Bài học từ Tiên Lãng
Không quá khập khiễng, vụ xét xử
hành vi ‘giết người, chống người thi hành công vụ’ của Đoàn Văn Vươn và
người thân có thể khơi gợi lại vụ án Dreyfus - một vụ án cuốn hút sự
chú tâm và lương tri của cả châu Âu vào cuối thế kỷ 19.
Đại úy Alfred Dreyfus, người Pháp gốc Do Thái, bị buộc tội 'phản quốc' do tình nghi làm 'gián điệp'. Từng bị kết tội và bị đày ra đảo chung thân, cuối cùng Dreyfus cũng được tòa án Pháp tuyên trắng án sau một cuộc chiến không khoan nhượng giữa lương tri với nền pháp quyền đầy tính toán.
Cũng như Dreyfus, người nông dân Đoàn Văn Vươn ở vùng đất Tiên Lãng là một quân nhân, một đồng chí của chính thể đương nhiệm.
So với huyện Quỳnh Phụ của tỉnh Thái Bình 16 năm trước, ở vụ việc Tiên Lãng, người ta nhận ra những điều quen thuộc đang xảy ra ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh cho đến Đà Nẵng, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và An Giang.
Tiên Lãng không còn đơn thuần là một đơn vị hành chính nhỏ hẹp trên bản đồ mà đã đi vào lịch sử là sự kết tụ của bức xúc, bất mãn, phản ứng, xung đột và cuối cùng là bạo động về đất đai - kết cục tất yếu sau ít nhất 4.000 vụ khiếu kiện tập thể trong hơn 7 năm qua tại nhiều địa phương.
Điều gì phải đến đã đến, một khi lối mòn không được phát quang. Phiên tòa Đoàn Văn Vươn có thể xem là phần dẫn nhập cho tấn bi kịch hiện đại của nông dân Việt Nam.
Vào những ngày sát thời điểm phiên tòa ở Hải Phòng, rất đông nông dân Văn Giang, Dương Nội đã chuẩn bị băng rôn, biểu ngữ và định sẽ kéo đến tòa án để biểu thị sự đồng cảnh và nỗi đồng cảm với người bạn nông dân của mình.
Công an có thấu?
Vào năm ngoái, dân gian có câu ‘Tiên Lãng chưa qua, Xuân Quan đã đến’.
Phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn lại đang diễn ra cùng thời điểm cách đây một năm khi những người nông dân ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị chính quyền chèn ép với mức giá bồi thường rẻ mạt để thu hồi đất đai cho dự án Ecopark - vốn được miêu tả là dự án sinh thái tầm cỡ nhất quốc gia.
Người dân cũng có quá nhiều lý do để nghi ngờ cái gọi là ‘kinh phí cưỡng chế”. Ai gánh chịu chi phí đó? Tiền ngân sách tức có tiền thuế của nông dân hay tiền của chủ đầu tư? Cái gọi là ‘dịch vụ hỗ trợ thi công’ từng xảy ra ở Cần Thơ vẫn còn nguyên trong trí nhớ của người dân mất đất.
Nếu trong vụ việc Đoàn Văn Vươn, Công an Hải Phòng đã tự hào về sự ‘hiệp đồng binh chủng hiệu quả chưa từng có’, thì ở Văn Giang, lực lượng cưỡng chế đã lên đến hàng ngàn người nhằm bảo vệ cho một dự án tư nhân với nhiều khuất tất chưa được làm rõ.
Tại hiện trường cưỡng chế, nhiều tiếng nói đầy phẫn nộ bật lên: “Các anh bảo vệ cho ai? Bảo vệ cho những kẻ cướp đất của cha mẹ các anh à?”, khiến cho một số người đang 'thực thi pháp luật' dường như phải quay mặt đi.
Hiện thực mà những người nông dân này đang chứng kiến đã xảy ra không chỉ một lần, không phải chỉ tại một địa phương trên đất nước này. Hậu quả của ngày hôm nay bắt nguồn từ một quá khứ mà người nông dân không nhìn thấy tương lai.
Nhiều đoàn người rồng rắn, hết ngày này đến tháng nọ đội đơn đi thưa kiện ở các cơ quan công quyền như cái cách con kiến kiện củ khoai. Khi mà mọi việc không đi đến đâu, khi mà tình thế trở nên tuyệt vọng thì người dân chỉ còn một hy vọng cuối cùng: làm thế nào phải giữ cho được mảnh đất canh tác cuối cùng của gia đình.
Không biết có bao nhiêu người trong đoàn cưỡng chế hùng hậu đó thấu hiểu được tình cảnh trên? Đa phần trong số họ xuất thân là con em của những gia đình nông dân, công nhân. Liệu họ có hiểu được cảnh ngộ̣ đáng thương của cha mẹ, anh chị họ, của những người đồng chí của họ?
Chưa rút kinh nghiệm?
Điều trớ trêu là qua vụ việc Tiên Lãng và Văn Giang chính quyền địa phương vẫn không rút ra được bài học xương máu nào về lòng dân, về triết lý 'nước nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền'.Vài ba ngàn nông dân Văn Giang ra mặt phản ứng chính quyền nhất định không phải là một con số đáng coi thường. Nhất là khi những nông dân nung nấu ý chí quyết giành lại công bằng và quyền lợi mưu sinh cho bản thân và gia đình.
Bài học ở Tiên Lãng đối với chính quyền địa phương vẫn là trật tự cần được áp đặt trở lại, chứ không phải là một cái van tâm lý đã đến lúc phải được xả dần để tránh bùng nổ.
Từ Tiên Lãng, Văn Giang, Dương Nội…, chúng ta có thể hình dung hậu quả xã hội và cả hậu quả chính trị nghiêm trọng trong tương lai không xa khi mà những người nông dân không còn quá sợ sệt việc xung đột với lực lượng cưỡng chế hay việc ra tòa.
Lấy dân làm gốc
Các cấp chính quyền nên lấy lời dạy “Lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi như một kim chỉ nam cho việc cai trị. Cái gốc ấy cũng chính là quyền lợi về dân sinh và dân chủ của người dân.Quyền lợi thiết thân của người dân gắn liền với đất đai - chiếm đến 70-80% số đơn thư khiếu kiện, từ giá bồi thường, cho đến cưỡng chế thu hồi đất và nhu cầu tái định cư.
Quyền lợi đất đai cũng là nguồn cơn của các nhóm lợi ích còn lẩn khuất trong bóng tối. Hẳn người ta đã nhận ra nguy cơ của các nhóm lợi ích và hố sâu phân hóa giàu nghèo là lớn như thế nào và dễ bùng nổ đến thế nào trong xã hội Việt Nam đương đại.
“Sự tồn vong của chế độ” - sự lưu tâm đặc biệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - cũng khởi phát từ chính hiện trạng mà nếu không được cải cách kịp thời có thể sẽ làm biến đổi những gì tưởng chừng không thể thay đổi.
Trong sự kiện ở Quỳnh Phụ hồi năm 1997, hàng ngàn đảng viên và cán bộ đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Chỉ có như vậy mới yên được dân và làm chậm lại những gì lẽ ra có thể đã xảy ra sớm hơn.
Không có sự chỉnh đốn nào có thể giải quyết êm thấm mọi vấn đề đất đai nếu như không loại trừ các nhóm lợi ích đang tìm cách đầu cơ và có sự kết nối với một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên biến chất.
Cuộc đấu tranh về ruộng đất đã bước vào thời điểm của những hành động mạnh mẽ hơn - những hành động dẫn đến kết cục lao lý, thay cho những kiến nghị dường như chẳng có chút giá trị nào. Sẽ không còn sự thỏa mãn nửa vời nữa vốn được ấp ủ bằng sự phủ dụ đầy mị dân.
Thậm chí là một nghịch lý ngược ngạo: người ta chỉ có thể tìm thấy bình yên trong cơn dầu sôi lửa cháy.
Bài học tận cùng của mọi vấn đề oan sai chính là con người lãnh đạo. Bi kịch sẽ còn tái diễn chừng nào cái gốc của nó chưa bị nhổ.
Phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn, Người áo vải, sẽ là một trong những phép thử cuối cùng cho sự tồn tại của cái gốc ấy.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của ông Phạm Chí Dũng, một cây viết chuyên về các vấn đề chính trị và kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét