Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Sự thật về nhà tù mang bí số Z30A trên địa bàn xã Xuân Trường, huyện Xuyên Lộc, tỉnh Đồng Nai . -------- Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển , người từng ở trại giam Xuân Lộc viết cho những người tù thường phạm : Không có giáo dục hướng thiện, chỉ có cưỡng bức lao động . Không vùng lên mới là chuyện lạ .

SOS ! CUỘC NỔI DẬY CỦA TÙ NHÂN TRẠI Z30A ( XUÂN LỘC - ĐỒNG NAI ) VÌ NHÀ TÙ HÀ KHẮC ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ CHỊU ĐƯỢC . ------------- Báo nhà nước xác nhận vụ nổi dậy ở trại giam Xuân Lộc --------- Nghe lại cuộc phỏng vấn tù nhân tại Xuân Lộc trong cuộc nổi dậy ngày 30 tháng 6 năm 2013 .
http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/06/ang-cap-nhat-sos-thong-tin-gap-cuoc-noi.html

 Sự thật về nhà tù mang bí số Z30A

Nhà tù là một thế giới mà những người bên ngoài không thể nào hiểu được. Sau 4 bức tường cao, giăng đầy kẽm gai là một thế giới của những con người bất hạnh, đói khát, dằn vặt, tức giận và dễ nổi loạn.

Z30A là một nhà tù như thế. Z30A là bí số của nơi giam giữ và cải tạo những người đã từng tham gia chế độ VNCH. Mặc dù cách Sài Gòn không bao xa, nhưng với bí số này thì gia đình sẽ không biết người thân của mình đang bị giam giữ ở đâu? Trong quyển Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có nhắc đến nhà tù này.

Z30A nằm trên địa bàn xã Xuân Trường, huyện Xuyên Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách quốc lộ 1 chừng 1 cây số, trên một vùng đất đồi sỏi của miền Đông Nam bộ. Khí hậu của Xuân Lộc chịu ảnh hưởng miền Bắc Trung bộ nhiều hơn là miền Đông Nam bộ. Đất khô cằn không trồng được cà phê và cao su, chỉ có thể trồng được cây điều. 

Z30A là hậu cứ của sư đoàn 18 bộ binh cũ, Xuân Lộc là trận tử thủ nổi tiếng của tướng Lê Minh Đảo. Trước đây trại giam được xây dựng bằng sắt ấp chiến lược, kẽm gai, lưới B40, tôn fibro xi măng... bằng mồ hôi và máu của người tù cải tạo.

Chiều thứ 7 và chủ nhật, nhớ nhà da diết. Từ phân trại 1, nhìn lên núi Chứa Chan cho nỗi nhớ lắng đọng lại. Chùa Bửu Quang nằm ở lưng chừng núi được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với chánh điện mái vòm, tọa lạc trên một hang đá có dáng hàm rồng. Toàn thể kiến trúc của chùa đều được xây trên những bờ đá, hang động thiên nhiên, tạo nên nét đẹp độc đáo. Buổi tối, qua khung cửa sắt, ánh đèn nhấp nháy trên cánh máy bay như những con đom đóm trên đường đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Z30A là trại giam loại 1 của bộ CA, hay nói đúng hơn là của Tổng cục 8. Giám đốc là người điều hành chung, ít khi có mặt ở trại giam vì thường đi họp ở Hà Nội, đi chữa bệnh và những việc linh tinh khác. 

Z30A có 5 phân trại, mỗi phân trại có một giám thị, dưới giám thị phân trại có một cán bộ phụ trách văn hóa và một cán bộ phụ trách an ninh. Cán bộ văn hóa có quyền hơn an ninh. Quyết định kỷ luật một tù nhân nào đó là do cán bộ văn hóa ký. Vụ bạo động vừa rồi xảy ra ở K1, Xuân Lộc thì cán bộ an ninh sẽ bị kỷ luật, chậm lên lương hoặc có thể chuyển sang phân trại khác.

Cán bộ an ninh có đủ tay chân để thu thập thông tin về tư tưởng và sinh hoạt của tù nhân. Một số người sẵn sàng làm ăng ten công khai (bí mật cũng có) để được giảm án. Ăng ten là người cung cấp thông tin cho cán bộ. Cán bộ an ninh sẽ dựa vào những thông tin đó để đánh giá, phân loại tù nhân. Ai tổ chức đánh bạc, kết bè kết đảng, bàn mưu vượt ngục... đều biết trước để ngăn chặn. Họ có đủ biện pháp để đối phó và cai trị tù. 

Cán bộ trại giam thường bắt đầu từ lính vũ trang. Đi lính nghĩa vụ, vào công an trại giam, vác súng dài theo tù đi lao động, hay gác trên chuồng cu ở 4 góc trại giam... Sau một thời gian, hết nghĩa vụ, làm đơn tình nguyện phục vụ trong ngành công an, được đánh giá tốt mới được làm quản giáo.

Quản giáo là người trông coi một đội tù, khoảng 40-50 người. Quản giáo theo dõi, quản lý, giáo dục, đánh giá, xếp loại, giảm án... tù nhân. Ông Hồ Phi Thắng trước đây cũng là quản giáo, sau thời gian phấn đấu lên dần, bây giờ thay thế ông Lại Xuân Hùng lên làm giám đốc. Cũng như ở ngoài đời, người tù có thể nghe được chuyện chạy chức giám đốc trại giam mất bao nhiêu cây vàng?

Người tù thường thiếu thông tin nhưng lại thừa thời gian nên thích buôn chuyện. Nhiều người có khiếu ăn nói làm người khác say mê thường can tội lừa đảo...

Z30A là trại giam kiểu mẫu của Bộ CA, các trại khác thường đến đây thăm quan và học tập. Nhìn bên ngoài khang trang và sạch sẽ nhưng chế độ cai trị rất khắt khe. 1h trưa xếp hàng dưới cái nắng chang chang, trên nền xi măng nóng bỏng chân mới thấy hết cái khắc nghiệt của nhà tù?

Liên Khui Thìn, Minh Sứt, Hải Bánh (giết Dung Hà), Nguyễn Minh Mẫn (cánh tay phải của ông Nguyễn Hữu Chánh ở Thái Lan), Nguyễn Văn Thắng (giám đốc Miliket), người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu... đều có mặt ở trại giam này. 

Các phân trại ở Xuân Lộc có thiết kế giống nhau. Mỗi bên xây 5 dãy nhà, mỗi dãy 2 phòng, mỗi phòng chứa 2 đội. Giữa mỗi dãy nhà có tường rào ngăn cách. Mỗi nhà được xây gác lững 2 bên để tăng diện tích ở cho tù. 

Nhà tù là một xã hội thu nhỏ, tự cung tự cấp, phải nuôi sống được mình. Đội rau xanh, đội bếp, đội nước sạch, đội lao động... để phục vụ cho cuộc sống trong tù. Tiêu chuẩn nhà nước quy định cho mỗi tù nhân đã có giới hạn.

Đội 3 ở dãy nhà 1 của (K1) trước đây có 43 tù nhân, nhưng đến 23 người có án từ 20 năm đến chung thân, số còn lại là ngắn hạn nhưng phạm tội nhiều lần. Nói như vậy để thấy mức độ nguy hiểm ở nơi đây.

Một con người sẽ phạm tội khi vi phạm đạo đức xã hội, hoặc xâm phạm đến quyền lợi tinh thần và thể chất của người khác. Không ai có thể chống nhà nước bằng miệng hay bằng mấy tờ truyền đơn, bởi vì một nhà nước bao giờ cũng được bảo vệ bằng sức mạnh của quân đội, công an và nhà tù.

Tụi cán bộ có trò mất dạy là hay bắt người tù quỳ hay ngồi bệt dưới chân mình để hỏi chuyện. Bọn chúng kiêng nể tù chính trị hơn, vì họ có học và cũng không phải là phường đâm cha chém chú. Có lẽ cấp trên đã nhắc nhở họ hạn chế đụng chạm đến tù chính trị.

Ở trong tù, có thằng làm tay sai, chỉ chõ để được giảm án; nhưng cũng có người dám chống lại cán bộ, chống lại nội quy trại giam. Máu ngang tàng lại nổi dậy, rồi cuối cùng sẽ bị ngược đãi và hành hạ. 

Trần Hoàng Giang đã từng hô “Đả đảo cộng sản”, bị bắt đi cùm. Chiếc cùm hình chữ V làm 2 cổ chân của anh ta bị loét thịt và nhiễm trùng, bây giờ vẫn còn sẹo như một chiến tích. Biết rằng sau cuộc phản ứng sẽ bị biệt giam, nhưng họ vẫn cứ hành động. Thân xác chỉ còn da bọc xương nhưng tinh thần luôn cứng cỏi. 

CS không bao giờ nhìn nhận những vấn đề xã hội dưới quan điểm chính trị. Ngược lại, họ quyết tâm hình sự hóa các vấn đề chính trị. Những tiếng nói dân chủ và bảo vệ nhân quyền đều bị gán ghép vào tội hình sự. Không có những kiến thức về khoa học xã hội và hình sự, họ cố gắng bưng bít mặt trái của xã hội được chừng nào hay chừng đó. 

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Con người ta sinh ra tính tình vốn hiền lành và nhu hòa? Điều gì đã làm cho con người trở nên hung hăng, độc ác và biến mình thành một tên tội phạm? Bản chất của chế độ đã tạo nên bản tính con người chăng? Khi một người cho rằng bị đối xử bất công, họ sẽ tìm mọi cách phản kháng lại. Tức nước vỡ bờ. 

Hành vi phản kháng là không có giới hạn, chừng nào sự tức giận trong tâm can của họ vẫn còn. Điều này giải thích tại sao tình hình tội phạm không giảm mà lại tăng cao?

Lúc mới nghe tù nhân Xuân Lộc nổi loạn và bắt giám thi làm con tin, tôi đã hiểu ngay kịch bản. Chế độ cai trị hà khắc, cưỡng bức lao động, đời sống tồi tệ... là lý do để anh em nổi loạn. Thằng nào bộc phát thì phát cho nó cái bọc?

Nhà tù là một thế giới khác, những người sống trong tù không hiểu được xã hội bên ngoài. Càng ở lâu trong tù sẽ không biết xã hội đã thay đổi ra sao? Họ cho rằng căng tin đã bán đồ ăn ôi thiu, nhưng ngoài xã hội bây giờ dân chúng vẫn phải ăn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại.

Biết rằng giữa 4 bức tường, anh em không thể nào thắng nổi tầng tầng lớp lớp CA bao bọc bên ngoài. Chỉ cần cắt điện nước thì không sống nổi 1 ngày, và cuối cùng sẽ đầu hàng. Dù biết bị đàn áp nhưng anh em vẫn cứ hành động để thể hiện sự quyết tâm của mình.

Rồi an ninh sẽ điều tra xem ai là người cầm đầu, kích động, sau đó cách ly, chuyển trại... Trong đồn CA giữa phố phường đông đúc mà họ còn đánh đến chết, huống hồ gì ở trại giam tối tăm, heo hút. 

Anh em chỉ có tinh thần, không có đủ kiến thức để có thể làm cuộc sống tù của mình tốt hơn. Muốn mặc cả thì sức mạnh của 2 bên phải ngang ngửa nhau. Cai tù đời nào chịu thương lượng với tù nhân? Nói qua nói lại chỉ là cách câu giờ.

Chính trị là tinh thần và ước mơ của con người. Tinh thần chưa đủ mà cần phải có một tổ chức để hỗ trợ hành động đấu tranh của anh em trong tù. Tổ chức chính trị là một chỗ dựa để anh em hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Nguyễn Hoàng Long
6.7.13



______________


 Viết cho những người tù thường phạm




Không có giáo dục hướng thiện, chỉ có cưỡng bức lao động.

Tôi có cơ hội sống tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2008. Trong thời gian này tôi ở khu nhà giam số 6 trong phân trại cùng với 150 tù nhân thường phạm.

Phân trại 1 có khoảng 10 khu nhà giam, khoảng gần 1.000 tù nhân, 01 hội trường, 01 canteen. Khi tôi ở đây thì dãy nhà giam riêng đang xây dựng ở phía cuối phân trại gần khu giam kỷ luật và trạm xá. Nghe tù “xây dựng” nói là khu này sẽ dành cho tù nhân chính trị. Cảm giác lúc đó thật bình thản, người ta có thể thấy kim tĩnh của mình trước lúc chết, còn tôi thì thấy phòng giam đang xây để giam mình trong tương lai.

Ngày 17/8/2008, tôi đến phân trại 1 - trại giam Xuân Lộc với anh Huỳnh Nguyên Đạo, cùng vụ án và anh Trần Quốc Hiền của một vụ án chính trị khác. Phân trại 1 rộng khoảng 5 ha (50.000 m2) xây dựng rất kiên cố, tường bê tông cao 5 m bao quanh khu trại giam. Cảm nghĩ tôi lúc đó, phân trại 1 giống như một trại lính, cho tôi một cảm giác tốt hơn khi bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu (Sài Gòn) hay ở Chí Hòa và Bố Lá.

Khoảng nửa tháng học nội quy và xả hơi, màn lao động đầu tiên trại giam yêu cầu, ba anh em chúng tôi phải chuyển gạo vào kho cùng với đội bếp của trại giam. Dù cả ba không quen lao động nặng, nhưng chúng tôi vẫn có thể làm xong công việc. Những ngày tiếp theo, chúng tôi bị buộc làm việc trong xưởng tách vỏ hạt điều cùng với các tù nhân thường phạm khác. Tách vỏ hạt điều là một công việc rất cực và nguy hiểm, nhựa vỏ hạt điều văng trúng da là phỏng ngay, mức khoán lại rất cao. Điều A to như ngón chân cái thì gần 30 kg, điều B to như ngón tay cái 23 kg, điều C, D thì mức khoán thấp hơn. Đối với tù nhân, đây là mức khoán “khủng”, họ phải chuyên tâm làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ và chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ mới có thể hoàn tất chỉ tiêu, trong điều kiện hầu như không có một trang bị bảo hộ lao động nào cả. Chưa nói đến chủ xưởng điều còn đánh tráo điều B thành điều A để tăng mức khoán.

Thoát ra từ buồng giam chật hẹp của các trại tạm giam, đến phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc tôi thấy tốt hơn trong những ngày đầu, nhưng sau đó sự thật không như mình nghĩ. Quy định cho tù nhân về chỗ nằm, 2m2 (ngang 1 m, dài 2 m) nhưng có bao giờ được vậy, nhiều lắm thì 0,5 m x 2 m, thậm chí có khi còn hẹp hơn khi số tù nhân tăng lên đột biến như đội xây dựng lâu nay đi phân trại khác lao động thì nay trở về, cả trăm con người tăng lên. Vì đây là đội “con cưng” của trại giam nên phải được đối xử khác với đám bóc vỏ điều, ai nằm chật chứ các anh xây dựng thì phải ưu tiên. 

Tác giả Nguyễn Bắc Truyển khi còn bị giam giữ
trong lao tù CS.
Án tù giam tôi 4 năm và 2 năm quản chế, tôi lên trại, phiên tòa xử phúc thẩm vắng mặt, tòa phúc thẩm tước mất 6 tháng. Tù nhân án nặng như cái núi Chứa Chan trước mặt trại giam thì nhìn án tù tôi mà phán chỉ bằng “giấc ngủ trưa” của họ. Tôi là tù con so, họ đều vài khóa trở lên, án 10 năm là nhẹ. Có người thân thể đầy hình xăm, đủ các con trông như một sở thú di động. Tội danh từ trộm cắp bình thường cho đến đại hình, giết người, gây thương tích, ngộ sát, hãm hiếp… lúc đó, thật sự tôi không thấy một sự sợ hãi hay xem thường họ. Họ là nạn nhân của chế độ. 

Phân trại 1, trại giam Xuân Lộc thật sự là một địa ngục cho tù nhân thường phạm, lao động và chỉ có lao động mới cho họ cơ hội sớm trở về xã hội, còn trở về xã hội họ sẽ làm gì, bản thân họ cũng không biết. Các biện pháo giáo dục hướng thiện ư, đó là hàng xa xỉ. Ngoài những tù nhân liên quan đến án kinh tế, các tù nhân thường phạm khác được thăm nuôi là hàng hiếm. Gia đình, xã hội cũng không còn nhớ đến họ từ khi họ bước vào đây và dù cho rằng có nhớ đi chăng thì cũng không có điều kiện để thăm nuôi họ, họ vào tù ra khám như cơm bữa. Hầu hết các tù nhân đều trông đợi vào khẩu phần cơm, thức ăn… của trại. Một tuần được phát thức ăn hai ngày, các ngày khác tự mà lo. Bệnh đau xin nghỉ, hãy uống vài thuốc paracetamol rồi đi làm. Trại giam không tin là tù nhân bệnh thực sự nếu họ còn đi đứng, còn nói chuyện…

Trong tù có nhiều chuyện buồn nhưng cũng phải phì cười, hôm qua mới thấy tù nhân chia tay bạn bè thì ngày mai nghe nói họ đã bị bắt lại cách trại giam chưa đến 50 km vì phạm một tội nào đó. Tôi không nghĩ rằng, cái kiểm điểm 3 tháng một lần với dòng chữ: "…nhận rõ tội lỗi...” là sự thật. Một tù nhân mù chữ có thể nhờ anh đội trưởng hay bạn tù viết dùm theo bản kiểm điểm có sẵn. Giáo dục kiểu gì mà thư viện trại giam không có một quyển sách về luật pháp, tôn giáo cũng bị nghiêm cấm và cai tù thì đụng một cái là quất lên đầu tù nhân hay đưa vào biệt giam cùm chân.

Tôi gặp Trần Hoàng Giang, một tù nhân chính trị, bị bắt khi 20 tuổi, án 15 năm. Sau khi bị biệt giam 14 tháng vì câu nói “đả đảo cộng sản”, Giang được đưa lên buồng trên và sống cùng tôi. Cái may của Giang là không bị biệt giam cho đến chết như lời đại tá Nguyễn Trung Binh, giám thị trưởng tuyên bố trước khi Giang bị đưa vào phòng kỷ luật vì không rút lại lời nói.

Trong tình cảnh ăn đói, thiếu thốn và lao động nặng, nhiều tù nhân đã phải tự hủy hoại mình để né lao động. Họ sẽ bị kỷ luật, bị chuyển đi trại khác, nhưng đây là cơ hội cho họ nghỉ ngơi vài ngày, nếu ai may mắn hơn thì được biệt giam hai tuần. Họ chấp nhận như vậy chứ cái mức khoán lao động “khủng”, không sớm thì muộn cũng phải chọn một cách để giải quyết vấn đề “tồn tại hay không tồn tại”. 

Một ngày tại xưởng điều, tôi chỉ làm 5 kg hạt điều loại B và tôi kiên quyết như vậy. Trại giam muốn làm gì tôi cũng được, đấu tố tập thể, biệt giam cùm chân, không cho gặp gia đình… tôi chống cưỡng bức lao động. Tôi nói với quản giáo của đội tôi: “tôi không quen lao động chân tay, nên tôi chỉ làm đúng với sức của tôi, tôi không có nhu cầu xin giảm án”. Gia đình lên thăm, tôi nói về tình trạng cưỡng bức lao động trong nhà tù. Mẹ tôi và các gia đình tù nhân chính trị khác đã trình bày vấn đề cưỡng bức lao động với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, phái đoàn Hạ viện Hoa Kỳ, đài RFA… Đến tháng 4/2008 các tù nhân chính trị tại phân trại 1 không còn bị buộc lao động. Tuy nhiên gần 1.000 tù nhân thường phạm tại đây vẫn còn bị cưỡng bức lao động cho đến ngày hôm nay.

Tôi không nói tất cả những cảnh sát trại giam đều cư xử ác độc với tù nhân, tuy nhiên cai ngục mà thông cảm cho tù nhân là điều tôi chưa từng chứng kiến khi trải qua năm trại tù, tất cả được quy đổi ra vật chất. Cai tù đã trở thành một cái nghề “chăn dắt” với câu ngạn ngữ “nước sông công tù”. Nhiều giám thị, cán bộ trại giam, trở nên giàu có so với mức lương của nghề cảnh sát trại giam. Có người sẳn sàng chi hàng tỷ đồng để được ngồi vào chiếc ghế giám thị trưởng.

Tù nhân phân trại 1, sau giờ lao động hay những ngày nghỉ, chỉ được sinh hoạt trong khu nhà giam, không được qua thăm bạn bè ở các các khu khác. Đây là điều mà tôi nghe tù nhân phàn nàn nhiều về sự khắc nghiệt sau vấn đề lao động. Họ không có thân nhân đến thăm nên họ có nhu cầu chia sẽ với các bạn tù. Trại giam thì cho rằng họ liên hệ để cờ bạc… nên tốt nhất là cấm cửa. 

Không vùng lên mới là chuyện lạ.

Ngày 30/6/2013, tôi đã nghe trực tiếp qua điện thoại các tù nhân phân trại 1 nói về sự khắc nghiệt mà tôi đã từng chứng kiến, sau 5 năm những điều đó vẫn còn. Tù nhân chính trị Huỳnh Anh Trí đã nói, “họ đối xử với chúng tôi không phải là con người mà như là con vật”. Câu nói đó, đã cho chúng ta thấy thế nào là hệ thống nhà tù xã hội chủ nghĩa. Trí đã ở chung với tôi tại phân trại 2 – trại giam Xuân Lộc, vì đấu tranh không khoan nhượng với trại giam nên thường xuyên bị chuyển đi nhiều nơi trong trại giam Xuân Lộc, cuối năm nay chúng ta sẽ có dịp nghe Trí kể câu chuyện này với tư cách là một chứng nhân.

Tiếp tục dối trá, một vài tờ báo quốc doanh đã cho rằng tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc chỉ là “mâu thuẫn giữa các tù nhân khi đá bóng”. Nghe thật buồn cười, mâu thuẫn giữa các tù nhân mà đích thân tổng, phó cục trưởng Tổng cục Trại giam phải vào tận nơi giải quyết. Từ bao giờ các ông ấy quan tâm đến từng mâu thuẫn của người tù? Nếu các ông làm sớm hơn thì chắc sẽ không có sự kiện ngày 30/6/2013 tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc. Riêng các nhà báo chí nên vào tù ở một thời gian để có thể phân biệt đâu là đấu tranh cải thiện lao tù của tù nhân và đâu là mâu thuẫn giữa các tù nhân. 

Giá cả thực phẩm của canteen là giá trên trời, tôi nghe rằng, làm gì thì làm 25% tổng số tiền gia đình gởi cho tù nhân phải vào quỹ của phân trại. Nếu không bán với giá trên trời thì làm sao hoàn thành chỉ tiêu đó. Còn quỹ 25% chia chác như thế nào thì tù nhân làm sao biết, phải hỏi giám thị phân trại. 

Một tù nhân khác cho biết, “thực phẩm bán cho chúng tôi bị hư nhưng họ vẫn bán, chúng tôi phải mua và phải ăn vì không ăn thì sẽ đói”. Có thể đây là điều bất nhẫn nhất mà tôi nghe thấy, lúc tôi ở đó tôi chưa từng nghe tù nhân ca cẩm về việc này. Nay có lẽ kinh tế khó khăn khắp nơi, nên mạng sống của tù nhân cũng bị xem rẻ, có tiền nhưng cũng không được mua hàng còn tốt, phải chấp nhận hàng hư hỏng, có người bán nào thất nhân tâm như canteen trại giam không?

Và điều sau cùng có thể làm bùng lên ngọn lửa, "họ đánh đập chúng tôi, cùm tay nhốt trên hội trường và bị bỏ đói”. Tù nhân bị tước đi một số quyền công dân, nhưng nhiều quyền con người khác không thể bị tước đoạt, nhất là phẩm giá của họ. Họ biết nếu vùng lên, phản đối mạnh, chính bản thân họ sẽ đối mặt nguy hiểm, án tù cò thể dài hơn, mạng sống có thể bị đe dọa… nhưng họ không còn giải pháp nào khác khi bị dồn vào đường cùng. 

Lãnh đạo tổng cục Trại giam tuyên bố sẽ khởi tố vụ án, hàng chục người sẽ bị tăng án. Trước mắt, trại giam Xuân Lộc đã đưa khoảng 40 tù nhân vào diện bị thẩm vấn. Tù nhân chính trị bị chuyển đi trại giam khác ngay trong đêm. Đó là cái giá phải trả của các tù nhân khi họ muốn tồn tại. Tuy nhiên, cái đau lòng nhất từ lời nói của ông Cao Ngọc Oánh, tổng cục trưởng tổng cục Trại giam khi cho rằng “những người đòi yêu sách là những kẻ lưu manh, lười lao động”. Phải chăng người đứng đầu ngành trại giam đã phủi bỏ trách nhiệm khi để xảy ra sự kiện tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc. Họ là những tên "lưu manh chuyên nghiệp", lười lao động nhưng chính họ đã tự nuôi sống mình trong nhà tù bằng chính sách “mỡ nó rán nó” và làm giàu cho những cai ngục xem nghề “chăn dắt” tù là nghề hái ra tiền. Họ là những tên lưu manh, nhưng chế độ XHCN phải chịu trách nhiệm khi đẩy họ vào con đường lưu manh không lối thoát.

Không ai chọn con đường làm tên lưu manh để vào tù, nhưng họ không đáng sợ bằng những tên lưu manh đang giữ quyền lực, ngồi bàn giấy trong phòng máy lạnh, đi xe hơi, xài tiền đô... chúng còn đáng khinh bỉ hơn những tù nhân bị gọi là “lưu manh chuyên nghiệp” trong nhà tù.

Nguyễn Bắc Truyển
6.7.13



XEM THÊM :



-  Luật sư Lê Quốc Quân sẽ ra tòa ngày 9/7/2013 với màn kịch hết sức lố bịch mang tên 'trốn thuế' , thường xuyên được cơ quan CA mang ra sử dụng , nhằm đàn áp các tiếng nói đối lập . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/06/luat-su-le-quoc-quan-se-ra-toa-ngay.html

- MỘT Ý KIẾN HAY VÀ THIẾT THỰC ĐỂ CHIA SẺ VỚI GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NHÀ TRANH ĐẤU ĐANG BỊ TÙ ĐÀY , BÊN CẠNH CÁC COMMENT VÀ LIKE ỦNG HỘ . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/mot-y-kien-hay-va-thiet-thuc-e-chia-se.html  

- BS. SƠN: CẨM NANG DÀNH CHO NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC TRƯỚC SỰ TÀN BẠO CỦA CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ --------- Lớp huấn luyện của Phạm Hồng Sơn . 27 ghi chú dành cho những Tù nhân Lương tâm dự khuyết . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/07/bs-son-cam-nang-danh-cho-nguoi-viet-yeu.html

-  Câu chuyện bó đũa người Việt có ai không biết ? Sau đây là 1 ý kiến rất hay và chính xác cần được mọi người quan tâm và áp dụng để mang lại dân chủ , hòa bình, tự do cho đất nước . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/nhung-viec-can-uoc-quan-tam-mot-vai-gop.html

- Thông báo của Chúng Ta - Công Dân Tự Do về việc tiếp tục công khai phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại những nơi công cộng. Mời gọi các bạn trẻ cùng các bác, các cô, chú, anh chị tiếp tay để tất cả Chúng Ta đem những ý tưởng về Quyền Làm Người đến với đồng bào . -------- Tải xuống cuốn "Câu chuyện về Quyền Con Người" . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/thong-bao-cua-chung-ta-cong-dan-tu-do.html

- TỔNG HỢP : TÌNH HÌNH GẦN ĐÂY VỀ SỰ XÂM LƯỢC TRẮNG TRỢN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM VÀ VÕ MỒM , NGHE ĐẾN NHÀM CỦA ĐẢNG TA. http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-trung-quoc-xam-luoc-va-su-cuoi.html

- TỔNG HỢP : TÀI LIỆU LỊCH SỬ CẦN PHẢI BIẾT VỀ ĐẢNG TA , HỒ CHÍ MINH , VIỆT NAM VS. TRUNG QUỐC, VIỆT NAM CỘNG HÒA, NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI BỎ, ... http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-tai-lieu-lich-su-va-ang-ta.html     

- TỔNG HỢP VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VÀ NHỮNG TRÒ BỊP BỢM, MỊ DÂN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-ve-sua-oi-hien-phap-va-nhung.html     

- TỔNG HỢP : BÓTAY.COM.VN - CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP CHỈ CÓ Ở “THIÊN ĐƯỜNG” XHCNVN . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/xem-them-chuyen-dai-nhieu-tap-chi-co-o.html

....................................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét