Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Công an bắt đầu ngăn người đến dự phiên tòa xét xử 3 bloggers Sài Gòn / Tin trước phiên tòa CLBNBTD: 3 Blogger đã chuẩn bị sẵn đơn kháng án / Human Rights Watch: Việt Nam cần hủy bỏ cáo buộc và phóng thích các blogger / Những người mang tên Yêu Nước




Công an bắt đầu ngăn người đến dự phiên tòa xét xử 3 bloggers Sài Gòn


Đăng bởi pleikly lúc 12:05 Sáng 22/09/12


VRNs (22.09.2012) – Sài Gòn – Ngày 19.09.2012, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế & chức vụ, thuộc công an Sài Gòn đã gởi thư mời đến anh Lê Quốc Quyết. Thư mời hẹn chiều 20.09 sẽ gặp, vậy mà sáng 20.09 lại đã có thư mời thứ hai có cùng nội dung, hẹn gặp ngày 21.09.2012. Tức là thư mời đầu chưa đến lịch hẹn đã có thư mời hai. Đây là một việc làm bất thường, cho thấy công an Sài Gòn đang thực sự lúng túng với phiên xử Điếu cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSg vào ngày 24.09.2012 sắp tới.

Cũng một hành động tương tự như trên, lúc 21:45, ngày 21.09.2012, anh Dũng, con chị Dương Thị Tân gởi đến chúng tôi lời nhắn như sau: “Đúng 8:30 tối ngày hôm nay 21 tháng 9, 1 công an viên mặc sắc phục đã đến nhà bà Tân để tìm và đưa 1 giấy mời với nội dung như trong hình con đã đính kèm. Đáng lưu ý là giấy mời đúng sáng sớm ngày 24 tháng 9 nhằm giữ chân bà Tân không đi đến tòa án để tham gia phiên xử các nhà báo tự do mà bà là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng như 1 nhân chứng không thể thiếu của vụ án”.

Điều dáng chú ý là lý do mời bà Dương Thị Tân được ghi trong thư mời là: “Để hỏi về vụ việc gây rối trật tự tại TP. Bạc Liêu, vào ngày 16.09.2012″. Đây là điều kỳ cục của công an Việt Nam.

Tại Bạc Liêu, chiều ngày 16.09.2012, sau khi kiểm tra, lục soát không thấy gì, công an làm việc tại phường 1, Bạc Liêu bảo bà Tân về, bà không chịu về, mà đòi lập biên bản, nhưng ông phó công an phường là ông Nhuận đã không lập biên bản, mà năn nỉ xin bà ra về, và xin bà thông cảm, những chuyện trục trặc xảy ra vừa qua là do cấp trên làm (thành phố và tỉnh), còn phường chỉ biết cho mượn địa điểm. vậy mà hôm nay, công an Sài Gòn lại còn dám lấy lý do đó để ngăn trở bà Tân đến dự phiên tòa xử Điếu Cày và các thành viên câu lạc bộ nhà báo tự do.

Theo luật, thư mời không có giá trị triệu tập, nên người được mời có thể từ chối, nếu cảm thấy mình không có nhu cầu đáp ứng thư mời đó.

Sau đây là hai lá thư mời nói trên. (trang chuacuuthe.com đang bị đánh phá nên hình không hiện được)

Thư mời anh Lê Quốc Quyết

Thư mời bà Dương Thị Tân

http://chuacuuthenews.wordpress.com/2012/09/22/cong-an-bat-dau-ngan-nguoi-den-du-phien-toa-xet-xu-3-bloggers-sai-gon/

___________

Tin trước phiên tòa CLBNBTD: 3 Blogger đã chuẩn bị sẵn đơn kháng án



Những tin tức mới nhất về phiên xử các thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Công an giở trò giữ chân bà Dương Thị Tân vào ngày xét xử 24 tháng 9


Phiên xử sơ thẩm ngày 24.9.2012 tại tòa hình sự tòa án nhân dân thành phố là phiên tòa đặc biệt với "hội đồng 3" tức Hội đồng xét xử gồm 3 người.

Phiên tòa sẽ diễn ra tại phòng xử A và B, sảnh ra vào ngay cầu thang được trưng dụng làm nơi để cho báo chí nước ngoài và các nhân viên ngoại giao nước ngoài ngồi theo dõi qua màn hình được truyền hình từ phòng xử ra bên ngoài.

Thời gian xét xử dự kiến có thể diễn ra trong 2 ngày: 24 và 25 tháng 9. Trong 2 ngày này, toàn bộ các vụ án khác tại tòa án nhân dân thành phố đều bị tạm hoãn.

Một cán bộ tham mưu của tòa án thành phố cho biết: Về mặt tổ chức, "phiên tòa sẽ rất nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao nước ngoài". Do vậy sẽ có máy dò kim loại cho những người ra vào phiên tòa. Sẽ không có truyền thanh ra khu vực bên ngoài như phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam trước đây. Dĩ nhiên các biện pháp an ninh xung quanh khu vực tòa án thành phố sẽ được tăng cường. Không loại trừ biện pháp phá sóng điện thoại tại khu vực tòa án. Các phóng viên được cấp thẻ chỉ tham dự phần khai mạc và tuyên án khi tác nghiệp không được mang theo điện thoại hay chất kim khí kể cả các loại bút viết vào phiên tòa.

Phía các đoàn ngoại giao gồm có đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ (2 người), Anh (1 người), EU (2 người), Pháp (2 người), Úc (1 người), 1 đại diện khối ASEAN và 2 người của Ủy ban nhân quyền LHQ. Phía Tổng lãnh sự Canada tại Sài Gòn có gởi đại diện, nhưng vì thủ tục trễ nên có thể sẽ không kịp tham dự vào ngày 24.9. Tất cả các đoàn tham dự sẽ có thông dịch riêng và những nhân viên này cũng như báo chí sẽ ngồi ở khu vực sảnh theo dõi qua màn hình chứ không được vào bên trong phòng xử.

Phía báo chí đến hiện nay thì ngoài các cơ quan báo chí trong nước còn có các hãng tin AP (Hoa Kỳ), AFP (Pháp), ABC News, Bangkok Post (Thái Lan) được tham dự phần khai mạc và tuyên án. Một hãng tin Singapore nộp đơn đăng ký nhưng trễ hạn.

Có 5 luật sư bào chữa cho 3 bị cáo trong đó bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải có 2 luật sư. Ông Nguyễn Văn Hải có một luật sư bào chữa.

Có 9 người bị triệu tập trong vai trò người làm chứng. Nhưng việc trích xuất tù nhân Nguyễn Tiến Trung trong phiên tòa Lê Công Định là một bước đi có tính toán của phía an ninh Việt Nam.

Cả ba blogger bị truy tố theo khoản 2 điều 88 Bộ luật hình sự, với mức án rất nặng nề: từ 10 năm đến 20 năm tù. Theo cán bộ tham mưu này, 'bản án bỏ túi' đối với chị Tạ Phong Tần có thể 'dưới trung bình' của mức án (dưới 15 năm), và mức án cho ông Nguyễn Văn Hải là trên trung bình của mức án (trên 15 năm). Đây là dự kiến cuối cùng của phiên họp 3 bên Viện Kiểm Sát - Tòa án và An Ninh điều tra. Tuy nhiên theo người này, một diễn biến khác có thể xảy ra là phần 'nhận tội' và 'xin khoan hồng' của ông Phan Thanh Hải là khá mơ hồ. Nhiều khả năng Blogger này sẽ phản cung ngay trong phiên sơ thẩm.

Theo nguồn tin từ phía an ninh: Trong 3 bị cáo, có 2 người hoàn toàn phủ nhận cáo buộc là bà Tạ Phong Tần và ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).

Mặc dù phiên sơ thẩm chưa diễn ra vào ngày 24.9, nhưng cả 3 bị cáo đã chuẩn bị sẵn đơn kháng cáo. Việc kháng cáo của các bị cáo không chỉ có phía an ninh, thân nhân biết mà rất nhiều tù nhân khác cùng bị giam đều biết trước việc này.

Cho đến nay thì phía Việt Nam cho là xét xử các bị cáo trong CLBNBTD này là đúng luật và quyết không chịu nhượng bộ nào với sức ép từ bên ngoài.

Trong khi đó, vào 8:30 tối ngày 21 tháng 9, công an đã đến nhà bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đưa "giấy mời" yêu cầu bà Tân phải có mặt tại cơ quan công an vào 7 giờ 30 sáng ngày 24 tháng 9 - Đúng vào ngày xử 3 nhà báo tự do.

Đây rõ ràng là một động thái nhằm giữ chân bà Dương Thị Tân không thể tham dự phiên tòa của các thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do mà bà là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng như là một nhân chứng quan trọng, không thể thiếu của vụ án.


Bên cạnh chị Dương Thị Tân, theo nguồn tin của Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế VRNs: Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế & chức vụ, thuộc công an Sài Gòn đã gởi thư mời đến anh Lê Quốc Quyết. Thư mời hẹn chiều 20.09 sẽ gặp, vậy mà sáng 20.09 lại đã có thư mời thứ hai có cùng nội dung, hẹn gặp ngày 21.09.2012. Tức là thư mời đầu chưa đến lịch hẹn đã có thư mời hai. Đây là một việc làm bất thường, cho thấy công an Sài Gòn đang thực sự lúng túng với phiên xử Điếu cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSaigon vào ngày 24.09.2012 sắp tới.




Phạm Viết Bằng
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/tin-truoc-phien-toa-clbnbtd-3-blogger.html#.UF6n4Y1lQlB


* Về phản ứng của dư luận trước phiên tòa, một nguồn tin cho biết:

Vào lúc 18:30 tối Chúa nhật, 23/09/2012, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (38 Kỳ Đồng, Quận 3) sẽ tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho 3 Bloggers  Câu Lạc Bộ Nhà Bào Tự Do trước phiên sơ thẩn ngày 24.09; và cho 3 Thanh niên Công Giáo sẽ bị xử phúc thẩm ở Nghệ An, ngày 26.09.2012.

Dự kiến, đông đảo các blogger và những người ủng hộ sẽ có mặt tham dự thánh lễ cầu nguyện đặc biệt này.

22.9.12

________________

Human Rights Watch: Việt Nam cần hủy bỏ cáo buộc và phóng thích các blogger





Thủ tướng chỉ đạo tấn công các tiếng nói chỉ trích và bưng bít blog

New York, ngày 21 tháng Chín năm 2012 – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ba blogger nổi tiếng và phóng thích họ ngay lập tức. Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Hải(bút danh Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) và Tạ Phong Tần vào ngày 24 tháng Chín năm 2012 theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Nếu bị kết án, các bị cáo có thể phải đối mặt với mức án tù đến 20 năm.

Vào ngày 12 tháng Chín vừa qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đảm nhận trách nhiệm đàn áp tự do ngôn luận bằng văn bản chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan hữu quan ngăn chặn các blog chính trị không vừa ý chính quyền, xử lý những cá nhân đứng đằng sau, và ngăn cấm công chức nhà nước đọc, phát tán các tin tức đăng tải trên các blog đó. Văn bản nói trên xuất hiện giữa lúc Việt Nam đang có những bất ổn kinh tế, sau khi một loạt các đại gia có quan hệ tầm cỡ và các quan chức doanh nghiệp nhà nước bị bắt.

“Tội bị quy kết cho các blogger này chỉ là đưa những thông tin mà chính quyền không muốn người dân Việt Nam đọc,” ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chừng nào chính quyền còn tùy tiện sử dụng các điều luật an ninh quốc gia có nội dung mơ hồ để bỏ tù những người lên tiếng phê phán chính phủ, các blogger còn là đối tượng của sự tấn công vào quyền tự do ngôn luận.”

Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh HảiTạ Phong Tần đều là thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, được thành lập vào tháng Chín năm 2007 với mục đích thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhân quyền. Từ ngày Câu lạc bộ ra đời, chính quyền liên tục sách nhiễu, đe dọa và bắt bớ các nhà báo và blogger độc lập có liên hệ với câu lạc bộ.

Công an bắt giữ bà Tạ Phong Tần từ tháng Chín năm 2011 và ông Phan Thanh Hải từ tháng Mười năm 2010. Cả hai đều bị tạm giam chờ xét xử suốt từ đó đến nay. Ông Nguyễn Văn Hảibị bắt từ tháng Tư năm 2008 và bị kết án 30 tháng tù với tội danh trốn thuế ngụy tạo. Sau khi bản án của Nguyễn Văn Hải được thi hành xong vào tháng Mười năm 2010, đáng lẽ phải trả tự do cho ông thì chính quyền lại truy tố với tội danh mới theo điều 88. Phiên tòa xử họ đã bị hoãn đến ba lần.

Vào ngày mồng 3 tháng Tám năm 2012, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyềnbày tỏ “quan ngại sâu sắc rằng phiên tòa sắp xử Nguyễn Văn Hải…, P[h]an Thanh Hải và Tạ Phong Tần về tội ‘tuyên truyền’ chống Nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc thực thi hợp pháp quyền tự do ngôn luận của họ, trong đó có việc đăng tải ý kiến về các vấn đề xã hội và nhân quyền trên mạng.”

Ngày mồng 3 tháng Năm, Tổng thống Obama phát biểu rằng “chúng ta không được quên [các nhà báo] như blogger Điếu Cày, người bị bắt từ năm 2008 trùng với thời điểm của một đợt trấn áp hàng loạt các nhà báo công dân ở Việt Nam.” Trong tháng Tư, chính phủ Hoa Kỳ nêu rõ sự can đảm của Điếu Cày, đặt vụ của ông lên đầu tiên trong một loạt hồ sơ các blogger và nhà báo được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh nhân dịp kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Trong một vụ việc đau buồn, vào ngày 30 tháng Bảy, thân mẫu blogger Tạ Phong Tần, bà Đặng Thị Kim Liêng, 64 tuổi, đã tự thiêu bên ngoài trụ sở Đảng ủy tỉnh Bạc Liêu và qua đời ngay trong ngày hôm đó. Nguyên nhân của việc tự thiêu được cho biết là do sự sách nhiễu của công an với gia đình và phiên tòa sắp xử con gái của bà. Các blogger và những người ủng hộ nhân quyền như nhà vận động quyền lợi đất đai Bùi Thị Minh Hằng và cựu tù nhân chính trị Trương Minh Đức và Trương Minh Nguyệt đã bị công an sách nhiễu và đe dọa khi cố đến viếng tang.

“Trong khi đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nhiều vụ bê bối và mâu thuẫn chính trị nội bộ, chính quyền Việt Nam đáng ra phải có nhu cầu tạo dòng chảy thông tin trong nước một cách tự do hơn,” ông Adams nói. “Việt Nam cần tiếp thu thông điệp sau: bịt miệng những người chỉ trích và bỏ tù các blogger không giúp gì cho việc giải quyết các vấn nạn của đất nước.”

Muốn biết thêm các báo cáo về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xem:

https://www.hrw.org/languages?lang=vi

Để có thêm thông tin, xin liên hệ:

Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặcsiftonj@hrw.org. Theo dõi qua twitter @johnsifton

Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hoặcrobertp@hrw.org. Theo dõi qua twitter @Reaproy

Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-510-926-8443 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Theo dõi qua twitter @BradAdamsHRW

*

HRW gửi Danlambao
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/human-rights-watch-viet-nam-can-huy-bo.html#.UF6n441lQlB

21.9.12

____________

Những người mang tên Yêu Nước





Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải được nhắc đến như là những blogger. Các anh chị cũng được xem là thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Những tháng ngày tù đày cũng biến các anh chị thành tù nhân chính trị. Nhưng đứng lên trên tất cả mọi tên gọi, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải đều mang một tên gọi chung: Người Yêu Nước Việt Nam. Xét xử họ, một lần nữa, đảng CSVN đã đem lòng yêu nước ra để mà xử tội.

Lòng yêu nước của Nguyễn Văn Hải được thể hiện từ những buổi ban đầu khi những bước chân Sài Gòn lần đầu tiên xuống đường vung cao tay đả đảo Trung Quốc xâm lược vào ngày 16 tháng 12 năm 2007. Nỗi uất hận biển đảo bị giày xéo đã được anh hiên ngang thể hiện bởi những dòng chữ trên ngực, trên đầu và trong trái tim nóng bỏng yêu nước thương nòi của anh: Việt Nam muôn năm – Bọn Trung Quốc xâm lược hãy cút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam. Trước những đàn áp lòng yêu nước khốc liệt, Nguyễn Văn Hải, người cựu chiến binh không biết rượu bia, không khói thuốc trở thành blogger mang tên Điếu Cày và tiên phong cho phong trào Dân báo Việt Nam.

Lòng yêu nước của Tạ Phong Tần trang trải cùng khắp trên trang blog mang tên Công Lý & Sự Thật của chị. Ở đó người ta tìm thấy tấm lòng của chị đối với những mãnh đời lênh đênh chiếc lá dân nghèo, phẫn nộ của trước những quan chức loại Sầm Đức Xương. Chị vừa viết về sự vắng bóng của công lý trong vũng lầy tham nhũng, những đòn khủng bố của công an, vừa gửi gắm những lời cầu nguyện tín thác của một người từng là một sỹ quan an ninh vào Thiên Chúa. Khi biển Đông dậy sóng chị cũng là những người tiên phong cùng với các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do xuống đường tuyên bố với thế giới về sự có mặt của những công dân Việt Nam Yêu Nước.

Lòng yêu nước của Phan Thanh Hải thể hiện từ góc nhìn của một Luật gia về những bất công của luật pháp áp đặt lên đất nước và đồng bào của anh. Đối với bạn bè đang đi trên con đường đầy chông gai và bẫy mìn pháp lệnh, anh là người bạn cố vấn gần gũi nhất. Vài ngày trước khi bị bắt, trên trang blog Anhbasg, anh đã lên lời kêu gọi chọn một ngày kỷ niệm và cổ xúy tinh thần blogger Việt Nam. Khi Trung Quốc mở rộng âm mưu bá quyền lên đất nước thân yêu, anh cởi chiếc áo luật gia, bỏ nón blogger, anh miệng nói chân đi trên các nẻo đường phố Sài Gòn để là người Yêu Nước.

Nhìn lại toàn bộ những suy tư, hành động của Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải chúng ta có thể nhìn thấy thấp thoáng phản chiếu nhân ảnh của nhiều người. Ở đó có Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hồ Nhật Thành, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng, Nguyễn Tiến Nam, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Chí Đức, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Quang A, Lê Hiền Đức, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Diện, Lê Dũng, Trần Thị Nga, Tạ Trí Hải, Bùi Thanh Hiếu, Lê Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Dương Thị Xuân, Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng, Nguyễn Anh Dũng Aduku, Đoan Trang, Nguyễn Văn Phương... Tất cả có thể mang theo mình quá khứ khác nhau, suy nghĩ không cùng, hành xử khác biệt, cá tính bất đồng... nhưng đều cùng mang một vóc dáng mang tên Yêu Nước. Và hơn tất cả, người ta thấy trong đó hình ảnh Yêu Nước của những con người vô danh. Những con người tên tuổi không được biết đến nhưng luôn tự hào và sẵn sàng mang trên ngực tấm bảng tên: Người Việt Nam Yêu Nước. Đó là chúng ta.

Tính đến ngày 22 tháng 9 năm 2012:
Anh Nguyễn Văn Hải bị giam cầm "thêm" 2 năm không xét xử.
Anh Phan Thanh Hải bị giam cầm gần đúng 2 năm không xét xử.
Chị Tạ Phong Tần hơn 1 năm không xét xử.

Tổng cộng 5 năm tù phủ lên đầu những người Yêu Nước mà không cần một phán xét nào của tòa án.

5 năm tù đó cũng là 5 năm tù không xét xử dành cho tất cả những người Yêu Nước Việt Nam. Nó mang ý nghĩa của một sợi dây thòng lọng treo lơ lửng lên đầu tất cả mọi vọng động yêu nước của bất kỳ ai.

Trong phiên tòa xử ngày 24-25 tháng 9, 2012, đứng trước vành móng ngựa của nền pháp lý cộng sản, không phải chỉ là hình hài thân xác của 3 con người, mà còn là quan điểm, thái độ, ý chí đặc trưng cho lòng yêu nước của người Việt Nam.

Phiên tòa 24-25 cũng sẽ là một vở tuồng dàn dựng cho một bản án bỏ túi, đã được quyết định từ trước bởi những thế lực chính trị. Bản án bỏ túi này không khác gì sợi dây thòng lọng bỏ túi sẵn sàng treo lên tròng vào cổ những người Yêu Nước.

Chúng ta, trong phạm vi và hoàn cảnh của mỗi người đã nỗ lực hết sức mình cho những vận động tự do cho những công dân yêu nước. Thế giới từ tổng thống Hoa Kỳ cho đến các cơ quan nhân quyền cũng đã lên tiếng và lên án. Tất cả đều có thể không thay đổi con số những tờ lịch mà Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anhbasg phải đếm trong tù. Nhưng những nỗ lực tranh đấu, vận động, lên tiếng là những việc làm đầy ý nghĩa, cần thiết, không thể không có.

Vì chúng ta không thể để lòng yêu nước của chúng ta bị bỏ rơi.

Vì chúng ta không chấp nhận để lòng yêu nước của chúng ta phải cô đơn tiếp tục tranh đấu ở trong tù.

Vì chúng ta không im lặng đồng lõa với tội ác.

Vì chúng ta sẽ lại là những người đang xếp hàng trước cổng tù khi còn thở hơi thở Yêu Nước.

Những gì chúng ta làm ngày hôm nay cũng chính là những gì bạn bè, đồng bào làm cho chúng ta ngày sau, khi sợi dây thòng lọng được treo lên, xiết cổ lòng Yêu Nước của chính mình.

Vì thế, đương nhiên, chúng ta bằng cách này hay cách khác luôn đồng hành với Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải.

Sẽ không có Tự Do nếu mỗi công dân Việt Nam không được quyền yêu nước.

Sẽ không có Dân Chủ nếu không còn một Đất Nước để làm chủ.

Sẽ không còn Yêu Nước khi không còn một Đất Nước để yêu.

Chúng ta - Những người mang tên Yêu Nước


Dân Làm Báo
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/nhung-nguoi-mang-ten-yeu-nuoc.html#.UF6n5Y1lQlB

23.9.12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét