Đập vỡ, dân chạy đi đâu?
Liên tục bốn ngày liền, 10 vụ động đất xảy ra trong khu vực huyện Bắc Trà My, nơi có đập thủy điện Sông Tranh II từng có vấn đề kỹ thuật.
Photo courtesy of vnexpress
Thân đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My
Trong khi người dân hốt hoảng lo ngại con đập sẽ bị vỡ thì chính quyền trung ương vẫn chờ đợi cấp dưới báo cáo tình hình. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này liệu còn chần chờ bao lâu nữa?
Động đất liên tục
Sáng ngày 7 tháng 9, trong khi UBND huyện Bắc Trà My có cuộc gặp gỡ với giới chức Tỉnh Quảng Nam thì một trận động đất khác lại diễn ra tại khu vực này. Đây là lần thứ 10 người dân huyện Bắc Trà My chứng kiến sự rung chuyển khiến nhiều xã trong huyện tiếp tục sống trong hồi hộp không biết tới lúc nào thì đại họa sẽ đổ ập lên gia đình làng xóm của họ.
Ông Trần Kim Hùng, phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cũng là người có mặt trong cuộc họp cho biết lần đầu tiên ông cảm nhận thế nào là sự sợ hãi của người dân. Ông cũng ghi nhận rằng động đất có thể là do thuỷ điện gây ra chứ trước đây không có hiện tượng này.
10 trận động đất xảy ra liên tục nhưng vẫn chưa đủ để cơ quan chủ quản đập Thủy Điện Sông Tranh lo ngại vì theo chủ đầu tư là EVN vẫn luôn khẳng định con đập này dư sức chịu đựng mức động đất cao hơn thế nữa. Không những người dân tại huyện Bắc Trà My, nơi con đập Sông Tranh II được xây dựng lo sợ mà khu vực hạ du của 6 địa phương khác gồm Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và cả thành phố Hội An đều có nguy cơ bị nước lũ tàn phá nếu con đập bị vỡ.
Ông Nguyễn Thế Tài Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết tình hình hiện nay:
Động đất liên tục đã 10 lần rồi dân chúng rất hoang mang. Tôi đã báo cáo về tỉnh về trung ương rồi. Liên tiếp các trận động đất 3-4 độ richter nhưng trung ương cứ bảo là an toàn…an toàn nhưng mà nhân dân đâu tin cậy bao nhiêu vào những lời này. Tôi có đề nghị trung ương họp báo cụ thể tại huyện Bắc Trà My để nói rõ và cụ thể cho dân.
Hiện nay thành phố đã đưa ông trong viện địa cầu tới tính toán lại cụ thể để báo cáo chính phủ. Tôi muốn cán bộ trung ương tới Bắc Trà My có hội thảo chính thức. Riêng chúng tôi thì báo cáo thường xuyên cho tỉnh rồi. Nhân dân hiện nay rất hoang mang chúng tôi phải động viên nhân dân là phải bình tĩnh, Huyện sẽ có văn bản cụ thể gửi cho trung ương.
Viễn ảnh con đập bị vỡ đang được 40 ngàn người dân tại Bắc Trà My và hàng trăm ngàn cư dân khác vùng hạ lưu chia sẻ chung mối lo về một trận hồng thủy sắp cuốn trôi tài sản lẫn tính mạng của họ.
Dân chúng hoang mang
Các nhà khoa học trách nhiệm vẫn đang nghiên cứu xem các vụ động đất vừa qua có phải phát sinh do hồ chứa của đập quá lớn gây ra hiện tựơng động đất kích thích hay do những lý do khách quan khác. Nếu do sức chứa thì nhiều trận động đất khác sẽ xảy ra tiếp theo và một vụ vỡ đập sẽ không thể tránh khỏi.
TS Nguyễn Huy Minh người trách nhiệm đã đến tận con đập Sông Tranh để theo dõi mức độ rung động cho biết:
Cái rung động ở chân đập mà máy gia tốc của ban Quản lý Thuỷ Điện Sông Tranh 2 ghi nhận được thì nó là 88.3 cm trên bình phương có nghĩa là nó tương ứng với động đất cấp 7. Như vậy là nó chưa vượt quá động đất cực đại mà cái đập ấy được thiết kế để chống lại động đất cực đại.
Từ năm ngoái khi sự cố nứt thân đập thủy điện Sông Tranh II xảy ra đã tạo nên một làn sóng tranh luận về tính bền vững của con đập này và đơn vị chủ đầu tư là EVN đã không ít lần lên tiếng trấn an dư luận. Quyết định xử lý bằng keo chống thấm được giao cho công ty của Trung Quốc thực hiện. Thế nhưng trong một cuộc hội thảo, TS Phạm Bích San Đến từ Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN cho biết ông rất lo âu khi tất cả các tổ chức nước ngoài nói với ông rằng họ rất e ngại về công nghệ Trung Quốc mà EVN đang sử dụng để xây đập.
Dù muốn hay không yếu tố Trung Quốc vẫn đang âm ỉ trong lòng dư luận và nó tạo thêm những lo lắng rất có cơ sở về khả năng yếu kém sẽ gây vỡ đập là điều có thể tiên đoán.
Mặc dù các báo cáo liên tiếp đã được gửi về sau các trận động đất nhưng không được trung ương chú ý đúng mức. Cho tới hôm nay, 5 ngày sau khi động đất xảy ra chính phủ vẫn chưa có một quyết sách đúng đắn nào cho việc di tản người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều cán bộ địa phương lo lắng như ngồi trên lửa khi trực tiếp chứng kiến sự hoảng loạn của người dân.
Phương án cho vỡ đập
Khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chứa khoảng 730 triệu m3 nước nằm ở độ cao 100 mét so với vùng hạ lưu. Photo courtesy of vnexpress
Ông Đào Bội Thuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho chúng tôi biết về nỗi lo lắng của ông cũng như người dân trong huyện:
Bây giờ nhà máy thủy điện nó đang có phương án là để xác định khi có sự cố như vậy thì nước ngập đến đâu nhưng nó chưa làm. Chúng tôi rất muốn như vậy cho nên tôi vừa gửi công văn cho tỉnh đề nghị là trong khi chưa làm được điều này thì cũng phải có chuẩn bị một phương án xấu nhất như vậy. Chưa có phương án thì chúng tôi biết chạy đi đâu? Tôi đề nghị phải có giải pháp là khi có sự cố thì tôi thông báo cho người dân phải lên trên độ cao để tránh nước lũ thôi chứ biết làm sao bây giờ?
Ông Thuyên đưa ra một phương thức báo động mà nghe qua không khỏi ngậm ngùi. Trong thế kỷ 21 này khi khoa học kỹ thuật đã tiến bộ chóng mặt thì ở một nơi như Hiệp Đức lại có thể dùng súng để báo động như trong thời kỳ chiến tranh:
Bây giờ họ phải chờ thông báo của nhà nước vì cấp trên chưa có phương án thì chúng tôi không thể làm chi được mặc dầu là chúng tôi cũng đề nghị rồi. Vừa rồi trong văn bản của tôi đề nghị cho phép khi có sự cố vỡ đập thì chỉ còn cách duy nhất là đem súng ra bắn để thông báo cho người dân. Có được phép bắn thì tôi mới thông báo cho dân được.
Anh em tôi đã bàn rồi nếu tôi nhận đựơc thông tin thì để truyền lại thông tin ấy cho dân thì huyện đội lập tức bắn lên mấy loạt đại liên rồi các xã nghe cũng bắn tiếp cho các xã khác.
Người dân Hiệp Đức đã có kinh nghiệm lụt lội rồi. Năm 1964 nó đã ngập ở công trình 36, đó là ngập lụt tự nhiên chứ còn xảy ra sự cố vỡ đập thì tôi chưa biết thế nào. Vì bây giờ họ chưa đo chưa có phương án nên tôi cũng không thể nói như thế nào được.
Người dân không thể không lo sợ khi biết rằng ban quản lý dự án thuỷ điện 3 thuộc đơn vị quản lý thuỷ điện Sông Tranh 2, đã bắt đầu tích nước hồ chứa trở lại vào ngày 6/9. Việc làm này đã thực sự làm cho người dân bức xúc hơn khi tính mạng, tài sản của hàng chục ngàn gia đình không đựơc tập đoàn EVN coi trọng.
Theo bản tin của báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết với tư cách là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Trần Kim Hùng khẳng định: “Nếu động đất gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của dân thì tỉnh sẽ kiến nghị, kiên quyết buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả thiệt hại”.
Nếu EVN có khả năng bồi thường như lời ông Trần Kim Hùng nói đi chăng nữa thì sinh mạng của dân làm sao EVN cáng đáng nỗi khi chính bản thân nó chỉ là một tập đoàn chỉ lấy chuyện doanh thu làm trọng ? Nếu có bồi thường tài sản thì số tiền đó không phải từ túi của những người trách nhiệm của EVN khi khẳng định con đập an toàn mà là tiến thuế của nhân dân. Vì vậy EVN không thể lấy lời hứa đền bù để đặt cược sinh mạng của người dân vào ván bài thủy điện.
Theo dòng thời sự:
- Động đất lần thứ 10 tại thủy điện Sông Tranh 2
- 9 trận động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Nguyên nhân nứt đập thuỷ điện sông Tranh sắp được công bố
- Chủ đầu tư nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh
- Quảng Nam yêu cầu EVN khẩn trương xử lý vụ nứt đập thủy điện Sông Tranh 2
- Vẫn chưa có giải pháp cho vụ nứt đập Sông Tranh 2
- Lượng nước rò rỉ trên thân đập Sông Tranh đã giảm
- Sự cố Sông Tranh 2: biện pháp sửa chữa có thuyết phục?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-09-07
rfa
__________
Động đất lần thứ 10 tại thủy điện Sông Tranh 2
RFA-07-09-2012
Động đất đo được 4,2 độ richter tiếp tục xảy ra sáng nay 7/9 ở địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Source laodong.com
Sau trận động đất rung chuyển nhà cửa người dân Bắc Trà My lo sợ hoang mang
Trước đó từ tối 3/9 đến 6/9 đã xảy ra 9 trận động đất gây ra những tiếng nổ lớn làm rung chuyển nhà cửa và đồ đạc của người dân huyện Bắc Trà My.
Tối 7/9 Trả lời Mặc Lâm Đài ACTD ông Lê Cường thư ký UBND Huyện Bắc Trà My phát biểu:
“Từ tối ngày 3 sáng ngày 4 thì đã có 4 động đất, sáng nay 7/9 cũng có một động đất nữa (7-09) Hồi 9 giờ 24 đã có một tiếng nổ nữa. Hiện nay thì dân trên này hoang mang và rất là lo lắng. tất cã lãnh đạo huyện và người dân đều rất lo lắng động đất.”
Những trận động đất với tần suất ngày một nhiều hơn và cường độ cao hơn đã xảy ra, giữa khi đập thủy điện Sông Tranh 2 vừa hoàn tất sửa chữa dậm vá rò rỉ nước qua các khe nhiệt. Vấn đề này từng gây quan ngại lớn lao về sự an toàn của công trình.
Với loạt động đất hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục theo dõi đánh giá độ giãn nở và sự phát triển không bình thường nếu có của các khe nhiệt trên thân đập. Trong phần tạp chí “đọc báo trên mạng” chúng tôi có bài liên quan.
Trong diễn biến khác, sáng nay thủ đô Hà Nội cũng bị rung lắc nhẹ vì trận động đất mạnh 5,7 độ richter xảy ra lúc 10 giờ sáng ở Vân Nam Trung Quốc làm ít nhất 43 người chết và 150 người bị thương. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Việt Nam xác nhận Hà Nội chịu ảnh hưởng lan truyền chấn động từ trận động đất ở huyện Di Lương Vân Nam và huyện Uy Ninh Quý Châu.
rfa
________________
Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-09-07
9 trận động đất trong vòng 72 giờ từ tối 3/9 đến 6/9 xảy ra tại huyện Bắc Trà My Quảng Nam nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 làm người dân lo sợ vỡ đập.
Source anninhthudo.vn
Thủy điện Sông Tranh 2
Tải xuống - download
9 trận động đất trong vòng 72 giờ từ tối 3/9 đến 6/9 xảy ra tại huyện Bắc Trà My Quảng Nam nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 làm người dân lo sợ vỡ đập.
Những khe nhiệt không bình thường
Những trận động đất ngày một nhiều với cường độ cao nhất đo được 4,2 độ Richter giữa bối cảnh đập thủy điện Sông Tranh 2 đã bị rò rỉ nước kéo dài và chỉ mới vừa dậm vá xong hồi gần đây.
Công trình này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 5.200 tỷ đồng, công suất 190 MW được đưa vào hoạt động từ năm 2010.
Thủy điện Sông Tranh 2 có hồ chứa nước dung tích 730 triệu m3 nằm trên độ cao 100 mét so với khu vực hạ lưu. Đáng chú Ý địa bàn Quảng Nam nằm trên đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng-Tà Vi có thể xảy ra động đất tới mức 5.5 độ richter.
Trả lời Nam Nguyên, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu kiêm Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhận định:
Hiện tượng thấm xuất hiện ở vị trí khe co ở hạ lưu đập như hiện nay là không bình thường.
“
Rõ ràng chúng tôi có mối quan ngại, chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư xây dựng đập ấy chịu được động đất cấp 8. Thế nhưng trong thời gian gần đây ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại xuất hiện những khe nhiệt… tức là kết cấu thân đập được xây dựng theo công nghệ bê tông đầm lăn có những khe nhiệt.
Hồi tháng 3 tháng 4 vừa rồi có hiện tượng nước chảy qua những khe nhiệt ấy với lưu lượng lớn và một số khe nhiệt phát triển với mức độ không bình thường.
Điều lo ngại là, nếu động đất xảy ra với cường độ lớn hơn có thể làm cho những khe nhiệt ấy bị tiếp tục giãn nở có thể ảnh hưởng tới an toàn của đập.
Do vậy chúng tôi khuyến cáo là phải tiếp tục phải có những quan sát và nghiên cứu về tình hình động đất ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 để có thể đưa ra những ý kiến về xu thế họat động động đất ở khu vực đó.
Đồng thời kiến nghị chủ đầu tư có phương pháp vận hành đập ấy, hồ nước ấy đảm bảo được ở mức độ nhất định và có thể an toàn cho đập cũng như là an toàn cho toàn bộ dân cư trong khu vực đó. “
Thanh Niên Online ngày 5/9 trích lời GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cảnh báo tình trạng hết sức nguy hiểm. Theo đó, vai phải thân đập Sông Tranh 2 nhìn từ thượng lưu đã bị “há”, còn việc khắc phục chỉ mới dừng lại ở việc dán 10 khe nhiệt mặt thượng lưu, còn toàn đập thì chưa.
GS Hồng nhấn mạnh Quảng Nam đã vào mùa mưa, lại kèm những trận động đất lớn quanh thân đập Sông Tranh 2 nên cần đề phòng. Nhất là khi có lũ xảy ra kèm theo động đất sẽ rất nguy hiểm.
Vẫn theo Thanh Niên Online, GS Vũ Trọng Hồng khuyến cáo cần tình đến việc nhanh chóng sơ tán người dân vùng hạ lưu trong trường hợp vào mùa mưa lũ mà mực nước trong hồ chứa lên nhanh từ 3m-4m một ngày, lúc đó nguy cơ vỡ đập là rất cao.
Phải xây dựng kịch bản ứng phó
Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi-thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng phát biểu:
“Trước đây trong cuộc họp đoàn đại biểu Quốc hội họ có mời tôi và GS Vũ Trọng Hồng, chúng tôi đã đề nghị phải có kịch bản đánh giá, phải có bình độ vùng hạ lưu đập Sông Tranh cũng như mực nước trong hồ và xây dựng những kịch bản vỡ đập theo các kiểu khác nhau, để biết được sóng lũ tràn xuống hạ lưu như thế nào, vùng nào ngập bao nhiêu thì mình sẽ biết được. Nhưng rất tiếc đề nghị của chúng tôi người ta nghe và chẳng chú ý gì hết.
Ở các nước tiên tiến với các công trình quan trọng người ta đều có những kịch bản như thế, còn ở Việt Nam thì chưa làm, tôi không biết mức độ họ quan tâm ra sao… chính quyền các cấp chưa thúc đẩy chủ đầu tư công trình thuê tính toán để khi xảy ra tình huống thì có các kịch bản ứng phó, như thế thiệt hại sẽ giảm nhiều.”
Theo lời TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, đã có hơn 40 trận động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu năm 2012 tới nay.
Hiện chưa thể khẳng định các trận động đất xuất hiện ở Quảng Nam là động đất kích thích hay động đất kiến tạo. Nhưng bước đầu có thể xem là tổng hợp cả hai nguyên nhân.
Vị chuyên gia giải thích trên Thanh Niên Online, động đất kích thích chỉ xảy ra khi hội đủ hai điều kiện là có đới đứt gẫy đang hoạt động và nhân tố kích thích.
Còn với những trận động đất gần đây có thể xác định là do Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vào hồ chứa làm thay đổi địa chất xung quanh đập, có thể mô tả là tác nhân khiến động đất kiến tạo xảy ra sớm hơn. TS Lê Huy Minh nhấn mạnh:
“Trận động đất hôm qua (3/9) gây tiếng nổ rất lớn và sự rung động được ghi nhận là lớn nhất so với các trận động đất khác từ 2011 tới nay, vì thế người dân rất lo sợ. Thực tế khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất, đến khi xây dựng đập thuỷ điện quá trình tích nước vào lòng hồ dẫn đến những hiện tượng như vậy nên nhân dân rất sợ.”
Đoàn khảo sát, nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ có mặt tại một số nhà dân ở huyện Bắc Trà My để tìm hiểu tiếng nổ lạ trong lòng đất. Photo: Thuy Phuong/nld.com
9 trận động đất xảy ra liên tiếp từ chiều 3/9/2012 cho đến sáng 6/9/2012 đã đẩy sự âu lo của người dân Bắc Trà My lên đỉnh điểm. Ông Nguyễn Thế Tài, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân huyện Bắc Trà My phát biểu:
“Tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang đang lo về tính mạng về lâu về dài…tất cả đã được báo cáo về cấp trên… Tỉnh và Trung ương sẽ tính toán cụ thể… tôi động viên nhân dân cần bình tĩnh.”
Chính quyền Quảng Nam từ cấp xã, huyện lên tới cấp tỉnh đã đồng hành với người dân địa phương khi đặt ra những câu hỏi về sự bảo đảm an toàn sinh mạng và tài sản cho người dân.
Ít khi thấy một địa phương bày tỏ thái độ cứng rắn với chủ đầu tư công trình đến vậy và hồi tháng 6 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải hứa với Quốc hội là nếu đập sông Tranh 2 không an toàn sẽ dừng lại.
TS Lê Huy Minh nhận định với Đài Á Châu Tự Do:
“Hiện nay Ở miền Nam chưa là mùa mưa chính thức, chưa đến giai đoạn mưa nhiều nên lưu lượng nước vào hồ chưa cao, mức nước trong hồ thủy điện chưa phải là lớn. UBND Huyện Bắc Trà My và Tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư phải khẳng định chắc chắn việc tích nước ở hồ ấy là an toàn cho hoạt động của nhà máy và đập thủy điện thì mới cho phép tích nước.
Cho đến nay chưa có đánh giá chính thức khẳng định được là nếu như tích nước với độ cao lớn nhất mà vẫn an toàn thì rõ ràng là việc tích nước chưa được đồng ý.”
Những trận động đất với tần suất và cường độ chưa từng có ở Quảng Nam hiện nay không chỉ làm rung chuyển công trình Thủy điện Sông Tranh 2, nó đang trở thành một vấn đề chính trị trọng đại.
rfa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét