Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Sự bất mãn đối với người giàu ngày càng tăng, đặc biệt ở những người thiếu thốn. Phần lớn sự giận dữ này tập trung vào phiên bản chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) của Việt Nam – có sự liên kết chặt chẽ giữa các đại gia và các quan chức Đảng Cộng sản chóp bu. ____ Người dân nặng gánh thuế, phí cao chót vót. Trong khi thắt chặt chi tiêu nhưng tiêu dùng chính phủ vẫn tăng. ( Báo The New York Times : Việt Nam: Thông điệp về bình đẳng bị hố ngăn cách giàu nghèo thách thức )




The New York Times

Việt Nam: Thông điệp về bình đẳng bị hố ngăn cách giàu nghèo thách thức


Tác giả: HOMAS FULLER
Người dịch: Huỳnh Phan


HÀ NỘI, Việt Nam – Cô ta diện một bộ cánh màu hồng, tiệp màu với giày cao gót khi viếng một công trường xây dựng đầy bụi bặm. Chẳng bao lâu sau chuyến thăm của Tô Linh Hương hồi tháng 4, những bức ảnh chụp được lúc đó đã lan tràn trên Internet, nhưng không phải vì khiếu trang phục của cô Hương.

Phần lớn sự tức giận của dân chúngViệt Nam về vấn đề gia đình trị và điều hành kinh tế kém nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã được bầu lại thêm một nhiệm kỳ 5 năm hồi năm ngoái.

Con gái của một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, cơ quan chính trị có quyền lực nhất của đất nước này, chỉ vài ngày cô Hương được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một công ty xây dựng quốc doanh. Các bình luận viên trên Internet đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc một người quá trẻ – được biết mới 24 tuổi – giữ một chức vụ cao cấp như thế ở một tổng công ty.

Một bình luận trên trang blog được nhiều người biết đến là nhà văn Phạm Viết Đào nêu: “Đưa một cô bé vừa tốt nghiệp trường báo chí và biến cô trở thành tổng giám đốc của một công ty xây dựng, chẳng khác cho một người anh chàng què một chân làm thủ môn bóng đá. Xin lỗi phải nói – đây là điều rất ngu ngốc”.

Giống như các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, các quan lại Việt Nam đang vật lộn để làm cho thông điệp của đảng về công bằng xã hội và bình đẳng dung hoà với thực tế là giới có quyền thế ngập chìm trong giàu có và đặc quyền. Hố ngăn cách giữa đói nghèo nông thôn và giàu có thành thị đã trở nên hết sức quá quắc, vì một thập kỷ tăng trưởng chóng mặt đã đi đến kết thúc, làm mờ mịt triển vọng của tầng lớp nghèo và trung lưu đang tìm lối nâng bậc thang xã hội của mình.

Ông Carlyle A. Thayer, một chuyên gia hàng đầu về chính trị Việt Nam, có một kho dữ liệu về các lãnh đạo Việt Nam cùng gia đình của họ, đã nói: “Cho đến nay, tăng trưởng là điều kỳ diệu, và trở nên giàu có là tuyệt vời. Có một sự bất mãn đối với người giàu ngày càng tăng, đặc biệt ở những người thiếu thốn”.

Phần lớn sự giận dữ này tập trung vào phiên bản chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) của Việt Nam – có sự liên kết chặt chẽ giữa các đại gia và các quan chức Đảng Cộng sản chóp bu. Chỉ trích này đã có thể nở rộ lên một phần vì tin tức về những vụ lạm dụng đã bị rò rỉ ra ngoài khi các công ty nhà nước vốn vẫn còn là thành phần chủ đạo của nền kinh tế, bị thất bại, đẩy nhanh các tai họa tài chính nghiêm trọng của Việt Nam. Các nhà hoạt động [đối lập] và các nhà phê bình cũng có thể ẩn danh trên mạng để né tránh sự kiểm soát truyền thông gắt gao, từng che dấu các vụ bê bối khỏi mắt công chúng.

Do chỉ trích dâng cao nên một số thân nhân của các quan chức Đảng Cộng sản đã rút lui khỏi các vai trò chức vụ cao.

Cô Hương đã rời công ty quốc doanh vào tháng 6, chỉ ba tháng sau khi được bổ nhiệm, và con gái của thủ tướng mới đây đã rời bỏ một trong những chức vụ ở một ngân hàng tư nhân.

Trong khi đó các quan chức chính phủ ở thế phòng thủ rõ rệt.

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã đưa ra lời tự phê bình thẳng thắng trong một bài viết gần đây trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nói về “những thất bại và thiếu hiệu quả của các công ty quốc doanh, sự băng hoại lý tưởng chính trị và đạo đức”. Ông cũng quy lỗi cho “lối sống của một nhóm các đảng viên và cán bộ” đối với các vấn đề của đất nước.

Nói về sự bùng nổ kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông viết: “Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”.

Trên Internet và các mạng xã hội, phần lớn sự giận dữ về vấn đề gia đình trị và điều hành kinh tế kém, đã hướng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã được được bầu lại thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa hồi năm ngoái giữa tình trạng hỗn loạn của các công ty quốc doanh bị thua lỗ.

Ông Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales ở Canberra, Úc, nói: “Mọi người đều lo ngại rằng ông ấy có quá nhiều quyền lực – họ cảm thấy ông ấy cần phải bị kiềm chế”.

Gia đình ông Dũng là tiêu điểm của một bức điện ngoại giao [mật] năm 2006, năm ông trở thành thủ tướng, Seth Winnick, lúc đó là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã viết.

Thông tin này bị lộ ra cho công chúng qua WikiLeaks, đã tô đậm sự nghiệp cô con gái Nguyễn Thanh Phương của thủ tướng trong công ty. Winnick viết: “Chắc chắn là cô ấy có tài. Nhưng sự thăng tiến nhanh chóng của cô, và nhiều cánh cửa rộng mở cho cô lẫn anh và em trai cô là dấu hiệu về cách mà giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam bảo đảm cho con của họ được đặt vào chỗ tốt trong giáo dục, chính trị và kinh tế”.

Mặc dù công việc của cô trong khu vực tư nhân, bức điện lưu ý cách mà công và tư có khuynh hướng chồng lấn nhau ở Việt Nam, với hệ thống lai căng giữa thống trị Cộng sản độc đảng và chủ nghĩa tư bản mới phát.

Cô Phượng điều hành một quỹ đầu tư gọi là Công ty Cổ Phần Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management) và một công ty môi giới là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities), cả hai đều là công ty tư nhân. Hồi tháng 6, giữa các chỉ trích trên Internet về sự giàu có và ảnh hưởng của mình, cô đã rút khỏi chức vụ chủ tịch của Viet Capital Bank, một chức vụ mà cô mới đảm nhiệm bốn tháng.

Cô Phượng nằm trong số nổi tiếng hơn của cái gọi là “con cái kẻ có quyền”, danh sách này rất dài. Trong danh sách đó gồm có anh trai cô đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, và cô Hương, cô gái trẻ đứng đầu công ty xây dựng và là con gái của ông Tô Huy Rứa, một uỷ viên Bộ Chính trị đầy quyền thế. [Còn con cái] những người khác cũng đã thăng tiến cao trong đảng. Con trai của ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã nghỉ hưu năm ngoái, lên uỷ viên Uỷ ban Trung ương đảng.

Do việc kiểm soát truyền thông gắt gao – và việc phạt nặng bất đồng chính kiến, có thể gồm cả án tù – nên việc chỉ trích lãnh đạo phần lớn là ẩn danh, trên các trang blog và Facebook, thường xuất phát từ những tin đồn và chuyện nhặt nhạnh không được chứng minh nguồn gốc. Tuy nhiên, khi các công ty quốc doanh đánh vật với các vụ bê bối và hàng núi nợ nần, các chi tiết về gia đình trị và các thoả thuận mờ ám cũng đã lọt ra ngoài công chúng.

Khi tường thuật vụ sụp đổ của Vinahin, một trong những tập đoàn quốc doanh lớn nhất, các phương tiện truyền thông nhà nước tiết lộ rằng, ít nhất ba thành viên gia đình của chủ tịch công ty, ông Phạm Thanh Bình, đã giữ các chức vụ cấp cao trong công ty, gồm cả con trai và em trai của ông ta.

Công chúng Việt Nam vẫn chưa được biết tổng số thua lỗ của các vụ bê bối này. Nhưng hàng tỉ đô la tiền nợ có thể là một gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế trong nhiều năm tới.

Trong bối cảnh lịch sử phản kháng của Việt Nam, có lẽ khá hợp cảnh khi nhiều ý kiến phản hồi cay đắng trên mạng nói về những vụ bê bối này thường kèm theo bài ca dao Việt Nam giảng dạy cho học sinh phổ thông:

Con vua thì được làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.

Ảnh: Tô Linh Hương, con gái của một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, hồi tháng 4, chỉ ít ngày sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một công ty xây dựng quốc doanh.

Nguồn: The New York Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Huỳnh Phan
Anhbasam

_______________


Thứ Ba, 04/09/2012, 08:24 (GMT+7)
Người dân nặng gánh thuế, phí cao chót vót



TT - Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa có bản báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 với chủ đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”. Báo cáo này đánh giá nhiều chính sách của VN khác biệt, thậm chí không theo xu hướng chung của thế giới.


Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN (UNDP). Báo cáo nêu nhiều vấn đề, trong đó có nhận xét “tăng trưởng kiểu VN” là nguyên nhân của bất ổn vĩ mô kéo dài, về nguy cơ vốn đầu tư nước ngoài vào VN giảm, về chi tiêu công dàn trải, kém hiệu quả...


Người dân nặng gánh thuế, phí


Thắt chặt chi tiêu nhưng tiêu dùng chính phủ vẫn tăng

Đặc biệt, ngay cả khi xác định ưu tiên kiềm chế lạm phát (như năm 2011), Chính phủ kêu gọi mạnh mẽ thắt chặt tài khóa, song báo cáo cho biết: tiêu dùng của Chính phủ thực chất vẫn tăng khoảng 4%. “Một nghịch lý là sau hơn 20 năm chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, quy mô chi tiêu chính phủ VN vẫn tăng mạnh từ khoảng 22% năm 1990 lên tới hơn 30% GDP năm 2010” - báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội viết.



Tuy nhiên, đáng lưu ý lần đầu tiên báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội phân tích sâu và đưa ra nhận định: thuế tại VN cao, đang làm giảm khả năng tích lũy của doanh nghiệp và là nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp phải chuyển giá.

Báo cáo phân tích rõ như với thuế thu nhập cá nhân, khoản thu nhập chịu thuế của người VN thấp hơn nhưng lại chịu thuế cao hơn so với Trung Quốc và Thái Lan. Với thu nhập 3.451-5.175 USD/năm, người VN đã bị áp thuế suất 10%. Trong khi con số tương ứng ở Thái Lan và Trung Quốc lần lượt là 4.931-16.434 USD/năm và 3.801-9.500 USD/năm. Tương tự, mức thuế thu nhập doanh nghiệp 25% cũng đang được áp dụng một cách cố định cho đại đa số doanh nghiệp, trong khi các nước áp dụng nhiều mức từ 2-30%.

Ngoài ra, VN còn áp nhiều khoản thuế cao như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Chưa hết, doanh nghiệp VN còn phải trả các chi phí không chính thức cao. Dẫn một nghiên cứu gần đây, báo cáo khẳng định có tới 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án nhà nước cho biết việc chi hoa hồng là phổ biến.

Báo cáo cũng cho biết tỉ lệ thu thuế trên GDP ở VN hiện nay là cao, đã hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm khả năng đầu tư... của khu vực tư nhân. Nó cũng khuyến khích gian lận thuế, như hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI chiếm khoảng 20% GDP nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nên báo cáo cho rằng việc để mức thuế cao hơn các nước trong khu vực tạo động cơ hấp dẫn để các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn.
Đồ họa: V.Cường - Ảnh: Thuận Thắng



Thuế, phí cao gấp 1,4-3 lần các nước



Dẫn quyết toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết trung bình trong giai đoạn 2007-2011, tổng thu ngân sách nhà nước của VN lên tới 29% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3% GDP. Theo ông Phạm Thế Anh - quyền viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công và quản lý Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, một người thực hiện báo cáo, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của VN hiện nay “là rất cao so với các nước khác trong khu vực”. Cụ thể, trung bình trong năm năm gần đây, tỉ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia khoảng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1% và của Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Báo cáo đánh giá ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hằng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân VN gánh chịu tỉ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4-3 lần so với các nước khác trong khu vực. Trong khi đó, theo ông Phạm Thế Anh, con đường giảm thâm hụt ngân sách thông qua tăng thuế và cơ sở đánh thuế là rất hạn chế. Việc tăng thu chỉ có thể được thực hiện nhờ các biện pháp nâng cao tỉ lệ tuân thủ, chống thất thu và chống buôn lậu.

Đáng lo, báo cáo đánh giá tổng thu thuế và phí của VN chủ yếu đến từ ba nguồn chính, đó là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu cùng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Nhưng tỉ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng giảm dần từ 36% trong giai đoạn 2006-2008 xuống còn 28% trong giai đoạn 2009-2011. Sự phụ thuộc lớn vào thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt có thể khiến thâm hụt ngân sách của VN trầm trọng hơn khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới trong những năm tới.

Báo cáo cũng nêu hai nguồn thu quan trọng hiện nay là thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất, dù đưa vào tính toán cán cân ngân sách có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng bội chi, nhưng cũng cần cảnh báo bản chất của nguồn thu này giống như việc một cá nhân bán tài sản đi để chi tiêu. “Khoản vay nợ của anh ta có thể giảm nhưng tài sản của anh ta cũng giảm tương ứng, tức là anh ta đã nghèo đi” - báo cáo viết.


Chi tiêu ngân sách cao kéo dài


Với việc thu như trên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng tập trung phân tích chi tiêu của Chính phủ. Báo cáo khẳng định đầu tư công lớn, dàn trải và kém hiệu quả. Ông Phạm Thế Anh phân tích: “Chúng ta có thể thấy đầu tư của khu vực nhà nước dàn trải trên tất cả lĩnh vực, từ những hoạt động công ích trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế... đến các hoạt động mang tính kinh doanh thuần túy như công nghiệp chế biến, khai khoáng, nghệ thuật, giải trí... Đặc biệt, tỉ trọng đầu tư công cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, xây dựng, dịch vụ lưu trú đã tăng mạnh từ 1,9% trong năm 2006 lên tới khoảng 4,8% tổng đầu tư công trong năm 2010”.

Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ trong tổng chi tiêu ngân sách thì chi thường xuyên (tức chi cho bộ máy như trả lương, chi phí văn phòng, điện nước...) chiếm tỉ trọng rất lớn, chi đầu tư phát triển lại chiếm tỉ trọng nhỏ hơn rất nhiều và đang có xu hướng giảm. Báo cáo nhấn mạnh chi thường xuyên đang tăng, từ mức 63,2% trong tổng chi ngân sách năm 2003 lên 71,7% trong năm 2010 và 75,4% trong năm 2011. Điều này phần nào cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền.

Hệ quả của chi ngân sách, báo cáo nêu rõ: trung bình trong hai năm 2010 và 2011 Chính phủ VN đã vay nợ hơn 110.000 tỉ đồng/năm thông qua phát hành trái phiếu trong nước. Con số này gần gấp đôi so với 56.000 tỉ đồng mỗi năm của giai đoạn 2007-2009. Với thực trạng trên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo chi tiêu chính phủ một khi đã vượt quá ngưỡng nào đó sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế do nó gây ra sự phân bổ nguồn lực một cách không hiệu quả, tham nhũng thất thoát và chèn ép khu vực tư nhân. Thực tế trên thế giới chỉ ra rằng chất lượng hay hiệu quả, chứ không phải quy mô, của chi tiêu chính phủ mới là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Thuế thu nhập doanh nghiệp dưới 18%/năm là hợp lý

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp 25% được áp dụng cố định cho mọi doanh nghiệp như hiện nay là quá cao, không dễ để doanh nghiệp có được lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chứ nói gì đến tích lũy, tái đầu tư. Để Nhà nước vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa để doanh nghiệp có được lợi nhuận vừa đủ và có được sự tích lũy cần thiết, mức thuế dưới 18%/năm có lẽ nhận được đồng thuận của doanh nghiệp. Riêng với thuế thu nhập cá nhân, cần tính lại khởi điểm chịu thuế cũng như chia nhỏ bậc thang tính thuế. Nếu được, nên giảm thêm thuế thu nhập cá nhân để kích sức mua trong dân, từ đó may ra mới có cầu và doanh nghiệp mới giải quyết được bài toán tồn kho.

Ông Cao Tiến Vị (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giấy Sài Gòn):

Thu thuế vừa sức doanh nghiệp

Cần có sự khảo sát sâu rộng hơn nữa về khả năng chịu đựng các mức thuế mà cả người dân lẫn doanh nghiệp đang gánh. Vì thuế thể hiện đỉnh cao của việc quản trị một quốc gia. Thuế thu nhập doanh nghiệp 25% chưa phải là vấn đề cốt lõi, mà quan trọng là Nhà nước có chính sách tính thuế thế nào để doanh nghiệp còn đủ sức chịu đựng, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, tái đầu tư. Nếu thu thuế cao, mà chỉ “nắm người có tóc” để thu thì Nhà nước vẫn thất thu. Việc tính thuế và thu thuế một cách công bằng, thu được thuế ở số đông với thang thuế phù hợp với quy mô, loại hình của từng doanh nghiệp là việc Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu.
T.V.N. ghi

CẦM VĂN KÌNH
tuoitre


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét