Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Ngày mai, tôi lại đi xem (lần thứ 3) vụ án ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết. Nếu chúng ta bàng quan, vô cảm thì càng ngày sẽ càng có nhiều nạn nhân như ông Trịnh Xuân Tùng. ( Nhận định trước phiên tòa phúc thẩm xử Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết dân / Ngày mai tôi đi xem “nạn nhân” trung tá – Nguyễn Văn Ninh bị xử án )




Ngày mai tôi đi xem “nạn nhân” trung tá – Nguyễn Văn Ninh bị xử án
THÁNG BẢY 16, 2012


Ngày hôm qua chủ nhật 15/7/2012, vẫn có chút hi vọng lại có biểu tình yêu nước tại Hà Nội nên tôi đã ra Hồ Gươm. Trước đó, tôi ra đầu ngõ nhâm nhi ly cà fê đợi đến sát giờ mới lên đường. Trong quán có vài người khách, một vị đang đọc bài báo có nội dung liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa. Mọi người đưa đẩy câu chuyện về biển đảo, bỗng một vị khách nói với giọng bi quan, chán nản “Thôi cho mẹ nó đi, đỡ đánh nhau khổ dân. Người Việt còn ác với người Việt còn hơn là Trung Quốc đánh mình”.

Câu đầu “Thôi cho mẹ nó đi, đỡ đánh nhau khổ dân“ dĩ nhiên chẳng ai đồng ý phải không?
Nhưng vế sau “Người Việt còn ác với người Việt còn hơn là Trung Quốc đánh mình” thì mọi người suy nghĩ thế nào?

Tôi vẫn tự hỏi vì sao mà có những sự kiện kinh hoàng như cải cách ruộng đất thời 195X ở miền Bắc; cưỡng bách đi tù cải tạo những người thua trận trong cuộc chiến Nam-Bắc sau 1975; thủ tiêu những người cùng chí hướng yêu nước thời kỳ 194X; đánh đập/bỏ tù người hành đạo, quá tay giết dân lành của những người nắm giữ vai trò công lý, trật tự trị an thời nay?

Có phải là do lý thuyết Cộng Sản hay bản tính người Việt của mình thích hiếu chiến, thù dai, nhỏ nhen hay kết hợp tất cả?

Quay trở lại vụ án ông Trịnh Xuân Tùng bị cựu trung tá công an – Nguyễn Văn Ninh đánh chết. Tất nhiên tất cả chúng ta đều biết ông Nguyễn Văn Ninh là thủ phạm đáng lên án và phải bị pháp luật nước CHXHCNVN trừng phạt. Nhưng có ai suy xét sâu xa chính ông Nguyễn Văn Ninh cũng là một “nạn nhân” của cái hệ thống luật pháp bùng nhùng, lộn xộn này do ĐCSVN đạo diễn, đẻ ra hay không?

Hãy đọc lời tôn vinh của đương kim Tổng bí thư ĐCSVN – Nguyễn Phú Trọng đối với nghành Công An “Lực lượng công an là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ“ nếu diễn giải bình dân thì CA vừa có thể đá bóng vừa có thể thổi còi khi thi hành công vụ (MÂU & THUẪN) và trong thực tế điều này đã diễn ra rất bình thường, có quá nhiều ví dụ nếu ai từng trải, va chạm sẽ hiểu. Bởi vì thế các bạn đừng ngạc nhiên hàng chục năm qua, nhìn chung lực lượng An ninh thường tỏ thái độ rất khệnh khạng với nhân dân, thích sờ đến ai là sờ, thích hạch sách ai là hạch sách, thích bắt ai là bắt và thích giết ai là giết (nếu cần để bảo vệ chế độ).

Cái hệ thống chính trị này làm cho người Việt Nam công tác trong nghành an ninh trước sau cũng bị tha hóa ít nhiều, bị ngu muội hóa, bị công cụ hóa để hãm hại, ức hiếp, làm khổ người Việt thay vì bảo vệ người Việt trước cái ác, cái xấu, cường quyền bạo lực, hướng dẫn người Việt sống tốt với nhau hơn. Chúng ta thường nghe, xem thấy những bài báo, bản tin ca ngợi nước Việt Nam rất ổn định chính trị, an toàn nhưng có ai nghĩ sâu xa rằng Công An Việt Nam đã là “sư phụ của khủng bố” rồi thì lấy đâu cái xấu, mầm mống phản ứng nào chen vào để lên ngôi nữa?

Tôi vốn là một người có khí chất nóng, nên ít nhiều tôi cũng có hơi hướng suy nghĩ đến bạo lực, khủng bố. Nhưng cái suy nghĩ bạo lực của tôi chỉ nhắm đến những đối tượng như buôn lậu ma túy, bạc giả, vũ khí, hãm hiếp/buôn lậu trẻ em, tham nhũng, phá hoại đất nước, đầu độc dân tộc, làm tay sai/gián điệp cho Tàu Khựa… Còn những người dân lành, biểu tình yêu nước, cải cách xã hội, người theo đạo làm từ thiện… thì chẳng có lý do gì để mà “khủng bố” không muốn nói là phải khuyến khích, tôn vinh. Đó là suy nghĩ của cá nhân tôi, còn thực tế đối với những lãnh đạo nghành Công An suy nghĩ gì ? Mọi người hãy tự phán xét!

Ngày mai, tôi lại đi xem (lần thứ 3) vụ án ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết. Dĩ nhiên tôi và mọi người mong muốn rằng càng ngày sẽ càng ít đi những nạn nhân như ông Trịnh Xuân Tùng và bất luận thủ phạm là ai cũng sẽ phải chịu hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật hiện hành, nhưng sâu xa trong lòng tôi muốn cái Cơ Chế sản sinh ra những công cụ đàn áp nạn nhân dần dần hạn chế tác hại đến mức tổi thiểu nhất.

Ví dụ nôm na: muốn hạn chế tác hại của ma túy không phải đi rình bắt người nghiện ma túy, chế tài xử lý người nghiện, bán lẻ mà phải đi tìm diệt kẻ trùm sò buôn ma túy đầu nguồn.

Làm bằng cách nào?

Nếu chúng ta bàng quan, vô cảm thì càng ngày sẽ càng có nhiều nạn nhân như ông Trịnh Xuân Tùng. Nhưng nếu chúng ta đoàn kết, chen vai-sát cánh bên nhau cùng góp sức thức tỉnh, ban đầu giản dị từ góc độ tuyên truyền cho người thân, bạn hữu, họ hàng cho đến nhân quần xã hội thì các ác, cái xấu sẽ dần dần xua tan và cũng qua đó chúng ta sẽ khơi gợi tình yêu thương, giảm thiểu sự đố kị, xóa nhòa khoảng cách chia rẽ của nhóm người này với nhóm người kia bởi hàng chục năm qua mà sâu xa là do cái Cơ Chế này sinh ra khiến cho kẻ Tội Phạm trong 1 tình huống cụ thể xét sâu xa chỉ là Nạn Nhân trong một ngữ cảnh khác mà thôi.

Hãy để người Việt yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người Việt !

Đừng như câu nói của 1 người vô danh “Người Việt còn ác với người Việt còn hơn là Trung Quốc đánh mình“

Lưu ý xem thêm : Trịnh Kim Tiến: Thư mời tham dự phiên tòa phúc thẩm vụ án Trung tá công an đánh chết người

Nguyễn Chí Đức

http://donghailongvuong.wordpress.com/2012/07/16/ngay-mai-toi-di-xem-nan-nhan-trung-ta-nguyen-van-ninh-bi-xu-an/

--------------------------








Nhận định trước phiên tòa phúc thẩm xử Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết dân


by Trinh Kim Kim on Sunday, July 15, 2012 at 4:58pm ·


Hành trình cho công lý bắt đầu cách đây một năm rưỡi khi bố tôi phải oan ức từ giã cõi đời này, bỏ lại sau lưng mẹ, vợ và các con. Tất cả khởi đầu bởi bàn tay của những người đang nắm trong tay quyền lực và trách nhiệm bảo vệ pháp luật. Đứng đầu thủ phạm trong vụ án công an đánh chết người là Trung tá Nguyễn Văn Ninh. Một năm rưỡi trôi qua để có thể kết luận: Công lý vẫn đang bị bóp nghẹt, công lý đang bị bỏ tù, công lý không có được bằng sự xin cho, và vì thế công lý phải tranh đấu mới có được, nếu không sẽ có thêm nhiều người khác giống như bố tôi, bởi vì sẽ có nhiều Nguyễn Văn Ninh khác sẵn sàng thủ ác vì biết rằng "công lý" đang đứng về phía những kẻ sát nhân.

Vào thời điểm bố tôi bị công an đánh chết, việc công an làm chết người đã trở thành vấn nạn lan tràn. Đi kèm đó là tình trạng kéo dài thời gian để dư luận lãng quên và làm chìm xuồng nhiều vụ việc. Vụ việc công an bắn chết người ở Nghi Sơn là một thí dụ điển hình.

Truy cập google "công an giết người" có đến 37.400.000 kết quả.
Truy cập google "công an đánh chết người" có đến 49.300.000 kết quả.
Truy cập google "công an đánh dân" có đến 89.800.000 kết quả.

Và một trong nhiều tổng kết về những cái chết của người dân đã được phổ biến:
Những cái chết oan khiên dưới bàn tay của công an

Tất cả đều quy về một nỗi âu lo, một mối đau thương, một bầu tang tóc: Công Lý bị cho vắng mặt, bị giam cầm, người dân lúc nào cũng lo lắng "vào sinh ra tử" khi đối diện với cửa đồn công an.

Công lý vắng mặt trong tiến trình xét xử:

Bố tôi mất ngày 08/ 03/ 2011 nhưng đến ngày 01/11/ 2011 thì mới có thông báo lần đầu tiên đưa thủ phạm ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm. Sau 8 tháng, thông báo này đã được thông tin trên báo chí, trong khi gia đình chúng tôi không nhận được một văn bản chính thức nào từ tòa án. Đây là một sai trái ngay từ đầu.

Ngày 17/ 11/ 2011, phiên tòa sơ thẩm đã không diễn ra và không một lý do giải thích chính đáng từ tòa án. Truyền thông báo chí đăng tải về thông báo phiên xử nhưng đến khi hoãn không lý do thì cũng không có một thông tin, bình luận, nhận xét gì về lý do hoãn xử.

Cho đến nay, sau một năm rưỡi, chúng tôi nhận được tổng cộng 4 lần giấy triệu tập từ tòa, nhưng đến 5 lần nhận được lịch xử vụ án Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết bố tôi và tổng cộng 3 lần đình hoãn xét xử từ tòa án.

Tình trạng"hoãn" và "thiếu công khai, minh bạch" có sẽ tiếp tục xảy ra trong phiên tòa Phúc thẩm vào ngày 17/ 07/ 2012?

Phiên tòa sơ thẩm kết thúc vào ngày 13/ 01/ 2012 với bản án 4 năm tù và tội danh "làm chết người trong lúc thi hành công vụ" dành cho Nguyễn Văn Ninh. Bản án này đi ngược lại thực tế là Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã "cố ý gây thương tích" và dẫn đến cái chết của bố tôi -ông Trịnh Xuân Tùng.

Bên cạnh đó, tất cả những người đồng phạm như dân phòng và các công an trực ban phường Thịnh Liệt đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Việc bỏ sót tội phạm này đi ngược lại với thực tế là không phải chỉ một mình trung tá công an Nguyễn Văn Ninh là hung thủ dẫn đến cái chết của bố tôi. Những "sự thật" này đã bị "cấm xuất hiện" trước phiên tòa khi Tòa sơ thẩm đã không triệu tập đầy đủ nhân chứng của vụ án, dù luật sư của chúng tôi đã yêu cầu.

Việc "bịt miệng công lý" để che giấu "sự thật" lại tái diễn trong phiên tòa Phúc thẩm ngày 14/ 05 khi các nhân chứng, và thậm chí cả những người đồng phạm có trách nhiệm liên quan, một lần nữa cũng không có mặt tại phiên tòa. Công lý đã bị o ép từ Sơ thẩm sang đến Phúc thẩm. Chính vì vậy mà chúng tôi đã cực lực phản đối với sự hỗ trợ, lên tiếng của dư luận. Kết quả là Tòa Phúc thẩm buộc lòng phải hoãn phiên xử vào ngày ngày 14/ 05/ 2012.

Ngay tại Tòa án ngày hôm đó, 14/ 05, tôi đã làm đơn đề nghị triệu tập đầy đủ những người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan theo yêu cầu của Hội đồng xét xử, và nộp cho thư ký tòa.

Một điểm đáng ngạc nhiên và không chấp nhận được: thư ký Tòa phúc thẩm lại hỏi xin số điện thoại của nhân chứng từ tôi - nguyên đơn. Tại sao lại có chuyện này, bởi các chi tiết, thông tin để liên lạc của những người có liên quan đến vụ án đều đã được thể hiện rõ trong hồ sơ, phía Tòa án hoàn toàn nắm vững thông tin. Và trên nguyên tắc, việc liên lạc giữa gia đình nạn nhân và nhân chứng thường bị xem là yếu tố nhạy cảm trước mỗi phiên tòa.

Liệu tính trạng “bưng bít thông tin” sẽ tiếp tục xảy ra trong phiên tòa Phúc thẩm vào ngày 17/ 07/ 2012?

Trái với những phiên tòa xét xử khác liên quan đến người thi hành công vụ được truyền thông đưa tin, người dân tham dự đông đảo, điển hình là vụ xử nữ sinh Phạm Thị Mỹ Linh tát CSGT, các phiên tòa xử Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh hoàn toàn khác hẳn:

- Phòng xử III, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Hà Nội , 262 Đội Cấn - nơi đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm bị hoãn ngày 14/05/2012: nhỏ và hẹp, chỉ chừng khoảng 30m2, có 10 hàng ghế ngắn ở phía cuối phòng,  mỗi hàng ghế chỉ có thể ngồi khoảng 4 người. Tổng cộng dành cho khoảng 40 người tham dự.

- Trong phiên xử (bị hoãn sau đó) vào ngày 14/ 05, lực lượng công an đã ngồi đến kín 6 hàng ghế. Tức là công an chiếm hơn nữa phòng xử nhỏ bé, chật chội. Phần còn lại không thể có đủ chỗ cho những người có trách nhiệm liên quan chứ đừng nói đến các phóng viên hay những người thân, anh chị em của bố tôi, hoặc xa hơn là những người quan tâm đến vụ án.

- Rất có thể phiên tòa bị xử kín. Không cho người dân quan tâm, phóng viên được tự do tham dự, mặc dù đây là phiên tòa công khai. Kết quả khung cảnh của phòng xử là công an "chiếm ngự", còn lại và vài người trong gia đình của chúng tôi và gia đình ông Ninh.

- Kết quả là sự chứng kiến rộng rãi của những người dân quan tâm, thông tin báo chí của truyền thông đối với một vụ án có ảnh hưởng rộng lớn lên xã hội (không phải là 1 vụ án xử chuyện riêng tư) đã bị ngăn chặn tại tòa án.

-  Ngoài ra, không biết rằng phiên tòa xử có bị gộp chung 3, 4 vụ án khác nhau trong một buổi sáng hay không?  Cả "không gian" lẫn "thời gian" đã bị o ép và đi sai với quy trình tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm bị hoãn trước đó.


Quay lưng lại với những yêu cầu chính đáng của người dân:

Trước những sai trái có hệ thống đó, ngoài việc yêu cầu tòa án thực thi một tiến trình xét xử công bằng và nghiêm chỉnh, chúng tôi - thân nhân của nạn nhân bị công an giết chết, đã nỗ lực truyền tải những yêu cầu chính đáng của mình đến với các ban ngành trách nhiệm khác nhau.

Chắc hẳn những ai quan tâm đến vụ án vẫn còn nhớ đến ngày 17/07/2011, với mong muốn công lý được thực thi,  ba người phụ nữ chúng tôi - chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - vợ anh Nguyễn Công Nhựt - người bị đánh chết trong đồn công an tỉnh Bến Cát - Bình Dương, mẹ của anh Nhựt, cùng với tôi đã cùng chia sẻ nỗi đau, cùng đồng hành với nhau đi đòi công lý. Với tấm di ảnh của người thân trên tay, chúng tôi đã đến tận các cơ quan, trụ sở thi hành pháp luật ở Hà Nội và dừng lại tại cổng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Tôi đã gửi đơn thư đến Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, và chúng tôi đã cùng đồng gửi đơn lên Quốc hội về vấn nạn công an lạm dụng quyền lực đánh chết dân. Cho đến nay mọi chuyện vẫn rơi vào khoảng không và sự im lặng và không hề nhận được bất cứ hồi âm nào. Trong khi đó, tình trạng công an đánh chết người vẫn tiếp tục diễn ra.

Tất cả đã chứng minh một thực tế không thể chối cãi: công lý không những vắng mặt tại căn phòng chật chội 10 hàng ghế ngồi, 6 hàng ghế chiếm giữ bởi công an, truyền thông và quần chúng bị ngăn chặn bởi quyết định "xử kín"; Công lý đã vắng mặt ở những nơi khác, trong con tim và bộ não của nhiều người đang cầm các cân công lý điều hành đất nước.

Cho đến bao giờ những tranh đấu và đòi hỏi chính đáng của người dân về công lý mới được thực thi?

Khi mà thân nhân của những người bị hại như chúng tôi, còn bị ngăn chặn, áp bức, dọa nạt ngay trước cổng phiên tòa ngày 14/05/2012, khi mà chúng tôi giơ cao lời đề nghị pháp luật xử lý nghiêm minh kẻ phạm tội. Thật khó có thể biết được diễn tiến của phiên tòa sắp tới.

Trong những ngày tang thương, khi xác của bố tôi vẫn còn nằm trong nhà xác, tôi đã nói với những bạn bè thân quen rằng: "Công an có thể đánh chết người trong vòng vài tiếng, nhưng gia đình em đã mất nửa tháng để đợi kết quả khám nghiệm cái chết của bố mình."

Ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng:

"Công an có thể đánh chết người trong vòng vài tiếng, nhưng gia đình tôi đã mất nửa tháng để đợi kết quả khám nghiệm cái chết của bố mình, và hệ thống pháp luật phải cần đến hơn 1 năm rưỡi để vẫn còn đang loay hoay chuẩn định cái xác công lý đang còn sống hay đã chết."

Riêng tôi và những bạn bè hỗ trợ tôi vẫn luôn tin rằng Công lý không bao giờ chết. Công lý chỉ có thể bị bỏ tù và chúng tôi phải tranh đấu để một ngày nào đó công lý có được tự do và đứng về phía nhân dân. Lúc đó, những kẻ thủ ác mới biết rằng tội ác không còn được bao che, dung dưỡng mà phải được xét xử và trừng phạt công minh. Lúc đó tình trạng công an giết dân lành một cách vô tội vạ mới thực sự chấm dứt.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét