Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Lại gì nữa đây ??? Hầu như bảng hiệu nào tại đây cũng tràn ngập chữ Trung Quốc,... ( “Phố Tàu” ở Hà Tĩnh )



“Phố Tàu” ở Hà Tĩnh

28/07/2012 3:40

Chỉ trong một thời gian ngắn, người Trung Quốc xuất hiện kéo theo một loạt các thay đổi khiến vùng quê bình yên phía nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đảo lộn mọi thứ.


>> Nhiều người Trung Quốc khám bệnh “chui”
>> Vụ giao đất cho người Trung Quốc ở Bình Thuận: Chưa chặt chẽ, thiếu minh bạch...
>> Vụ người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh: Yêu cầu xử lý sai phạm tập thể và cá nhân liên quan


Đỏ mắt với biển hiệu


Chúng tôi đến huyện Kỳ Anh và không khỏi giật mình trước những gì chứng kiến được. Theo quốc lộ 1A hướng từ Nam ra Bắc, xe vừa qua khỏi hầm Đèo Ngang - ngăn cách giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình - được vài cây số, đoạn thuộc địa phận xã Kỳ Phương đã thấy chình ình một bảng hiệu khổ lớn chi chít chữ Trung Quốc dựng trên chân đế cao hơn 2 m. Chúng tôi thực sự “choáng” khi đến địa phận các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh. Không phải tự nhiên mà nhiều người thốt lên “phố Trung Quốc” bởi dọc hai bên trục đường xương sống 1A đầy rẫy biển hiệu như nấm mọc sau mưa. Hầu như bảng hiệu nào cũng tràn ngập chữ Trung Quốc, từ tên công ty, ngành nghề kinh doanh đến các thể loại nhà hàng, ăn uống, dịch vụ cưới hỏi, rửa xe, hút bụi...


Không hiếm cảnh công nhân Trung Quốc chở 3 sau giờ tan ca -  Ảnh: T.Q.Nam



Một người đi cùng chúng tôi bức xúc: “Đây là Việt Nam. Trong chúng ta mấy ai biết được đó là chữ gì, ý nghĩa nó thế nào. Mở mắt dậy là thấy, ra đường là đập vào mắt”.


Những gia đình lai


Hết giờ làm việc buổi sáng, nhiều công nhân bịt kín mặt “kẹp” ba, bốn người trên một xe máy từ công trường thi công tổ hợp cảng biển và nhà máy luyện gang thép FORMOSA trở ra. Một số về nhà trọ nghỉ, số đi ăn cơm quán.

Một nữ công nhân người Việt chỉ cho chúng tôi biết vài quán cơm mà người Trung Quốc thường hay ăn. Ghé vào một quán gần cầu Khe Lau (xã Kỳ Liên), cảnh tượng ồn ào, hỗn độn, nhếch nhác thấy rõ. Người ăn, người nói, tiếng Việt, tiếng Trung xô đẩy lẫn nhau. Đối diện bên kia đường có tấm bảng với dòng chữ Việt duy nhất “Ẩm thực Đài Loan”, còn lại toàn chữ Trung Quốc. Chủ quán là người Đài Loan và vợ người Việt Nam, họ mới thuê lại nhà của một vợ chồng người địa phương. Hỏi chuyện được biết cô vợ người Sóc Trăng, lấy chồng Đài Loan được 7 năm nhưng chưa có con, vợ biết tiếng Hoa nhưng chồng chẳng biết tiếng Việt.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương bày tỏ sự lo lắng: “Trên địa bàn có hơn 10 gia đình cho người nước ngoài thuê ở. Bước đầu có ảnh hưởng, cái lo nhất là tình trạng lừa đảo về kinh tế đã xảy ra. Trước kia, đây là vùng thuần nông, giờ ruộng đất mất hết rồi, hiện người dân có thể làm những việc phổ thông, chân tay chứ đến lúc xây dựng xong thì biết làm gì. Lo nhất những người trong độ tuổi 40-60”.

Chuyện quan hệ gái trai, hôn nhân cũng đang khiến chính quyền vã mồ hôi. Mới đây, L.T.H (22 tuổi, ở thôn Liên Phú) đã đăng ký kết hôn, tổ chức cưới hỏi với một người quê Thanh Hóa. Đùng cái, H. hủy hết tất cả mọi thứ để theo một người Đài Loan từng thuê ở trong nhà mình. Hai người lén lút qua lại với nhau, nghe đâu là vì ông đó có tiền. Cũng đã xuất hiện một số trường hợp người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên mua đất.

Thượng tá Trương Xuân Tịnh - Trưởng công an H.Kỳ Anh - cho biết: “Hiện trên địa bàn có trên 420 người Trung Quốc. Họ ở tại các văn phòng, nhà dân, khách sạn. Người Trung Quốc rất khó quản lý, họ đã không trình báo như người các nước châu Âu mà còn trốn tránh sự kiểm tra. Nhiều người thuộc diện hợp đồng lao động ngắn hạn đã tìm mọi cách ở lại khi hết thời hạn. Nhiều người ở luôn trong các container tại công trường nên rất khó kiểm soát. Cũng đã có vụ 2 người Trung Quốc đánh 1 người Việt Nam”.

Công an huyện Kỳ Anh thừa nhận rất khó để vào trong công trường FORMOSA nên họ chỉ kiểm tra ở các địa bàn dân cư. Đầu tháng 7, Công an huyện phát hiện 7 người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch nhưng ở lại làm việc, đã mời đến trụ sở công an nhưng họ bỏ trốn sau đó.


Quản lý lỏng lẻo


Chúng ta đã có quy định cụ thể về việc sử dụng tiếng nước ngoài trên các bảng hiệu, trong đó quy định không đặt chữ viết tên nước ngoài lên trên chữ tiếng Việt, và tên nước ngoài phải nhỏ hơn tên tiếng Việt. Tại sao bảng, biển chữ Trung Quốc đầy rẫy, trưng thành cả phố dài mấy cây số trên trục đường huyết mạch như vậy mà vẫn ngang nhiên tồn tại?

Chúng tôi tìm gặp Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Đức Thắng nhưng chỉ nhận được những câu trả lời không rõ ràng và “UBND huyện chỉ có trách nhiệm giải phóng mặt bằng”. Còn Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nguyễn Lộc Hằng cho rằng mức độ chưa có gì để phải xử lý. Ông Hằng nói: “Chỉ một số ít các công ty nước ngoài trưng biển hiệu trước trụ sở. Tên nước ngoài vẫn được quảng cáo nhưng theo quy định trong Nghị định 75, ví như kích cỡ chữ như thế nào...”. Nói thế nhưng khi chúng tôi hỏi phòng đã tiến hành kiểm tra tại các xã vùng nam chưa thì ông Hằng ấp úng.

Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương đã nhìn nhận thẳng thắn: “Việc này mới nở rộ từ đầu năm nay. Không thể để chữ Trung Quốc nhiều hơn chữ Việt Nam được, điều này rất phản cảm, sống giữa đất nước Việt Nam sao không dùng chữ Việt Nam. Đành rằng để phục vụ người Trung Quốc mới sang không biết tiếng Việt nhưng vậy cũng không được, không thể Trung Quốc hóa Việt Nam. Làm như thế, người đi qua địa bàn này sẽ đặt câu hỏi tại sao đây là đất Việt Nam mà lại toàn chữ Trung Quốc. Vừa rồi giao ban chúng tôi đã giao cho Trưởng ban Văn hóa xã tham mưu cho Phòng Văn hóa huyện để có biện pháp xử lý. Đầu tiên sẽ xử lý những biển hiệu làm không đúng quy định”.


Hàng loạt bảng vi phạm nhưng ngành văn hóa Hà Tĩnh không biết - Ảnh: T.Q.Nam


Trương Quang Nam
http://www.thanhnien



XEM THÊM

-  Thứ hai, ngày 23 tháng bảy năm 2012
Bình Dương: Người TQ tạm trú bất hợp pháp gây mất trật tự an ninh tràn lan mà không có cơ quan nào quản lý ? ( Phố “lạ” ở Bình Dương.) http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/07/binh-duong-nguoi-tq-tam-tru-bat-hop.html



BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (12)


Triệu
Liệu TQ đang có âm mưu gì?! TQ hóa Việt Nam. Mong rằng không phải như vậy! Nhưng tình trạng người TQ tràn lan, sinh sống khắp đất nước VN, khiến cho chúng ta phải đến lúc suy nghĩ.

Khôi Anh
Buông lỏng quản lý trách nhiệm thuộc về ai. Bây giờ đang là vầy sợ 10 - 20 năm nữa việt nam sẽ toàn là "Tàu" lai.

Lê Trung
Ta đang đấu tranh bảo vệ từng mét biển từng hòn đảo trên biển đông với TQ , còn trên đất liền thì thả lỏng cho họ tung hoành từ Bắc vào Nam ,sao mất cảnh giác thế nhỉ !

ong nguyen
Cảm ơn TG bài viết đã đưa lên mạng mọt sự thật đau lòng (dù chưa thật đầy đủ) tại Qh HT (Ky Anh--khu CN Vũng Áng) chúng tôi. Thiết nghĩ, cũng cần có những PV chịu khó lặn lội. tìm hiểu sâu sát, phản ánh đày dủ về một vùng quê bình yên đang bị "hán hóa" nhanh chóng.

luugu
địa phương nào để xảy ra tình trạng trên thì lãnh đạo địa phương đó cần phải bị kỷ luật nặng, cách chức, không thể để người TQ ngang nhiên hoành hành trên lãnh thổ Việt Nam như thế được, bây giờ có thể chưa thấy gì nhưng hậu quả về lâu dài sẽ là rất lớn, để xảy ra vụ việc trên các bác lãnh đạo đừng có nói là không biết và không được báo cáo nhé nghe chối tai lắm.

Nguyen Van Trung
Nhìn thấy mà đau long quá. Tính dân tộc của người Hà Tỉnh bỏ đâu mất,nhất là trong tình hình hiện đang căng thăng do TQ leo thang xâm chiếm bờ cỏi Tổ quốc. Thiết nghĩ Hà Tỉnh cần mạnh dạng chấn chỉnh lại và cần co thái độ cứng rắng hơn, đây là VN Tổ quốc của chung ta không phải là trung quốc

lê quyết chí
Kinh hoàng ! Phố tàu ở Hà Tĩnh. Những ảnh hưởng, hệ lụy khôn lường do người Trung Quốc gây ra là như thế nào?

Người dân
không biết hiện nay có bao nhiêu khu vực trên 63 tỉnh thành có phố tàu như thế?Liệu không có căng thẳng như hiện nay thì các vấn đề trên có được đặt ra không?

TRAN
Bảng hiệu dù có viết chữ Trung Quốc thì cũng chỉ được viết nhỏ thôi, chữ Việt phải được viết to lên. Cũng phải quy định rõ ràng chữ Việt phải chiếm nhiều diện tích hơn chữ TQ chứ. Những cái bảng này phải dẹp ngay đi, đây là Việt Nam cơ mà!

NVM
Trời đất, CB ta sao mà hỏi người nào củng ú ớ hết vậy. Chắc Hà Tỉnh phải nhờ lương y Vỏ Hòang Yên ra trị tập thể. Chứ để như vậy khó coi quá. Xưa kia khi mới chiếm TQ, người Tàu cai trị bằng cách dùng tiếng "quan thọai". Quan là ông quan, thọai là nói . Ai muốn kêu ca, thưa kiện, thỉnh cầu điều chi phải dùng tiếng quan thọai. Không biết thì ráng chịu. Không hiểu sao thấy ở Hà Tỉnh giống quá. Các quan địa phương xem lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét