Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Dưới áp lực của các cuộc biểu tình đã làm chính quyền thân Bắc Kinh phải bỏ các kế hoạch đưa môn "giáo dục công dân" vào học đường ở Hongkong.



Xã hội công dân Hồng Kông đối đầu với ảnh hưởng Trung Quốc

Hàng ngàn người biểu tình chống chương trình giáo dục trước trụ sở chính quyền Hồng Kông, 08/09/2012
REUTERS

Tú Anh

Bầu cử nghị viện Hồng Kông trong ngày Chủ nhật hôm nay 09/09/2012, được xem là một thử thách đối với Bắc Kinh. Ngày hôm qua, áp lực của đường phố đã làm chính quyền thân Bắc Kinh phải tạm lùi bước trong dự án giáo dục « yêu tổ quốc » trong học đường.

Bằng biểu tình, tuyệt thực, vận động công luận trong và ngoài lãnh thổ, xã hội công dân Hông Kông từ giới nhà báo, blogger vô danh, đến sinh viên học sinh và Giáo hội công giáo tự làm lá chắn chống các thủ đoạn bóp nghẹt tự do từ Hoa lục.

Từ những ngày hè tháng 7 cho đến hôm nay, ngày bầu cử lập pháp, chính quyền Hồng Kông thân Bắc Kinh luôn ở trong tình trạng bị động.

Phong trào tranh đấu chống kế hoạch bắt học sinh học « giáo dục công dân » tại Hồng Kông mỗi ngày mỗi lan rộng và gặt hái thành quả đầu tiên : Hôm qua, sau nhiều ngày do dự , Trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh, mới nhậm chức hồi cuối tháng 6, đã tuyên bố để cho các trường học tự quyết định khi nào áp dụng và áp dụng như thế nào môn « công dân giáo dục » tại trường của mình.

Phong trào chống môn học này đã được phát động mạnh sau chuyến viếng thăm Hồng Kông của chủ tịch Trung Quốc vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, nhân kỷ niệm 15 năm ngày Anh quốc trao trả nhượng địa và để chủ tọa lễ nhậm chức « Trưởng đặc khu hành chính » của ông Lương Chấn Anh.

Trong chuyến viếng thăm này, ông Hồ Cẩm Đào đã bị 400.000 dân Hồng Hông biểu tình phản đối mãnh liệt . Chủ tịch Trung Quốc còn bị phóng viên đặt câu hỏi về cuộc thảm sát Thiên An Môn đêm 03 rạng 04 tháng 6 năm 1989 và chiến dịch trấn áp truy nã sau đó.

Chủ tịch Trung Quốc, không hiểu do vô tình hay cố ý, không ra đường tiếp xúc với dân chúng, mà lại đi thăm và gắn huy chương cho lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú tại Hông Kông. Sự kiện này đã tạo ra một gây ra một làn sóng phản ứng bất lợi cho lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Hồng Kông và làm tăng thêm mối nghi ngờ Bắc Kinh, về lâu dài, biến Hồng Kông thành Tân Cương hay Tây Tạng. Vào thời điểm đó, trên mạng xã hội tràn ngập lời tẩy chay lãnh đạo Trung Quốc : Tẩu, go home, Hồng Kông không phải là Thiên An Môn….

Vài hôm sau, đến lượt một quyết định liên quan đến chương trình giáo dục do lãnh đạo trước là Tăng Âm Quyền đưa ra, biến thành mồi lửa. Kể từ mùa khai giảng năm nay, một số trường trung học được chọn làm thí điểm « theo tiêu chuẩn tự nguyện » giảng dạy môn « giáo dục quốc gia ». Chưa rõ nội dung chương trình cụ thể như thế nào, nhưng theo chính quyền Hồng Kông, mục đích là « giúp giới trẻ Hồng Kông phát huy tình yêu tổ quốc bằng học tập lịch sử Trung Hoa ». Nhưng theo những người chống đối và nhất là thành phần học sinh thì thực chất của chương trình này là tuyên truyền chính trị. Nhiều bài giảng tập trung vào các biến cố lớn tại Hoa lục mà « thành quả » được giải thích là nhờ « công ơn Đảng ». Phong trào chống đối gồm các đảng đối lập, phụ huynh học sinh, trí thức, giáo chức tỏ ra ngạc nhiên khi thấy chương trình này không nói đến cải cách ruộng đất, đấu tố tư sản, địa chủ, phú nông, về cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông đề xuất, gây oan khiên cho hàng chục triệu người. Hay là vụ cho quân đội thảm sát sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989.

Từ tháng 7, phong trào chống « tẩy não » học sinh còn được Giáo hội Công giáo ủng hộ. Gần 100 000 người xuống đường giữa tháng 7, 40 000 vào ngày 01/09 và hôm qua, Hồng y Trần Nhật Quân, doanh nhân Jimmy Lai, lãnh đạo phong trào dân chủ Lý Chu Minh là những nhân vật có danh tiếng, đã tham gia cuộc biểu tình với trên 100 000 người tham dự. Về phần học sinh, phong trào phản kháng dựng lều trước trụ sở chính quyền từ 10 ngày nay và cho biết sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi thành công. Trong bối cảnh bầu cử lập pháp, hôm qua, lãnh đạo chính quyền Lương Chấn Anh lần đầu tiên tuyên bố « tạm đình hoãn » để « thương lượng ».

Kết quả bầu cử được công bố vào ngày mai 10/09/2012 sẽ cho thấy tương quan lực lượng giữa hai phe thân và chống ảnh hưởng Bắc Kinh. Dù kết quả ra sao, xã hội công dân với lòng kiên quyết đã chứng tỏ Hồng kông có một lá chắn hiệu quả trước các thủ đoạn của Bắc Kinh. Theo Hồng y Trần Nhật Quân, kiểm soát nền giáo dục tự do tại Hồng Kông là một trong những biện pháp ưu tiên của chính quyền Trung Quốc gồm « tẩy não » học sinh và thiết lập tại mỗi trường học một « ban tổ chức » do chính quyền chỉ đạo.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120909-xa-hoi-cong-dan-hong-kong-doi-dau-voi-anh-huong-trung-quoc

_______________

Hong Kong bỏ bắt buộc giáo dục công dân
Cập nhật: 13:19 GMT - thứ bảy, 8 tháng 9, 2012


Học sinh Hong Kong đã biểu tình hàng tuần lễ phản đối môn giáo dục công dân vốn bị cho là 'nhồi sọ'


Chính quyền Hong Kong đã nhượng bộ và thôi các kế hoạch bắt buộc học sinh phải học các lớp học về giáo dục công dân về 'tinh thần yêu nước' Trung Quốc, sau nhiều tuần lễ diễn ra các cuộc biểu tình phản đối ở đây.

Lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong, ông Lương Chấn Anh, nói các lớp học nay sẽ có tính chất tùy chọn đối với các trường học.

"Các trường được trao quyền để quyết định thời điểm và cách thức mà họ muốn đưa môn giáo dục đạo đức và quốc dân vào học", người được Bắc Kinh chỉ định vào vị trí lãnh đạo Hong Kong nói.

Giới chỉ trích cho rằng các kế hoạch là một nỗ lực để tẩy não trẻ em Hong Kong bởi chính quyền Bắc Kinh.

Còn Chính phủ nói rằng môn học này là quan trọng để thúc đẩy lòng yêu nước và bản sắc dân tộc của công dân.

Tâm l‎í bài Bắc Kinh đang gia tăng gần đây ở đặc khu bán tự trị Hong Kong, một thành phố có 7 triệu dân.


Tự do


Chương trình giáo dục, trong đó có môn giáo dục công dân đại cương, với nhiều bài học gây tranh cãi về lịch sử Trung Quốc, được đề xuất và dự kiến đưa vào các trường tiểu học từ tháng 9/2012 rồi tiếp tục đưa vào các trường trung học cơ sở vào năm 2013.

Theo hãng tin AFP, sách giáo khoa môn học vốn được chính phủ tài trợ xuất bản đã ca tụng công lao của chính quyền độc đảng, đồng nghĩa nền dân chủ đa đảng với sự hỗn loạn, và che đậy những sự kiện lịch sử như vụ đàn áp Thiên An Môn và nạn đói khổng lồ dưới chế độ Mao Trạch Đông.

"Các trường được trao quyền để quyết định thời điểm và cách thức mà họ muốn đưa môn giáo dục đạo đức và quốc dân vào học."
Ông Lương Chấn Anh

Một cuộc khảo sát được công bố tuần trước cho thấy 69% học sinh phản đối các bài học giáo dục này.

Bước nhượng bộ của chính quyền Hong Kong được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nhà hoạt động nói hơn 100.000 người biểu tình đã tập hợp tại trụ sở của chính quyền thành phố.

Không giống như phần còn lại của Trung Quốc, Hong Kong được hưởng một mức độ tự do cao, trong đó có tự do báo chí, quyền hội họp và minh bạch thông tin, cũng như các tổ chức tự quản.

Phóng viên BBC ở Hong Kong nói vụ tranh cãi này là ví dụ mới nhất về khoảng cách văn hóa, xã hội và chính trị vốn tồn tại lâu nay giữa Hong Kong và đại lục.

Cuộc phản đối cũng làm nổi bật sự nghi ngại sâu sắc mà nhiều người dân Hong Kong tiếp tục nhìn nhận về chính quyền Trung Quốc.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/09/120908_hongkong_patriotism_classes.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét