Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Đừng hỏi vì sao? 1 trong những cách trở thành đại gia của anh Ba và đám lâu la. ( Mở rộng điều tra vụ Vinalines: Ụ nổi 83M được nhập về như thế nào? )


Mở rộng điều tra vụ Vinalines:

Ụ nổi 83M được nhập về như thế nào?

Chủ nhật, 29/07/2012 13:11


Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ những hành vi sai phạm trong vụ mua ụ nổi 83M của Vinalines. Kết quả điều tra cho thấy việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng.

Để phục vụ việc khảo sát mua ụ nổi, Vinalines có văn bản đề nghị và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cử ông Lê Văn Dương - đăng kiểm viên tham gia cùng các ông Trần Hữu Chiều, nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, trưởng ban dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam; Trần Hải Sơn - phó ban dự án; Mai Văn Khang - phó ban đóng mới tàu biển, thành viên Ban quản lý dự án và Trịnh Lương Quang -cán bộ Công ty Cổ phần phát triển hàng hải sang Liên bang Nga khảo sát, giám định tình trạng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý ụ nổi 83M. Qua khảo sát, các thành viên đều biết ụ nổi đã quá tuổi, cũ nát, tình trạng kỹ thuật xấu, không sử dụng được. Khi về nước, Chiều, Sơn và Khang có báo cáo  Dương Chí Dũng - nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines và ông Mai Văn Phúc - tổng giám đốc Vinalines đúng với thực tế đã khảo sát.

Sau khi có chỉ đạo của cấp trên, Chiều, Sơn và Khang đã lập báo cáo không đúng với kết quả khảo sát trình lên Tổng Công ty. Theo yêu cầu của Trần Hải Sơn, Đăng kiểm viên Lê Văn Dương cũng đưa vào báo cáo giám định ụ nổi một số nội dung không đúng thực tế.



Ụ nổi 83M


Ngày 6-6-2008, ụ nổi 83M được đưa về Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Hải quan đã giao cho ông Nguyễn Văn Thọ tiếp nhận hồ sơ, ông Lê Ngọc Triện kiểm tra chi tiết hồ sơ, ông Lê Văn Lừng  làm thủ tục nhập khẩu ụ nổi 83M trình ông Huỳnh Hữu Đức chi cục phó duyệt quyết định cho thông quan. Kiểm tra thực tế, ông Lê Ngọc Triện biết hồ sơ ụ nổi không đủ điều kiện nhập khẩu; ông Lê Văn Lừng biết hồ sơ không đầy đủ, ụ nổi đã cũ, han gỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn đề nghị ông Huỳnh Hữu Đức cho nhập. Khi kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với các quy định của Nhà nước, ông Đức biết rõ ụ nổi không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn cho làm thủ tục nhập khẩu.

Về thủ tục thanh toán hợp đồng, mặc dù quá trình đầu tư dự án nhà máy, lựa chọn nhà thầu, đầu tư mua ụ nổi 83M, Vinalines đã làm trái quy định của Nhà nước, hồ sơ thanh toán ụ nổi không đầy đủ, có nhiều mâu thuẫn nhưng bà Bùi Thị Bích Loan - Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines không ngăn chặn việc thanh toán mà vẫn để Trần Hữu Chiều - Trưởng ban quản lý dự án ký văn bản đề nghị và ông Mai Văn Phúc - Tổng giám đốc Vinalines ký văn bản chỉ định, chấp thuận Ngân hàng Citibank thanh toán tiền mua ụ nổi cho Công ty AP trái quy định về thanh toán thương mại và quy định của hợp đồng mua bán ụ nổi.

Căn cứ những tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn Dương; Huỳnh Hữu Đức; Lê Văn Lừng; Lê Ngọc Triện; Bùi Thị Bích Loan; Mai Văn Khang và Trần Hải Sơn về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bảo Sơn-CA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét