Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Hình ảnh vợ blogger Điếu Cày tại thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình ở DCCT Sài Gòn

Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tại DCCT Sài Gòn tối 25/12



Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tại DCCT Sài Gòn tối 25/12





VRNs (26.12.2011) – Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tại Nhà thờ Kỳ Đồng lúc 20g00 ngày 25/12/2011, cũng là lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Hoàng tử Hòa bình và công lý cho người bị loại trừ. Cha Giuse Trần Ngọc Thao chủ tế cùng với quý cha Têphanô Chân Tín, Giuse Lê Quang Uy và Giuse Đinh Hữu Thoại.


Giáo dân khắp nơi đến tham dự chật cứng trong và ngoài nhà thờ. Cũng có khá nhiều công an chìm đến nghe ngóng, một vài người trong số họ bị các vị trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ nhận diện, vì đã từng làm việc với nhau trước đây.


Xin mời quý độc giả nghe:


1. Dẫn ý cầu nguyện do cha Giuse Đinh Hữu Thoại trình bày;

2. Lời mở đầu Thánh lễ của cha Chủ tế;

3. Bài giảng của cha Giuse Đinh Hữu Thoại;

4. Tuyên xưng đức tin và thắp nến cầu nguyện do cha Quang Uy hướng dẫn và…

5. Giải thích ý nghĩa của “hang đá” ở Nhà thờ Kỳ Đồng do cha Quang Uy trình bày trong phần audio đầu trang này.


Một số hình ảnh:


Chị Dương Thị Tân, phu nhân Blogger Điếu Cày

Hai người phụ nữ quả cảm đồng cảnh ngộ: chị Lê Thị Kiều Oanh (phu nhân giáo sư Phêrô Phạm Minh Hoàng) và chị Tân




Dẫn ý cầu nguyện trước Thánh lễ tối 25/12/2011


Kính thưa anh chị em,


1. Trong suốt năm 2011 vừa qua, chúng ta đã cầu nguyện thường xuyên cho công lý và hoà bình. Đối với chúng ta, CL&HB không chung chung với lời kêu gọi, mà là tiếng kêu cứu cho người tù oan sai bị bịt miệng như cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, là người dám lên tiếng vì nguy cơ Trung Quốc xâm lăng, lấn chiếm biển đảo của Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Cù Huy Hà Vũ, là những nông dân nghèo trông mong vào sự phát triển của đất nước, nhưng khi đất nước phát triển được tí gì, thì họ lại bị đuổi đi chỗ khác, giải toả đền bù cách bất công đến đổ máu và tù tội như giáo dân Cồn Dầu. Là những thanh niên Công giáo và Tin Lành dấn thân cho hoạt động công ích xã hội, cho quyền tự do thông tin như 15 thanh niên đang bị bắt giam đã hơn 4 tháng không xét xử.


2. Những gì trong năm chúng ta cầu nguyện đã mang lại bình an cho những người đang bị tù tội, oan sai, và cho cả những thân nhân bạn hữu của họ.


3. Nhiều tâm hồn trẻ đã nhận ra sự thật về sự thật và công bằng khi đến đây cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà. 


4. Thánh lễ hôm nay, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những ý trên, đặc biệt cầu nguyện cho nhà cầm quyền biết nói sự thật và biết làm sự thật:


- biết nhìn nhận những giá trị của tôn giáo để thật lòng giải quyết, chứ không thể tiếp tục tuyên truyền để lấy điểm với các nước bang giao rằng VN có tự do tôn giáo, những chuyện lôn xộn chỉ là tranh chấp đất đai. Nha Trang cần tổ chức 1 lễ Giáng Sinh đúng mức, Hội thánh Mennonite cần được đón mừng Chúa Giáng Sinh cách tự do đều là vấn đề quyền tôn giáo bị tước đoạt, không hề liên quan gì đến đất đai.


- chính quyền luôn tuyên truyền: “Chính sách luôn đúng, chỉ có cấp dưới làm sai”. Đây là một sự tuyên truyền dối trá. Nếu là một chính sách tốt và đúng thì tại sao không thuyết phục được cấp dưới? Hoặc nếu cấp dưới không đủ tài để thực hiện chính sách đúng, thì tại sao không cắt chức để trao quyền đó lại cho nhân dân?


Hãy cầu nguyện cho chính quyền VN thật sự ý thức người dân có đủ hiểu biết để nhận ra đâu là sự dối trá. Và mới hôm qua, công an TP. Vinh (Nghệ An) đã bắt một thanh niên Công giáo chỉ vì anh hoạt động đắc lực trong Trung tâm Bảo vệ sự sống Gioan Phaolô 2. Anh bị bắt ngay trước lễ Giáng Sinh và không có lệnh bắt người.


Với những nội dung đó, chúng ta cùng nhau bước vào thánh lễ…


Bản văn bài giảng



Kính thưa cha chủ tế, quý cha đồng tế và cộng đoàn phụng vụ,


Thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho CL-HB tháng 12 hôm nay trùng với Đại lễ Giáng Sinh, mừng mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người. Anh chị em và các bạn tham dự thánh lễ ở Nhà thờ này khá thường xuyên, nên có lẽ đã từng được nghe nhiều cha giảng hay và giảng có lửa. Có thể tiêu chuẩn đánh giá bài giảng của anh chị em khác với tôi. Nhưng tôi rất tâm đắc một tiêu chuẩn mà tôi nghe được từ một cha DCCT trên vùng truyền giáo Tây nguyên xa xôi chia sẻ thế này: một bài giảng hay là một bài giảng “được ơn Chúa”. Anh chị em Jrai ở giáo phận Kontum không bao giờ khen cha này hay cha kia giảng hay, mà họ nhận xét: cha này giảng “được ơn Chúa”, còn cha kia thì không. Vì thế, trong thánh lễ cầu nguyện cho CL và HB tối hôm nay như thường lệ của chúng ta, anh chị em đừng kỳ vọng rằng tôi giảng hay, nhưng xin cho những lời tôi chia sẻ được ơn Chúa hướng dẫn và anh chị em được tác động.


Anh chị em thân mến, Mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta mừng kính một cách long trọng hôm nay bày tỏ cho ta thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã muốn ở lại với nhân loại chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người đã thực hiện niềm khao khát đó qua việc xuống thế làm người, trở nên một con người ở giữa chúng ta, và như lời thánh Athanasiô nói: “… để Con Người trở nên Con Chúa”.


Câu Lời Chúa được chọn làm chủ đề của hang đá Giáng sinh trong nhà thờ chúng ta năm nay là “Người đã đến nhà mình, nhưng…” (Ga 1,11). Thế giới và con người do Thiên Chúa dựng nên, vì vậy vũ trụ này chính là nhà của Người. Thiên Chúa đến nhà mình để mang bình an cho con cái của Người. Ai đón nhận Thiên Chúa thì đón nhận được bình an. Còn ai khước từ Thiên Chúa thì tự rước bất hạnh vào nhà mình. Một xã hội khước từ và loại trừ Thiên Chúa thì không thể có được bình an. Khi từ chối Thiên Chúa, xã hội loài người bị khuyết mất vinh quang của Người, vì vinh quang Thiên Chúa và bình an của con người có liên hệ rất gần gũi với nhau. Trong đêm Giáng Sinh chúng ta nghe các Thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người lòng ngay”.


Cha chủ tế Giuse Trần Ngọc Thao, C.Ss.R


Giáo huấn Xã hội của GH Công giáo số 488 nói rằng “Hoà bình trước hết là thuộc tính căn bản của Thiên Chúa”. Do đó “nơi nào có bạo lực, nơi đó không thể có Thiên Chúa”. Rồi số 493 cũng nói: “Nỗ lực xây dựng hoà bình là một việc không bao giờ được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng”. Do đó, nếu chúng ta không chọn lựa đứng về phía những người xây dựng hoà bình là chúng ta không loan báo Tin Mừng.


Tuy chưa đến ngày 1/1/2012 là ngày hòa bình thế giới, nhưng tối nay, trong khung cảnh thánh lễ cầu nguyện cho CL-HB, tôi muốn chia sẻ với anh chị em Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhân ngày hòa bình thế giới 2012. Chủ đề của Sứ điệp ấy là “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”.
Trước hết ĐTC nói rằng ngài muốn gửi Sứ điệp này “đến các bậc cha mẹ, các gia đình, và tất cả những thành phần giáo dục, huấn luyện, cũng như tới các vị trách nhiệm trong các lãnh vực khác nhau của đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông.”


 

ĐTC gọi CL và HB là những “giá trị tích cực của cuộc sống, là Sự Thiện.”


Ngài mời gọi tất cả chúng ta phải đích thân dấn thân cho CL-HB. Ngay trong số 1 của Sứ điệp, ĐTC nhận định rằng năm 2011 sắp hết này “Dường như một tấm màn đen tối đang che phủ thời đại chúng ta và không cho ta thấy rõ ánh sáng ban ngày.” Điều này đặc biệt đúng tại VN. Như đã nói đầu lễ, xin đơn cử các sự kiện như cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, 1 người tù oan sai bị bịt miệng, như anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) là người dám lên tiếng vì nguy cơ Trung Quốc xâm lăng, lấn chiếm biển đảo, như Cù Huy Hà Vũ, như những nông dân nghèo bị đuổi đi chỗ khác, bị giải toả đền bù một cách bất công đến đổ máu, như giáo dân Cồn Dầu bị tù tội, như những thanh niên Công giáo và Tin Lành dấn thân cho hoạt động công ích xã hội, cho quyền tự do thông tin, như 15 thanh niên đang bị bắt giam đã hơn 4 tháng không xét xử, và mới chiều hôm qua thêm 1 thanh niên bị bắt ngay trước lễ GS nữa.


ĐTC Bênêđitô 16 cảm thông với những ưu tư và “lo lắng mà nhiều người trẻ biểu lộ trong thời gian gần đây, tại các miền khác nhau trên thế giới, biểu lộ mong ước có thể nhìn về tương lai với niềm hy vọng vững chắc. Trong lúc này đây, có nhiều khía cạnh mà người trẻ đang lo lắng trải qua: ước muốn nhận được một sự huấn luyện chuẩn bị họ một cách sâu sắc nhất để đương đầu với thực tại, khó khăn khi tạo lập gia đình và tìm được công ăn việc làm ổn định, khả năng thực sự góp phần vào giới chính trị, văn hóa, và kinh tế để xây dựng một xã hội có khuôn mặt nhân bản và liên đới hơn”.


Ba môi trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục người trẻ về CL-HB là: gia đình (cha mẹ), giáo dục (các nhà giáo dục) và xã hội (các nhà chính trị, giới truyền thông). ĐTC gọi đó là những nhà hữu trách trong việc giáo dục người trẻ về CL-HB. Nói với các vị hữu trách của các tổ chức giáo dục, ĐTC kêu gọi họ “Hãy cam kết với các gia đình rằng con cái của họ có thể có được một hành trình huấn luyện không tương phản với lương tâm và các nguyên tắc tôn giáo của cha mẹ.”


Anh chị em có thể thắc mắc tại sao không thấy vai trò của GH trong Sứ điệp này. Lúc đầu tôi cũng thắc mắc như thế. Đâu là vai trò của GH trong việc giáo dục giới trẻ về CL-HB? Sau khi suy nghĩ tôi chợt nhận ra rằng ĐTC có lý do khi không nêu ra ở đây, trong Sứ điệp này. Bởi vì vai trò của GHCG là đương nhiên. Đương nhiên là bởi vì GH đã có cả một bề dày lịch sử về việc giáo dục này. Công trình ấy chính là Giáo huấn XH của GH.


4 khía cạnh trong việc giáo dục về CL-HB: chân lý, tự do, công lý và hòa bình:


- Thế thì Chân lý nào mà giới trẻ cần học? Số 3 của Sứ điệp cho biết chân lý ấy là: “Nhìn nhận nơi con người hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, và nhờ đó, có một thái độ tôn trọng sâu xa đối với mỗi người và giúp tha nhân có được một cuộc sống phù hợp với phẩm giá rất cao cả ấy. Không bao giờ được quên rằng “sự phát triển đích thực của con người liên hệ tới con người toàn diện trong mọi chiều kích”, kể cả chiều kích siêu việt, và không thể hy sinh con người để đạt tới một lợi ích nào đó, dù là kinh tế hay xã hội, cá nhân hoặc tập thể.


- Tự do: tự do ở đây không phải là muốn làm gì thì làm, “tự do không phải là chủ trương coi cái tôi là tuyệt đối.Tự do đích thực phải gắn liền với Thiên Chúa.


Tự do là một giá trị quí giá, nhưng tế nhị, nó có thể bị hiểu lầm và lạm dụng. Việc sử dụng tự do một cách đúng đắn là điều chủ yếu trong việc thăng tiến công lý và hòa bình, nó đòi phải có sự tôn trọng bản thân và tha nhân, dù họ có lối sống khác với mình. Từ thái độ đó nảy sinh những yếu tố mà nếu thiếu thì hòa bình và công lý chỉ là những từ trống rỗng: đó là sự tín nhiệm lẫn nhau, khả năng đối thoại, khả năng tha thứ, lòng bác ái đối với nhau, sự cảm thương đối với những người yếu đuối nhất, cũng như sự sẵn sàng hy sinh.


- Công lý: Công lý không phải chỉ là một hiệp ước đồng thuận giữa con người với nhau, bởi vì điều công chính, tự nguyên thủy, không do luật lệ con người xác định, nhưng do căn tính sâu xa của con người. Chính cái nhìn toàn diện về con người giúp ta không rơi vào một quan niệm duy khế ước về công lý và nhờ đó cũng mở ra một chân trời liên đới và thương yêu.


- Hòa bình: “Không thể đạt được hòa bình trên trái đất nếu không bảo vệ thiện ích của con người, tự do đả thông giữa con người với nhau, tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, chuyên cần thực thi tình huynh đệ”. Hòa bình là thành quả của công lý và kết quả của bác ái. Hòa bình trước tiên là hồng ân của Thiên Chúa. Các tín hữu Kitô chúng ta tin rằng Chúa Kitô là hòa bình đích thực của chúng ta: nơi Người, trên thập giá, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Người và đã phá hủy những hàng rào chia cách chúng ta với nhau (Xc Ep 2,14-18); nơi Người có một gia đình duy nhất được hòa giải trong tình yêu.


Hòa bình không phải chỉ là một hồng ân được nhận lãnh, mà còn là một công trình cần được xây dựng. Để thực sự là những người kiến tạo/xd hòa bình, chúng ta phải tự giáo dục mình về cảm thông; tình liên đới, sự cộng tác, tình huynh đệ, chúng ta phải tích cực giữa lòng cộng đoàn và cảnh giác trong việc thức tỉnh lương tâm con người về những vấn đề quốc gia và quốc tế...


Không ai có thể trốn tránh nghĩa vụ quan trọng là thăng tiến công lý. ĐTC đặc biệt mời gọi người trẻ hãy kiên trì tìm kiếm công lý và hòa bình, cả khi điều này đòi phải hy vọng và lội ngược dòng.


ĐTC Kết thúc Sứ điệp bằng những lời kêu gọi sau:


- Hỡi những người trẻ thân mến, các bạn là hồng ân quí giá cho xã hội. Các bạn đừng để mình nản chí thất vọng trong những khó khăn và đừng chiều theo những giải pháp giả dối, chúng thường xuất hiện như con đường dễ dàng nhất để khắc phục các vấn đề. Các bạn đừng sợ dấn thân, đương đầu với vất vả và hy sinh…


- Các bạn hãy ý thức chính các bạn là tấm gương khích lệ cho người lớn, và hễ các bạn càng cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các bạn càng là những tấm gương cho người lớn.


- Hãy ý thức về những tiềm năng của các bạn và đừng bao giờ co cụm vào mình, trái lại hãy biết làm việc cho một tương lai rạng ngời hơn cho tất cả mọi người. Các bạn không bao giờ lẻ loi. Giáo Hội tín nhiệm các bạn, theo dõi, khích lệ các bạn và mong muốn cống hiến cho các bạn điều quí giá nhất: đó là khả năng hướng mắt lên nhìn Thiên Chúa, gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là công lý và hòa bình.


Tôi ngỏ lời với tất cả anh chị em, là những người quan tâm đến chính nghĩa hòa bình! Hòa bình không phải là một thiện ích đã đạt được, nhưng là một mục tiêu mà tất cả và mỗi người chúng ta phải khao khát. Chúng ta hãy nhìn về tương lai với niềm hy vọng mạnh mẽ hơn, chúng ta khích lệ nhau trong hành trình, làm việc để mang lại cho thế giới một khuôn mặt nhân bản và huynh đệ hơn, và chúng ta hãy cảm thấy mình được liên kết với nhau trong trách nhiệm đối với các thế hệ trẻ hiện nay và tương lai, đặc biệt qua việc giáo dục họ trở thành những người yêu chuộng hòa bình và xây dựng hòa bình./.


Đó là những gì mà Sứ điệp ngày HBTG muốn nói với chúng ta. Còn trong sứ điệp Giáng sinh năm 2002, ĐGM Felipe Arizmendi Esquivel tại San Cristobal, Mexico nói rằng: nhiệm vụ chính của Giáo hội là làm sáng danh Chúa, rao giảng tin mừng và cử hành những “dấu chỉ sự hiện diện bí tích của Người giữa chúng ta”. Ngài nhấn mạnh rằng Chúa được vinh hiển khi con người, những hình ảnh của Chúa, sống xứng đáng và trong hoà bình với nhau. Ngài còn nói: “Vinh quang Thiên Chúa không tách rời khỏi công lý và hòa bình giữa người với người“.


Đất nước VN của chúng ta hiện nay thì sao? Một đất nước tuy không có chiến tranh, nhưng lại không hề có chút hoà bình nào. Trong thiệp Giáng Sinh mới đây, nhóm LM Nguyễn Kim Điền có viết thế này: “Vinh quang Thiên Chúa chỗ nào, khi trên đất Việt đồng bào bất an?


Chuyện gì đang xảy ra ở Thái Hà cũng như đã và đang xảy ra ở Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Con Cuông, Mỹ Lộc, nhiều xóm đạo, giáo xứ và khắp các hang cùng ngõ hẻm trên Quê hương chúng ta lúc này? Có lẽ chúng ta đã đọc thông tin về những việc đó hết rồi. Cha Nguyễn Văn Lý, giáo dân Paul Lê Sơn, Paul Minh Nhật, Maria Tạ Phong Tần và những thanh niên CG khác trong cũng như ngoài nhóm Truyền thông DCCT và những ngưởi như Cù Huy Hà Vũ, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, giáo sư Phêrô Phạm Minh Hoàng, Ba Saigon,… cùng với rất nhiều nạn nhân của cường quyền, bạo lực lúc này, khi chúng ta đang vui vẻ tưng bừng mừng Giáng Sinh thì họ đang ở đâu? Đó là chưa kể biết bao nhiêu khuôn mặt yêu chuộng tự do, công lý và nhân quyền, nhân phẩm đang gặp nguy hiểm như ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Quốc Trung, những hậu duệ của cụ Huỳnh Thúc Kháng đất Tam Kỳ, Quảng Nam, kể cả TS Nguyễn Xuân Diện, Bùi Thanh Hiếu ở Hà Nội,… Một số điển hình tượng trưng trên đây liệu đã đủ để nói lên khuôn mặt xã hội VN hôm nay hay chưa?


Thực tế hiện nay là chỉ có một số người đang dấn thân tìm hạnh phúc cho cả dân tộc và đất nước VN và vì thế họ đang gặp khó khăn, bắt bớ. Chúng ta tự hỏi: đa số còn lại ở đâu hết rồi? Xin nhắc lại lời kêu gọi của Sứ điệp ngày HB: “Các bạn đừng để mình nản chí thất vọng trong những khó khăn và đừng chiều theo những giải pháp giả dối, chúng thường xuất hiện như con đường dễ dàng nhất để khắc phục các vấn đề. Các bạn đừng sợ dấn thân, đương đầu với vất vả và hy sinh…


Kết luận Sứ điệp GS 2002 của Giám Mục Arizmendi: “để lễ Giáng sinh của chúng ta được như Chúa Giêsu muốn, chúng ta hãy cam kết hành động cho hòa bình và công lý“…


LM. Giuse Đinh Hữu Thoại C.Ss.R.




++++++++++++++


CẦN CÁC BẠN GIÚP MỘT TAY



+++++ Đề nghị các bạn hãy liên lạc và hỗ trợ cho bạn Paulus Lê Văn Sơn và người mẹ Đỗ Thị Tần của Sơn đang bị bệnh rất nặng trong bệnh viện. Xin cám ơn.

Xem thông tin và hình ảnh tại đây --->
http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/e-nghi-cac-ban-hay-lien-lac-va-ho-tro.html



+++++ Tiếp tục gởi thư ra quốc tế về sự bắt giữ trái pháp luật chị Minh Hằng tại trại tù trá hình.
-----> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/11/thu-goi-quoc-te-ve-su-bat-giu-trai-phap.html



+++++ Người phụ nữ yêu nước Bùi Thị Minh Hằng hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ trái pháp luật tại trại tù trá hình, Cơ sở giáo dục Thanh Hà (Phân Khu 3 ), xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Chúng ta hãy treo avatar của chị Bùi Hằng, đăng ở blog câu : " HÃY TRẢ TỰ DO CHO BÙI HẰNG" và thay phiên gọi vào CSGD Thanh Hà để thăm chị Hằng, số phone là 0211-3832-033
-----> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/nguoi-phu-nu-yeu-nuoc-bui-thi-minh-hang.html



+++++ Hãy chung tay hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần để giúp gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn sống sót trước sự đàn áp tàn nhẫn, đánh đập, cướp bóc, cô lập, khủng bố tinh thần, ... của nhà cầm quyền CSVN. Liên lạc gia đình nhà văn theo thông tin như sau ---> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/nha-van-huynh-ngoc-tuan-csvn-se-khung.html



+++++ Các bạn hãy ký vào thỉnh nguyện thư gửi TT Hoa Kỳ , xin can thiệp dùm trường hợp vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn hiện nay. ---> http://www.change.org/petitions/the-president-of-the-united-states-of-america-and-the-us-representatives-to-urge-the-vietnamese-government-to-cease-their-harassment






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét