Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Sau khi vụ anh hùng nông dân Đoàn Văn Vươn bị chìm xuồng thì lại nóng vụ mất gần 30 năm cải tạo, nhưng khi bị thu hồi, mảnh đất hơn 5.000m2 chỉ được đền bù 2 triệu đồng !



Thứ Hai, 16/07/2012 - 00:10

Lại “nóng” vụ “Thu hồi 5.000m2 đất đền bù 2 triệu đồng”

Đã gần 4 tháng trôi qua kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo các Bộ ngành liên quan giải quyết việc khiếu nại của công dân tại Hà Nam về việc đền bù 2 triệu đồng/5.000m2 đất, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mất gần 30 năm cải tạo, nhưng khi bị thu hồi, mảnh đất hơn 5.000m2 của ông Ngọc chỉ được đền bù 2 triệu đồng


Trong đơn khiếu nại mới nhất của ông Lê Hồng Ngọc,  tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam đề ngày 7/7/2012 gửi đến Báo Dân trí cho biết: Vào 16 giờ 35 phút ngày 3/7, gia đình ông Ngọc nhận được giấy mời của UBND huyện Duy Tiên về việc tham dự Hội nghị đối thoại công khai giải quyết khiếu nại của gia đình ông Ngọc vào 8 giờ 30 phút ngày 5/7/2012. Tuy nhiên trong giấy mời không có kế hoạch, nội dung chương trình, người chủ trì và thành phần tham gia Hội nghị đối thoại.

Do vậy, gia đình ông Ngọc đã có đơn gửi đến Đoàn công tác – Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hủy bỏ cuộc đối thoại ngày 5/7/2012. Gia đình ông Ngọc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đối thoại công khai tại trụ sở Bộ, có sự tham gia công khai của các cơ quan báo chí đã từng phản ánh về vụ việc này, cùng các thành viên gia đình ông Ngọc và các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông.

Trước đó vào ngày 31/5, tại trụ sở UBND xã Tiên Tân, Thanh tra Chính phủ, cán bộ Văn phòng Chính Phủ và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Lê Hồng Ngọc với mục đích thu thập toàn bộ tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc. Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền xã Tiên Tân đã đưa ra lá đơn xin thuê đất nông nghiệp với nội dung ông Lê Hồng Ngọc xin thuê 103.860m2, trong đó đất 2 lúa là 46.800m2 với thời hạn thuê 50 năm tính từ ngày 25/12/2005. Hoàn toàn bất ngờ với văn bản này, trao đổi với phóng viên, ông Ngọc khẳng định  chữ ký bên dưới lá đơn xin thuê đất đó chắc chắn không phải do ông ký.

Quay trở lại vấn đề được cho là “khởi nguồn” của vụ việc, hiện nay người dân xã Tiên Tân rất băn khoăn tại sao chính quyền xã lại thu hồi một diện tích rất lớn đất 2 lúa canh tác hiệu quả của nông dân để làm một con đường dài gần 1 km, rộng 36m nhằm mục đích gì, kinh phí ở đâu khi mà con đường liên thôn chỉ cách con đường mới kia chỉ vài trăm mét?. Dư luận ở xã Tiên Tân cho con đường đó được hình thành chỉ để phục vụ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã làm bãi tập ô tô và phân lô bán kiếm kiếm lời.


Báo cáo không trung thực


Đi sâu vào tìm hiểu vụ việc, PV Dân trí phát hiện UBND tỉnh Hà Nam từng ban hành văn bản báo cáo không đúng về vụ việc trên để gửi đến nhiều cơ quan chức năng.


Văn bản chỉ rõ việc báo cáo không đúng của UBND tỉnh Hà Nam về vụ khiếu kiện của ông Lê Hồng Ngọc (Ảnh: Vũ Văn Tiến)


Cụ thể, ngày 29/12/2010, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có công văn số 326/BC-TDTW gửi đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Ngày 29/12/2010, bà Bùi Hà Huấn cùng 40 công dân của xã Ba Sao, huyện Kim Bảng; bà Nguyễn Thị Nhàn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm; bà Phạm Thị Huệ, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý đến khiếu nại tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước…

Cùng đi khiếu nại với đoàn Hà Nam còn có bà Lê Thị Anh, được bố đẻ là ông Lê Hồng Ngọc ở thôn Lão Cầu, xã Tân Tiên, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ủy quyền tiếp tục đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước khiếu nại sau khi nhận được văn bản số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Hà Nam về việc trả lời khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc.

Bà Lê Thị Anh không đồng ý với văn bản số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 và cho rằng việc UBND tỉnh trả lời gia đình ông Ngọc là đã có sự thống nhất của Đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 16/12/2010 về làm việc với UBND tỉnh đã gây thiệt hại đến quyền lợi gia đình bà.

Thực tế, Tổ Công tác của Thanh tra Chính phủ khi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam ngày 16/12/2010 là kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, không đi sâu xem xét từng việc cụ thể. Việc trả lời của UBND tỉnh Hà Nam tại văn bản số số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 gửi Thủ tướng và các cơ quan Trung ương đối với vụ việc của gia đình ông Lê Hồng Ngọc là không đúng với tinh thần nội dung buổi làm việc ngày 16/12/2010 của Đoàn công tác với UBND tỉnh Hà Nam. Việc trả lời gây hiểu lầm cho các công dân làm cớ khiếu kiện”.


Không phải là “đất công ích”  


Theo ông Phạm Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên trả lời báo chí: “Xã có thiếu sót không ký hợp đồng khoán thầu với hộ ông Ngọc nên chúng tôi phải giải quyết hậu quả. Huyện đang chỉ đạo rà soát lại toàn diện về quản lý đất đai vì còn nhiều bất cập”. Vẫn theo ông Thanh, vì phần đất ông Ngọc canh tác nằm trong diện tích “đất công ích” của xã nên tiền đền bù đất UBND xã được hưởng 40.000 đồng/m2 và ông Ngọc chỉ được hỗ trợ hoa màu, công cải tạo đất.

Chính quyền địa phương cho rằng, việc xử lý của họ đối với trường hợp hộ ông Lê Hồng Ngọc là phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP.
Nhận định về vụ việc trên dưới góc nhìn pháp lý, luật gia Nguyễn Chấn (Hà Nội) cho rằng: Hộ gia đình ông Lê  Hồng Ngọc cải tạo, sử dụng hơn 5.000m2 đất nông nghiệp từ năm 1982 (tức trước 15/10/1993). Diện tích này không phải là “đất công ích” vì ở thời điểm đó Nhà nước chưa quy định về đất công ích. Kể từ Luật Đất đai 1993 (có hiệu lực từ 15/10/1993), Nhà nước mới có quy định về "đất công ích" trong khi hộ ông Ngọc sử dụng đất từ năm 1982 nên việc xã không ký hợp đồng khoán thầu đất công ích với ông Lê Hồng Ngọc ở thời điểm ấy là điều dễ hiểu.

Sau này, theo ông Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, khi thực hiện Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003, UBND xã cũng không ký hợp đồng khoán thầu đất công ích với hộ ông Ngọc. Vì vậy, cho đến khi đất bị thu hồi, hộ gia đình ông Ngọc vẫn không có giấy tờ về quyền sử dụng diện tích đất nông nghiệp đã được họ sử dụng từ năm 1982.

Đối với trường hợp này, tại điểm c khoản 1 Điều 44 Nghị định 84/2007/NĐ-CP, Chính phủ quy định bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất sử dụng trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau: “Trường hợp đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp mà người đang sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng nhưng diện tích được bồi thường, hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

Về ý kiến của chính quyền địa phương cho rằng họ xử lý đối với tình huống này là phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP:

Theo chúng tôi, đây là sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Thật vậy, khoản 3 Điều 16 Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định chính sách đối với trường hợp “đất thu hồi là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn”, trong khi hộ ông Lê Hồng Ngọc thuộc trường hợp khác: “Sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất”.

Từ những căn cứ pháp luật trên, không có cơ sở để nói phần đất ông Ngọc canh tác từ năm 1982 nằm trong diện tích “đất công ích” của xã nên cũng không có cơ sở để UBND xã hưởng tiền đền bù 40.000 đồng/m2 (nguồn chi từ Ngân sách Nhà nước). Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Ngân sách Nhà nước: “Những khoản chi không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách Nhà nước”.


“Rõ ràng, cơ quan chuyên trách được UBND tỉnh Hà Nam giao làm rõ câu chuyện nhập nhèm trong thu hồi đất nhà ông Ngọc đã chưa nhìn thẳng vào chỗ quyền lợi của người dân bị xâm hại, chuyện nhập nhèm trong quản lý đất của chính quyền để tìm một lời giải thấu tình đạt lý. Việc lấy nỗi lo về diện tích còn lại mà gia đình ông Ngọc đang canh tác để xóa đi câu trả lời thấu đáo cho bi kịch của gia đình ông Ngọc là cách làm không những không đúng qui định của pháp luật mà còn không thấu tình, là mầm mống cho khiếu nai vượt cấp lên Trung ương”- Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh.


Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến-Dantri



-----------------------


XEM THÊM


Nông dân Văn Giang bị hành hung tố cáo thủ phạm là người của Ecopark, được thuê mướn để bảo vệ cánh đồng đã cưỡng chiếm.

"...Sự việc hành hung hôm vừa rồi là mấy anh em chúng tôi ra ngoài đó thăm đồng, thì phát hiện có hiện tượng là chúng nó đuổi theo. Chúng tôi chạy về làng thì họ xông thẳng vào trong làng đánh chúng tôi. Đây là cái bọn trông nom máy xúc, máy ủi ở khu Ecopark đang thi công, cái công ty đang san mặt bằng đấy..."

======> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/07/nong-dan-van-giang-bi-hanh-hung-to-cao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét