Trung Quốc: Uông Dương ngược dòng triều đại?
Hiện tượng Uông Dương cũng gần như một tín hiệu đổi thay chính trị. Phải chăng đó là tín hiệu cho thấy đang manh nha bầu tâm lý chấp nhận dân chủ hóa theo hướng đa tư tưởng và kể cả đa tổ chức?
Ngược dòng
Với giới phân tích chính trị quốc tế, vẫn khá là khó hiểu khi trong bối cảnh một thể chế khép kín và còn nhiều độc đoán ở Trung Quốc, lại đã hiện ra một nhân vật có tên là Uông Dương.
Trái ngược với phong cách chuyên quyền và tham nhũng của nguyên bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, vị Bí thứ tỉnh Quảng Đông lại là người đang có những nỗ lực đi ngược dòng triều đại.
“Chúng ta phải vứt bỏ ý tưởng sai lầm cho rằng hạnh phúc của nhân dân là do đảng và chính phủ mang lại” - vào tháng 5/2012, trong một hội nghị của đảng bộ tỉnh Quảng Đông, phát ngôn mang tính chỉ đạo như thế của Uông Dương đã thực sự làm cho những người quan tâm đến chính trường Trung Quốc phải giật mình. Bởi con người đó đã phát ra những lời lẽ còn ấn tượng hơn cả những kiến nghị về cải cách chính trị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Dĩ nhiên, Uông Dương không thể bị coi là một kẻ chống đảng, bởi ông luôn có những lý lẽ riêng của mình mà vòng vây “thái giám” khó bắt bẻ được: “Mưu tìm hạnh phúc là quyền lợi của nhân dân. Còn vai trò của chính phủ là để cho nhân dân được tự do dũng cảm đi tìm hạnh phúc bằng con đường riêng của mình”.
Có thể hiểu con đường riêng đó là gì? Ô Khảm chăng?
Mọi việc chỉ có thể bắt đầu từ Ô Khảm. Vụ việc này đã chứng minh rằng lý lẽ của Uông Dương không phải là thói trớt nhả mị dân của giới quan chức Trung Quốc.
Nửa cuối năm 2011 đã chứng kiến một biến cố chưa từng có kể từ thời cách mạng văn hóa. Chỉ là một ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông, nhưng Ô Khảm đã chính thức xác lập tên của nó trên bản đồ thế giới với một chiến dịch đối đầu công khai và quyết liệt, nhưng đủ kềm chế trong hòa bình với chính quyền địa phương, nhằm đòi hỏi những hình ảnh công bằng hiếm hoi trong trưng thu ruộng đất. Cũng ở nơi đây, cái chết của một con người đã tạo nên hiệu ứng tập hợp của 13.000 con người, sẵn lòng thực thi một cuộc đấu tranh mang tính sống còn với nạn tham nhũng đất đai của những quan chức sở tại. Mọi việc đã đi đến một nút thắt quyết định và suýt nữa thì bùng nổ.
Uông Dương chính là người đã tháo bỏ cái nút thắt ấy, và cũng là người đã gỡ bỏ cho Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung Quốc cái nguy cơ nổ ra một làn sóng bạo loạn trên diện rộng từ vụ việc Ô Khảm.
Chính sách đối thoại cởi mở với người dân của vị quan chức ngược dòng này đã là tiền đề cho cuộc bầu cử tự do chưa từng có tiền lệ tại làng Ô Khảm. Chặng đường tranh đấu cho khiếu kiện đất đai cũng vì thế được gia cố bằng một hòn đá tảng.
Còn giới lãnh đạo Trung Quốc lại như được mở mắt khi họ đã có thể đạt được thỏa hiệp dễ dàng và mau mắn đến thế với nông dân. Có vẻ như bao giờ cũng vậy, nông dân chỉ cần được thỏa mãn một phần nhỏ trong giấc mơ của mình thì cũng có thể xem giấc mơ ấy là trọn vẹn.
Lẽ tất nhiên Uông Dương là người hiểu rõ cái đặc thù và cũng là quy luật tâm lý như thế trong xã hội Trung Hoa đương đại. Chỉ có điều, giữa việc hiểu và lợi dụng cái quy luật đó lại là hai việc khác nhau hoàn toàn về bản chất.
Bí thứ tỉnh Quảng Đông Uông Dương là người đang có những nỗ lực đi ngược dòng triều đại |
Tín hiệu đổi thay
Vào tháng 6/2012, vị quan chức hiếm hoi đang có khuynh hướng gần gũi với giai tầng nghèo khó đã tiến hành thêm một cải cách nhỏ. Lần đầu tiên ở Quảng Đông và cũng là lần đầu tiên ở Trung Quốc, các tổ chức phi chính phủ được mời tham gia trực tiếp vào một số dịch vụ quản lý xã hội.
Willy Wo-Lap Lam, một trong những học giả có uy tín về Trung Hoa đương đại, nhận xét rằng Uông Dương “đã làm nổi rõ sự tham gia của quần chúng trong tiến trình chính trị. Ông đã yêu cầu các viên chức của tỉnh phải khuyến khích sáng kiến và tính sáng tạo của quần chúng. Uông Dương cũng nhấn mạnh rằng khi khởi đầu một tiến trình cải cách bao giờ cũng có rất nhiều trở ngại do khác biệt quan điểm, nhưng kẻ thù cần phải đánh bại là các nhóm lợi ích trong thượng tầng quyền lực”.
Nhóm thượng tầng quyền lực lại bao gồm Bạc Hy Lai - một ví dụ điển hình cho mọi điển hình về lợi ích đặc quyền. Không thể khác hơn, điều đã được định hình trong triều đại độc tôn ở Trung Quốc ngày nay là một giai tầng tinh hoa kiểu mới, những người xuất phát từ lề đảng, kiếm tiền bằng cách moi ruột ngân sách chính quyền, rồi đến một lúc nào đó lại tổng tấn công vào chính trái tim của đảng.
Lịch sử Trung Quốc dường như đang chớm hé lộ một trang mới, với một Uông Dương và có thể còn xuất hiện những Uông Dương khác ở cấp độ cải cách cao hơn.
Đại hội đảng lần thứ 18 của chính thể Trung Quốc cũng đang đến rất gần. Nhưng khác hẳn với bốn năm trước đây, lần này giới lãnh đạo đảng và chính quyền của quốc gia này đang chìm ngập trong không chỉ những rắc rối về biển Đông, kéo theo hệ lụy không tránh khỏi đối với chính quyền Việt Nam. Mà còn toàn bộ những xung đột về lợi ích giữa các giai tầng trong vấn đề nội trị, để nếu không được xử lý khéo léo và công bằng, bất cứ một xung đột nào cũng có thể dẫn đến nội loạn.
Hiện tượng Uông Dương cũng gần như một tín hiệu đổi thay chính trị. Sau những phát ngôn thuộc loại cấm kỵ như được đề cập ở phần đầu bài bình luận này, điểm hết sức đáng ghi nhận là ông vẫn tiếp tục tồn tại ở cương vị của mình mà không phải nhận bất kỳ một thái độ khiển trách nào từ những cấp lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh.
Phải chăng đó là tín hiệu cho thấy đang manh nha bầu tâm lý chấp nhận dân chủ hóa theo hướng đa tư tưởng và kể cả đa tổ chức, cùng với thái độ đương nhiên chấp nhận các ý kiến phản biện và cả những hành vi không cùng chiều với triều đại lâm thời?
VIẾT LÊ QUÂN
Doanhnhansaigon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét