++++++
Chính quyền Gia Lai chỉ cho tôn giáo được cử hành ở sân nhà
Đăng bởi admin lúc 7:40 Sáng 8/04/12
VRNs (08.04.2012)
– Gia Lai – Nhu cầu tôn giáo, thờ phượng, tuyên xưng đức tin là món ăn
tinh thần không thể thiếu đối với người Công giáo nói riêng và người tín
ngưỡng tôn giáo nói chung tại hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt
là tại Việt Nam. Thế nhưng, không phải lúc nào nhu cầu tôn giáo của
người dân cũng được chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện
để sinh hoạt cho tốt. Ngược lại, ở một nước “tự do tôn giáo” như Việt
Nam thì vấn đề này càng là cái ách mà người Công giáo đang mang không
chi cởi ra được, đặc biệt tại các làng vùng xa của tây nguyên.
Sau khi vượt khoảng hơn
20 cây số từ trung tâm thành phố Pleiku, đoàn chúng tôi, Cha Tađêô Hoàng
Xuân Sơn, Thầy Liên và các phóng viên VRNs, đến làng Groi trực thuộc
giáo xứ Lệ Cần, một nơi còn chưa phát triển về cơ sở hạ tầng, đường đất
đỏ gồ ghề, nhiều căn nhà thô sơ, nghèo khó. Lúc 8 giờ, ngày 06/04/2012,
chúng tôi đã có mặt tại “nhà tạm của các nữ tu Dòng Ảnh Đức Mẹ làm phép
lạ” tại làng Groi, xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai (vì đang đợi nhà
chức trách địa phương cấp sổ đỏ cho lô đất đang sinh hoạt). Trước mắt
chúng tôi là căn nhà có hai tấm vách ở hai đầu, chen giữa là hàng cột
trống hoang trống hoắc, không có một mái tôn trên nền xi măng cạnh sát
nhà các sơ Dòng Ảnh Phép Lạ.
Nhiều giáo dân trong vùng đã kéo đến gặp gỡ
chúng tôi tại “căn nhà hoang” trong khuôn viên đất của nhà Dòng, vì quá
bức xúc cho nhu cầu tôn giáo không được chính quyền địa phương “quan
tâm, giúp đỡ”.
Chúng tôi nhìn căn nhà
mà ngơ ngác nhìn nhau, tự hỏi không hiểu tại sao tại một làng nghèo khó
như thế này mà lại “bỏ hoang” một nơi đáng tiếc như thế này, vì chỉ cần
lợp xong mái tole và hai tấm vách đơn sơ bằng mây cói hoặc tre nứa gì đó
là trở thành một ngôi nhà tạm gọi là có chỗ che nắng che mưa.
Các sơ Dòng Ảnh Pháp Lạ
hiền lành, buồn bã chia sẻ cho chúng tôi trong uất nghẹn: “Khi chúng tôi
về đây năm 2009 thì giáo dân trong vùng còn non 200 người. Nhiều trẻ em
nghèo không được đến trường, không hiểu biết về giáo lý; và đa phần
giáo dân và dân làng còn nghèo nhưng lại thích uống rượu. Chúng tôi
nhiều lần trình bằng miệng và làm đơn nhiều lần kính xin chính quyền cho
phép làm ngôi nhà này để chúng tôi có nơi sinh hoạt cho nhu cầu tôn
giáo là dạy dỗ giáo lý và dạy chữ cho các em thiếu nhi, củng cố đức tin
cho người Công giáo và giúp đỡ người trong làng làm kinh tế cho đời sống
khá hơn, nhưng đều không được chính quyền cho phép. Chúng tôi đã phải
mượn nhà giáo dân trong làng để dạy chữ và dạy giáo lý cho các em. Nhưng
nhà giáo dân quá nghèo, nắng hắt, mưa tạt thì làm sao có thể làm gì tốt
cho các em. Tính đến nay, sau khoảng 03 năm thì giáo dân trong làng đã
lên được con số 480 người và lượng trẻ con cần tăng trưởng đức tin tôn
giáo cũng phát triển khá đông. Ngày nay, trẻ con và cả người lớn trong
làng đều biết sống đạo, biết làm ăn, biết học cái chữ và học giáo lý,
rửa tội đầy đủ.
Vì nhu cầu sinh hoạt tôn
giáo, chúng tôi cần có nơi để cầu nguyện tâm linh, sinh hoạt tôn giáo
và dâng Thánh lễ cho 480 con người đang mong mỏi có nơi thờ phượng nơi
phải làm tạm công trình phụ đây là một căn nhà liền kề nhà của chúng
tôi, mái tôn che mưa che nắng trên nền xi măng. Nhà dựng lên khoảng chưa
được 2 tuần thì chính quyền xã và các cấp đã đến tự tháo dỡ toàn bộ
công trình hoàn tất này mà chẳng biết chúng tôi có bằng lòng hay không,
mặc cho bao nhiêu đồng bào dân tộc trong làng kêu khóc, tiếc nuối vì nhà
vừa dựng xong chưa dùng được mấy ngày, giờ lại mất nơi sinh hoạt cho
các cháu.
Chúng tôi và bà con dân làng buồn lắm. Chỉ mong sao chính
quyền nghĩ lại cho phép chúng tôi được phục vụ dân làng cách tốt hơn
trong điều kiện chính quyền cho phép. Mong rằng chính quyền nghĩ lại mà
cho chúng tôi dựng lại cái nhà này”.
Rời “căn nhà hoang”, yao
phu trong làng dẫn chúng tôi sang nhà của anh cách đó mươi bước để cho
chúng tôi tận mắt nhìn thấy phần sân bên hông nhà anh đang cho mượn để
cha xứ về dâng lễ và sinh hoạt tôn giáo, cầu nguyện, chầu Thánh Thể.
Trước mắt chúng tôi là mấy tấm bạt được che trên mấy cây cọc gỗ dựng
đứng, phần sát vách cuối chủ nhà là bàn thờ nhỏ có tượng thánh giá Chúa
Giêsu đã được che màn vì là ngày thứ sáu tuần Thánh. Trên vách ngoài nhà
chủ là tấm bảng đen ghi câu đáp ca và Tin Mừng bằng tiếng Bahnar và
tiếng Kinh. Khi cha Sơn và thầy Liên với chúng tôi vào tới “ngôi thánh
đường” này thì khá đông dân làng theo chân chúng tôi đến và cùng nhau
đọc kinh cầu nguyện bằng tiếng Bahnar cách cung kính, trang nghiêm.
Người yao phu là chủ nhà
cho mượn sân này là một người hiền lành, ít nói. Anh chia sẻ với chúng
tôi trong ánh mắt buồn bã: “chúng tôi đồng ý hiến đất cho tôn giáo để
làm nhà nguyện. Dân làng giờ đông giáo dân lắm rồi. Con cái dân làng đứa
nào sinh ra cũng theo đạo. Các cha thay nhau về dâng lễ ở đây cũng
nhiều lần xin làm nhà nguyện nhỏ nhỏ trong đất này là đất của tôi mà
chính quyền không cho. Xin xã thì xã chuyển lên huyện, Ủy ban tôn giáo
huyện không cho. Cái nhà bên các Yá (các nữ tu) còn bị họ đến tháo hết.
Mình là con cái Chúa, muốn có nơi che mưa che nắng cho dân làng để đọc
kinh thôi, có làm cái chi đâu mà họ cũng không cho phép. Nhiều cha và
gia đình tôi nhiều lần xin rồi, mới đây ít bữa cũng xin nhưng họ nói là
khi nào giáo dân đủ 500 người thì họ cho làm nhưng làm trong nhà người
khác chứ không cho trong đất của tôi. Ở cái làng này, ai cũng nghèo, cái
ăn còn không đủ, nhà lá dột nát, đất rộng ở đâu ra. Chỉ có nhà tôi là
có cái sân rộng nhất nên tôi mới xin làm nhà nguyện tại đây. Mình muốn
hy sinh mà cũng không được. Hai ba bữa trước, mưa quá làm rách bạt khi
mọi người đang đọc kinh cầu nguyện, tất cả đều ướt hết. Mùa nắng thì
nóng. Còn mưa thì ướt. Cái bạt mà, nó mỏng lắm, không làm lâu được. Họ
nói nếu để bạt như thế này thì cho, chứ lợp tôn là họ đến dở nữa. Buồn
lắm!”
Đi vài trăm bước trong
làng, phóng tầm nhìn quanh quất các phía thì có thể thấy được điều anh
yao phu này nói quả không sai. Nhà anh là lớn nhất và còn đất trong sân
cũng tương đối rộng. Tại phần sân nhà anh có gần chục cây đà bêtông là
nơi ngồi cho gần 500 bà con trong làng đến tham dự Thánh lễ.
Vợ anh yao phu này là
một người Kinh, chị cho biết: “Xã biểu ghi hết hồ sơ từng người trong
nhà của từng hộ dân theo đạo để họ biết. gần cả 500 con người mà ghi chi
tiết cho từng người bằng tay thì chúng tôi khổ công thế nào. Bắt làm
như vậy mấy lần, thiệt là khổ. Phải chi họ quản lý thì họ đáp ứng nhu
cầu tôn giáo của mình thì ai nói làm gì. Đằng này cứ hành dân, không đáp
ứng nguyện vọng nhu cầu tôn giáo của bà con mà còn dỡ nhà của các sơ
nữa. Mỗi ngày, cứ nhìn cái nhà ấy lại thấy buồn, thấy tiếc”.
Chia tay các sơ Dòng ảnh
Vảy, chia tay gia đình anh yao phu, ông trùm và bà con dân làng, chúng
tôi ra về nhưng không sao quên được “căn nhà hoang” và ánh mắt trầm buồn
của cả một làng người sắc tộc thiểu số. Ngay trên đất của tổ tiên của
họ, họ lại bị những người Kinh nhân danh chính quyền không cho họ có nơi
sống đời sống tâm linh cho phải đạo Trời.
Trên đường đất đỏ bazan,
các chú bò cũng đang theo mục đồng đi tìm nguồn thức ăn và nước uống,
tìm bóng cây mát nghỉ lúc trưa hè. Ấy vậy mà con người lại không có chỗ
nghỉ chân, không có nơi tựa đầu cho đức tin tôn giáo trong chính nơi
chôn nhau cắt rốn của mình.
Nguyễn Quân TT, VRNs
Ảnh: P. Hoa Vũ
Dưới đây là một vài giấy tờ chính quyền bắt phải làm, nhưng từ năm 2008 đến nay (hơn 3 năm) vẫn chưa được giải quyết
Bài Trong Ngày
Chuacuuthe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét