Trân trọng kính mời ông bà đưa con đi cải tạo !!!
by Người Buôn Gió on Friday, September 14, 2012 at 12:11am ·Ngôn ngữ, văn phong Việt Nam đến hồi loạn.
Giờ người ta không chỉ trân trọng kính mời ông bà đi dự tiệc cưới, khánh thành, động thổ, khai trương... mà người ta còn trân trọng kính mời ông bà tới dự cuộc họp chuẩn bị cho con ông bà đi vào trường cải tạo ( còn gọi là trại tù )
Nghị định 163 này chưa phải là quyết định đưa vào trại cải tạo ngay, nhưng nó là tiền đề để bước tiếp theo đó là đưa đối tượng vào trại cải tạo.
Lúc trước đoàn thể, công an, mặt trận, gì đó đến nhà mình đòi gặp nói chuyện. Mình nhất quyết không tiếp. Nhiều người thì cho rằng họ đến giáo dục, nhắc nhở, tình nghĩa không có gì nặng nề. Nhưng với mình thì mình hiểu cái chính quyền này làm gì cũng đều có mưu tính cả. Cho nên các ông bà cứ vin là tuổi cao, hàng xóm đến chơi phải tiếp đón đúng phép thì kiếu luôn. Ông bà muốn đến thì cứ từng người lần lượt đến đây chơi. Pha trà, tiếp nước lắng nghe. Chứ kiểu đi cả đoàn rõ là có toan tính chứ không phải là thăm hỏi, chơi bời gì cả. Hôm nay xem lại cái nghị định 163 mới thấy đoạn ở điều 13.
- đại diện của các cơ quan, tổ chức hữu quan ở cơ sở như : Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên, đơn vị dân cư, đại diện gia đình,
Thế là rõ, cái đoàn thể đến những nhà đi biểu tình không phải là vận động, thăm con bé mới sinh, thăm thằng bé mới đi học, bà mẹ ốm...mà họ đến đông đủ như thế là có cái cớ là đã đến giáo dục. Dù họ vào nhà hỏi thăm vài ba câu, rồi đùng cái nói chuyện không nên đi biểu tình. Đối tượng chưa kịp thanh minh thì họ đã nhanh chân rút ra cửa chuồn về. Họ chuồn nhanh như vậy vì họ đâu phải đến thăm, mà họ đến chỉ cần vào được nhà là họ mở ngay sáu câu vọng cổ giáo dục. Hoàn thành trách nhiệm mang tính minh hoạ là đoàn thể đã đến nhà đối tượng, vận động, giáo dục. Chỉ cần thế là cả đoàn té về, dù thời gian gọi nhau đi, nhắc nhở nhau mất mấy ngày. Nhưng họ chỉ cần ào vào nhà bạn nói một phút rồi rồng rắn khẩn trương về.
Nhiều người cứ thắc mắc sao mình cứ tránh đoàn này. Nào là họ tốt, họ là hàng xóm cả, họ nói chuyện nhẹ nhàng có gì đâu. Mà sao mình cứ phải khăn gói té sớm về quê trước cả mấy hôm. Ai tin thì cứ việc tin, nhưng ở cái thời buổi này họ vào nhà mình kêu thăm hỏi, nhưng ra đến tổ dân phố họ quay ngoắt nói là đến nhà bạn giáo dục là chuyện bình thường.
Đấy đến bây giờ họ đưa cho con nhà người ta giấy để báo chuẩn bị đi cải tạo, mà họ vẫn còn làm vẻ trân trọng kính mời như là đi dự tiệc. Rồi lại tin, họ mời trân trọng thế này chắc chả có gì ghê. Cứ đến nghe xem sao. Đến rồi là lại có thêm mục '' gia đình, đối tượng đã được thông báo quyết định '' thế là xong, bạn đừng nghĩ đến đó mình cãi được. Chưa kịp nói họ đã giải tán rồi.
Đừng nghĩ là bảo mình không có tội, họ không làm gì được. Họ làm dần dần đấy. Như mình bị bắt vào đồn, mình bảo vô tội. Họ bảo anh vô tội tôi bắt anh vào đây làm gì. Đời cứ lý lẽ như thế đấy. Dư luận thì cứ tin là phải làm sao mới bị bắt chứ. Họ cứ dựa vào đó rồi tạo dư luận thằng này làm sao mới đến giáo dục, thằng này làm sao mới đưa ra phường giáo dục, rồi tiếp là thằng này làm sao mới bị đi cải tạo vì trước đó nó đã bị giáo dục ở nhà, ở phường...
Tất nhiên là họ làm gì thì làm, họ muốn cho mình đi cải tạo thì quyền của họ. Nhưng đừng giúp họ tạo được dư luận. Còn họ có sức mạnh, họ đến nhà khiêng đi cải tạo đột xuất thì ok, cứ tự nhiên. Đằng nào đi cũng chả chống cự nổi vì sức yếu, thế cô. Nhưng đã thế thì đi cũng không tạo điều kiện cho các ngài có dư luận được.
________________
Thêm một blogger bị chính quyền kiểm soát
2012-09-13
Chị Phương Bích vừa bị UBND phường Dịch Vọng gửi giấy mời yêu cầu tham dự cuộc họp bàn đưa đối tượng vào diện quản lý theo nghị định 163/2003/ND-CP do ông Phan Văn Khải ký ngày 19/12/2003.
Photo courtesy of danluan.org
Chị Phương Bích được thả ra từ Hỏa Lò hôm 25/8/2011 do biểu tình chống Trung Quốc trước đó.
Đây là hình thức đấu tố của chính quyền như đã từng xảy ra trước đây đối với luật sư Lê Quốc Quân. Chị Phương Bích là một người nổi tiếng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Mặc Lâm phỏng vấn chị Phương Bích để biết thêm chi tiết, trước tiên chị nói về diễn tiến của việc mời chị:
"Giấy mời này là do chủ tịch UBND phường ký. Tôi từ chối tham gia nên cũng không rõ về cuộc họp này. Theo như tôi đọc cái nghị định này thì họ nói là sẽ làm theo cái nghị định đó thì có nghĩa là phải có người đề nghị lên. Tôi cũng đang chờ vì tôi không biết ai là người đề nghị. Theo quy định thì họ sẽ có người đề nghị như là một cái công văn đề nghị lên phường là người này cần thiết phải đưa vào diện gọi là cần phải giáo dục lại đấy. Tôi chưa biết họ dựa trên cơ sở nào. Các đoàn thể ở chung cư nhà tôi ở như tổ dân phố, hay Mặt trân Tổ quốc, hay là Phụ nữ v.v. họ có đề nghị lên thì lúc ấy phường họ sẽ họp dựa trên cơ sở mà hồ sơ họ cung cấp.
Nếu nói cho đúng thì họ phải đi xác minh tức là công an họ phải đi xác minh, hoặc kể cả công an họ có đề nghị với bên UBND phường, thì cái hội đồng đó họ sẽ họp và họ sẽ xét việc đưa người mà họ xếp vào diện mà họ gọi là quản lý đó để ra một quyết định. Tôi chờ xem là nếu họ đưa quyết định đó cho tôi thì tôi sẽ biết được đâu là người đề nghị đưa tôi vào diện quản lý hoặc là giáo dục.
Việc này nó gọi là nghị định giáo dục lại công dân đấy. Tôi thì tôi chỉ biết là khi mà họ mời tôi ra và căn cứ trên những sự việc mà tôi đã đi tham gia biểu tình năm lần bảy lượt họ ngăn chận tôi như thế thì tôi đoán rằng họ sẽ đưa tôi vào cái diện quản lý và giáo dục giống như là họ đã làm đối với luật sư Lê Quốc Quân đấy anh ạ. Tôi cũng chỉ đoán phỏng như thế."
Mặc Lâm: Trước tình hình như vậy thì chị cảm thấy thế nào khi bị khép vào diện cần phải quản lý và giáo dục lại, thưa chị?
Phương Bích: "Đây là sự ngạo mạn, bởi vì họ là đầy tớ, họ là công bộc của nhân dân, nhưng họ lại muốn nhăm nhe, trong khi bổn phận của họ thì họ không làm tròn trách nhiệm. Chưa làm tròn trách nhiệm thì họ nhăm nhe việc đi giáo dục lại nhân dân. Như tôi đã nói tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong hàng ngũ những người xuống đường đi biểu tình hô lên “đả đảo Trung Quốc xâm lược” và “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Trong những người hô như thế thì có cả người già lẫn người trẻ, có đủ các thành phần từ người dân đến thành phần trí thức – những người rất đáng kính, nhưng họ lại muốn giáo dục tôi về cái việc tôi đi biểu tình có nghĩa là gián tiếp giáo dục cả những con người đáng kính đó, thì tôi cho rằng đấy là một sự ngạo mạn và vô lễ của những người mệnh danh là công bộc là đầy tớ của nhân dân."
Chỉ thị từ đâu?
Người biểu tình chống Trung Quốc bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo
Mặc Lâm: Theo chị thì đây là quyết định của UBND phường Dịch Vọng hay do chỉ thị từ cấp cao hơn ạ?
Phương Bích: "Họ làm cũng chỉ để gọi là làm cho có chuyện thôi anh ạ. Thực tế theo tôi biết thì đối với phường Dịch Vọng họ rất kính trọng gia đình tôi. Họ luôn luôn cử cán bộ vào trong gia đình tôi chúc mừng cụ nhà tôi mà anh. Tất nhiên, đối với tôi thì họ phải cố làm, làm cho xong việc đối với cấp trên, qua cái việc đó để nói với cấp trên của họ, chứ còn thực tế ra tôi cũng không muốn căng thẳng với phường nhà tôi."
Mặc Lâm: Được biết ông cụ thân sinh của chị là một nhà cách mạng lão thành, ý kiến của ông thế nào khi chị tham gia vào các cuộc biểu tình chống TQ và rồi bị bắt hay những hoạt động khác của chị đã gây sự phản ứng của chính quyền như vậy, thưa chị ?
Phương Bích: "Thực tế là bố tôi hiểu và bố tôi vẫn ủng hộ, nhưng mà cụ nhà tôi đã 90 tuổi, cũng yếu cơ thể và nhất là cụ đang bệnh tật. Tâm lý của người già mà đang bệnh tật lại sống với con, và nhất là tôi lại là phụ nữ anh ạ. Một lần khi tôi bị bắt vào Hỏa Lò, rồi một lần tôi bị chở đi từ sáng tới tối mới về, thì nói chung tâm lý của người cha già cũng thấy thương con gái lận đận cho nên cũng chỉ muốn cho con mình bình yên mà thôi, cho con mình và cho cả bản thân mình nữa. Nhưng cụ vẫn hiểu, cho nên khi tôi viết những bài này tôi đều đưa cho cụ đọc và cụ vẫn đồng tình anh ạ. Tôi nghĩ là bố tôi yên tâm. Nếu như bố tôi cảm thấy con mình không làm gì sai thì bố hiểu rằng họ có bắt con mình thì trước sau họ cũng phải thả. Cũng giống như Bùi Hằng đấy, bài học Bùi Hằng là bài học nhãn tiền đối với họ, thì đối với con (Phương Bích) con chưa thể so với Bùi Hằng được đâu! Thế thì đối với cụ nhà tôi, khi tôi động viên như thế thì cụ lạc quan trở lại."
Mặc Lâm: Chị có nghĩ rằng do tham gia các cuộc biểu tình chống TQ, hay là phản đối những hành vi đánh chết người của công an, hoặc là lên tiếng về các vụ tham nhũng mà chính quyền xem chị là người bất đồng chính kiến cần phải đặt trong vòng kiểm soát hay không ạ?
Phương Bích: "Cái gì mà tôi biết rõ thì tôi tham gia. Vụ nhà cô Kim Tiến con ông Trịnh Xuân Tùng thì việc đó tôi đọc báo biết rõ thì tôi viết về trường hợp đó. Mỗi lần tòa xử tay trung tá đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng thì tôi có đi tham gia, nhưng thực tế việc tham gia của tôi chỉ là đứng ở ngoài chứ mình đâu có được vô trong tòa đâu. Chỉ phân tích những điều đơn giản như thế chứ thật tôi chưa dám đi sâu vào cái chuyện thủ tục tố tụng người ta làm như thế nào, có đúng thủ tục không, thì tôi vẫn chưa dám nói.
Còn cái chuyện tham nhũng thì tôi nói anh nghe, tôi cũng chỉ nghe như thế và bày tỏ ý kiến của tôi thôi, chứ còn chuyện đúng là mình phải nắm được cái sự việc như thế nào thì mình mới có thể nói được. Tôi ủng hộ quá trình chống tham nhũng của tất cả những người mà người ta có căn cứ chứ còn tôi thì tôi không dám đi sâu vào các chuyện đó."
Mặc Lâm: Trong những ngày sắp tới chị sẽ đối phó với những sức ép từ chính quyền như thế nào? Chị sẽ chống lại bằng cách kiện cáo hay bằng những bài viết lên tiếng sự đàn áp qua hình thức quản lý này?
Phương Bích: "Tôi vẫn chọn biện pháp ôn hòa, anh ạ, bởi vì anh thừa hiểu bây giờ mình muốn tồn tại thì ít ra mình cũng phải đấu tranh để cho mình tồn tại, chứ còn nếu mà mình làm những biện pháp mạnh, hoặc là xuống đường v.v. thì họ có thể bắt giữ mình như với lý do “gây rối trật tự công cộng” rồi họ tống mình vào trại, chẳng hạn như thế, thì hiệu quả sẽ không được như mình ở ngoài để mình đấu tranh. Tôi sẽ viết đơn tố cáo, hoặc đơn khiếu nại phản đối, đồng thời tôi vẫn viết blog."
Mặc Lâm: Xin một lần nữa cám ơn chị Phương Bích.
Phương Bích: "Dạ vâng. Cảm ơn anh."
Theo dòng thời sự:
- Anh Nguyễn Chí Đức ra khỏi Đảng Cộng Sản VN
- Người Sài Gòn đề nghị chính quyền tổ chức biểu tình
- Đám tang thành nơi quy tụ
- Vụ án blogger Điếu Cày sắp được xét xử
- Đảng chọn dân hay chọn Trung Quốc?
- Lời nói của Thủ tướng có đi đôi với việc làm?
- Cuộc bố ráp gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn
- Phải chăng bắt đầu một vận hội mới?
- Dân xã Liên Hiệp nấu cháo biểu tình
- Tin mới nhất về blogger Paulus Lê Sơn
- Người dân nghĩ gì về những cuộc biểu tình chống TQ?
- “Quần chúng tự phát” – Hình thức đàn áp mới?
- Giới trẻ hy vọng về một xã hội tốt đẹp
- Để có một xã hội trung thực và ngay thẳng
- Tính trung thực, ngay thẳng có còn tồn tại?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét