Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Thiên đường bánh vẽ của CS. Ly kỳ vụ "đào tẩu" khỏi quê nhà của một gia đình Triều Tiên.



Nếu Xã Hội Chủ Nghĩa thật sự là 1 thiên đường như các đồng chí vẫn thường rêu rao: "Thiên đường XHCN", thì tại sao người dân vẫn tìm mọi cách, thậm chí sẵn sàng chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của chính bản thân và gia đình mình, để chỉ được đào thoát khỏi cái "thiên đường" đó ? 

Ở Việt Nam có câu :" Nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng đi", sự kiện thuyền nhân Việt Nam, Cuba,..... đã chứng minh những điều này .    

Ly kỳ vụ đào tẩu khỏi quê nhà của thiếu nữ Triều Tiên

Từ CNN: Ly kỳ vụ "đào tẩu" khỏi quê nhà của một gia đình Triều Tiên 

16/04/2013 09:55 

Một người phụ nữ Triều Tiên đã thu hút được sự chú ý lớn tại hội nghị TED 2013, diễn ra vào tháng 2 vừa qua tại Mỹ, khi kể lại cuộc đời và cuộc đào tẩu của gia đình mình khỏi quê nhà, kênh tin tức CNN cho hay.


Hyeonseo Lee sinh ra tại Triều Tiên và đã rời bỏ quê hương sang nước láng giềng Trung Quốc vào năm 1997. Kênh truyền hình tin tức Mỹ cho biết cô hiện sống tại Hàn Quốc và là nhà hoạt động vì người tị nạn Triều Tiên.

Câu chuyện của Hyeonseo Lee tại TED 2013 (một hội nghị thường niên về các ý tưởng sáng tạo - PV) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Câu chuyện được CNN dẫn thuật và đăng tải hôm 13.4.
Ly kỳ vụ đào tẩu khỏi quê nhà của thiếu nữ Triều Tiên
Hyeonseo Lee thuật lại cuộc "đào tẩu" của gia đình mình khỏi Triều Tiên - Ảnh: CNN

Lee luôn tự hào về đất nước và nghĩ rằng cuộc sống tại Triều Tiên hoàn toàn bình thường, ngay cả khi lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một buổi hành quyết ngay nơi công cộng, khi cô mới chỉ có 7 tuổi. “Khi còn nhỏ, tôi cứ nghĩ nước tôi là đất nước tuyệt vời nhất hành tinh này”, CNN dẫn lời Lee.

“Gia đình tôi không nghèo và tôi chưa bao giờ bị đói. Nhưng sau khi mẹ tôi đọc cho tôi một lá thư từ chị gái của một người quen, cho biết gia đình bà này đang chết đói, thì tôi nhận ra có gì đó hoàn toàn không ổn về đất nước mình”, CNN trích lời Lee tại TED 2013.

Nhà hoạt động vì người tị nạn Triều Tiên này cho CNN biết đã có một nạn đói lớn ập vào Triều Tiên giữa thập niên 1990.

Lee từ chối tiết lộ chi tiết cách thức giúp cô có thể rời khỏi Triều Tiên, nhưng cho biết, trong những năm tháng Triều Tiên bị nạn đói hoành hành, cô chỉ mới là một cô gái trẻ và đã một mình sang Trung Quốc để sống với một người bà con xa.

“Lúc đó tôi cứ ngỡ mình sẽ chỉ phải sống xa gia đình trong một thời gian ngắn mà thôi. Tôi đã không thể dự đoán được rằng phải mất 14 năm sau đó gia đình tôi mới được đoàn tụ”, CNN dẫn lại lời Lee.

Lee kể tiếp rằng, kể từ sau khi người tị nạn Triều Tiên bị coi là di cư phạm pháp tại Trung Quốc, cô đã sống trong nỗi lo sợ rằng thân thế của mình có thể bị bại lộ và sẽ bị tống trở về Triều Tiên.

“Một ngày nọ, cơn ác mộng tồi tệ nhất đã đến khi mà tôi bị cảnh sát Trung Quốc bắt về đồn để điều tra. Một người nào đó đã đi tố cáo tôi là người Triều Tiên, vì thế họ đã kiểm tra tiếng Trung Quốc của tôi và hỏi tôi hàng đống câu hỏi. Tôi cứ tưởng mình tiêu rồi, nhưng may mắn là tôi đã xoay sở kìm nén hết mọi cảm xúc để trả lời các câu hỏi của họ. Thế là họ cho tôi về. Lần đó đúng là một phép màu”, CNN dẫn lời Lee.

Sau 10 năm che giấu tung tích thật của mình và sống trong nơm nớp lo âu, Lee đã quyết định chạy sang Hàn Quốc.

Mặc dù không dễ dàng để hòa nhập vào cuộc sống tại Hàn Quốc, nhưng Lee đã vượt qua được và theo học tại một trường đại học.

Khi mọi chuyện bắt đầu êm xuôi, cô nhận được một tin sét đánh. Chính quyền Triều Tiên phát hiện việc cô chuyển tiền cho gia đình mình ở quê nhà từ một người môi giới, và để trừng trị việc này, gia đình Lee bị buộc phải dời về sống ở một vùng quê hoang vu hẻo lánh, CNN cho biết.

Lee lập tức lên kế hoạch giúp gia đình mình bỏ trốn.

“Tôi quay lại Trung Quốc để đến vùng biên giới Trung - Triều. Do gia đình tôi không nói được tiếng Trung Quốc nên tôi đã phải hướng dẫn họ trên suốt một chặng đường dài hơn 3.200 km ở Trung Quốc và sau đó là ở Đông Nam Á. Cuộc đào tẩu bằng xe buýt lần đó kéo dài cả tuần lễ và chúng tôi suýt bị bắt mấy lần”, CNN thuật lời kể lại của Lee.

Có lần xe buýt chở gia đình Lee bị một cảnh sát Trung Quốc chặn lại để kiểm tra giấy tờ tùy thân tất cả hành khách.

“Khi anh ta tiến đến gần hàng ghế gia đình tôi, tôi bật dậy, nói với anh ta rằng những người này bị thiểu năng và điếc. Tôi là người đi theo chăm sóc họ. Anh ta nhìn tôi ngờ vực, nhưng may thay, anh ta đã tin lời tôi”, Lee kể.

Tại biên giới với Lào, gia đình cô bị bắt bỏ tù vì vượt biên trái phép. Lee đã đóng tiền phạt và họ đã được trả tự do sau một tháng ngồi tù.

“Tuy nhiên, gia đình tôi lại tiếp tục bị bắt vào tù khi đến thủ đô Lào. Thời điểm đó là một trong những thời điểm tuyệt vọng nhất trong cuộc đời tôi, tôi hoàn toàn kiệt sức về mặt thể xác lẫn tinh thần. Tôi đã làm mọi thứ để giúp gia đình mình có được tự do và chúng tôi đã tiến rất gần đến mục tiêu này”, CNN trích lời Lee.
“Và rồi gia đình tôi lại ngồi tù khi chúng tôi đã ở rất gần đại sứ quán Hàn Quốc. Lúc đó tôi đã liên tục chạy đi chạy lại từ trụ sở cảnh sát đến văn phòng nhập cư, cố gắng tìm cách cứu gia đình mình trong vô vọng. Tôi không còn đủ tiền để đóng tiền phạt. Tôi mất hết hy vọng”, Lee hồi tưởng.

Trong lúc tuyệt vọng, Lee may mắn được một người đàn ông lạ mặt cảm thông, giúp đỡ tiền cho cô cứu gia đình ra.

“Anh ta hỏi tôi “Có chuyện gì hả?”. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì sao lại có một người hoàn toàn xa lạ quan tâm đến mình. Bằng vốn tiếng Anh vụn vặt và một quyển tự điển, tôi giải thích hoàn cảnh của mình cho người lạ mặt và không chút chần chừ, anh ấy đã đi đến máy ATM rút tiền, trả tiền phạt cho gia đình tôi, và hai người Triều Tiên đang bị tù khác nữa”, CNN dẫn lại lời kể của Lee.

“Tôi hết lòng cảm ơn anh ấy và sau đó tôi hỏi vì sao anh giúp tôi, thì anh ấy đáp “Tôi không giúp cô. Tôi giúp người Triều Tiên”. Cuối cùng thì sau một chuyến đi dài, cả gia đình tôi đã cùng nhau đoàn tụ tại Hàn Quốc”, kênh tin tức Mỹ dẫn lời kết của Lee.


Hoàng Uy Thanhnien


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét