Vì sao bà Clinton gặp Tổng Bí thư VN?
Cập nhật: 17:13 GMT - thứ ba, 10 tháng 7, 2012
Bà Hillary Clinton gặp ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội ngày 10/7/2012
Có tin nói Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ động xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tìm hiểu sự dè dặt bên trong Đảng về quan hệ với Mỹ.
Tại Hà Nội hôm 10/7, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gặp Thủ tướng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, bên cạnh cuộc họp với người tương nhiệm Phạm Bình Minh.
Ít ai ngạc nhiên việc bà Clinton gặp người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuộc hội kiến của bà với người đứng đầu Đảng Cộng sản được xem là điều đặc biệt.
Bản tin của Reuters từ Hà Nội cho biết chính bà Clinton đã yêu cầu, và được chấp thuận, một cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói Ngoại trưởng Mỹ muốn gặp ông Trọng “một phần vì sự chống đối tự do chính trị và chống quan hệ gần hơn với Mỹ tỏ ra mạnh nhất bên trong đảng, quân đội và bộ máy an ninh Việt Nam”.
'Không thoải mái'
Quan chức này nói ông Trọng “có vẻ không thoải mái vì bà Clinton nêu chi tiết những lo ngại nhân quyền của Mỹ, dẫn cả từng trường hợp cụ thể mà Washington đã đặt ra nhiều năm qua”.
“Ông ấy không thoải mái trong buổi gặp,” người Mỹ này nói, và tin rằng “ngày càng nhiều nhân vật cấp cao đến gần hơn nhận thức rằng việc cải thiện nhân quyền là cần thiết cho họ”.
Chuyến thăm Hà Nội của bà Hillary Clinton được cho là nhấn mạnh đến quan hệ giao thương và chủ đề an ninh ở Biển Đông.
Bà Ngoại trưởng loan báo Việt Nam và Hoa Kỳ có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm.
"Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do."
Hillary Clinton, nói tại cuộc họp báo ở Hà Nội
Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/7, bà Clinton nói Washington ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Hoa Kỳ đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam để có giải pháp ngoại giao hợp tác cho các tranh chấp và giảm căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa.”
“Chúng tôi hy vọng Asean sẽ có tiến bộ nhanh chóng với Trung Quốc hướng đến bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm bảo đảm khi xảy ra thách thức, chúng được điều chỉnh và giải quyết hòa bình thông qua quá trình thống nhất phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế,” bà Clinton tuyên bố.
Chủ đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sẽ lại được bà Clinton đề cập khi dự cuộc họp của Asean tuần này ở Campuchia.
Sức ép
Tuy vậy, khi đến Việt Nam, bà mang theo rất nhiều sức ép từ trong nước muốn bà phải lên tiếng mạnh mẽ về thành tích nhân quyền của nước này.
Hạ nghị sỹ Frank Wolf thuộc Đảng Cộng hòa vốn có tiếng là mạnh miệng hôm thứ Hai 9/7 đã kêu gọi cách chức Đại sứ David Shear ở Việt Nam ngay trước thềm chuyến thăm của bà Clinton và cáo buộc ông này không gây sức ép đủ về nhân quyền.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức phản bác, khẳng định vị Đại sứ "được Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton hoàn toàn tin tưởng".
Bà Clinton nhắc đến blogger Điếu Cày và các bị can trong vụ Câu lạc bộ Nhà báo Tự do
Tại Hà Nội, trong khi nhấn mạnh quan hệ song phương đang tiến triển, bà Clinton cũng nói bà lo ngại về thiếu tự do trên mạng, cùng với việc bắt giam các phóng viên, blogger, luật sư và bất đồng chính kiến.
Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ trong cuộc gặp với người tương nhiệm Phạm Bình Minh, bà đã nêu vụ xử sắp diễn ra với các blogger thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Ông Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần, sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
“Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do,” bà Clinton cho biết.
Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chỉ những ai vi phạm pháp luật mới bị bắt giam.
Trao đổi với BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason ở Hoa Kỳ cho rằng Mỹ đang quan tâm tới Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương.
"Nhân quyền tuy không quan trọng về chiến lược nhưng luôn tồn tại bởi vì bất kỳ trao đổi tăng cường hợp tác chiến lược như bán vũ khí cho Việt Nam hay những cam kết lớn hơn thì đều phải được sự hậu thuẫn của Quốc Hội mà Quốc Hội thì luôn quan tâm tới vấn đề nhân quyền," ông Hùng cho biết.
-----------------------------
Đầu tư, nhân quyền: Quan tâm chính của Ngoại trưởng Clinton tại Việt Nam
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gặp Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội 10/7/12
Tin liên hệ
Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Việt Nam giải quyết tranh chấp Biển Đông
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lên tiếng ủng hộ đường lối ngoại giao của Việt Nam trong vụ đối đầu về vấn đề Biển Đông- Dân biểu Frank Wolf yêu cầu cách chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
- Việt Nam, Hoa Kỳ đồng ý tăng cường quan hệ thương mại
- Người dân Việt Nam lại biểu tình chống Trung Quốc
Scott Stearns
10.07.2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến thăm Việt Nam nhằm xúc tiến đầu tư của Mỹ và nêu lên những quan ngại về vấn đề nhân quyền.
Ngoại trưởng Clinton nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama đang tìm cách mở rộng thương mại và đầu tư với Việt Nam.
Từ năm 2010 đến năm 2011, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng 17% lên gần 22 tỉ đô la.
Tập đoàn General Electric vừa giành được 2 hợp đồng mới: một dự án cung cấp tuabin hơi nước trị giá 36 tỉ đô la và một dự án cung cấp tụ điện trị giá 50 tỉ đô la.
Những dự án này sẽ giúp tăng hiệu năng và cho phép Việt Nam quản lý tốt hơn mạng lưới năng lượng quốc gia.
Bà Clinton nói thỏa thuận về thương mại với khu vực mới có tên Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ dỡ bỏ bớt những rào cản thương mại giữa Brunei, Việt Nam, Malaysia, Singapore, New Zealand, Úc, Peru, Chile, và Mỹ.
Các nhà kinh tế cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này mà các nước đối tác hy vọng sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết thỏa thuận sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Phạm Bình Minh nói: “Ðây là một trong các lĩnh vực ..quan hệ rất là quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ðầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp có tiếng của Hoa Kỳ đã vào Việt Nam, như công ty GE, Microsoft, Cargill, Exxon Mobil. Và có thể nói những kết quả này là phát triển nhưng vẫn còn khiêm tốn và còn nhiều tiềm năng để phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, và mong rằng trong thời gian tới, thì Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam, cũng như thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các thành viên khác trong đối tác thương lượng TPP sẽ hoàn thiện và mở nhiều cơ hội việc tăng cường thương mại, kinh tế cũng như đầu tư giữa 2 nước.
Nói chuyện với các nhà báo tại Hà Nội sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Clinton nói thỏa thuận TPP sẽ nâng cao tiêu chuẩn về các điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, và quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoại trưởng Clinton nói: "Nâng cao các tiêu chuẩn ấy là điều rất quan trọng bởi vì trong các điều kiện Việt Nam tiếp tục phát triển và chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa trên sức sáng tạo và tinh thần kinh doanh trong thế kỷ 21, thì phải có nhiều cơ hội để tự do trao đổi ý kiến hầu có thể củng cố nền pháp trị sự tôn trọng các quyền phổ quát của mọi người lao động, kể cả quyền được thành lập công đoàn. "
Phúc trình mới nhất về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói các quyền chính trị Việt Nam bị hạn chế nghiêm trọng, trong khi các cuộc bầu cử quốc hội không tự do mà cũng không công bằng, và hệ thống tư pháp Việt Nam bị bóp méo nghiêm trọng vì ảnh hưởng chính trị và nạn tham nhũng tràn lan.
Ngoại trưởng Clinton nói: "Vì lý do đó, tôi đã nêu ra mối quan ngại về vấn đề nhân quyền, kể cả việc tiếp tục giam giữ các nhà hoạt động, các luật sư và blogger vì họ đã bày tỏ ý kiến và tư tưởng một cách ôn hòa. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến những hạn chế về quyền tự do ngôn luận trên mạng, và vụ án xét xử người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do sắp diễn ra."
Những blogger này bị buộc tội tuyên truyền chống phá nhà nước thông qua Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Nhóm này được thành lập năm 2007 để thúc đẩy báo chí độc lập và tự do ngôn luận.
Việt Nam nói phúc trình về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa ra những kết luận thật đáng tiếc và "nhận xét phiến diện dựa trên những thông tin sai lệch.”
Voatiengviet
-------------------------------
XEM THÊM
Hăm dọa nữa cơ đấy :-DDDD Báo tàu khựa : "Hà Nội sẽ thấy đau đớn vì giúp Mỹ quay lại", “Các nước láng giềng nếu không thay đổi lập trường sẽ phải 'sẵn sàng nghe tiếng đại bác” http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/07/ham-doa-nua-co-ay-dddd-bao-tau-khua-ha.html
Việt Nam có mất chủ quyền quốc gia khi có quan hệ đồng minh với các nước lớn hay không ? Tại sao Việt Nam phải chọn Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ đồng minh? ( Liệu sẽ có quan hệ đồng minh Việt-Mỹ? ) http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/07/viet-nam-co-mat-chu-quyen-quoc-gia-khi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét