Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Nguyên nhân tại sao nguồn thông tin “lề trái” ngày càng thu hút nhiều người đọc trong khi số lượng báo chí “lề phải” không thiếu? ( Lỗ hổng cấm địa làm phát sinh “lề trái” )



Lỗ hổng cấm địa làm phát sinh “lề trái”



Nhân việc Thủ tướng ra công văn xử lý thông tin chống Đảng và Nhà nước: một số trí thức nhận định về thị trường báo chí hiện nay.

RFA
Một sạp báo ở TP HCM.


Nguyên nhân tại sao nguồn thông tin “lề trái” ngày càng thu hút nhiều người đọc trong khi số lượng báo chí “lề phải” không thiếu? Liệu một đất nước có hệ thống truyền thông theo kiểu “chia lề” như thế có là bình thường?

Đối với nhiều người dân Việt Nam, khái niệm báo chí “lề phải” và “lề trái” đã trở nên rất quen thuộc với họ, nhất là sau giai đoạn bùng nổ thông tin từ mạng internet và tiếp sau đó là sự “đổ bộ” của những trang mạng xã hội vào Việt Nam. Người được cho là đầu tiên sử dụng từ “lề phải” và “lề trái” là ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Thái Doãn Hợp. Ông này gọi báo đài nhà nước là “lề phải”, còn các nguồn thông tin trái với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước được gọi là “lề trái”.

Theo Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam tại TPHCM, một đất nước mà thông tin bị phân loại theo kiểu trên là một tình trạng bất thường xuất phát từ nguyên nhân thiếu tự do báo chí. Ông nói:

"Báo chí “lề phải” và “lề trái”, theo tôi hiểu, dường như chỉ có ở Việt Nam thôi. Nó xuất phát từ việc không có tự do báo chí. Chứ nếu có tự do báo chí, có báo chí tư nhân nữa thì mọi ý kiến của mọi người đều được phát biểu một cách công khai, minh bạch trên tờ báo của mình. Nếu ai vi phạm bí mật quốc gia hay bôi xấu, vu khống thì cứ dựa vào luật báo chí mà làm. Nhưng sở dĩ Việt Nam có báo “lề trái” là vì không có tự do báo chí."



Hệ thống truyền thông “một tổng biên tập”



Theo thống kê của Hội nhà báo Việt Nam, tính đến tháng 3 năm 2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí với 1.016 ấn phẩm, 67 đài phát thanh truyền hình, 61 báo điện tử, 191 trang mạng xã hội và cả ngàn trang thông tin điện tử khác. Sự lớn mạnh của truyền thông nhà nước đã đem đến cho người dân rất nhiều thông tin tứ lớn đến nhỏ, từ nhà ra phố…


Theo thống kê của Hội nhà báoViệt Nam cả nước hiện có trên 700 tờ báo. RFA file


Nhưng theo nhận xét của một số trí thức, hệ thống truyền thông lớn mạnh trên cùng với đội ngũ nhà báo hùng hậu gần 17.000 người được cấp thẻ chính thức vẫn không thể làm tròn nhiệm vụ thông tin cho người dân. Lý do là vì có những “vùng cấm” mà báo chí nhà nước thường rất dè dặt và thường né tránh không đặt chân vào. Đó là những chủ đề có ảnh hưởng trực tiếp hoặc liên quan đến chính trị như chuyện nội bộ Đảng Cộng Sản, vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ…

Theo nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thụy, ngoài những chủ đề không được phép nói, báo chí “lề phải” thường gặp một vấn đề nữa là đối với những lĩnh vực được xếp vào loại “nhạy cảm”, nghĩa là được phép nói nhưng không được nói hết sự thật, thì đương nhiên dẫn đến triệu chứng “nhà báo nói láo” khá phổ biến ở báo chí “lề phải” khi họ phải đề cập đến những chủ đề trên.

"Những lĩnh vực hết sức nhạy cảm như Biển Đông, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, những chuyện ấy họ không dám đưa tin. Có đưa tin thì để đánh những người biểu tình. Để đánh những người biểu tình thì họ không đưa tin khách quan mà họ phải bôi đen đi. Còn tất nhiên, việc của Đảng và Nhà nước thì họ phải tô hồng rồi."

Chính vì phải luôn canh chừng từng câu chữ, từng bài báo sao cho luôn nằm trong một khuôn khổ được gọi dưới cái tên “định hướng” mà báo chí “lề phải” thường rơi vào tình trạng đưa thông tin na ná nhau, thậm chí giống nhau ngay cả trong từng câu chữ đối những chủ đề mang tính “chỉ thị”. Do đó, nhiều người dân hay nói đùa rằng hệ thống báo chí Việt Nam chỉ có một tổng biên tập, đó là ông Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Luật gia Lê Hiếu Đằng chia sẻ:

"Có nhiều người trong nước người ta đùa là hiện nay báo chí“lề phải” của Việt Nam chỉ có một ông tổng biên tập thôi, đó là ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng của trung ương, có nghĩa là bị kiểm soát một cách chặt chẽ. Do đó không nói lên nguyện vọng, ý chí của người dân. Thậm chí có những vấn đề bức xúc của người dân cũng không dám phản ánh; hoặc có những tiêu cực lớn, khi bật đèn xanh thì mới dám phản ánh, chứ chưa bật đèn xanh thì cũng không dám.

Những năm gần đây, với sự kiểm soát của nhà nước đối với báo chí mà chúng ta gọi là “lề phải”, những ý kiến của các nhân sỹ trí thức, những người còn tâm huyết với đất nước góp ý về một số vấn đề hiện nay của đất nước thì lại không được đăng, không được thể hiện trên mặt báo gọi là “lề phải”. Hiện nay ở TPHCM, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên trước đây còn đăng. Chứ bây giờ tôi biết có một chỉ thị là đối với những người mà thường có những ý kiến trái chiều thì có chỉ thị mật là không được đăng, thấy tên là không được đăng rồi chứ chưa nói đến nội dung."

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS không ngại gọi thẳng nguyên nhân đã làm phát sinh ra “hội chứng đồng dạng” cũng như những tiêu cực khác ở báo chí “lề phải”  là vì nó phải thực hiện chức năng chính là làm cái loa cho Đảng:

"Ở một nền báo chí gọi là “báo chí chính thống” ở Việt Nam bây giờ thì báo chí thuần túy là cái loa của Đảng Cộng Sản. Như vậy, nó luôn luôn đặt mục tiêu của người chủ lên, chứ không phải mục tiêu là sự chính xác. Đấy là một căn bệnh mà tôi nghĩ là vô phương cứu chữa."


“Cấm địa” phát sinh “lề trái”


Một số các trang mạng, các Blog được gọi là báo chí lề trái


Mặc dù Việt Nam luôn khẳng định có tự do báo chí, không có “vùng cấm” nào đối với báo chí, nhưng thực tế đang diễn ra đã khiến cho người dân mất lòng tin đối với báo chí “lề phải” và họ tìm đến báo chí “lề trái” khi cần nguồn thông tin kiểm chứng.

Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết:

"Tính chính xác của báo mạng tới đâu thì thực ra mà nói, bởi vì một là báo chí chính thống không đầy đủ và sai sự thật mặc dù thông tin rất rộng, từ hang cùng ngõ hẻm đều thông tin hết, nhưng những vấn đề lớn, vấn đề nhạy cảm thì thông tin không chính xác làm cho độc giả không thỏa mãn. Người ta tò mò tìm đến các trang mạng, web hoặc các blog và mặc dù báo “lề trái” cũng có những thông tin không chính xác thì người ta vẫn tìm đọc để hiểu hơn."

Kể từ khi mạng internet phổ biến tại Việt Nam, người dân càng có điều kiện tiếp cận với báo chí “lề trái”. Họ có dịp so sánh, đối chiếu để tìm ra sự thật trong rất nhiều những sự kiện lớn nhỏ của đất nước, từ các sự kiện nóng như Trung Quốc gây hấn, lấn chiếm lãnh hải, chuyện biểu tình đến những vấn đề xảy ra trong cuộc sống thường nhật như chuyện cưỡng chế đất đai, chuyện xăng tăng giá…

Được truy cập nhiều nhất có lẽ phải kể đến các trang như Anhbasam, bauxite Việt Nam, Danlambao, blogQuechoa, blogNguyễn Xuân Diện, blog nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo... và gần đây là trang Quanlambao với hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Ngoài chức năng “bổ sung” vào lỗ hổng cấm địa, các trang mạng điện tử trên còn là nơi để người dân “xả” những bức xúc, trăn trở, suy nghĩ của mình mà không phải qua hàng rào kiểm duyệt của nhà nước. Tất nhiên, trong số những trang mạng “lề trái” thu hút người đọc bằng những thông tin nhanh, chính xác, cũng có những trang đưa những thông tin khó kiểm chứng nhưng vẫn đắt khách là vì, theo  TS. Nguyễn Quang A, “cơ chế nó đẻ ra như vậy”!

"Trong bối cảnh như hiện nay, có thể có những trang có những thông tin khó kiểm chứng nhưng lại thu hút được rất nhiều người đọc, là bởi vì do cái cơ chế nó đẻ ra như vậy. Tôi nghĩ ở một đất nước lành mạnh, những trang thông tin khó kiểm chứng hoặc đưa những thông tin không chính xác thì sẽ không có sức sống được."

Để giải quyết việc tồn tại thông tin “lề trái”, cũng như những thông tin bị cho là “bôi xấu” Đảng và nhà nước, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra quyết định xử lý các trang thông tin điện tử không chính thống mà cụ thể là trang Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và trang Biển Đông. Như vậy, liệu giải pháp đưa ra có phù hợp với một xã hội văn minh, tiến bộ hay không? Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần 2 của loạt bài tìm hiểu sinh hoạt báo chí hiện nay tại Việt Nam.

Theo dòng thời sự:



Khánh An, phóng viên RFA
2012-09-28

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét