,5 đến 3 tấn tập kết kéo dài trên con đường vào chợ “ăn hàng”.

Một thương lái là người quen, chuyên lấy hàng ở chợ này, cho biết một tháng ban quản lý chợ Tam Hòa mới đi kiểm tra một lần. “Có khi chả có lần nào. Heo lậu cứ thế trà trộn vào chợ và được đưa đi các tỉnh tiêu thụ” - người này nói thẳng.

Heo sau khi xuống sạp được các tiểu thương xử lý bằng cách cắt lọc xương ra riêng, thịt đùi ra riêng, thịt vai và mỡ ra riêng…rồi đóng thùng cho các thương lái chuyển đi bằng xe máy.

Các đầu nậu buôn thịt thường trộn thịt heo lậu, heo bệnh vào thịt heo có kiểm dịch để che mắt cơ quan chức năng. Bà Nga, một “trùm” cung cấp thịt ở chợ Tam Hòa, cho biết mỗi đêm nơi đây tiếp nhận hơn 100 tấn heo từ các lò mổ ở phường Long Bình, Hố Nai, Trảng Dài và huyện Trảng Bom đổ về.

Sau đó, số thịt heo này lần lượt được cho vào các thùng nhựa, trong các giỏ xách hoặc bằng thùng inox đưa lên xe máy tỏa đi các hướng.

“Chẳng ai quan tâm về dấu kiểm dịch bởi họ biết chợ heo này nhiều heo lậu, họ cũng phải mua heo này về buôn bán, bỏ mối hoặc chế biến để kiếm lời” - bà Nga bật mí.

“Thực ra người ta quan tâm tới giá cả heo hôm nay bao nhiêu hơn là hỏi heo có kiểm dịch hay không” - bà tiếp.

Khi đồng hồ chỉ 3 giờ sáng cũng là lúc lượng heo đã đổ về đầy chợ. Ngoài các con buôn đi xe máy ở các tỉnh từ Bình Dương, TPHCM lên lấy hàng, các loại xe tải với nhiều biển số ở tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM đều có mặt để chở hàng về các tỉnh.

Trong khi đó, ở khu chợ Tân Biên, chợ Biên Hòa ở phường Tân Biên, TP Biên Hòa mỗi đêm có khoảng 300-400 con heo không qua kiểm dịch được giết mổ.

Rồi cũng như ở chợ Tam Hòa, số thịt này nhanh chóng được các thương lái gom đưa đi bỏ mối cho các chợ nhỏ và quán ăn, các khu công nghiệp Biên Hòa 1, 2 và các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp.

(Theo Tiền Phong)
vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét