Thứ Tư, 04/07/2012 23:26
L.T.S: Dù đối mặt với bao hiểm nguy, nhọc nhằn, ngư dân Việt Nam vẫn luôn vững vàng trước đầu sóng ngọn gió. Nhưng những lần mất tàu, mất lưới, những tai nạn khác đã chồng chất lên vai họ nhiều nỗi gian truân. Ngư dân của chúng ta cần biết bao sự tiếp sức về vật chất lẫn tinh thần để họ được kiên trì bám biển, giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nỗi đau bên những con tàu
Bị tàu Trung Quốc bắt giữ, nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, nghèo khó
Có ngư dân 3 lần sắm tàu lớn ra khơi thì cả 3 lần bị tàu các nước ngoài bắt giữ đòi tiền chuộc. Họ từ những ông chủ của những chiếc tàu hàng trăm mã lực trở thành những người đi làm thuê. Nhiều người khác mang nợ với những con tàu bị... rỗng ruột.
Nợ chồng nợ
Từ những năm đầu thập niên 90, ở làng chài Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), khi các ngư dân còn lênh đênh giữa trùng khơi trên những chiếc tàu có công suất nhỏ thì ngư dân Đỗ Đức Thọ đã có trong tay chiếc tàu 150CV. Chiếc tàu ấy thời bấy giờ là niềm mơ ước của biết bao ngư dân “ăn biển ngủ biển”.
Công việc ăn nên làm ra, vợ chồng ông Thọ gom góp tiền định xây lại căn nhà vốn đang dột nát. Đùng một cái, trong một chuyến ra khơi năm 2007, tàu của ông bị gió lớn, sóng cao đánh cho tơi tả, rồi trôi dạt về tận vùng biển của Malaysia, va vào đá ngầm. Tàu bị vỡ, còn 2 chiếc thuyền thúng làm phao cứu sinh. May mắn thay, họ được một chiếc tàu chở hàng của Malaysia phát hiện cứu vớt. 11 ngư dân thoát chết nhưng chiếc tàu mãi nằm lại trong lòng biển khơi. Trở về sau chuyến biển, ông Thọ như người mất hồn, xót xa nhìn căn nhà xiêu vẹo, gác lại ước mơ xây một mái nhà cho vợ con.
Vợ chồng ông Thọ chạy đôn chạy đáo, vay tiền đóng chiếc tàu mới để quyết đánh cược với biển, kiếm tiền trả nợ. Ngày tàu chuẩn bị nhổ neo, tiếp tục ước mơ bám biển thì biển Đông nổi sóng. Căn nhà nhỏ bên mép biển của vợ chồng ông bị sóng đánh tan tành. Cả gia đình ông phải tá túc ở nhà cha mẹ. Rồi tàu ông cũng ra khơi. “Đi được 2 tháng thì “bão” lại nổi lên. Lần này, biển vẫn dịu êm, khoang tàu đầy cá, anh em định đánh thêm ngày nữa sẽ về. Ai ngờ, tàu Trung Quốc tấn công. “Họ kéo tàu của tôi về một hòn đảo, sau đó cho chúng tôi về trên một chiếc tàu khác của ngư dân Lý Sơn bị bắt trước đó. Cả con tàu và tài sản đều mất sạch. Nợ nần lại ngập đầu” - ông Thọ kể.
Mất tàu, ông Phạm Kháng ngồi vá từng tấm lưới kiếm sống qua ngày
Ngồi nhìn ra bến tàu, nghe tiếng còi tàu từ Hoàng Sa về cập cảng hụ lên từng hồi, đôi mắt ông Thọ bỗng đỏ hoe. Ông bảo, chưa bao giờ nghĩ đời mình lại rơi vào hoàn cảnh như thế này. “Tính chung 2 chuyến biển tôi đã mất trắng hơn 3 tỉ đồng. Tôi trắng tay, không còn gì để làm lại nữa. Nhớ biển lắm nhưng làm sao đủ sức gầy dựng lại để ra khơi” - ông nói, đôi mắt chợt tối lại.
Ngồi cạnh chồng, bà Đỗ Thị Kim Loan tủi phận: “Từ một chủ tàu lớn, tôi phải đi gánh đá, lóc cá thuê để kiếm từng đồng lẻ nuôi con. Ổng buồn quá, bỏ nhà đi lang thang mất một thời gian. Giờ ổng bỏ biển rồi, đi làm công nhân xây dựng. Ước mơ của hai vợ chồng cứ như bọt sóng vậy. Thấy đó, rồi tan biến lúc nào không hay…”.
Tán gia bại sản
Cũng bi đát như ông Thọ, ngư dân Tiêu Viết Là (thôn Gành Cả, xã Bình Châu) năm lần bảy lượt gặp phải tai vạ. Từ một đời người đạp sóng, bám biển Hoàng Sa giờ ông Là mang trong mình một “đống” bệnh tật cộng với những khoản nợ không biết bao giờ trả nổi. “Chủ nợ, ngân hàng họ biết mình chẳng còn gì nên cũng chẳng thiết tha đòi. Mà họ có đòi thì tôi cũng chỉ biết gán căn nhà cũ kỹ này thôi. Rồi vợ chồng, con cái dắt díu nhau ra đường chứ biết làm sao. Nghĩ mà đau. Giàu nghèo sấp ngửa bàn tay chú à” - ông Là nói mà hai vành môi mím chặt, như để tiếng khóc uất ức đừng bật ra.
Biển vào mùa trăng, cá quanh bờ ít, lão ngư Phạm Kháng (56 tuổi, thôn Định Tân) ngồi đan lưới thuê. Lặn ngụp kiếm con cá ven bờ không “gánh” nổi gia đình ông qua những ngày bão biển. Nhìn những tấm lưới đã trải qua nhiều sóng gió khơi càng làm cho ông nhớ biển. Ông buông tấm lưới, tựa thân hình rám nắng vào vách nhà, kể rằng trước đây ông đi bạn. Năm 2006 ông gom góp, vay mượn đóng được chiếc tàu QNg-05178 TS. Tàu vươn khơi, mang theo ước vọng của một ngư dân làm chủ hành trình ra Hoàng Sa. Gia đình nhỏ của ông nơi mép biển hằng ngày dõi theo con tàu mang bao hy vọng của ông.
“Sói biển” Mai Phụng Lưu, một ngư dân lão luyện ở tỉnh Quảng Ngãi, ngày đêm kiên trì bám biển. Ảnh: VĂN MỊNH
“Năm đầu tôi trả gần hết nợ, năm thứ hai biển không thuận nên chỉ đủ ăn, năm thứ ba tôi hy vọng kiếm được ít tiền dựng nhà, cưới vợ cho con. Nhưng đang đánh bắt cá chợt tàu Trung Quốc xuất hiện, tôi thu lưới, nổ máy lánh xa họ. Nhưng tàu họ là tàu sắt lớn đuổi kịp bắt tàu tôi. Tôi nghĩ thế là hết. Nghĩ vậy nhưng cũng hy vọng họ tha cho xác tàu để còn có thể làm lại. Ai ngờ cả tàu lẫn người đều bị gom lên một hòn đảo. Hơn mười anh em tụi tôi bị giam mấy tháng trời trong căn phòng chật chội và họ bắt chúng tôi điện thoại về nhà nộp tiền chuộc 8.000 USD! Nộp tiền, họ thả chúng tôi về với xác tàu rỗng ruột, toàn bộ tài sản, lưới và ngư cụ đều bị cướp hết” - ông Kháng buồn bã.
Đưa xác tàu về đến bờ, ông nuôi hy vọng làm lại từ đầu. Mấy ngày sau, ông thấy người khác ở trên tàu mình chuẩn bị ra khơi. Hóa ra, để đưa được ông cùng tàu về, vợ ông phải gán chiếc tàu cho chủ nậu. Và thời hạn trả tiền đến, nhà chẳng biết lấy đâu ra khoản tiền khổng lồ trả nợ nên họ lấy tàu.
Sát nhà ông Kháng là nhà ngư dân trẻ Phạm Cảnh. Đứng trên chiếc tàu QNg-95111 TS công suất 150 CV, anh Cảnh bảo gia tài anh giờ còn bấy nhiêu đó. Vừa trả nợ xong thì trắng tay.
Ngư dân Phạm Cảnh bên chiếc tàu được Trung Quốc thả về, nay chỉ là chiếc tàu rỗng ruột chẳng thể ra khơi
Tháng 4 vừa rồi, trong một chuyến biển, chiếc tàu khẳm cá đang trên đường nhổ neo về đất liền thì tàu Trung Quốc ập đến. “Tôi cho tàu chạy hết công suất. Sau 2 giờ rượt đuổi, tàu tôi bị một tàu Trung Quốc khác chặn trước mũi. Họ lấy sạch mọi thứ trên tàu rồi cho về. 150 tấm lưới, 2 tấn cá mú, lưỡi câu… mất sạch. Lâu rồi, buồn quá không ra thăm tàu, sáng nay ra xem thử chứ giờ nhớ biển thì cũng chẳng làm gì được” - anh Cảnh nói.
Ông Bùi Hồng Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Châu, cho biết: Một khi ngư dân dính bão, dù là bão thiên nhiên hay “bão” từ tàu nước ngoài đều lâm vào cảnh nợ nần, nghèo khó, tán gia bại sản. Ông bảo ở xứ Ba Làng An này ngư dân bị dính “bão” và trắng tay nhiều lắm. Câu nói của ông Vân như ngầm nói lên một điều: Biển Hoàng Sa, Trường Sa là của người Việt Nam. Nhưng ngư dân ra đó đánh bắt lại gặp vô vàn khó khăn. Cái nghèo, cái khó, nợ nần còn ám ảnh họ trên mỗi chuyến ra khơi.
Mở cuộc vận động “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” là chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động nhằm giúp đồng bào ngư dân bị mất tàu, lưới tại Hoàng Sa, Trường Sa và có gia cảnh khó khăn trong đời sống. Thông qua chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Người Lao Động phát động đợt vận động các Mạnh thường quân, CNVC-LĐ cả nước góp sức giúp ngư dân vừa phát triển kinh tế biển vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong hoạt động của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Người Lao Động sẽ tổ chức chương trình truyền hình đặc biệt vào tối 15-7 tại Nhà hát Truyền hình TP - số 14 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 - TPHCM. B.T |
Bài và ảnh: NIÊM HÀ-Nld
-------------------------
BÀI LIÊN QUAN
VIDEO Ít nhất 4 tàu của Trung Quốc đã rượt đuổi một chiếc tàu của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Đám Cảnh Sát Biển này chút xíu nữa là làm tổn hại nghiêm trọng đến tình Hữu Nghị Việt Trung đời đời bền vững rồi.
XEM TIẾP http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/07/it-nhat-4-tau-cua-trung-quoc-ruot-uoi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét