Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

“Cấm nhiều hơn, phạt cao hơn”. Tiếp tục vét túi, “đè đầu cưỡi cổ” dân. ( Cấm, phạt / Đề xuất tăng quyền và mức xử phạt cho CSGT )



Cấm, phạt



Lại thêm một lần nữa, cả Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng “bắt tay” đề xuất lên Chính phủ tăng phạt

Tăng quyền xử phạt cho CSGT, nâng mức xử phạt và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây cũng là 3 nội dung cơ bản trong một Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, và một “Đề án” mang tính đặc thù đối với Thủ đô và TP. Hồ Chí Minh.Rất dễ dàng để có thể nhìn thấy HN và TP HCM là những TP ùn tắc nhất Việt Nam và những “nghị định”, “đề án” đặc thù, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ xoay quanh thứ tư duy cũ rích “Cấm nhiều hơn, phạt cao hơn”.

Còn nhớ trong phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ sáng 24-4, sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng “nhấn mạnh” tới việc nâng trần mức phạt tối đa, đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội QH Nguyễn Văn Tiên đã có câu phản biện “để đời”: “Đất nước đã nghèo nhưng các cơ quan quản lý lại đề nghị toàn biện pháp xử phạt nhiều tiền là không hợp lý”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì thẳng thắn: “Điều các đồng chí nói rất ít đến là tăng trách nhiệm của các cán bộ làm công tác công vụ”.

Điều dễ nhận thấy trong những biện pháp mà Hà Nội cũng như Bộ GTVT đưa ra có xuất phát điểm là một “hiện trạng bất lực”. Bất lực trước tình trạng ùn tắc xảy ra như cơm bữa hàng ngày mà dù có “cấm golf”, kêu gọi đi xe bus, tăng mức xử phạt “đặc thù” tình trạng vẫn không bớt tồi tệ. Khó có thể đòi hỏi tư duy quản lý phải trùng hợp với tư duy đa số, những người phục tùng. Nhưng tuy duy quản lý không thể khác xa với tư duy dân chúng, không thể “đè đầu cưỡi cổ” những người phục tùng, bất chấp họ nghĩ gì, có thực hiện được không.

Hồi đầu tháng bảy, cư dân mạng truyền tin một bức hình “ Cảnh sát giao thông kiệt sức và hy sinh khi cứu sống 2 mẹ con bị ngã xuống sông ở Nghệ An”. Chỉ vài giờ khi được post lên mạng xã hội, bức hình được dẫn lại trên hàng chục diễn đàn, với hàng chục ngàn lượt like, hàng ngàn lời bình luận với những tình cảm hết sức chân thành “nghiêng mình trước anh”.

Bỏ qua những tình tiết đó là một “cái chết” được Tiền Phong cho là “mù mờ”, đã có từ năm 2009, sự thật không thể chối bỏ là người dân không hề ác cảm với người công an. Miễn đó là sự hy sinh, hay giản dị hơn, là sự đàng hoàng, xứng với danh hiệu “cảnh sát nhân dân” mà các anh mang trên vai áo.

3 tháng trước, Đà Nẵng đưa ra chính sách “dưỡng liêm” bị nhân dân la ó. Bây giờ, lại là Thủ đô, và sau đó là “đầu tầu kinh tế của cả nước” với chính sách chính xác là đối phó với dân chúng: cấm nhiều hơn, phạt cao hơn, nâng chế độ bồi dưỡng thù lao ngoài tiền lương cho lực lượng Cảnh sát giao thông để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ.

Nhưng liệu người dân có thể chấp nhận một chính sách chẳng cần quan tâm tới hình ảnh chính quyền? Liệu người dân có thể đồng ý với một sự- không thể nói khác hơn là- đè đầu cưỡi cổ đến như vậy?

Đào Tuấn - daotuanddk

_________________

Đề xuất tăng quyền và mức xử phạt cho CSGT



- Trong cuộc họp mới đây giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải, cả Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Đình La Thăng đều nhất trí đề xuất lên Chính phủ tăng quyền cho Cảnh sát giao thông…


Tăng quyền cho CSGT, tăng mức xử phạt

Tại cuộc họp về tình hình quản lý và phát triển hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo đều cho rằng, trong thời gian qua, Bộ GTVT và Thành phố đã phối hợp, làm việc chặt chẽ tạo ra sự thống nhất đồng bộ và đạt được những kết quả rõ rệt trong xây dựng hạ tầng, an toàn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thành phố.

Bàn về công tác trong thời gian tới, Chủ tịch Thành phố và Bộ trưởng Đinh La Thăng thống nhất sẽ phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội và Đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong năm 2012. Triển khai hoàn thành quy hoạch đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội, hoàn chỉnh quy hoạch đường Vành đai 4 - đoạn phía Bắc Quốc lộ 18; Hoàn thiện đề án thí điểm quản lý giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long.

Thành phố và Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt quy hoạch ngành, thực hiện việc di dời các cơ sở đào tạo, bệnh viện và nhà máy theo quy hoạch.

Đặc biệt, Lãnh đạo Hà Nội và Lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, mang tính đặc thù đối với Thủ đô và TP. Hồ Chí Minh, nâng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng Cảnh sát giao thông, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Đinh La Thăng nhất trí trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - ảnh minh hoạ



Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm


Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã thống nhất, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục bàn giao một số công trình đường bộ trên địa bàn để Thành phố Hà Nội thống nhất quản lý như đường Vành đai 3 trên cao và cầu Thăng Long.

Riêng với UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Thành phố sẽ xây dựng trung tâm điều hành giao thông Thành phố giai đoạn I, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, Sở, Ban ngành, hội đồng GPMB quyết liệt thực hiện công tác GPMB các dự án trọng điểm để bàn giao mặt bằng theo kế hoạch; tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về vốn cho dự án mở rộng và hoàn thiện Đại lộ Thăng Long (dự án đường Láng - Hoà Lạc).

Đối với dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thành phố sẽ tập trung GPMB, bàn giao trong tháng 8/2012 để đảm bảo thông xe vào cuối năm 2013.

Đối với đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Thành phố sẽ tập trung GPMB 348 hộ dân đất thổ cư trên huyện Sóc Sơn, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là khu vực trong sân bay), hoàn thành xây dựng khu tái định cư Mai Đình - Tiên Dược, đảm bảo giao mặt bằng trong năm nay.

Với dự án cầu Nhật Tân, sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng nút giao Phú Thượng trong tháng 12/2012.

Với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, trong đó hoàn thành xây dựng khu tái định cư Mai Đình - Tiên Dược đảm bảo bàn giao mặt bằng trong năm 2012.

Đối với dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, sẽ hoàn thành xong khu tái định cư của 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn; di dời các vị trí đường điện cao thế 110KV, 120KV tại huyện Đông Anh và Sóc Sơn, bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2012.

Thành phố cũng sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc, đảm bảo bố trí đủ 900 tỷ đồng năm 2012 và 843 tỷ đồng trong năm 2013.

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai xây dựng hệ thống vé thẻ thông minh và hệ thống quản lý giám sát hành trình xe bằng thiết bị định vị GPS nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; triển khai nghiên cứu áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) cho đại lộ Thăng Long và hệ thống điều khiển giao thông tự động.

Đối với Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhất trí sẽ sớm có ý kiến về Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ cũng sẽ cân đối, bố trí kịp thời, đủ vốn cho các công trình điểm, đặc biệt là các dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, đường Hồ Chí Minh và dự án mở rộng QL32 đoạn Diễn - Nhổn.

Bộ GTVT cũng sẽ sớm đầu tư đường hầm, nút giao khác mức ở một số nút giao như nút Thanh Xuân trên Quốc lộ 6, đường Quốc lộ 5, nút Mai Dịch, nút giao Lê Văn Lương…v.v… đồng thời sẽ khẩn trương quyết định phương án hướng tuyến Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 qua các phố Nguyễn Trung Trực, Hàng Than, Quán Thánh và phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng.

Nguồn : vnmedia.vn
tinmoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét