Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Hy vọng cho Trần Huỳnh Duy Thức ----- Những người này (Trần Huỳnh Duy Thức,...) đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý. - Tổ chức Ân Xá Quốc Tế


Hy vọng cho Trần Huỳnh Duy Thức

AFP Photo Các ông Trần Huỳnh Duy Thức,
Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long,
Lê Công Định (từ trái sang),
tại phiên tòa ở TP.HCM hôm 20-1-2010.

Thời gian vừa qua, có tin luật sư Lê Công Định sẽ được trả tự do. Sự việc này làm dấy lên hy vọng về những khả năng được tự do trước thời hạn đối với một số nhân vật, trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức.


Nhân sự việc này, Quỳnh Chi tổng hợp một số thông tin liên quan về ông Trần Huỳnh Duy Thức.



Bản án nặng nhất



Trong phiên xử bốn nhân vật bao gồm LS Lê Công Định, Thạc Sĩ Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long vào tháng 1 năm 2010 với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ông Trần Huỳnh Duy Thức là người nhận bản án nặng nhất với 16 năm tù giam và 5 năm quản chế.


Trước khi bị bắt, ông Thức được biết đến như một doanh nhân thành công và người hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam với những bài viết về kinh tế.

Tốt nghiệp đại học Bách khoa TP.HCM, năm 1993, ông Thức cùng bạn bè trong đó có ông Lê Thăng Long thành lập công ty Duy Việt, chuyên cung cấp các thiết bị vi tính tại Hà Nội. 

Đến năm 2000, công ty này được phát triển thành công ty EIS – Electronic Information System – nhằm cung cấp phần mềm trong ngành công nghệ thông tin. 


Hai năm sau, công ty con cung cấp dịch vụ điện thoại internet OCI ra đời, đặt văn phòng tại Singapore, đánh dấu một bước đột phá trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, cũng như những mở đường cho kế hoạch đầu tư ra các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ. Cho đến khi trước khi bị bắt, ông Thức là tổng giám công ty OCI.

Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế


Con đường đấu tranh cho dân chủ, tự do của ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu khi ông có những ý kiến phê phán mạnh mẽ những cản trở, cũng như bất cập trong việc quản lý dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Thân phụ ông Thức, ông Trần Văn Huỳnh cho biết:

“Trong quá trình kinh doanh, con tôi gặp rất nhiều trở ngại, rào cản do luật lệ và qui định. Từ đó, con tôi suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân tại sao”.

Bắt đầu từ năm 2005, ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng với một số nhân vật, trong đó có ông Lê Thăng Long lập ra “Nhóm nghiên cứu chấn” tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.


Ông Trần Huỳnh Duy Thức còn lập ra ba trang blog “Trần Đông Chấn”, “Psonkhanh” và “Change We Need” nhằm viết những bài viết bình luận về thể chế chính trị, lãnh đạo, cũng như phơi bày những điểm bất cập trong xã hội. 

Trong số đó, phải kể đến các bài viết như “Obama, China and Vietnam”; “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu”; “Kỷ Sửu và vận hội mới”; “Khủng hoảng – cơ hội cuối”; “Động lực cho thay đổi”


tran-huynh-duy-thuc-180.jpg
Ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Photo courtesy of Đàn Chim Việt.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, từ lúc thành lập “Nhóm nghiên cứu chấn” cho đến lúc bị bắt, ông Thức đã viết khoảng 50 bài viết mang tính chất “xuyên tạc, chống đối sự lãnh đạo của Đảng”.



Cũng theo bản cáo trạng này, ông Thức được cho là thành viên cốt cán của đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời năm 1944, tự giải thể năm 1988, được cựu Tổng thư ký Hoàng Minh Chính phục hoạt vào năm 2006), và tham gia soạn thảo mảng kinh tế của quyển sách “Con đường Việt Nam”


Theo bản cáo trạng, “chiba” là bí danh mà ông Trần Huỳnh Duy Thức dùng để liên lạc với ông Nguyễn Sĩ Bình và LS Lê Công Định để trao đổi về việc soạn thảo quyển sách ấy.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó bị truy tố với tội danh hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 BLHS Việt Nam. 

Ông Thức bi ̣đưa ra xét xử cùng với ba nhân vật là LS Lê Công Định, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, và ông Lê Thăng Long. Trong đó, ông Thức bị tuyên phạt 16 năm tù giam và 5 năm quản chế – là bản án nặng nhất trong trong bốn nhân vật trên. Những nhân vật khác, nhận bản án từ 5 đến 7 năm.


Bản án dành cho bốn nhân vật này ngay sau đó bị quốc tế lên án. Trong đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng “Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý”.

Có những đồn đoán sau bản án của ông Thức. Nhiều người cho rằng chính vì ông không nhận tội nên không được “khoan hồng”. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bản án dành cho ông Thức quá nặng vì ông có năng lực lãnh đạo – là một sự đe dọa cho đảng Cộng sản Việt Nam.


Hy vọng từ trường hợp LS Lê Công Định



Cho đến bây giờ, thân phụ ông Thức, là một nhà giáo nghỉ hưu và có thời gian công tác tại Sở VHTT Thành phố Hồ Chí Minh, đã gởi nhiều thư kiến nghị yêu cầu giám đốc thẩm, thư kêu oan và các thư đến Chủ tịch nước Việt Nam. 

Đặc biệt, gần đây nhất, ông Trần Văn Huỳnh còn gởi thư đến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama – người từng đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 2009. Lá thư có đoạn:

“Từ năm 2008, con tôi đã thấy rõ trước vấn đề Biển Đông của Việt Nam chứa đựng những mối nguy như vậy. Trong một bài đăng trên blog vào tháng 3/2009 mang tên “Obama, China and Vietnam”, sau khi phân tích các nguy cơ đe dọa sự ổn định của thế giới, con tôi viết: “Tìm ra các chiến lược nhằm tránh được điều này cũng như để kiến tạo hòa bình và sự phát triển bền vững cho người dân khắp thế giới đang thực sự là một mệnh lệnh cấp thiết”.

Trước hết là tốt cho LS Lê Công Định. Sau đó, tôi cũng hy vọng là những trường hợp như thế cũng được ra sớm.

Ô. Trần Huỳnh Duy Tân

Phát biểu về việc viết lá thư này, ông Huỳnh cho biết:


“Cái bài phát biểu nhận giải thưởng Nobel của ông Obama, những phát biểu đó cho tôi suy nghĩ về vấn đề nhân quyền. Tôi có trích những phát biểu của ông Obama để liên hệ đến trường hợp con tôi”.

Ông Huỳnh còn cho biết thêm, với những tư tưởng tương đồng về giá trị của hoà bình giữa tổng thống Hoa Kỳ và con trai mình, ông hy vọng công luận sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về những việc làm của con ông. Và việc có tin LS Lê Công Định được trả tự do, càng làm dấy lên những hy vọng ấy. Đó cũng là chia sẻ của em trai ông Thức, ông Trần Huỳnh Duy Tân:


tran-huynh-duy-thuc-250.jpg
Ông Trần Huỳnh Duy Thức,
43 tuổi, tại phiên tòa
ở TP.HCM hôm 20-1-2010.
AFP PHOTO.
“Tôi thấy đó rất tốt. Trước hết là tốt cho LS Lê Công Định. Sau đó, tôi cũng hy vọng là những trường hợp như thế cũng được ra sớm”.
Có thể cái tên Trần Huỳnh Duy Thức không là một cái tên quá quen thuộc như LS Lê Công Định hay Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung. Nhưng bản án dành cho ông lại quá nặng cũng phần nào cho thấy sự ảnh hưởng của nhân vật này, nhất là những ai đã biết đến những bài viết của “Trần Đông Chấn”, “Change we need”; “Psonkhanh”.





Theo ông Trần Văn Huỳnh, vào thời điểm ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt thì công ty OCI đang kinh doanh rất thành công dịch vụ điện thoại Internet tại Việt Nam và đang mở ra thị trường điện thoại quốc tế giá rẻ cho người Việt từ Mỹ, Úc, Canada, người Mehico từ Mỹ và thu nhiều ngoại tệ về cho đất nước thì bị ngăn chặn bởi các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Và sau đó ông Thức bị bắt vì tội trộm cước viễn thông như các báo chí trong nước đã đưa tin vào điểm đó. Sau đó, ông Thức còn bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép.

Sau khi ông Thức bị bắt thì Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra thuế đối công ty EIS và OCI. Sau hơn 2 tháng thanh tra nhưng cơ quan thuế đã không tìm thấy bằng chứng nào trốn thuế của cả EIS và OCI. Đồng thời cơ quan điều tra cũng không chứng minh việc kinh doanh trái phép của OCI nên, cuối cùng, việc khởi tố điều tra này cũng phải được hủy bỏ.


Sau khi ông Thức bị bắt, công ty EIS và OCI cũng không thể tồn tại được vì OCI không được tiếp tục cấp phép và những lãnh đạo của công ty cũng bị mời đi làm việc với cơ quan điều tra liên tục trong nhiều tháng.

Quỳnh Chi, phóng viên RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hopes-for-tran-huynh-duy-thuc-qchi-12252011103046.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét