Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012
Ngân hàng Việt Nam : Không minh bạch, lãnh đạo can thiệp trái luật
Đếm tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội
Reuters
Trọng Thành
Những bê bối của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây được công luận rất chú ý, đặc biệt sau vụ một số chủ ngân hàng lớn bất ngờ bị bắt hồi cuối tháng 8/2012. Tính chất không minh bạch trong các hoạt động của ngân hàng được giới chuyên môn đánh giá là một thủ phạm chính của tình trạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Từ Hà Nội, nhà kinh tế học Nguyễn Quang A đưa ra một số nhận định, suy nghĩ về thực trạng và một số nguyên nhân sâu xa của những bê bối trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, trước hết là về vấn đề « sở hữu chéo », chủ đề đang được giới chuyên môn và các cơ quan hữu trách Việt Nam chú ý.
|
RFI : Thưa ông, hiện tại như ông biết, vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng cũng như những nhược điểm khác trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được công luận rất quan tâm. Trước hết, để giúp cho thính giả có trình độ phổ thông hiểu rõ, xin ông cho biết sở hữu chéo là gì ?
Nguyễn Quang A : Sở hữu chéo là việc một ngân hàng A có cổ phần trong ngân hàng B, rồi ngân hàng B lại có cổ phần trong ngân hàng A. Hay ngân hàng A lại có cổ phần trong doanh nghiệp C nào đấy, và doanh nghiệp C lại có cổ phần trong ngân hàng A. Quan hệ chủ đan chéo lẫn nhau thì gọi là sở hữu chéo.
RFI : Thưa ông, đây là một thực tế phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới, nhưng theo ông ngân hàng Việt Nam có những đặc điểm gì khác biệt ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, điểm đặc biệt ở Việt Nam là thông tin có được minh bạch hay không, và người ta có lợi dụng việc sở hữu chéo đấy để làm những việc gì khuất tất hoặc trái quy định hay không mà thôi.
RFI : Vâng, thưa ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian vừa qua được giới chuyên môn cũng như báo chí đánh giá là có nhiều khuyết tật và có những hệ lụy nghiêm trọng. Riêng về phần không minh bạch của chế độ sở hữu và những nhược điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam, xin ông cho biết thêm.
Nguyễn Quang A : Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luật pháp Việt Nam có một quy định rất rõ ràng : Để cho một cổ đông lớn của ngân hàng, tức là một ông chủ lớn của ngân hàng, vay tiền của chính ngân hàng ấy thì phải có một sự kiểm soát rất chặt chẽ. Thậm chí, nếu mà ông chủ ấy giữ một vị trí nào đấy, ví dụ là thành viên Hội đồng Quản trị, hay đại diện của người đó giữ chức này, thì thậm chí khoản vay đó phải được, thậm chí là Đại hội cổ đông quyết định, tức là tất cả các ông chủ có ý kiến, thì mới được cho vay. Vấn đề là, cái ngưỡng thế nào là lớn, có thể là 5%, có thể là 10%. Nhưng ở Việt Nam không minh bạch ở cái chỗ là có thể một người kiểm soát 3, 4 công ty, hay là vợ, con, anh em người ta kiểm soát được. Mỗi người, hay mỗi công ty liên quan có phần không đủ lớn, nhưng tổng cộng lại thì vượt quá ngưỡng cho phép. Sự không minh bạch là ở chỗ đó.
Cho nên, khi ngân hàng cho một trong những người đó vay, theo quy định thì, vì đó không phải là cổ đông lớn, vẫn được vay bình thường, nhưng nếu xét tổng thể lại là không ổn. Sự không minh bạch và sự thực thi quy định không nghiêm túc có thể gây ra rất nhiều rủi ro. Mà rủi ro lớn nhất trong ngân hàng là cho « những người có liên quan » vay.
Những người có liên quan là ai ? Đó là những người ở trong Hội đồng Quản trị, những người trong Ban Giám đốc, những cổ đông lớn. Và nếu mà người ta dùng tỷ lệ sở hữu của người ta một cách trực tiếp, hoặc một cách gián tiếp của những người thân cận, các công ty thân cận, thì người ta có thể ảnh hưởng đến chuyện vay nợ như thế, đầu tư như thế, và cái đó thực sự phải được giám sát rất chặt chẽ và nhiều khi đây là một việc bị cấm, vì điều này tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.
RFI : Thưa ông, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống quản lý đã làm được những gì, và hiện tại có những điểm cụ thể nào mà họ chưa làm được ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những quy định tương đối chặt chẽ đối với việc giám sát và kiểm tra. Vì hoạt động ngân hàng là hoạt động có điều kiện và nó phải chịu sự kiểm tra giám sát rất chặt chẽ. Lẽ ra, nên có một tổ chức tách bạch ra khỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ làm việc giám sát hoạt động ngân hàng, kể cả các hoạt động của các công ty chứng khoán. Nên có một tổ chức Nhà nước riêng như vậy, chuyên sâu làm việc đó, thì có thể hữu hiệu hơn. Rất đáng tiếc là những việc kiểm tra như vậy trong thời gian vừa qua có thể là chưa làm được.
RFI : Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường ngân hàng không những thiếu minh bạch mà gần như được thả lỏng, có đúng không ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, thị trường trong lĩnh vực ngân hàng không phải được thả lỏng. Có thể gọi là chưa được chặt chẽ, có thể được thả lỏng theo một ý nghĩa như sau.
Cách đây khoảng 5, 7 năm, trước năm 2005, 2006, số lượng ngân hàng thương mại không phải là nhiều. Vì trong những năm 1997-2000, Ngân hàng Nhà nước đã có một đợt thanh lọc, gọi là « dẹp » một loạt các ngân hàng yếu kém. Rất đáng tiếc, từ 2006-2007 cho đến cách đây vài năm, một loạt ngân hàng nông thôn đã được nâng cấp lên thành ngân hàng đô thị, và một loạt ngân hàng mới được thành lập. Có thể việc nới lỏng là ở số lượng đó và quy mô hoạt động tăng lên rất là nhiều. Có một nhu cầu buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ. Cái đó là đúng, nhưng việc giám sát tăng vốn điều lệ của họ như thế nào, việc tăng vốn có phải là thật không, hay là tăng vốn ảo, do sự sở hữu chéo.
Ví dụ như, rất có thể, người ta bảo ngân hàng này có vốn 5.000 tỷ, nhưng thực chất không phải là như vậy. Với vốn 5.000 tỷ, quy mô hoạt động lớn hơn rất nhiều, so với vốn 3.500 tỷ. Sự vênh nhau này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
RFI : Thưa ông, sự kiện ông chủ ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt cuối tháng 8/2012, mà tất cả mọi người đều biết, với việc chứng khoán sụt giá, người rút tiền ồ ạt, phải chăng liên quan đến sự bất ổn nói chung của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là việc kém minh bạch về sở hữu tạo điều kiện cho tính chất độc quyền trong lĩnh vực ngân hàng, và điều này gây ra một tâm lý bất ổn trong xã hội ?
Nguyễn Quang A : Tôi không bình luận gì về ông Kiên, nhưng những hoạt động của thị trường chứng khoán, của ngân hàng sau ngày đó, bộc lộ sự mỏng manh, dễ vỡ của hệ thống, và cái đó, theo tôi, chính là ở môi trường và sự minh bạch thông tin. Nếu người dân, các nhà đầu tư được thông tin rất kịp thời và chính xác, người ta không bị các thông tin khác làm nhiễu, thì tác động tâm lý bớt đi nhiều. Cái đó là một bài học mà tôi muốn nhấn mạnh lại một điểm là : Minh bạch ! Minh bạch !
RFI : Về cái ý minh bạch mà ông vừa nhấn mạnh, thì theo ông, với thực lực của hệ thống ngân hàng, cũng như hệ thống quản lý tại Việt Nam hiện nay, thì những người quản lý có khả năng tạo được sự minh bạch được không ?
Nguyễn Quang A : Tôi cũng có câu hỏi như thế, và thực sự tôi không có thẩm quyền để trả lời thay cho các nhà chức trách. Nhưng tôi nghĩ rằng, họ chỉ có cách phải làm như vậy mà thôi.
Bản thân về khả năng, về năng lực, tôi nghĩ rằng, trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam họ có kinh nghiệm, họ biết cách để ứng phó với trường hợp như vậy. Không nên đánh giá quá thấp năng lực của họ. Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, rất đáng tiếc là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa phải là một tổ chức độc lập. Quyết định nó ở đâu … trên Ngân hàng Nhà nước.
Và rất đáng tiếc là, những năm trước, tôi lấy ví dụ, không phải có một trường hợp mà đã có nhiều trường hợp, quy định của Ngân hàng Nhà nước rành rành là không được cho một tổ chức nào vay quá 15% vốn của Ngân hàng, nhưng có khi, (đối với việc cho) một tổng công ty, một tập đoàn (vay), người ta vẫn lệnh xuống cho phép làm như thế này, cho phép làm như thế kia…
Tôi nghĩ rằng, để cho tính thượng tôn pháp luật được nghiêm minh, thì chính Nhà nước, nhất là các quan chức cao cấp của Nhà nước lại càng phải tôn trọng pháp luật, thì lúc đó mới có thể chuyển biến được. Còn chính những người ấy mà lại nêu gương xấu, bằng cách mở đường cho việc vi phạm pháp luật, mà chính họ nêu ra, thì rất là nguy hiểm.
Xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A.
RFI
_________________
Thứ năm, 13/9/2012, 00:05 GMT+7
E-mail Bản In
Hàng tỷ đôla nằm chết trong bất động sản
Thị trường ế ẩm cùng với việc nhiều nhà đầu tư tháo chạy khiến bất động sản phải đối mặt với nguy cơ dư cung khổng lồ. Chuyên gia tính toán, với 60.000 căn hộ tồn đọng, số vốn bị găm lại lên tới 2,86 tỷ đôla.
> Báo cáo Quốc hội về tồn kho bất động sản
> Nhà đầu tư địa ốc 'bỏ ngang' dự án
Tại hội thảo thị trường bất động sản giải pháp và cơ hội tiếp cận các tổ chức tín dụng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 12/9, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động Nguyễn Mạnh Hà đánh giá, địa ốc Hà Nội đang phải đối mặt với lượng tồn kho lớn, nhất là ở vùng ven thủ đô. Hầu hết các phân khúc từ cao cấp đến bình dân đều giảm giá, trong đó, tốc độ giảm mạnh nhất là căn hộ trên 25 triệu đồng mỗi m2. "Giá giảm nhưng chủ yếu với các dự án dở dang, còn sản phẩm ở ngay lại thiếu. Hạ tầng xã hội như trường học, trung tâm thương mại chưa có nên người dân 'ngại' không muốn ở", ông Hà nói.
Theo thống kê của một đơn vị tư vấn, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ. Ở TP HCM con số này là 20.000 căn hộ, nâng mức tồn cả nước lên tới 60.000 căn. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh làm một phép tính: “Nếu tính đơn cử 1 tỷ đồng mỗi căn hộ thì số tiền 'chôn' trong bất động sản lên tới 60.000 tỷ đồng, tương đương với 2,86 tỷ đôla, một con số không nhỏ”, ông Ánh đánh giá.
* |
Vấn đề lớn nhất của địa ốc là đầu ra. Ảnh: Hoàng Lan |
Tồn kho trong bất động sản trở thành một vấn đề nhức nhối khiến vừa qua Bộ Xây dựng vừa đề nghị các Sở Xây dựng báo cáo về thực trạng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Theo ông Ánh, thị trường bất động sản đang gặp phải tình huống "mang hàng hiệu về nông thôn" khi bán những căn hộ giá quá cao, vượt khả năng chi trả của người dân. Mặc dù nhu cầu về nhà ở tăng cao, mỗi năm dân số tăng bình quân khoảng 1 triệu người, song chung cư vẫn ế vì với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng mỗi tháng người lao động phải mất 20 năm không ăn không uống mới mua được nhà.
"Dự án tốt không? Tốt. Đẹp không? Rất đẹp nhưng không bán ra được. Tôi sợ là kịch bản năm nay sẽ giống năm 2009 nhưng do bối cảnh khác nhau nên sẽ không có gói kích cầu nào cả", ông Ánh lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, những cơn sốt giá và lợi nhuận trong kinh doanh đã tạo nên làn sóng doanh nghiệp điện lực, dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng ồ ạt đầu tư bất động sản. Mặc dù hiện nay, dư nợ cho vay bất động sản chỉ còn 180.000 tỷ đồng nhưng thời điểm cao nhất từng lên tới 280.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ, cách đây 3 năm, bản thân ông đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở về sự bất hợp lý trong cơ cấu bất động sản. Các chủ đầu tư chạy đua đầu tư căn hộ cao cấp và đến nay đã phải "lĩnh đủ" khi phân khúc này rơi vào trạng thái bão hòa.
Từ đầu năm 2012 đến nay thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc. Cụ thể mới đây nhất, sau khi giảm giá 7 triệu đồng mỗi m2 vào năm 2011, một chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội) tiếp tục hạ 2 triệu đồng mỗi m2 để kích cầu. Ngoài ra, hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án Pháp Vân, làng Việt kiều châu Âu, Minh Khai... buộc phải bỏ ngang dự án, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng.
Số đông các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, sau một thời gian dài siết chặt, các hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản đã được gỡ bỏ, lãi suất ngân hàng đã nới rộng hơn tuy nhiên không phải dự án nào cũng tiếp cận được vốn. Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) thừa nhận, ngoài dự án khả thi vẫn được Vietinbank rót vốn thì những chủ đầu tư chộp giật phải chịu "hi sinh". Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng, Vietinbank đưa ra gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng ưu đãi cho đối tượng mua nhà có nhu cầu thực ở.
Để giúp thị trường bất động sản khởi sắc, các đại biểu đều cho rằng cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn. Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà đánh giá, vấn đề khó khăn nhất là phải giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp. Cục nhà đề nghị cần gián tiếp hạ giá bán thông qua miễn thuế VAT. "Tôi đề xuất miễn 10% thuế VAT cho người mua nhà để giám giá bán xuống", ông Hà nói.
Để lấy lại niềm tin đối với thị trường, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam Phan Thành Mai nhìn nhận, cần đẩy mạnh các quỹ hỗ trợ nguồn cầu vào thí điểm, đồng thời đưa Quỹ tiết kiệm nhà ở vào thực tế. Để kích cầu, ông Mai cho rằng, cần có chính sách lãi suất không thay đổi trong suốt thời gian vay cho người mua. Ngoài ra, để khơi thông vốn cho bất động sản, có thể huy động dài hạn từ các công cụ trái phiếu, chứng khoán...
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đánh giá, trước mắt thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sôi động ngay. Tuy nhiên, việc Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thêm, thậm chí có trường hợp được vay với mức 12-13% sẽ giúp cải thiện tình hình, tạo đà phát triển cho những năm sau. "Thị trường bất động sản sẽ ấm dần hơn cùng với phục hồi kinh tế, nhưng sẽ là ấm và phụ hồi từ từ", ông Nam lạc quan.
Hoàng Lan
Vnexpress
____________
Nhiều “đại gia ngân hàng” bán hết tài sản cũng không thể trả hết nợ
Thứ bảy 15/09/2012 12:16Tiếng là “đại gia ngân hàng” nhưng nếu tính thẳng thắn ra chắc chắn nhiều đại gia dù có bán hết tài sản đi cũng không thể trả hết nợ tại các ngân hàng – T.S Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn nói.
- Nhiều “đại gia ngân hàng” bán hết tài sản cũng không thể trả hết nợ
- "Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 32 ngân hàng quá cẩu thả"
- Đơn vị xếp hạng tín nhiệm ngân hàng "xin lỗi" vì kết quả "thiếu sót"
- Vì sao Agribank "mất hút" trong bảng xếp hạng tín nhiệm ngân hàng?
- Các "đại gia" ngân hàng Việt có bao nhiêu tiền?
T.S Lê Xuân Nghĩa cho biết quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn tình trạng lũng đoạn tại ngân hàng: Đồng tiền đầu tư vào ngân hàng phải là đồng “tiền sạch” 12 đời (đời - đi qua 1 chủ sở hữu).
Theo nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – ông Lê Xuân Nghĩa, tình trạng lũng đoạn tại các ngân hàng đã được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia chỉ ra và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cách đây 2 năm.
Quy định của luật hiện hành thì cá nhân và những người liên quan không được phép sở hữu quá 20% tổng số cổ phần tại một tổ chức tín dụng, nhưng trên thực tế có những người sở hữu lên đến 50% thậm chí 60%.
* |
Ông Nghĩa châm biếm rằng, đó là ngân hàng của “choa” (tao) chứ không phải ngân hàng của cộng đồng, nhân dân, ngân hàng của đất nước.
Chính vì thế chỉ ở Việt Nam mới có chuyện mẹ làm chủ tịch HĐQT, con gái làm tổng giám đốc, con trai làm phó tổng giám đốc… Việc này đã diễn ra trong vòng nhiều năm, nó như một góc xa lạ đối với thị trường tài chính quốc tế.
Trước đây, chúng tôi (Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) đã cảnh báo đây được xem là nguy cơ lớn nhất đe dọa đến an ninh của hệ thống tài chính tại Việt Nam.
“Vĩnh viễn chúng ta không thể xóa được nợ xấu, hệ thống ngân hàng không thể lành mạnh nếu điều này không được chấm dứt. Bởi lẽ, ngay từ đầu việc người góp vốn đã không minh bạch” – ông Nghĩa nói.
Tiền ở đâu ra?
Về tỷ lệ sở hữu là thế. Nhưng ông Nghĩa cũng đặt câu hỏi: Tiền đâu để những cá nhân đó có thể sở hữu số cổ phần đó?
Cách đây vài năm NHNN có hàng loạt các yêu cầu về tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, rồi từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn.
Giả sử, một cá nhân đang sở hữu 30% cổ phần tại một ngân hàng có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, thì khi ngân hàng đó tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng, cá nhân đó muốn duy trì tỷ lệ sở hữu của mình thì đồng nghĩa với việc phải có thêm 1.000 tỷ đồng để đóng vào.
Số tiền trên là quá lớn đối với một cá nhân cộng thêm thời gian để có được số tiền đó lại rất ngắn.
Do đó, hầu hết các cá nhân này buộc phải “lao” vào sử dụng tất cả các công cụ tài chính để "biến" tiền gửi của dân cư thành tiền của mình.
* |
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Cũng dễ hiểu vì sở hữu ngân hàng sẽ đem lại lợi nhuận rất cao nên ít có ai bỏ lỡ cơ hội này. Thống kê cho thấy, lợi nhuận cao nhất rơi vào khoảng 33%/năm.
Ông Nghĩa chỉ ra cách kiếm tiền để góp vào duy trì tỷ lệ sở hữu của những cá nhân sở hữu tại các ngân hàng (tạm gọi là “đại gia ngân hàng”) cụ thể như sau: thông thường là họ sẽ lập ra các công ty con và dùng chính công ty con này để phát hành trái phiếu lấy tiền về đầu tư vào ngân hàng của mình đang sở hữu hoặc các ngân hàng khác; sau đó lấy chính số cổ phiếu tại ngân hàng mà mình nắm cổ phần về cầm cố vay vốn ngay tại ngân hàng của mình và lấy số tiền cầm cố được này đi trả nợ trái phiếu.
Tiếng là “đại gia ngân hàng” nhưng nếu tính thẳng thắn ra chắc chắn nhiều đại gia dù có bán hết tài sản đi cũng không thể trả hết nợ tại các ngân hàng – ông Nghĩa thẳng thắn nói.
Bởi lẽ, vòng quay của trái phiếu ra cổ phiếu, rồi từ cổ phiếu thành tín dụng và từ tín dụng trả trở lại cho trái phiếu thời gian quá ngắn.
Thời gian đó chưa đủ để cổ phiếu đó sinh lời để trả lại tiền cho trái phiếu. Chính vì thế nợ xấu của các “đại gia ngân hàng” tại các ngân hàng là tương đối lớn.
Tiền phải "sạch" 12 đời
Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất bức xúc về tình trạng này và yêu cầu phải làm rõ vấn đề, đồng tiền đầu tư vào ngân hàng phải là đồng “tiền sạch” 12 đời (điều tra nguồn gốc 12 đời), trước mắt hãy chứng minh được đó là đồng “tiền sạch” 3 đời, ông Nghĩa cho biết.
Ông Nghĩa cho rằng, việc chống thao túng sẽ tiếp tục được Chính phủ làm quyết liệt và dứt khoát phải làm sớm để làm trong sạch hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo không gây xáo trộn hệ thống thì cách thức xử lý có thể khác. Chẳng hạn giao cho ngân hàng nhà nước xử lý hành chính, ép giảm tỷ lệ xuống đúng như quy định, tịch thu số cổ phần dư thừa xung công quỹ…
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bấm vào đây để viết bình luận - Bấm xem tất cả bình luận hay
Theo TTVN
http://giaoduc.net.vn/NTD-thong-thai/Nhieu-dai-gia-ngan-hang-ban-het-tai-san-cung-khong-the-tra-het-no/225287.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét