Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Đúng là bố láo. Báo Đảng TQ dọa 'có biện pháp' với VN. Và vừa lên tiếng cảnh báo Philippines và Việt Nam ‘đừng đùa với lửa’ ở Biển Đông.


Hà Nội và Manila ‘đừng đùa với lửa’


Cập nhật: 08:35 GMT - thứ năm, 12 tháng 4, 2012


Hoàn cầu thời báo kêu gọi tàu hải giám hộ tống ngư dân đánh bắt trong những vùng biển tranh chấp
Nhật báo tiếng Anh China Daily của Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo Philippines và Việt Nam ‘đừng đùa với lửa’ ở Biển Đông trong một bài xã luận hôm thứ Năm ngày 12/4.

Cùng lúc, tờ Hoàn cầu thời báo cũng đăng bài xã luận nói về tranh chấp Biển Đông.


“Những động thái mới nhất của hai nước láng giềng của Trung Quốc đã vượt quá sự tha thứ. Những động thái này thách thức trắng trợn sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc,” bài xã luận của China Daily viết.




‘Kiềm chế tối đa’



Bài này cáo buộc Việt Nam và Philippines đang tạo ra những tranh cãi mới ở Biển Đông và Trung Quốc nên có thêm các biện pháp bảo vệ lãnh hải.


Đề cập đến cuộc đối đầu với hải quân Philippines hiện đang diễn ra ở bãi cạn Scarborough, China Daily mô tả tàu hải quân Philippines đã ‘quấy rối’ ngư dân Trung Quốc đang thả neo ở một đầm phá ‘gần đảo Hoàng Nham’.


Việt Nam cũng bị China Daily phê phán với việc ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Biển Đông với công ty Nga – một hành động mà báo này cho rằng ‘đang lôi kéo một cường quốc như Nga vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh’.


"Sự kiềm chế của Trung Quốc không nên bị hiểu lầm. Chúng tôi không thiếu phương tiện và lực lượng để hành động mạnh bạo hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ."
China Daily


“Manila và Hà Nội phải dừng ngay việc tranh giành các lợi ích mà họ không có quyền,” bài xã luận cảnh báo, “Các nước này nên nhớ rằng đi vào vùng biển sóng gió là điều mạo hiểm.”


China Daily cáo buộc rằng kể từ cuối những năm 1970 khi mà Biển Đông được phát hiện có trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên dồi dào thì hai quốc gia này đã ‘cạnh tranh với nhau để chiếm đoạt những hòn đảo và đảo san hô 'của Trung Quốc' để khai thác phi pháp các tài nguyên’.


Tuy nhiên, tờ báo này cho biết Trung Quốc rất coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện với các nước trong khu vực và rằng nước này luôn cố gắng kiềm chế tối đa vì họ mong muốn môi trường xung quanh ổn định.


“Tuy nhiên sự kiềm chế của Trung Quốc không nên bị hiểu lầm. Chúng tôi không thiếu phương tiện và lực lượng để hành động mạnh bạo hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ,” bài xã luận đe dọa.




Hộ tống tàu cá



Cùng lúc, tờ Hoàn cầu thời báo cũng đăng bài xã luận dưới tiêu đề ‘Các lý tưởng hòa bình bị đặt dưới họng súng ở Biển Đông’ hôm thứ Năm 12/4.


Hai tàu hải giám Trung Quốc đụng độ với tàu hải quân Philippines

Trung Quốc nói họ sẵn sàng đáp trả tương xứng nếu bị khiêu khích

Bài xã luận này cũng có cùng giọng điệu với China Daily, tức là Trung Quốc luôn duy trì sự kiềm chế ở Biển Đông nhưng đe dọa sẽ đáp trả nếu các nước khác khiêu khích.


“Nếu tàu hay tàu cá Trung Quốc bị tấn công bởi các tàu hải quân của Philippines hay Việt Nam thì điều này sẽ báo hiệu leo thang tranh chấp,” bài xã luận viết, “Hải quân Trung Quốc sẽ có đáp trả.”


“Nếu một cuộc xung đột quân sự xảy ra ở Nam Hải, Trung Quốc sẽ không bắn phát súng đầu tiên nhưng sẽ đáp trả tương xứng.”


Hoàn cầu thời báo trấn an Trung Quốc sẽ không giải quyết các tranh chấp thông qua các phương tiện quân sự.


“Chúng tôi có kiên nhẫn để cùng tìm kiếm giải pháp với các quốc gia có liên quan thông qua thương lượng. Chúng tôi vẫn kiềm chế trong việc bảo vệ các lợi ích của mình,” bài xã luận viết.


Hoàn cầu thời báo cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn đối với cuộc đối đầu hiện nay với Hải quân Philippines.


“Cuộc đối đầu này xảy ra trong ngư trường quen thuộc của Trung Quốc. Philippines chưa bao giờ thật sự kiểm soát đảo Hoàng Nham,” tờ báo cho biết và nói thêm rằng phản ứng của Trung Quốc là theo trình tự thông thường khi tài sản của họ bị Hải quân Philippines đe dọa.


Bài xã luận đánh giá Trung Quốc có bước tiến trong việc thực thi chủ quyền ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) khi các tàu hải giám của nước này đã thật sự bảo vệ được các tàu cá của họ mà không cần dùng đến lực lượng hải quân.


"Trung Quốc sẽ đáp trả quả quyết để bảo vệ lợi ích của mình. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ vô nguyên tắc đối với sự liều lĩnh của các nước láng giềng."
Hoàn cầu thời báo


Cách phản ứng này của Trung Quốc sẽ khiến cho các bên có tranh chấp phải thay đổi suy nghĩ về thái độ của nước này, Hoàn cầu thời báo nhận định.


“Trung Quốc sẽ đáp trả quả quyết để bảo vệ lợi ích của mình,” bài báo viết, “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ vô nguyên tắc đối với sự liều lĩnh của các nước láng giềng.”


“Tranh chấp và quấy rối sẽ không làm chùn bước các ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở ngư trường truyền thống của mình,” bài xã luận khẳng định.


Tờ báo này cũng kêu gọi các tàu hải giám Trung Quốc hộ tống chặt chẽ các tàu đánh cá của họ và trợ giúp các tàu đánh cá này trong các trường hợp chạm trán như hiện nay vì ‘những tàu cá không được bảo vệ thường bị các quốc gia láng giềng bắt giữ’.


Hôm 11/4, tờ China Daily đã có bài nói Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ quốc gia nào muốn khai thác nguồn lợi dầu khí "trong các vùng biển của Trung Quốc mà không xin phép".


Đến nay, truyền thông nhà nước Việt Nam vẫn im lặng và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có thêm phản ứng gì về những chỉ trích mới nhất của báo chí Trung Quốc.



Bbc






+++++






Báo Đảng TQ dọa 'có biện pháp' với VN

Cập nhật: 16:20 GMT - thứ tư, 11 tháng 4, 2012

Một dàn khoan dầu khí ở Biển Đông


Một ngày sau khi chính phủ Trung Quốc chính thức phản đối dự án khai thác khí đốt ở bồn trũng Nam Côn Sơn giữa PetroVietnam và tập đoàn Nga Gazprom, tờ China Daily dẫn lời quan chức Trung Quốc nói đã có biện pháp ngăn chặn.

Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất bản bằng tiếng Anh, trong bài đăng hôm thứ Tư 11/4 nói Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ quốc gia nào muốn khai thác nguồn lợi dầu khí "trong các vùng biển của Trung Quốc mà không xin phép".


Ông Đặng Trọng Hoa, Tổng cục trưởng Tổng cục Biên giới và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến: "Trung Quốc luôn luôn phản đối việc thăm dò và khai thác lãnh hải của Trung Quốc mà không xin phép chúng tôi."


"Chúng tôi đã phản đối chính thức và có biện pháp ngăn chặn các hành động phi pháp này."


Ông Đặng không nói rõ đó là các biện pháp gì.


Hôm thứ Năm 5/4 tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom cho hay đã đạt thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Nhà nước PetroVietnam để cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam.


Cùng lúc, Tổng giám đốc Gazprom Alexey Miller đã có mặt tại Hà Nội và hội kiến lãnh đạo Việt Nam.


Gazprom cho hay hai lô nói trên trong bồn trũng Nam Côn Sơn ngoài khơi Việt Nam có trữ lượng tới 55,6 tỷ mét khối gas và 25 triệu tấn khí ngưng tụ.


Điều đáng chú ý là chính tại hai lô nói trên có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh, mà Trung Quốc đã thành công trong việc tạo áp lực buộc tập đoàn dầu khí Anh BP phải rút khỏi dự án với Việt Nam.


Việc công ty Nga đầu tư vào hai lô này được báo Trung Quốc bình luận là bị Việt Nam 'lôi kéo vào cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc'.




'Các nước bên ngoài'



Ông Tô Hạo, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, nói trên China Daily rằng Việt Nam muốn mang Nga, một quốc gia 'nằm ngoài khu vực' vào để đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc.


"Việt Nam luôn luôn thi hành chính sách này (lôi kéo các nước bên ngoài vào tranh chấp Biển Đông) trong khi Điện Kremlin đang muốn khôi phục lại ảnh hưởng của Nga ở Đông Á, bởi vậy không có gì lạ khi hai nước ký thỏa thuận khí nói trên."


Tổng giám đốc Gazprom Alexey Miller
Tổng giám đốc Gazprom Alexey Miller đã có chuyến thăm Việt Nam vào tuần trước




Ông Tô nhận xét: "Nước nào cũng làm những gì họ thấy cần".


Ông Đặ́ng Trọng Hoa từ Tổng cục Biên giới và Hải dương thì nói: "Trung Quốc luôn chủ trương gạt bỏ bất đồng để cùng khai thác nguồn lợi dầu khí trong các vùng biển còn đang tranh chấp. Chúng tôi muốn thảo luận với các bên liên quan để tìm ra một giải pháp toàn diện và hợp lý".


Tuy nhiên, mấu chốt trong tuyên bố 'gác tranh chấp cùng khai thác' của Trung Quốc là nguyên tắc bất di bất dịch về việc Trung Quốc có 'chủ quyền không thể chối cãi' tại các vùng tranh chấp.


Đường 'lưỡi bò' mà Trung Quốc đưa ra với tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chiếm tới 80% diện tích vùng biển này.


Theo Tổng cục trưởng Đặng, Trung Quốc càng lớn mạnh thì các có nhiều thách thức trong nước và trên trường quốc tế, do đó các ầm ỹ xung quanh tranh chấp Biển Đông cũng là điều dễ hiểu.


Đáp lại tuyên bố rằng Biển Đông 'là của chung và không quốc gia nào được tìm cách độc chiếm' mà Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna đưa ra hôm 6/4, ông Đặng Trọng Hoa nói vấn đề Biển Đông không hề ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hải qua khu vực.


"Một số nước ngoài khu vực muốn thổi phồng vấn đề tự do lưu thông và an ninh tại Biển Đông, sử dụng chúng làm cái cớ để can thiệp [vào trong khu vực] và chúng tôi cực lực phản đối hành động này."


Ông Tô Hạo kết luận rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là các quốc gia đang lên ở Á châu, Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược lớn nhất trong khu vực. Tuyên bố của Ngoại trưởng Krishna, theo ông, là động thái làm căng thẳng thêm tranh chấp nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.




Thái độ của Nga?



Trong lúc giới chức Việt Nam và Nga không đưa ra bình luận gì về thỏa thuận giữa Gazprom và PetroVietnam, dư luận đặt câu hỏi liệu áp lực từ phía Trung Quốc sẽ có tác động thế nào tới dự án khai thác khí ở hai mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh.


Liệu Gazprom có xử sự giống như BP đã làm mấy năm trước hay không.


Thông tin không được công bố ra ngoài, nhưng sau bị rò rỉ qua công điện của giới ngoại giao Hoa Kỳ trên Wikileaks cho thấy vào thời điểm trước khi BP quyết định rút lui, công ty này đã bị 'cả Trung Quốc và Việt Nam gây áp lực'.


Một điện tín đánh đi hôm 23/04/2008 từ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở London viết: "Chính phủ Trung Quốc đã đe dọa có hành động với tài sản của BP tại Hoa lục nếu như công ty này không ngừng các dự án mới tại các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông".


"Việt Nam luôn luôn thi hành chính sách này (lôi kéo các nước bên ngoài vào tranh chấp Biển Đông) trong khi Điện Kremlin đang muốn khôi phục lại ảnh hưởng của Nga ở Đông Á, bởi vậy không có gì lạ khi hai nước ký thỏa thuận khí nói trên."
Tô Hạo, Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc


"Theo Bộ Ngoại giao Anh, Trung Quốc đã chỉ ra rất rõ ràng rằng nếu BP tiếp tục các dự án mới thì việc này sẽ ảnh hưởng xấu tới các dự án khác của BP tại Trung Quốc."


Về phần mình, chính phủ Việt Nam cũng nói với BP rằng các dự án trên bờ của hãng này ở Việt Nam có thể gặp khó khăn nếu BP thuận theo áp lực của Trung Quốc.


Kết quả sau đó là vào tháng 6/2007, BP đã ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại lô 5.2 "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề".


Tháng 3/2009, BP chính thức rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3.


Hai lô này, tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh cách bờ 370 km, được phát hiện từ năm 1996, nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam.


Trường hợp của BP cho thấy một giải pháp dung hòa trong việc làm ăn của các công ty nước ngoài tại các vùng các bên cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là rất khó khăn.


Nhiều khi, nó vượt ra ngoài phạm trù kinh tế, và phụ thuộc chủ yếu vào ý chí chính trị của các bên liên quan.


Nga, đồng minh lâu năm và đối tác chính của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, có khá nhiều quyền lợi trong việc duy trì hậu thuẫn cho Hà Nội. Gazprom, tuy có làm ăn với Trung Quốc, nhưng cũng là tập đoàn nhà nước và bị chi phối bới việc hoạch định chính sách của Điện Kremlin.


Bởi vậy, giới bình luận cho rằng tập đoàn này sẽ tỏ thái độ cứng rắn hơn trước áp lực của Trung Quốc.


Điều này chắc chắn sẽ đặt các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh trước một bài toán nan giải.





Bbc



1 nhận xét:

  1. Mỹ cùng đồng minh sẵn sàng ứng chiến, lập kế hoạch đập tan mưu đồ của Trung Quốc trên biển Đông .
    Trước các động thái mới của Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh và các đối tác an ninh của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương rục rịch lên kế hoạch chống lại việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhằm giành lấy các mục tiêu mở rộng của họ trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông, trung tâm hàng hải của Đông Nam Á. Mỹ bắt đầu tổ chức lại lực lượng ở Thái Bình Dương tập trung vào mục tiêu duy trì sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á đồng thời bảo vệ các tàu thuyền và các tuyến đường vận tải năng lượng xuyên qua Ấn Độ Dương tới các nền kinh tế Đông Á – các cầu thủ quan trọng quyết định sự tăng trưởng toàn cầu.

    Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh Hạt nhân tại Hàn Quốc cuối tháng ba vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama tái khẳng định việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ không ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. “Các lực lượng của Mỹ sẽ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng ứng phó nhanh nhất, hiệu quả đầy đủ nhất với các sự cố và các mối đe dọa trong khu vực", Tổng thống Obama khẳng định.

    XEM TIẾP http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/04/my-lap-ke-hoach-ap-tan-muu-o-cua-trung.html

    Trả lờiXóa