Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Hồng Kông: Học sinh tuyệt thực chống nhồi sọ chính trị




Thứ sáu 31 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 31 Tháng Tám 2012

Hồng Kông: Học sinh tuyệt thực chống nhồi sọ chính trị


Học sinh Hồng Kông bịt mắt, phản đối chính sách giáo dục nhồi sọ, trong cuộc biểu tình ngày 28/08/2012
Học sinh Hồng Kông bịt mắt, phản đối chính sách giáo dục nhồi sọ, trong cuộc biểu tình ngày 28/08/2012
REUTERS

Tú Anh

Ba học sinh Hồng Kông bắt đầu một cuộc tuyệt thực ba ngày, kể từ hôm nay 31/08/2012, để phản đối dự án của chính phủ đưa chính trị vào học đường. Hàng chục học sinh đã dựng lều trước cơ quan chính quyền hỗ trợ những người tuyệt thực và cực lực phản đối « thái độ vô tâm » của lãnh đạo Hồng Kông.


Phong trào phản đối Bắc Kinh can thiệp vào đời sống Hồng Kông bước vào một giai đoạn mới. Tiếp theo cuộc biểu tình của hơn 90 000 học sinh và phụ huynh hồi tháng trước, kể từ hôm nay và trong ba ngày liên tục, ba học sinh tình nguyện bày tỏ nguyện vọng « chống nhồi sọ chính trị » bằng tuyệt thực. Theo kế hoạch của chính quyền thì bộ môn « yêu tổ quốc Trung Hoa » sẽ được đưa vào niên khóa mới này như là môn « nhiệm ý » và kể từ mùa tựu trường 2016 thì trở thành môn học bắt buộc.

Theo AFP, hàng chục học sinh đã dựng lều yểm trợ cho ba người bạn trước trụ sở chính phủ địa phương. Ngay sáng nay, lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh, được xem là người của Bắc Kinh, đã đến gặp trực tiếp với nhóm học sinh này. Một học sinh 15 tuổi nói với lãnh đạo Lương Chấn Anh là các em rất phẫn uất trước « thái độ vô tâm của chính phủ, không lắng nghe tiếng nói dân chúng ».

Ông Lương Chấn Anh sau đó đã tuyên bố với phóng viên là chính phủ « sẽ không áp đặt chương trình » và khẳng định « không có chính sách tẩy não » hay « phục vụ Bắc Kinh ». Ông giải thích, « bộ môn giáo dục quốc gia » này là nhằm mục đích « nuôi dưỡng bản sắc dân tộc và ý thức cộng đồng ».

Báo chí Hồng Kông cho biết, có rất nhiều trường học đã từ chối môn học « yêu tổ quốc » vì đây là một kế hoạch tuyên truyền nhồi sọ thế hệ trẻ Hồng Kông. Chương trình này bị chỉ trích là thiếu khách quan, hoàn toàn không đề cập đến những biến cố quan trọng xảy ra tại Hoa Lục, như phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh và cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 hay tội ác của đảng Cộng sản Trung Quốc trong đợt cải cách ruộng đất trong thập niên 1950, những đợt hành quyết người vô tội trong Cách mạng Văn hóa và nạn đói làm chết hơn 30 triệu người trong thập niên 1960.

Ngày mai, thứ bảy, dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình lớn để gây sức ép với chính quyền.

rfi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét