Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

VN: Giá nhiều mặt hàng tại siêu thị sẽ tăng 5-10% . Giá cả đè nặng lên vai người dân VN . Nguy cơ tái lạm phát . / Xem thêm : Bà đẻ VN cũng bị ... đánh thuế !!


Giá cả đè nặng lên vai người dân VN

Cập nhật: 03:35 GMT - thứ năm, 27 tháng 9, 2012


Người dân Việt Nam đang vất vả mưu sinh trong điều kiện kinh tế khó khăn


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam trong tháng Chín vừa được chính quyền trong nước công bố cho thấy mức tăng cao nhất trong vòng hơn một năm qua.

Theo đó, chỉ số CPI của quốc gia này trong tháng Chín tăng 2,2% so với tháng liền trước đó – mức cao nhất kể từ tháng Sáu năm 2011.

Trước đó, Việt Nam đã chứng kiến hai tháng giảm phát liên tiếp trong tháng Sáu và tháng Bảy làm giảm sức ép tăng giá và làm nhẹ bớt phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền của người dân.

Tuy nhiên, chỉ số CPI đột ngột tăng mạnh đã dẫn đến lo ngại rằng lạm phát có khả năng trở lại tác động xấu đến cuộc sống của đại đa số người dân lao động Việt Nam vốn đang vất vả mưu sinh trong điều kiện kinh tế khó khăn.

BBC đã liên lạc với người dân trong nước để tìm hiểu vấn đề này.

‘Tăng hơn gấp đôi’



Bà Nguyễn Thị Nga, một tiểu thương buôn bán giày dép ở chợ Bình Khánh và hiện cư trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi thuộc Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, cho BBC biết tình hình buôn bán cũng như cuộc sống của bà hiện tại rất vất vả.

Bà cho biết giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, gas, nước đều tăng liên tục.

Bà nói sau mấy tháng ổn định và dừng tăng, thì hiện nay giá hàng hóa đã tăng trở lại.

Theo kinh nghiệm và cách lý giải của bà Nga thì hễ mỗi lần xăng dầu hay vàng tăng giá thì giá các mặt hàng khác cũng tăng theo.

Cách đây đúng một tháng, giá xăng trong nước đã tăng thêm 650 đồng lên 23.650 đồng/ lít.

"Trước đây mới 5h sáng chưa mở cửa đã có khách chờ. Giờ đây mở cửa ra từ sáng đến chiều ngồi chờ từng người khách."
Nguyễn Thị Nga, tiểu thương Quận 2, TPHCM


Chỉ tính riêng trong tháng Tám thì giá xăng đã tăng đến ba lần với mức tăng tổng cộng là 2.650 đồng/lít.

Còn giá vàng đã đạt mức 47.000 triệu đồng/ lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Bà Nga đã đưa ví dụ cho thấy giá cả trong nước tăng phi mã như thế nào. Bà cho biết chỉ mới cách đây một năm một đôi dép mũ chỉ có giá là 12.000 đồng nhưng hiện giờ là 30.000 đồng.

Còn một đôi dép nhãn hiệu Bitis cũng tăng gần gấp đôi từ 145.000 lên 275.000 đồng chỉ sau một năm.

Bà cho biết các nhà cung cấp cứ gửi thông báo tăng giá bán liên tục do ‘giá nguyên liệu tăng’.

Trước tình cảnh đó, bà nói sức mua tại gian hàng của bà hiện nay ‘chỉ còn phân nửa’ so với trước.

“Trước đây mới 5h sáng chưa mở cửa đã có khách chờ,” bà nói, “Giờ đây mở cửa ra từ sáng đến chiều ngồi chờ từng người khách.”

Bà nói tình trạng ế ẩm ảnh hưởng đến toàn bộ các tiểu thương trong chợ chứ không riêng gì bà.

Cắt xén dè sẻn



Các tiểu thương ở Việt Nam đang chịu cảnh ế ẩm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu


Với thu nhập mỗi ngày 300.000 đồng và là lao động chính trong nhà, bà nói bà phải dè sẻn hết mức mới đủ sống.

“Đi chợ thì cái gì cũng lên. Mỗi thứ lên chút chút,” bà nói và nói thêm cách đây hai tháng bà đi chợ cho gia đình ba người ăn chỉ có 100.000 đồng/ngày mà bây giờ phải 150.00 đồng/ngày mới đủ.

Bà cho biết gia đình bà hiện giờ không ăn sáng ở hàng quán bên ngoài như lúc trước nữa mà bà phải tự nấu cho chồng con mỗi buổi sáng.

“Hồi trước có 15.000 đồng tô hủ tíu bây giờ lên đến 25 hay 30.000 đồng,” bà than, “Tính ra ba người gần cả 100.000 đồng tiền ăn sáng.”

Bà nói khi đi chợ bà cũng phải ‘cắt xén’ nhiều thứ và canh lúc buổi sớm chợ bán sỉ mà mua đồ giá rẻ.

“Gia đình phải tiết kiệm điện tối đa, đi (ra ngoài) đến đâu tắt điện đến đó. Ngay cả sạp bán ngoài chợ cũng không xài đèn, xài quạt,” bà nói.

Chưa kể các chi phí khác, nhất là tiền học, cũng tăng vùn vụt, bà Nga cho biết.

Người con gái 18 tuổi của bà hiện học Cao đẳng Dược ‘một năm đóng gần 12 triệu đồng tiền học’, bà nói.

Bà kể lại có bạn hàng thân thiết than với bà có con nhỏ đi mẫu giáo mà tiền đồng phục, cơ sở vật chất cũng đã hơn 2 triệu/năm, tiền ăn mỗi tháng hơn triệu chưa kể tiền học.

Bà nói nhiều cư dân trước đây ở Thủ Thiêm bị giải tỏa bây giờ mua nhà chung cư phải chịu đủ thứ tiền: từ tiền gửi xe cho đến tiền rác, tiền bơm nước lên lầu…

“Mỗi chiếc xe gửi hàng tháng là 200.000. Nhà nhiều xe mỗi tháng cũng lên đến cả triệu,” bà nói.

‘Sẽ tiếp tục tăng’



"Hồi trước có 15.000 đồng tô hủ tíu bây giờ lên đến 25 hay 30.000 đồng. Tính ra ba người gần cả 100.000 đồng tiền ăn sáng"
Nguyễn Thị Nga, tiểu thương Quận 2, TPHCM

Trao đổi với BBC, ông Hà Huy Thành, nguyên viện phó Viện kinh tế Việt Nam, cho biết từ nay đến cuối năm giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng.

Do đó, ông nói chính phủ sẽ phải rất cố gắng mới có thể giữ được lạm phát ở dưới mức hai con số như mục tiêu đề ra. Trước hết là làm sao để trong quý 3 giữ lạm phát ở mức xung quanh 8%.

Ông Thành dự đoán lạm phát cả năm 2012 có thể đến mức 9,5%.

Ông nói các biện pháp bình ổn giá cả của chính phủ, chẳng hạn như đưa hàng hóa về nông thôn hay quầy bán hành bình ổn ở các đô thị, cũng có phát huy tác dụng kìm giá.

Tuy nhiên một số mặt hàng chính phủ đưa vào chương trình bình ổn do doanh nghiệp lỗ lã nên không thể giữ được đúng giá như cam kết, ông cho biết.

Nhất là giá xăng, mặc dù không nằm trong các mặt hàng bình ổn mà điều hành theo giá thị trường nhưng do sự ‘điều hành không chặt chẽ’ cho nên từ trên xuống dưới ‘các đại lý lớn nhỏ đều tìm cách đẩy giá lên’.

Riêng giá xăng tăng liên tiếp đã đẩy giá thành vận tải hàng hóa, chi phí đánh bắt xa bờ của ngư dân và chi phí sản xuất của nông dân, ông giải thích.

Trong quý cuối năm do nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tăng cao nên ông Thành dự đoán giá cả sẽ tiếp tục tăng.

Các bài liên quan



http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120926_inflation_impacts_labourers.shtml

__________________


08:40 | 26/09/2012

Giá nhiều mặt hàng tại siêu thị sẽ tăng 5-10%


> Lấy lá cây đem bán, kiếm 15 triệu/tháng

TP - Trong khi giá cả ngoài chợ được các tiểu thương cố gắng giữ không tăng thêm sau đợt điều chỉnh mạnh cuối tháng 8, thì tại hệ thống các siêu thị, vào đầu tháng 10 tới, dấu hiệu tăng giá nhiều mặt hàng xuất hiện khi nhiều nhà cung cấp rục rịch đánh tiếng sẽ điều chỉnh.
Từ đầu năm đến nay, thực phẩm đã có 4-5 đợt tăng giá Ảnh: Thu Hiền
Từ đầu năm đến nay, thực phẩm đã có 4-5 đợt tăng giá.        Ảnh: Thu Hiền.



TPHCM, nhà cung cấp đòi tăng


Tại một số chợ trên địa bàn TPHCM ngày 25-9, theo các tiểu thương, một số mặt hàng có điều chỉnh tăng, giảm giá là do yếu tố thời tiết và mùa vụ.

Cụ thể, tại chợ Bến Thành (quận 1), giá tôm sú sống giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg, cua biển tăng 10.000 đồng/kg, các loại sò, ốc tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Do thời tiết mưa nhiều, các loại rau xanh dễ hỏng, khiến giá tăng nhẹ. Một số loại rau như cải thảo, cải ngọt, xà lách xoong, dưa leo, khổ qua tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg; cà chua, cà rốt, xà lách tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Trái lại, một số loại rau như cải rổ, cải xanh, ớt xanh lại giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Các loại thịt heo, bò, gà đều đứng giá.

Trong khi đó, nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM sau một thời gian nỗ lực giữ giá, hiện cũng đang đau đầu với bài toán giá cả. Đại diện hệ thống siêu thị Co.op mart cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã nhận được đề nghị điều chỉnh tăng giá sản phẩm của khoảng gần chục nhà cung cấp hàng hóa, tập trung vào nhóm hàng may mặc, hàng tiêu dùng nhựa, hóa mỹ phẩm, với mức đề nghị tăng giá khoảng 4 - 10%.

“Tuy nhiên, chúng tôi không thể áp dụng mức giá tăng như đề nghị, vì đang trong tháng khuyến mãi, mặt khác việc tăng giá cần có lộ trình và nếu tăng cũng phải áp dụng mức giá phù hợp để tránh gây “sốc” cho người tiêu dùng”- vị này cho biết.

Theo đó, đại diện Co.op mart khẳng định nếu nhà cung cấp cứ khăng khăng tăng giá sẽ buộc phải tìm nguồn hàng khác thay thế. Siêu thị Maximark Cộng Hòa nhận được thông báo tăng giá của khoảng 20 nhà cung cấp.

Dự kiến vào đầu tháng 10 tới, Maximark sẽ thực hiện áp giá mới với mức tăng thêm trong khoảng 5%. Hệ thống siêu thị Citimart cũng đã nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 100 nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm... với mức tăng 10 – 15%.


Hà Nội: Giá neo ở mức cao


Chợ Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn giữ nguyên so với tháng trước. Cụ thể, mặt hàng rau xanh như: rau muống, mùng tơi, cải xanh, rau khoai lang... đều có giá dao động từ: 5.000 - 7.000 đồng/mớ.

Thịt lợn có giá từ: 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy từng loại thịt...Theo các tiểu thương giá cả tháng 8 tăng mạnh do xăng tăng nên sang tháng 9 giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm hiện giữ không dám tăng thêm.

“Giá rau, thịt từ đầu năm đã tăng 4 - 5 đợt, người dân thắt chặt chi tiêu hơn khiến hàng quán ế ẩm. Nếu nhích lên một giá cũng khiến tâm lý người đi chợ không dám mua các mặt hàng đó nữa”, một tiểu thương cho hay.

Đang vào tháng khuyến mại nên các siêu thị như: Fivimark, Co.op mart, Hapro... xác định giữ nguyên giá bán.

Bà Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Hapro cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, hệ thống siêu thị chúng tôi chưa tăng giá bất kể mặt hàng nào. Nếu các đơn vị cung cấp không tăng giá thì chúng tôi vẫn giữ nguyên mặt bằng giá cả từ sau tết 2012 cho đến cuối năm”.Đại diện siêu thị Bic C cho hay, nếu có tăng giá thì cũng chỉ có dịp Tết năm 2013 sắp tới khi sức mua tăng đột biết.

“Vì Tết phải nhập nhiều mặt hàng mới, nguồn cung từ nhà sản xuất cũng hạn chế nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá. Trong năm qua, sức mua tại siêu thị giảm đáng kể nên đến thời điểm này chúng tôi phải tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để tăng sức mua. Mặt bằng lương thực, thực phẩm trong siêu thị luôn cao hơn ngoài chợ truyền thống nên nếu có tăng thì chúng tôi phải cân nhắc rất cẩn thận tránh gây tâm lý hoang mang cho khách hàng”, đại diện một siêu thị có tiếng ở Hà Nội cho biết.

Phải kiểm soát chặt luồng tiền


Theo ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục thống kê, với đà CPI tăng như hiện nay, nếu không kiểm soát chặt chẽ luồng tiền thì lạm phát cả năm 2012 khó giữ được ở mức 7%.

Đây chính là mấu chốt của ba tháng cuối năm. Ông Thức phân tích: Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng lên khá nhiều trong mấy tháng vừa rồi, gần đây là 10%. Khi M2 tăng, nó tác động trực tiếp vào lạm phát.

Chính phủ đặt mục tiêu CPI cả năm trong vòng 7-8%, cũng phải tính toán rất kỹ càng các chính sách điều hành sắp tới. “Nếu để lạm phát bình quân 1%/tháng vào 4 tháng cuối năm thì lạm phát bình quân theo năm sẽ là 2 con số. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô vào năm 2013” - ông Thức nói.

“Giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện có thể tăng. Lạm phát tháng 9 tăng mạnh thế là rất không bình thường” - một chuyên gia kinh tế nói.

Bảo Anh


Thu Hiền - Ngọc Mai
http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/592875/Gia-nhieu-mat-hang-tai-sieu-thi-se-tang-5-10-tpp.html

______________

Nguy cơ tái lạm phát ở Việt Nam

Cập nhật: 15:34 GMT - thứ hai, 24 tháng 9, 2012

CPI của các tháng so với cùng kỳ năm 2011. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mức kỷ lục gây quan ngại về nguy cơ tái lạm phát ở Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục thống kê (GSO) ngày 24/9 cho thấy CPI Việt Nam trong tháng Chín tăng 2,2% so với tháng trước đó.

Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng Sáu năm 2011, dựa theo bản báo cáo.

Trao đổi với báo chí trong nước, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ thống kê giá cả của GSO cho biết CPI tăng cao là ảnh hưởng của sự tăng giá đồng loạt của các mặt hàng như thuốc men, dịch vụ y tế, giáo dục, vận chuyển, vật liệu xây dựng.

Nhóm giáo dục và vật liệu xây dựng tăng lần lượt 10,54% và 2,18%.

Dịch vụ y tế cũng tăng cao trong tháng Chín, đưa giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng đến 17,02% so với tháng trước, trong đó chỉ riêng dịch vụ y tế tăng 7,71%.

CPI trong tháng Chín tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh tăng lần lượt 2,47% và 1,21%, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của CPI cả nước.

Nguy cơ tái lạm phát



Theo ông Thắng, sau hai tháng giảm phát liên tiếp trong tháng Sáu và Bảy, việc leo thang nhanh chóng của chỉ số CPI trong tháng Chín gây nhiều quan ngại rằng lạm phát năm nay có thể sẽ tăng cao hơn chỉ tiêu 7%.
Vật giá được cho là có nguy cơ tiếp tục tăng từ đây đến cuối năm


Nếu mức tăng duy trì ở 1,5% trong ba tháng tới thì đến tháng 12, chỉ số CPI sẽ tăng 9,93%, tin từ Cổng thông tin chính phủ cho biết.

Nhận xét với báo chí về chỉ số CPI trong tháng Chín, ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ tài chính cho biết: "Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả."

Hiện tại, có nhiều ý kiến xung quanh nguyên nhân tăng đột ngột của CPI trong nước.

Giới phân tích cho rằng trong suốt thời gian giảm phát, các doanh nghiệp đã lợi dụng thời điểm giá CPI âm trong tháng Sáu, Bảy để đẩy giá đi lên.

Tuy nhiên đây được cho là động thái gây nhiều ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế, khi CPI không tăng lên bằng nhu cầu thực chất; khiến chỉ số CPI tăng không có nghĩa là sức mua được cải thiện mà thậm chí còn làm suy giảm sức mua của người dân.

Việc xăng dầu, dịch vụ y tế, điện tăng giá trong những tháng gần đây được đánh giá là gây ảnh hưởng lớn lên CPI trong tháng Tám, Chín và là tín hiệu đáng quan ngại cho sự quay trở lại của lạm phát nếu không có những chính sách điều hành vĩ mô cẩn trọng.

Ông Vũ Đình Ánh nhận xét thêm rằng không thể xem thường sự tăng giá hàng loạt của các mặt hàng thiết yếu, đồng thời cần phải lập tức kiềm chế trước nguy cơ lạm phát quay trở lại.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/09/120924_inflation_return_fear.shtml

______________

Xem thêm : Đánh thuế… bà đẻ!

Thứ Sáu, 21/09/2012 17:42

(NLĐO)- Từ hôm qua tới giờ, cả công ty tôi xôn xao vì cái thông tin “đánh thuế bà đẻ” của Tổng Cục Thuế. Không xôn xao sao được khi những người thực hiện chính sách lại nhăm nhe bớt xén khoản trợ cấp còm cõi của những bà mẹ đang thất nghiệp và những đứa trẻ mới lọt lòng!


Chưa nói chuyện sai trái về mặt luật pháp mà chỉ nói đến tình người thì đó là một việc làm quá nhẫn tâm.

Về vấn đề này, một vị nguyên là quan chức Cục Thuế TPHCM đã viện dẫn luật và phân tích rất cặn kẽ: Trợ cấp thai sản là khoản bù đắp một phần thu nhập của lao động nữ khi chị em phải tạm thời rời bỏ thị trường lao động để thực hiện thiên chức làm mẹ. Khoản trợ cấp này là một trong những khoản chi từ BHXH, theo luật, nó được miễn thuế.

Trong thực tế, khoản tiền trích từ tiền lương để đóng BHXH của người lao động cũng đã được loại trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế trước đó, vậy thì hà cớ gì bây giờ Tổng Cục thuế lại “vơ vào” để đánh thuế?

Mặt khác, trợ cấp thai sản chỉ mới bù đắp được một phần chi phí nuôi bản thân và con nhỏ trong thời gian chị em nghỉ thai sản bởi có doanh nghiệp nào chịu đóng BHXH trên lương thực nhận đâu? Những ai đã từng làm mẹ đều biết rằng, người phụ nữ khi mang thai, sinh con, sức khỏe bị suy giảm. Khi nuôi con lại càng vất vả, thiếu thốn. Họ cần phải được ưu đãi, nâng đỡ để có thể vượt qua những khó khăn tạm thời này nhằm làm tốt thiên chức của mình- một thiên chức không chỉ phụng sự gia đình mà còn cho sự tồn tại của xã hội.

Chính vì vậy, mới đây Quốc hội đã nhất trí thông qua quy định sửa đổi thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng; trước đó, Luật BHXH cũng bỏ quy định lao động nữ chỉ được hưởng trợ cấp thai sản trong giới hạn 2 lần sinh con. Sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước là vậy; thế mà giờ đây có người, lại là một người phụ nữ định “đè đầu” những bà đẻ và những đứa trẻ sơ sinh ra để đánh thuế!

Chưa nói đến việc hiểu và áp dụng sai luật thì cái tình trong vấn đề này cũng đã bị các bậc “cha mẹ dân” vứt bỏ.

Ở đời, không có cha mẹ nào lại thất đức như vậy!

Đạo lý ở đâu trong việc “đánh thuế bà đẻ” này?

Song Nguyễn
http://nld.com.vn/2012092108394849p0c1010/danh-thue-ba-de.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét