Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Biển Đông lỡ hẹn. Campuchia mới đây tuyên bố sẽ không đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEAN 2012.


Biển Đông lỡ hẹn tại thượng đỉnh ASEAN 2012

Campuchia mới đây tuyên bố sẽ không đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEAN 2012, diễn ra từ ngày 3 đến 4 tháng 4 này.


AFP PHOTO
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 20 tại Phnompenh, Campuchia hôm 03-04-2012.





Quyết định này của Campuchia có tác động thế nào đến những nỗ lực giải quyết tranh chấp trên biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc? Việt Hà có bài tường trình.


Áp lực của Trung Quốc?





Sau 2 năm liên tiếp được bàn thảo tại chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEAN, năm nay, vấn đề biển Đông đã gặp phải trở ngại khi nước chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia, quyết định đưa vấn đề này ra ngoài chương trình nghị sự chính thức.

Điều mà Trung Quốc làm là tạo ảnh hưởng lên ASEAN, cố gắng thuyết phục Campuchia và đủ số nước để có thể ngăn chặn một sự nhất trí có thể gây khó khăn cho Trung Quốc.
GS Carl Thayer


Tờ thời báo Phnom penh mới đây đưa tin chính phủ Campuchia khẳng định vấn đề biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị ASEAN lần này. Điều này không gây ngạc nhiên đối với những người quan tâm đến tranh chấp biển Đông và ASEAN, bởi chỉ trước thượng đỉnh vài ngày, tức vào ngày 30 tháng 3, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lên đường thăm Phnom Penh.


Đây là chuyến thăm lần đầu tiên sau 12 năm của một người đứng đầu Trung Quốc tới Campuchia.
Theo hãng tin Reuteurs, trong cuộc gặp với ông thủ tướng Campuchia, Hun Sen, ông Hồ Cẩm Đào đã nói rằng các nước ASEAN có nhiều khả năng sẽ đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận. Ông cũng nói Trung Quốc muốn tiến tới một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông nhưng ‘không quá nhanh, để tranh chấp không đe dọa ổn định, an ninh khu vực’.


Nhận xét về yêu cầu này của Trung Quốc với Campuchia, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc học viện quốc phòng Úc nói:




H033112TS-P7-250.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnompenh, Campuchia hôm 31-03-2012. RFA PHOTO.



“Điều mà Trung Quốc làm là tạo ảnh hưởng lên ASEAN, cố gắng thuyết phục Campuchia và đủ số nước để có thể ngăn chặn một sự nhất trí có thể gây khó khăn cho Trung Quốc.



Chúng ta cũng nhìn thấy vấn đề tương tự vài năm trước khi các nước thảo luận vấn đề biển Đông rất mạnh mẽ nhưng Thái Lan và một số nước khác không có quan ngại nên vấn đề biển Đông đã không được nói tới trong bản tuyên bố chung.


Cho nên điều chúng ta thấy là Campuchia cũng đang chơi trò chơi này, tức là vấn đề biển Đông sẽ không được thảo luận và cuối cùng Campuchia chỉ tóm tắt những đã được bàn thảo và bỏ qua vấn đề biển Đông vào lúc cuối.”


Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn luôn khẳng định lập trường không muốn quốc tế hóa vấn đề biển Đông, và chỉ muốn thảo luận trực tiếp với từng nước thành viên ASEAN có liên quan.


Trong khi đó, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông là Việt Nam và Philippines đều muốn quốc tế hóa vấn đề này.


Việt Nam đã thành công trong việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông khi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEAN năm 2010 khi Việt nam là nước chủ tịch luân phiên.


Việc Campuchia quyết định không đưa biển Đông vào chương trình nghị sự, được cho là do nước này chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc.  Giáo sư Carl Thayer nói:

Thái Lan cũng không muốn để Trung Quốc phải tức giận với mình cho nên vấn đề không chỉ nằm ở vai trò chủ tịch của Campuchia.
GS Carl Thayer



“Khi Hồ Cẩm Đào đến Campuchia, ông ta có thể vứt ra hàng triệu đô la trợ giúp, còn Campuchia vẫn nợ Trung Quốc đến hơn 8 tỷ đô la và không có khả năng trả cho nên họ phải giữ quan hệ tốt với Trung Quốc để được xóa nợ.”


Giới chức Campuchia mới đây cho biết nhân chuyến thăm lần này của ông Hồ Cẩm Đào, hai nước đã ký kết 10 hiệp định về nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.


Mới đây chính phủ Campuchia thông báo từ năm 1992 đến nay, Trung Quốc đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ đô la cho Campuchia. Đầu tư trực tiếp từ Trung quốc vào Campuchia đã lên hơn 1 tỷ đô la trong năm 2011.


Người phát ngôn chính phủ Campuchia cũng cho biết trong cuộc gặp mới đây giữa ông Hun Sen và ông Hồ Cẩm Đào, hai bên đã nhất trí sẽ tăng thương mại song phương lên 5 tỷ đô la vào năm 2017.


Vai trò Chủ tịch ASEAN?





Với vị trí là nước chủ tịch ASEAN, Campuchia đã sử dụng quyền của mình, không đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức, nhưng nước này lại không thể ngăn cản các nước khác đưa vấn đề này ra thảo luận.


Bằng chứng là bộ ngoại giao Philippines mới đây cho biết Tổng thống nước này, ông Benigno Aquino sẽ vẫn đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại hội nghị vì an ninh biển Đông là mối quan tâm hàng đầu của tổng thống Phi.



H040112HS-P1-250.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Siem Reap, Campuchia hôm 01-04-2012. RFA PHOTO.


Ngoài ra, theo giáo sư Carl Thayer thì các nước cũng không nên đánh giá quá cao vai trò nước chủ tịch của Campuchia trong việc không đưa vấn đề biển Đông ra hội nghị lần này bởi những giới hạn thực tế về khả năng giải quyết vấn đề của các nước chủ tịch ASEAN từ trước đến nay, thêm vào đó là những bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển:


“Chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao vai trò của nước chủ tịch. Chúng ta có thể thấy là Indonesia khi là nước chủ tịch đã cố gắng giải quyết vấn đề biên giới giữa Campuchia và Thái Lan nhưng họ cũng có hạn chế.


Và ngay kể cả khi Philippines và Việt nam đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận thì cũng vẫn có những bất đồng giữa các nước ASEAN với nhau, nhất là khi Philippines đưa đề nghị về việc phân định vùng không tranh chấp và có tranh chấp để có thể hợp tác nghiên cứu phát triển chung trên vùng tranh chấp.


Ý kiến này cũng không nhận được sự đồng thuận của ASEAN. Cả Việt Nam và Philippines đều thấy là họ chưa có sự thống nhất hoàn toàn về lập trường với Malaysia và Brunei, trong khi Thái Lan cũng không muốn để Trung Quốc phải tức giận với mình cho nên vấn đề không chỉ nằm ở vai trò chủ tịch của Campuchia.”


Tháng 11 năm nay sẽ đánh dấu 10 năm Bản tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông được ký vào năm 2002 tại Phnompenh giữa ASEAN và Trung Quốc.


Đã có hy vọng nhân kỷ niệm 10 năm này, có thể ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được bộ quy tắc về ứng xử của các bên có tính rang buộc về pháp lý. Nhưng với những gì đang diễn ra, dường như điều này khó có thể đạt được.


Đã có nhận định cho rằng, vào tháng 11 năm nay, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ chỉ có thể đưa ra một văn bản ký kết khác mang tính tượng trưng giống như bản hướng dẫn thực hiện tuyên bố của các bên được ký kết vào năm ngoái. 


Và nếu điều này xảy ra thì nước chủ tịch ASEAN cũng có thể vui mừng mà tuyên bố là ASEAN và Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nhất định.



Theo dòng thời sự:



2012-04-03

Rfa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét