Trung Quốc vẫn mở tour du lịch Hoàng Sa
Trung Quốc vừa chính thức khai trương thử tuyến du lịch tới Trường Sa, khiến Việt Nam lên tiếng phản đối.
Trung Quốc gọi đây là đảo Bắc Tiêu, thuộc Tây Sa.
Ba ngày sau chuyến đi của tàu Coconut Princess, Việt Nam lên tiếng gọi đây là việc làm "bất hợp pháp".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị trong một thông cáo đăng trên website của bộ này nói:"Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
Ông Nghị nói Việt Nam đòi hỏi "Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông".
Ông cũng nhắc lại một lần nữa: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Du lịch Hoàng Sa
Thông tin quảng bá du lịch Hoàng Sa đã bắt đầu được các cơ quan hữu quan của Trung Quốc quảng bá rộng rãi. Ngành du lịch Trung Quốc thậm chí đã nghĩ ra khẩu hiệu thu hút khách tới Phú Lâm: "Tây Sa (Hoàng Sa), một Tam Á đang lên".
Tam Á (Sanya) là thủ phủ của đảo Hải Nam, đã được Trung Quốc phát triển thành trung tâm du lịch lớn.
Bắc Kinh cũng cho việc tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa là động tác khẳng định chủ quyền, mà Việt Nam là quốc gia duy nhất còn tranh chấp với Trung Quốc cho dù đã mất quyền kiểm soát quần đảo này từ năm 1974.
Gần đây, ở Việt Nam dư luận chính thống bắt đầu nhắc tới việc Trung Quốc "dùng vũ lực chiếm Hoàng sa" từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái cũng nói trước Quốc hội rằng Việt Nam chủ trương đòi lại quần đảo này bằng "biện pháp hòa bình".
Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa là nơi Trung Quốc giam giữ nhiều ngư dân Việt bị tuần duyên nước này bắt vì cáo buộc xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc.
bbc
++++++++
Trung Quốc không cho liên lạc với 21 ngư dân bị bắt
Sau nhiều ngày Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng, phản đối yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện 2 tàu cá cùng 21 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng những ngư dân này vẫn chưa được thả.
Chiều 9.4, trao đổi với PV Thanh Niên, chị Lê Thị Phúc, vợ của thuyền trưởng Trần Hiền - một trong số 21 ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc giam giữ, cho biết tối 28.3 gia đình điện thoại qua số máy 13876638433 để hỏi tình hình các ngư dân nhưng phía Trung Quốc không cho gặp thuyền trưởng Hiền và khăng khăng đòi tiền chuộc. “Họ (phía Trung Quốc - PV) nói rằng chỉ cần nộp chút ít tiền mới cho gặp và thả ngư dân chứ gọi điện thoại nữa cũng vô ích.
Từ tối hôm đó đến nay, gia đình tui không gọi nữa. Gia sản của vợ chồng là chiếc tàu cá QNg-66074 TS đã bị Trung Quốc giữ, trong nhà chẳng còn gì, bây giờ lấy đâu ra tiền mà nộp”, chị Phúc thở dài.
Chị Phúc cho biết thêm các gia đình 21 ngư dân đang bị Trung Quốc giam giữ, đòi tiền chuộc tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đề nghị can thiệp để phía Trung Quốc sớm thả tàu và ngư dân trở về quê đoàn tụ với gia đình. Cũng theo lời chị Phúc, đây không chỉ là lần đầu tiên mà trong những năm qua tàu cá của gia đình nhiều lần bị các lực lượng chức năng của Trung Quốc lấy, đập phá tài sản và thuyền trưởng Trần Hiền bị những trận đòn nhừ tử khi đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Chị Lê Thị Hậu lo lắng chồng mình không biết có bị phía Trung Quốc đánh đập hay không - Ảnh: Hiển Cừ |
Không riêng chị Phúc, tâm trạng lo lắng, chờ mong chồng, con sớm trở về và cuộc sống khốn khó đang bủa vây là cảnh tượng mà các gia đình ngư dân ở đảo Lý Sơn cùng chịu đựng suốt hơn 1 tháng qua. Ôm đứa con nhỏ chưa đầy 12 tháng tuổi vào lòng, chị Lê Thị Hậu (31 tuổi, ở xã An Vĩnh), vợ của ngư dân Nguyễn Lợi (34 tuổi) đi trên tàu QNg-66101 TS, lo âu: “Không biết phía Trung Quốc đối xử với ngư dân như thế nào. Tui lo nhất việc họ bị đánh đập”.
Trong khi đó, liên quan đến việc phía Trung Quốc đòi “tiền phạt”, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết chính quyền địa phương tiếp tục vận động gia đình các ngư dân tuyệt đối không được nộp tiền và yêu cầu phía Trung Quốc thả tàu, thả người vô điều kiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, 3 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 5 vụ gồm 8 tàu cá và 93 ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giữ, đòi tiền chuộc, lấy tài sản.
Hiển Cừ
Thanhnien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét