Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Anh hùng tử, khí hùng bất tử : Tướng Quân Trần Độ - Tạ Ngọc Phách , người lính trung thành của dân . Giỗ danh tướng TĐ tại Sài Gòn , một vị tướng bất đồng chính kiến quả cảm đi đầu mở lối cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi chủ nghĩa Mác Lê nin lầm lạc và tội lỗi , dứt khoát lên tiếng kêu gọi dân chủ hóa đất nước . ---------- Nhìn lại những quan điểm của tướng TĐ và Video phỏng vấn ông (FULL) --------- Cái gì xảy ra trong đám tang Tướng TĐ ? Thật là bọn ăn cháo đá bát .

- TỔNG HỢP : TÀI LIỆU LỊCH SỬ CẦN PHẢI BIẾT VỀ ĐẢNG TA , HỒ CHÍ MINH , VIỆT NAM VS. TRUNG QUỐC, VIỆT NAM CỘNG HÒA, NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI BỎ, ... http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-tai-lieu-lich-su-va-ang-ta.html     

- MỘT SỐ BÀI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CÁC ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN TỪ BỎ THẺ ĐẢNG http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/01/cac-ang-vien-cong-san-tu-bo-ang.html 


BBC - Phỏng vấn Trung tướng Trần Độ (FULL)

Tướng Trần Độ : … Vì tôi nói thẳng nhiều sự thật quá , mà những sự thật đó người ta muốn dấu đi , người ta không muốn nói đến . Thí dụ như sự thật thối nát ở trong đảng , sự thật về nhiều cái tiêu cực trong xã hội , nhiều sự thật không ai thích nhắc đến làm gì , người ta chỉ thích nói đến thành tích thôi ...




_________


Tướng Trần Độ 'trung thành với dân'

Cập nhật: 13:40 GMT - thứ năm, 8 tháng 8, 2013




Nhân kỷ niệm ngày mất cố Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trần Độ (9/8/2002), một người quen biết không cho rằng ông là nhà "đối lập trung thành" của Đảng.

Ông bị khai trừ khỏi Đảng vì bất đồng chính kiến, mặc dù chức vụ cuối cùng của ông là Ủy viên TW Đảng kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội.

Nói chuyện với đài BBC, ông Lê Hồng Hà, từ Hà Nội, nhận xét những tư tưởng của Tướng Độ là tiến bộ, trí tuệ, có tính phê phán nhắm vào việc dân chủ hóa đất nước.

Ông Hồng Hà không cho rằng Tướng Độ là một nhà "đối lập trung thành" của Đảng, mà chỉ "trung thành với dân, với nước".

Ông Hà cũng cho rằng cách thức đóng góp cho đổi mới thể chế và chính trị khi vẫn còn giữ thẻ Đảng của Tướng Độ vẫn còn mang tính thời sự.

BBC

__________


Giỗ danh tướng Trần Độ tại Sài Gòn

Thứ hai, tháng tám 05, 2013



Mộ tướng Trần Độ (Tạ Ngọc Phách)

Chủ nhật 4/8/2013, lịch ta là ngày 28/6. Quí Tị, anh Trần Hải và chị Khánh Trâm, con trai và con dâu út của danh tướng Trần Độ ở Sài Gòn làm giỗ cha lần thứ mười một. Danh tướng Trần Độ mất ngày 1/7 năm Nhâm Ngọ, theo lịch mặt trời là ngày 9/8/2002, đúng giỗ phải là thứ tư tuần tới. Chọn ngày chủ nhật làm giỗ là sớm mấy ngày để chính giỗ, mẹ và mấy anh trai sẽ đón vong linh danh tướng ra Hà Nội.

Khi thiếu tướng Trần Độ làm chính ủy quân khu Tả Ngạn thì tôi còn là học trò trung học ở thành phố Hải Phòng thuộc lãnh thổ quân khu Tả Ngạn. Bài viết “Anh Bộ Đội” của ông đăng trên các báo, đọc trên đài phát thanh ngày ấy đã tạo nên một đợt thảo luận sôi nổi kéo dài trong thanh niên học sinh về cuộc sống đẹp đẽ của anh bộ đội, về môi trường giáo dục, rèn luyện cho tuổi trẻ như một trường đại học, trường đại học quân đội, mang lại một lí tưởng thẩm mĩ cao cả, mở ra một hướng vào đời rộng rãi cho tuổi trẻ.

Khi tướng Trần Độ là Phó Chính ủy quân Giải phóng miền Nam thì tôi là sĩ quan thông tin ở mặt trận Tây Nguyên. Những bài chính luận quân sự của Cửu Long, sau này tôi mới biết Cửu Long chính là Trần Độ, phân tích thế và lực của ta và địch, thế tất thắng của chiến tranh cách mạng được giọng hào sảng của phát thanh viên Việt Khoa đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội đã làm nức lòng hết thảy đám lính tráng sốt rét và đói ăn dưới tán lá rừng già vùng ngã ba biên giới Việt – Miên – Lào. Với những sĩ quan đã có vốn hiểu biết về quân sự và thực tế chiến tranh thì những bài viết của Cửu Long – Trần Độ là lí luận của niềm tin chiến thắng.


Khi trung tướng Trần Độ là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ trung ương thì tôi cùng 22 sĩ quan từ khắp các đơn vị trong quân đội được Tổng cục Chính trị gọi về cử đi học khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du lần đầu tiên có hệ đại học. Tôi vẫn nhớ lần ông đến trường Viết Văn Nguyễn Du gặp chúng tôi, ông nói rất ngắn: Văn nghệ không có tự do thì không thể sáng tạo, chỉ là văn nghệ tuyên truyền, văn nghệ diễn ca nghị quyết đảng. Rồi ông dành cả buổi lắng nghe và ghi chép những điều chúng tôi giãi bày về khó khăn, cản trở trong công việc viết lách.


Khi tướng Trần Độ, chính khách Trần Độ rời chính trường thì tôi cũng rời quân ngũ, vào miền Nam làm báo dân sự. Tóm lại thời tôi làm lính là thời Trần Độ làm tướng, là thời lừng lẫy của danh tướng Trần Độ. Tôi là lính ở mặt trận phía Nam thì ông là tướng chỉ huy cả mặt trận miền Nam. Tôi là lính văn nghệ thì ông là tướng văn nghệ. Dù mang cấp hàm tướng suốt mấy chục năm trời nhưng những lần gặp ông ngoài đời, tôi chỉ thấy ông mặc đồ dân sự xuềnh xoàng.


Là một người lính, hôm nay tôi về nơi giọt máu vị tướng để lại cho đời, tưởng nhớ đến vị tướng của tôi, vị tướng Nam chinh Bắc chiến, người chỉ huy đội quân cách mạng đi từ trận đánh của trung đoàn Thủ đô 60 ngày đêm cầm cự giữ chân quân Pháp trong lòng đường phố Hà Nội để Chính phủ kháng chiến rút lui an toàn về đất căn cứ Việt Bắc, đến trận đánh của những sư đoàn lớn mạnh 56 ngày đêm dội bão lửa xuống lòng chảo Mường Thanh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đi từ trận chống càn Junction City đầu mùa mưa năm 1967, từ vị Tư lệnh đến anh lính nuôi quân của Sở Chỉ huy quân Giải phóng miền Nam đều phải cầm súng AK, súng B40, chống trả đánh lui hết đợt càn quét này đến trận đột kích khác của hơn 30 ngàn quân Mĩ cùng xe tăng, xe bọc thép nhiều như lá rừng, ròng rã suốt 53 ngày đêm, bảo toàn cơ quan lãnh đạo kháng chiến miền Nam, đến trận đánh cuối cùng, đại quân từ bốn hướng ào ào tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975.


Hơn cả những chiến công trên mặt trận quân sự, Trần Độ còn là vị tướng từng trải, lịch lãm của đội quân chữ nghĩa, vị tướng nhân văn, gần gũi của đội quân văn nghệ sĩ, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp, với cái mới.


Trần Độ còn là vị tướng quả cảm đi đầu mở lối cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi chủ nghĩa Mác Lê nin lần lạc và tội lỗi. Tưởng là chủ nghĩa Mác Lê nin sẽ xóa bỏ những cái ác ở trên đời, không ngờ chính chủ nghĩa Mác Lê nin lại là cái ác nghiệp chướng buộc vào dân tộc Việt Nam. Đến lúc nhận ra: Những mơ xóa ác ở trên đời / Ta phó thân ta với đất trời / Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện / Ai hay biến hóa ác luân hồi (Thơ Trần Độ), dù tuổi đã cao lại mang bệnh hiểm ông vẫn quyết liệt và kiên trì chỉ ra cái ác, thức tỉnh những kẻ đang cố kết làm điều ác với Dân với nước.


Mươi người chúng tôi, Phan Đắc Lữ, Lê Phú Khải, Kha Lương Ngãi, Vũ Trọng Khải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thị Mai Oanh ở Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Huệ Chi từ Hà Nội vào, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm từ Mĩ về cùng vợ chồng anh chị Trần Hải – Khánh Trâm ngồi ở phòng khách mắt nhìn lên ảnh vị danh tướng trong bộ đồ dân sự bình dị không sao, không vạch, không cành nguyệt tuế, không huân chương, huy chương. Mỗi người chúng tôi đều có những chuyện kể, những điều nói về vị danh tướng mà mình kính trong. Anh Lê Phú Khải kể năm 1985 anh gặp tướng Trần Độ ở Tiền Giang, khi vị tướng đã chuyển sang cơ quan lập pháp, làm Phó Chủ tịch Quốc hội, anh đọc cho vị tướng có tâm hồn nghệ sĩ nghe bài thơ anh mới viết về Lăng Hồ Chí Minh. Cuối bài thơ anh viết: Đắp cho Con Người này nấm mộ / Bên một cánh rừng có tiếng thông reo / Để nhà thơ được nghe gió hát / Và Nhân Dân tìm gặp / Như con về thăm cha. Lê Phú Khải vừa dứt lời đọc thơ, Trần Độ nói ngay: Cậu phải sửa lại câu cuối cùng là: Như cha về thăm con. Với bất kì cá nhân nào dù vĩ đại đến đâu, Nhân Dân bình dị cũng là cha mẹ của cá nhân dù vĩ đại đó.

Phạm Đình Trọng



Buudoan


______________


Nhìn lại những quan điểm của tướng Trần Độ, 4 năm sau ngày ông qua đời

2006-08-09


Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Hôm nay kỷ niệm bốn năm ngày trung tướng Trần Độ qua đời. Ông mất vào lúc 2 giờ 15 chiều ngày 9 tháng tám năm 2002 tại Hà nội, và được hoả táng lúc 1 giờ trưa ngày 14.
TranDo150.jpg
Cố tướng Trần Độ.

Con người Trần Độ

Trần Độ là một con ngừơi dũng cảm và có lòng. Là người theo đảng cộng sản từ năm 16 tuổi, gắn bó với đảng trong từng hoạt động, từng chiến dịch, nhưng sau 59 năm, ông lại bị khai trừ khỏi đảng chỉ vì muốn đảng tốt hơn.

Sống trong đảng từng ấy năm, ông hiểu rõ đến ngọn nguồn cái sức mạnh ghê gớm và tàn nhẫn của guồng máy đảng, nhưng ông vẫn mạnh dạn lên tiếng nói lên điều mà ông nhận thấy bằng trí tuệ và trái tim của mình, vốn là điều tuyệt đối cấm kỵ tại bất cứ nơi nào đảng có mặt.

Nhưng chính vì nói lên được những tiếng nói như thế nên ông trở thành một trong những người tiên phong trên con đừơng dân chủ cho đất nứơc mặc dù bản thân ông bị vùi dập cho đến khi trở về với cát bụi.

Sinh năm 1924 tại làng Thư Điền, huyện Tiền Hải tỉnh Thái bình trong một gia đình nho giáo trứơc khi thân phụ trở thành thư ký ở toà thống sứ Bắc kỳ.

Ông bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1939, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1940, bị Pháp bắt, kết án 15 năm tù và đầy đi Sơn La vào năm 1941. Ba năm sau ông vượt ngục và từ đó hoạt động trong nhiều lãnh vực mà ở lãnh vực nào cũng là người lãnh đạo.

Trong quân đội, ông là uỷ viên ban quân sự cách mạng thủ đô Hà nội từ năm 1946, rồi phó chính uỷ khu 2 Hà nội, chính uỷ trung đoàn 209, rồi quyền chính uỷ đại đoàn 312. Năm 1955, ông đựơc phong thiếu tướng, chính uỷ quân khu hữu ngạn sông Hồng đến năm 1964 thì trở thành chính uỷ, phó bí thư quân uỷ quân giải phóng miền Nam.

Những thăng trầm

Hoà bình lập lại, ông là phó trưởng ban tuyên huấn trung ương, thứ trưởng bộ Văn Hoá Thông Tin rồi Trưởng ban Văn hoá văn nghệ trung ương cho đến năm 1990. Ông là uỷ viên ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam các khoá 3, 4, 5 và 6, đại biểu quốc hội các khoá 7 và 8, chủ nhiệm uỷ ban văn hoá giáo dục và phó chủ tịch quốc hội.

Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ.


Đến khi phong trào đổi mới xuất hiện vào năm 1986, ông là một trong những người cổ vũ mạnh nhất, và cũng là nhân vật chính trong việc soạn thảo nghị quyết 5 về văn hoá văn nghệ, thừơng đựơc gọi là nghị quyết cởi trói, tạo điều kiện xuất hiện cho dòng văn học phản kháng ở trong nước.

Khi đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi chính sách và xiết chặt trở lại sau sự sụp đổ dây chuyền của các chế độ Cộng sản đông âu cuối năm 1989, ông bị thất sủng.

Trăn trở với vận nước

Sau mấy năm nghiền ngẫm về thành quả mà đảng Cộng sản đem lại cho đất nứơc và dân tộc, đầu tháng giêng năm 1995, ông viết một bức thư gửi cho Tổng bí thư đảng lúc đó là ông Đỗ Mười, nêu ra vấn đề mà ông cho là căn cốt và cơ bản. Đó là mối liên quan giữa đảng và chính quyền.

Ông cho rằng đảng phải chọn lựa một trong hai cách điều hành đất nứơc: “Đảng cầm quyền hay đảng lãnh đạo. Đảng cầm quyền đồng nghĩa với đảng toàn trị, đảng điều khiển sai bảo nhà nứơc, còn đảng lãnh đạo thì phải có một nhà nứơc dân chủ pháp quyền, một nhà nứơc do dân, vì dân và của dân, như điều 112 của hiến pháp năm 1992 đã nói.” Trong tinh thần đó, ông hô hào phải có sự cải cách cơ bản chế độ bầu cử và ứng cử để bảo đảm chọn đựơc các nhân tài thực sự cho đất nước.

Lá thư của ông không được trả lời, và đảng Cộng sản tiếp tục theo đường lối cũ. Ông tiếp tục viết nhiều bài yêu cầu đảng trả lại tự do dân chủ cho người dân, phê bình đường lối lãnh đạo của Đảng từ khi hoà bình lập lại là sai lầm và chỉ đưa dân chúng đến đói khổ, đất nứơc đến điêu tàn tụt hậu. Kết quả là đầu năm 1999, ông bị khai trừ khỏi đảng sau 59 năm theo đảng trên mọi chặng đường và trong mọi hoạt động và từng đựơc ban thửơng những huân chương cao quý nhất. Trong bức thư viết vào tháng 7 năm đó, ông tuyên bố:

“Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ.”

Khát vọng dân chủ

Đó là một trong những phát súng thần công đầu tiên của khát vọng dân chủ bắn thẳng vào pháo đài của đảng Cộng Sản bởi một con ngừơi đã cống hiến cho đảng gần hết cuộc đời của mình.

Một tập họp bài viết quan trọng của ông Trần Độ là tập “Nhật ký Rồng và Rắn,” viết vào thời gian cuối năm Canh Thìn tức 2000 và đầu năm Tân Tỵ tức 2001, chỉ hơn một năm trứơc khi ông qua đời. Cuốn sách này đựơc chính tác giả gọi là máu và nứơc mắt của ông trong những ngày cuối đời, từng bị công an tịch thu, và dù ông viết thư nhiều lần để đòi lại, những người đồng chí cũ của ông lúc đó đang ở các vị trí cao nhất nứơc vẫn làm ngơ.

Trong bài viết ngày 3 tháng 12 năm 2000, ông nêu rõ bốn thứ của một xã hội đời thường, đựơc ví như bốn bánh xe của một cỗ xe, đó là:

1. Một xã hội công dân 2. Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi. 3. Một nhà nứơc pháp quyền (và) 4. Một nền dân chủ đầy đủ. Ông nhấn mạnh rằng bộ máy quản lý xã hội ấy là một bộ máy dân chủ.

Nói dân chủ là thì cứ phải dân chủ đã, không phải chưa nói đến dân chủ đã đề phòng “dân chủ quá trớn”, đề phòng “lợi dụng dân chủ”.

Ở đoạn sau, ông viết:

“Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng nhờ có nó sẽ có một bộ máy nhà nứơc bảo đảm đựơc mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người chỉ là một ảo tưởng hão huyền. Thế mà đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng. Nhân dân cần đựoc tự mình làm chủ cuộc đời của mình, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả.”

Nhận định về đảng CSVN

Trong bài viết đề ngày 7 tháng 12 cùng năm, khi nói về sự chuyên chính tư tưởng, ông Trần Độ tuyên bố:
Đảng Cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng. Nhân dân cần đựoc tự mình làm chủ cuộc đời của mình, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả.


Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần cuả nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều……… Nó đang làm hại cả một nòi giống.”

Trong bài viết đề ngày 24 tháng 12, ông Trần Độ nói, “thực chất là chế độ thì rất dã man, cho nên phải dùng nhiều thủ đoạn để lừa bịp nhân dân,” và ông liệt kê ra một số thủ đoạn tiêu biểu bao gồm:

Thứ nhất là, thần thánh hoá, thiêng liêng hoá đảng, cấp uỷ và các nghị quyết, mà điều vô lý nhất là bắt toàn dân phải học nghị quyết của đảng……Không ai, kể cả báo chí, đựơc quyền nhận xét phê phán phân tích các nghị quyết cả. Đã là nghị quyết thì chỉ có đúng và tài tình, là rất thiêng liêng.

Thứ hai là khuyến khích và bồi bổ tệ nạn sùng bái cá nhân, là tệ nạn đã bị lên án nặng nề trong phong trào cộng sản thế giới. Bao giờ ý kiến của bí thư, uỷ viên thường vụ và cấp uỷ cũng là quan trọng, là thiêng liêng, là chân lý.”

Một con người quả cảm

Những nhận định thẳng thắn như thế chỉ có thể viết ra bởi một con ngừơi dũng cảm và có lòng. Trong bài viết đầu năm Tân Tỵ, ông Trần Độ đưa ra những điểm mà đảng Cộng sản phải thực hiện nếu muốn bứơc ra khỏi con đường mà ông cho là phản bội cách mạng:

“Thứ nhất là phải xác định cho đúng vị trí khiêm tốn của mình là một bộ phận của dân tộc, thực hiện lãnh đạo đất nứơc bằng cách tôn trọng tất cả mọi ngừơi.

Thứ hai là phải tôn trọng hiến pháp, thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ về tự do ngôn luận và tự do bầu cử, nhân dân đựơc tự do làm ăn.

Thứ ba là phải để cho mọi tổ chức từ chính phủ, quốc hội, toà án cho đến mặt trận tổ quốc, đựơc độc lập quyết định những vấn đề và hoạt động của mình, để cho mọi công dân đựơc suy nghĩ độc lập

Thứ tư, cụ thể là phải sửa ngay luật báo chí, xuất bản, công nhận quyền có báo và xuất bản tư nhân.”

Trên đây là trích dẫn một số bài viết của ông Trần Độ trong nhật ký Rồng và Rắn. Những nhận xét ấy mặc dù cực kỳ nghiêm khắc, nhưng vẫn mang nặng ân tình; mặc dù nêu lên những điều thật khó tin, nhưng hoàn toàn sát với thực tế, bởi tác giả của nó từng theo đảng trong suốt 59 năm và dù bị hắt hủi, vẫn tha thiết với những lý tửơng và những đồng chí của thời thanh xuân.

Ông đã đứng về phía nhân dân để nói lên những yêu cầu mặc dù đơn giản, và hợp lý mà chưa hề đựơc đáp ứng. Nhưng cũng vì thế mà có những người khác tiếp bứơc ông trên con đường dân chủ hoá đất nứơc. Con đừơng ấy dẫu có dài, nhưng đã đi thì ắt là có lúc đến.



_______________



XEM LẠI : Tướng Trần Độ qua đời




13 Tháng 8 2002 - Cập nhật 11h37 GMT

Tướng Trần Độ là chính ủy Sư Đoàn 312 đánh trận Điện Biên
Tướng Trần Độ là chính ủy Sư Đoàn 312 đánh trận Điện Biên

Tin từ gia đình trung tướng Trần Độ cho hay, ông đã qua đời lúc 2 giờ chiều ngày 9 tháng 8 năm 2002 tại bệnh viện Việt Xô ở Hà Nội vì bệnh tiểu đường và một số biến chứng, hưởng thọ 79 tuổi.


Tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh tại Thái Bình năm 1923, ông gia nhập đảng CSVN năm 1940. Ngay sau đó ông bị thực dân Pháp bắt. Năm năm sau, ông gia nhập quân đội non trẻ của nước Việt Nam độc lập và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.



Tại Điện Biên Phủ, ông vào trận ở chức vụ chính uỷ Sư Đoàn 312 và tham gia phụ trách văn hóa trong quân đội sau kháng chiến. Ông là một trong những người đầu tiên thành lập và biên tập tờ Quân Ðội Nhân Dân. Năm 1965 ông vào Nam nắm chức phó chính ủy quân giải phóng.

Sau năm 1975 tướng Trần Độ trở ra Bắc làm thứ trưởng Bộ Văn Hóa, rồi phó Chủ tịch Quốc Hội. Với tư cách là trưởng ban Văn hóa Văn Nghệ Trung ương, ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra làn sóng văn hóa thời Đổi Mới bằng việc thảo ra nghị quyết 5 cởi trói văn nghệ sỹ Việt Nam. Nhưng cũng từ đó ông bị thất sủng trong đảng.


Vào cuối những năm 90, ông dứt khoát lên tiếng kêu gọi dân chủ và là người đánh động với dư luận vụ phản đối của nông dân Thái Bình năm 1997. Đến tháng 6 năm 1999 ông chính thức tự xin ra khỏi đảng và trở thành nhân vật bất đồng chính kiến có tiếng nhất ở VN.




Đảng Cộng Sản nêu khẩu hiệu đoàn kết toàn dân nhưng trên thực tế hành động thì không. Đối với những người Việt còn ở nước ngoài thì ai cũng như là kẻ địch, còn trong nước đối với trí thức không tin cậy, đối với tôn giáo thì cũng nhiều nghi ngờ. Chứ nếu thực lòng đoàn kết toàn dân thì sẽ tạo nên một sức mạnh ghê gớm lắm.
Trần Độ (1924-2002)
Là một nhân vật có uy tín lớn trong giới cựu chiến binh và quân nhân ở Việt Nam, tiếng nói đòi thay đổi dân chủ của tướng Trần Độ đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong chính nội bộ nền chính trị Việt Nam.

Lúc cuối đời tướng Trần Độ bị công an tịch thu các bài viết và cắt điện thoại nhà riêng. Tuy thế ông vẫn tỏ ra kiên cường kêu gọi dân chủ hóa đất nước với tinh thần đặc trưng của những người gọi là "cộng sản có lý tưởng" dù ông đã chính thức đoạn tuyệt với chủ nghĩa đó.


Hai tháng trước khi qua đời, tướng Trần Độ đã dành cho đài BBC Luân Đôn một cuộc phỏng vấn dài, trong đó ông kể lại cuộc đời hoạt động của ông cũng như những băn khoăn suy nghĩ về Đảng Cộng Sản và những mong ước cho đất nước.



 Hương Ly phỏng vấn Tướng Trần Độ (06/2002) - Phần 1
 Hương Ly phỏng vấn Tướng Trần Độ (06/2002) - Phần 2
 Hương Ly phỏng vấn Tướng Trần Độ (06/2002) - Phần 3

BBC



________________


Cái gì xảy ra trong đám tang Tướng TRẦN ĐỘ – 2002



 Tiếng vỗ tay trong một đám tang – Tường thuật của nhà văn Hoàng Tiến



Đám tang ai mà có chuyện lạ vậy? Xin thưa, đó là đám tang tướng quân nhà văn Trần Độ tổ chức ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông.

Trung tướng Trần Độ là một vị lão thành cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng như trong tổ chức quân đội, những năm cuối Đảng, bị chính quyền coi là phần tử nguy hiểm, và công an gây nhiều phiền hà.

Cho nên đám tang ông khiến mọi người rất quan tâm. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta chú ý xem lãnh đạo cư xử với đám tang ông ra sao?

Ông mất từ hôm mồng 9-8, việc đưa tin trên báo và tivi rất chậm. Mãi đến ngày 13-8 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13-8 cô phát thanh viên trên tivi mới đọc tin tang lễ.

Cô vẫn mặc áo màu hoa đẹp hàng ngày, không mặc áo tang đen. Đưa tin sát ngày như thế, thì người các tỉnh xa, trong đó có nhiều đồng đội, đồng nghiệp, và những người ái mộ ông không thể về kịp, vì ngày mai 14 đã lễ tang rồi.

Ngày 14, từ 8 giờ sáng bắt đầu lễ viếng. Tuy nhiên những người yêu quý ông Độ ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội đã về kịp. Họ đi cá nhân, hoặc thành nhóm. Không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan đoàn thể đến viếng. Hình như có chỉ thị của Ban Bí Thư (có người nói của Bộ Chính Trị) gửi các cơ quan đoàn thể về tang lễ này, hạn chế sự tham gia.

Các vòng hoa đề chữ Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ giải thích: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên”(!)

Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống thang một chút. Cuối cùng vòng hoa còn là: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như nguyên vẹn lời viếng. Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi là: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”.

Những người đứng đợi trong sân nhà tang lễ, nghe thấy thế, đều xì xào bàn tán. Ông Kim Sơn, một lão thành cách mạng, tham gia từ hồi quân giải phóng, không chịu nổi đã tiến lên cự nự Ban Tang Lễ. Quân hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là do Bác Hồ phong. Ai dám tự ý tước bỏ? Sao các anh làm ăn bậy bạ thế? Vòng hoa vẫn đề chữ đại tướng, mà các anh đọc sai đi là nghĩa sao?

Thì quân hàm trung tướng của ông Trần Độ cũng thế, muốn tước bỏ phải có quyết định của quốc hội hoặc chủ tịch nước. Báo chí vẫn đăng là trung tướng, mà tang lễ lại bỏ đi. Thật chẳng ra làm sao! Rõ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược!

Lại nói đến vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền đề là đồng chí Trần Độ, cũng bị bỏ đi chữ đồng chí. Chắc sự chỉ đạo ở trên cho rằng, ông Trần Độ đã bị khai trừ khỏi Đảng thì không còn gọi là đồng chí nữa. Nhưng họ đã lầm, theo điều lệnh của quân đội, thì từ binh nhì đến tướng lĩnh đều xưng hô với nhau là đồng chí. Ông Lê Ngọc Hiền mặc quân phục, đeo quân hàm thượng tướng trang nghiêm, đến viếng ông Trần Độ, mà cũng chỉ được giới thiệu trên loa là ông Lê Ngọc Hiền đến viếng ông Trần Độ.

Trung tướng Nguyễn Hòa cũng quân phục, quân hàm, huân chương đầy đủ và cũng chịu cảnh ngộ như trên.

Vòng hoa của anh em dân chủ Hải Phòng đề là “Vô cùng kính phục và thương nhớ bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng” phải sửa thành “Kính viếng bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng”. Vòng hoa cá nhân Vũ Cao Quận, đi cùng đoàn Hải Phòng, đề “Kính viếng lão tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận” bị giữ lại. Tranh cãi hồi lâu, không có cụm từ vô cùng thương tiếc, không có trung tướng hay đồng chí, lại không có gì sai phạm về ngữ pháp tiếng Việt, vậy cớ gì phải sửa, ai sửa được đúng hơn, xin mời. Mãi rồi cũng được vào.

Những vòng hoa mẫu mực có băng chữ ghi phải là “Vòng hoa của ông Nguyễn Văn An kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của ông Lê Đức Anh kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của Văn phòng Quốc hội kính viếng ông Trần Độ ..v..v.. Không thấy vòng hoa của ông Nông Đức Mạnh.

Chúng tôi để ý thấy nhiều bức trướng chữ vàng trên nền đỏ vẫn đề trung tướng, tướng quân, danh tuớng ..v..v… không thể gỡ bỏ vì đã thêu bằng chỉ vàng bám chắc trên vải. Trong đó nổi bật bức trướng của các cụ dân chủ, trướng dài khổ to sát đất phải có gậy treo lên, thêu tám chữ vàng “Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn”. Bên dưới ghi tên tuổi các vị kính viếng. Trưởng đoàn là cụ Lê Giản, rồi đến các ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang ..vv…, hơn hai mươi ông. Mọi người xúm lại xem. Chụp ảnh. Quay phim. Có tiếng gọi bằng máy di động, đề nghị tịch thu. Rồi cũng không thấy gì. Mọi việc vẫn êm trôi. Tịch thu bức trướng trưởng đoàn là cụ Lê Giản thì cũng phiền đấy. Hơn nữa các cụ dân chủ đã đứng vây quanh bức trướng. Công an dùng bạo lực thì lôi thôi to.

Đoàn của các cụ dân chủ chỉ bị kìm lại thôi. Nhiều đoàn đăng ký sau đã vào trước. Ban tang lễ gây khó khăn cho các cụ phải đứng chờ dưới bóng cây, nắng chang chang, nhưng lại có cái hay là nhờ thế, mọi người hết tốp này tốp khác đến chiêm ngưỡng, bàn tán về các bức trướng. Bức trướng của nhà nghiên cứu Trần Khuê bị quản chế từ Sài Gòn gửi ra:

Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân.

(Ta chú ý bài thơ có chữ phách và chữ độ. Tên khai sinh là Tạ Ngọc Phách, tên tham gia cách mạng là Trần Độ).

Bức trướng của nhà thơ Bùi Minh Quốc bị quản chế từ Đà Lạt gửi ra, người anh ruột là cụ Bùi Minh Đức gần 90 tuổi, cựu chiến binh chống Pháp, thay mặt em mang đến:

Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân.

(Tạm dịch: Người chân chính vì nghĩa lớn, cái thân mình bị mấy lần vùi dập
Viên tướng không còn nguyên giáp, tâm hồn ông vẫn trọn vẹn tình dân).

Bức trướng của tiến sĩ khoa học Hà Sĩ Phu cũng bị quản chế, từ Đà Lạt gửi ra, viết bẵng chữ Hán, do các cụ trong nhóm thư pháp Cảo Thơm thực hiện:

Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm.

(Câu đối vế trên có Trần vế dưới có Độ. Trung tướng phong trần là trung tướng gian nan, lại có thể hiểu là ông Trần được phong trung tướng. Đại quân tế độ là đội quân cứu đời, tức quân giải phóng miền Nam. Đây nhắc đến việc ông Trần Độ là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Vậy câu đối trên có thể tạm dịch là:

Văn võ dọc ngang, ông Trần được phong hàm trung tướng, việc đời hai vai gánh vác hai trách nhiệm lớn;
Nam Bắc vào ra, tướng Ðộ chỉ huy quân giải phóng, cứu nước một gậy trường sơn một trái tim hồng).

Bức trướng của nhóm Cảo Thơm trên nền giấy bồi khổ lớn đề 3 chữ đại tự “Vị dân tâm” (Tấm lòng vì dân), với hàng phụ đề bằng những câu thơ chữ Hán ca ngợi tướng quân Trần Độ. Ông Tú Sót mái đầu bạc phơ, trong nhóm thư pháp Cảo Thơm, luôn miệng giải thích cho mọi người rõ nghĩa:

Vô tình vị tất chân hào kiệt
Hữu độ phương vi đại trượng phu

(Nghĩa là : Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây giờ), không phải là người hào kiệt. Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi trượng phu).

Lại nghe được tin, cụ Độ vừa mất, công an đến đòi khám nhà, không có lệnh. Bà Độ phản đối. Công an đe dọa những người con, bắt hai con trai lên đồn, gây căng thẳng. Cuối cùng gia đình phải nộp 5 thùng sách vở của cụ Độ. Mọi người nghe tin đều phẫn nộ. Quá thể! Gia đình người ta đang tang gia bối rối. Thật nhẫn tâm!

12 giờ 15 phút, lễ truy điệu bắt đầu. Giới thiệu vị đại diện Văn phòng Quốc hội là ông Vũ Mão đọc điếu văn. Ông Mão có nhắc đến lý lịch, quê quán, ngày sinh, quá trình tham gia cách mạng và những chức vụ ông Trần Độ đã đảm nhiệm. Phần hai, ông ta nói rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng… Phần hai tuy không dài, nhưng cả hội trường lặng đi. Không khí như nén lại, ngột ngạt.

Đến mục gia đình lên đáp từ, người con trưởng cụ Độ là anh Thắng, sau khi kể những tình cảm về người bố, và sau khi cám ơn tất cả các cụ, các ông, bà, chú, bác, các anh chị … đến tham dự tang lễ, lời cuối của bài đáp từ là câu: “Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội” (Chưa bao giờ lại có chuyện như vậy, tang gia khước từ lời điếu của chủ lễ !!??).

Như một kho thuốc nổ được châm ngòi, cả hội trường vỗ tay ran lên tán đồng. Tiếng hoan hô lẫn tiếng vỗ tay nổi lên càng to, kéo dài không ngờ, như hội bắn pháo hoa. Các đợt liên tiếp cao hơn, to hơn, dài hơn, càng âm vang cộng hưởng hết cỡ trong vòm nhà hội trường tang lễ. Có cảm tưởng như nóc hội trường sắp bật tung. Nhiều tiếng hét đến lạc giọng, nghe không rõ. Loáng thoáng những từ hoan hô! phản đối! ngu dốt!, bất nhân!… lẫn trong những tràng vỗ tay rền vang như sấm động.

Những uẩn ức trong lòng mọi người bị dồn nén từ sáng đến giờ được dịp nổ tung. Tôi phải trèo lên chiếc ghế, đưa tay lên vành tai, nghiêng đầu lắng nghe. Một người hét to, giọng như người miền núi, tay giơ lên chỉ chỉ vào chiếc khung đen có hàng chữ Lễ tang ông Trần Độ ở trên cao, dưới là chiếc ảnh bán thân của ông mặc thường phục: “Ai cho phép chúng nó bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng thương tiếc, nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc …”.

- Thật là bọn ăn cháo đá bát.

- Không có tướng Trần Độ và anh em chúng tôi thì làm sao có chúng nó ngày nay.

- Nghĩa tử là nghĩa tận, không có ai đi kiểm điểm người chết trước linh cữu cả.

- Chuyện này cổ kim chưa thấy bao giờ.

- Mà đã chắc là ai đúng, chắc là ai sai? Quan tòa là nhân dân.

- Chúng nó phỉ báng lên truyền thống dân tộc.

Nơi này, chỗ kia, ầm ầm những tiếng thét, tiếng quát tháo: Bọn phản nhân dân! Phản bội đường lối Hồ Chí Minh! Phản văn hóa! Đề nghị Bộ Chính Trị phải nghiêm trị!

Có ai nói khẽ: “Đây là chỉ đạo của Bộ Chính Trị”.

Tiếng quát to: “Nói láo! Bộ Chính Trị sáng suốt, không làm điều ngu dốt như thế. Nói thế là không đúng”.

Có ai đó lại hô lên: “Trần Độ muôn năm!”.

Nhân viên an ninh mặc thường phục vây quanh những người quá nóng nảy, đề phòng. Có tiếng hỏi: “Vũ Mão đâu? Vũ Mão đâu?”.

“Hắn chạy rồi! Lủi ra xe rồi!” Thật là may cho Vũ Mão. Hắn ta đứng đực ra, mặt chảy xị, tái xám, ngơ ngác. 

Có ai giục, hắn như chợt tỉnh, vội lách ra phía sau, chuồn mất.

Cũng may cho đám tang nữa. Sự tức giận của khối người đông đảo trong hội trường này, mà túm được Vũ Mão, thì không biết rồi những gì sẽ xảy ra.

Các cụ dân chủ đều biết kìm mình. Trước đám tang vài ngày, cơ quan an ninh đã cử người đến dò la thái độ các cụ. Lo sợ các cụ dân chủ lợi dụng chiếm diễn đàn, cướp mi-crô, gây ra căng thẳng. Các cụ đã tin lại cho công an biết. Chỉ có đầu óc ngu tối mới nghĩ như thế. Những người yêu quý ông Độ, ai lại muốn phá rối đám tang. Chính lúc các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng, bừng bừng nổi giận, thì các ông dân chủ lại bình tĩnh, tìm cách khuyên can, chứ không có thái độ quá khích nào cả.

Toàn là những người hiểu biết. Sự nóng giận liền dịu xuống. Tang lễ lại tiếp tục. Mọi người đều đứng rẽ ra hai bên làm thành một con đường để đội danh dự mặc lễ phục trắng khiêng linh cữu trong nhà tang lễ ra xe ô tô đã đỗ ở giữa sân. Lúc này nắng lắm!

Một số phóng viên người nước ngoài tranh thủ phỏng vấn, ghi âm mấy cụ còn chưa nguôi cơn giận.

Ai cùng đi đến nghĩa trang Hoàn Vũ (hỏa táng) thì lên xe. Tôi chậm chân nên xe tang đã ra ngoài cổng rồi, tôi vẫn còn trong sân để xe đạp xe máy. Gặp chị Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính, hỏi tôi có đi nghĩa trang? 

Tôi trả lời sẽ đi bằng xe máy. Chị khuyên tôi nên đi ô tô, đỡ mệt. Các ông ấy đều lên ô tô cả. Tôi chạy vội ra cổng, thì đoàn xe đã đi xa. Lại gặp các cụ dân chủ đứng túm lại ở đầu cổng. Hỏi ra mới rõ, xe còn rộng chỗ lắm, nhưng lái xe không chịu mở cửa cho các cụ lên (đều do công an lái xe). Một cử chỉ nhỏ nhen! Các cụ bèn quyết định thuê tắc-xi đi.


Trên xe, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định một cách tổng quát: “Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết”. Nhà báo đại tá chính ủy Phạm Quế Dương lại cười hề hề: “Trò đùa ấy mà! Có gì đâu!”.

Xe tắc-xi chạy nhanh, bám kịp đoàn xe tang lễ. Quả thật, nhiều xe rất vắng, mang biển số 80B. Biển số này là của công an, nhiều người biết. Hai xe cam-nhông chở đầy vòng hoa viếng, những vòng hoa bên ngoài đều bị bóc hết các băng chữ. Lại nhỏ nhen!

Dự hỏa táng xong, trở về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thì đã gần 3 giờ chiều. Chúng tôi lấy xe ra về, người mệt nhoài, vì nóng, vì nắng. Rủ nhau vào uống giải khát để lấy sức ngày mai còn đưa hài cốt hỏa táng cụ Độ về Thái Bình.

Sẩm tối mới về tới nhà, đã thấy mấy ông bạn cựu chiến binh đón từ đầu đường hỏi về chuyện đám tang ông Trần Độ. Thì ra chuyện ở đám tang trưa nay đã đồn ầm lên trong dân chúng. Giấu làm sao được nhân dân! Che làm sao được miệng thế gian! Và bản tin chiều của hãng BBC mãi tít nước Anh đã đưa tin về đám tang. Có cả tiếng nói của cháu Thắng và tiếng vỗ tay rền vang như sấm. Nhanh thật! Trái đất cùng chung một mái nhà.

Vài lời kết thúc:

Sáng sớm hôm sau (15-8-2002) chúng tôi tập trung tại 37 Lý Nam Đế, nhà ông Phạm Quế Dương, để di Thái Bình cho trọn tình trọn nghĩa. Công an mật đã đến lởn vởn trước cổng, từ 5 giờ sáng.

Chúng tôi gọi tắc-xi, đúng 6 giờ 30 sáng lên đường. Nhìn sang lịch ta là ngày mồng 7. Ông cha ta dạy: “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”. Chúng tôi biết là chuyến đi này sẽ gặp trắc trở đây.

Quả không sai, quãng đường hơn 100 km về quê cụ Độ bị 4 lần ách xe. Công an giao thông kiểm soát giấy tờ lái xe, phương tiện xe cộ có an toàn, để đảm bảo cho khách đi đường được yên tâm. Lại còn điều tra một tai nạn xe cộ, lái xe bỏ chạy, là một trong 300 chiếc tắc-xi của hãng này. Màu sơn này. Nên công an chúng cháu phải làm nhiệm vụ, mong các cụ thông cảm. Lần ách xe ở đất Thái Bình lâu nhất, mất gần 2 giờ đồng hồ. Đến nơi thì đã 1 giờ 30 chiều, tang lễ hạ huyệt đã xong. Tổng cộng mất hơn 7 tiếng đồng hồ mới đi nổi quãng đường hơn 100 km. Mọi người đang ăn cỗ. Phong tục nông thôn bà con xa gần kéo đến rất đông.

Chúng tôi thắp hương, dâng lễ vật ở bàn thờ gia đình và bàn thờ ông Trần Độ. Lại phải ngồi ăn cỗ, thôi thì chiều nay ra mộ thắp hương trước khi về.

Được gặp con cái cụ Độ, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu việc công an định khám nhà và lấy đi 5 thùng sách báo. Các cháu đều trả lời lấp lửng, không rõ ràng, hình như e ngại điều gì. Gặp cháu Thắng, con trai trưởng, người đã nói được câu tuyệt vời hôm qua, thì hôm nay cũng không đậm đà bắt chuyện, muốn lảng tránh câu hỏi. Có thể tối qua cơ quan nơi cháu làm việc họ đã ấn huyệt. Thôi, thông cảm cho các cháu. Các cháu cần làm ăn, cuộc đời các cháu còn dài.

Được biết thêm, có cả thảy 220 vòng hoa tang lễ ở Hà Nội. Các băng chữ bị lấy hết, gia đình chỉ giữ được 7 băng. Gia đình đòi lại được 5 cuốn sổ tang, một số trang bị xé rách.

Toàn là những cử chỉ nhỏ nhen!

Ngôi mộ ông Trần Độ được nằm cạnh ngôi mộ bà mẹ. Đó là ý nguyện của ông. Đây là nghĩa trang xóm làng, mỗi gia đình được một khoanh đất, để chôn cất những người thân trong gia đình. Ông Độ đã trở về với bà con xóm làng. Mộ ông cũng rất bình thường, như mọi ngôi mộ ở đây. Nằm ở đây thì yên ổn rồi, ấm lòng rồi. Chúng tôi tin chắc là ông Trần Độ rất thanh thản. Nhớ đến một đoạn thơ của ai đó:

Sống tranh luồn cúi vào ra,
Chết còn xí cả (cái) nhà mồ to
Phải là những bậc anh hào,
Sống thiêng – chết lại đi vào trong dân,
Mà to bia nhớn chẳng cần…

Những ngày tang lễ ông Trần Độ
Hà Nội, tháng 8-2002

Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ : Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc- Hà Nội.

Nơi gửi :

- Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí.
- Các bè bạn.

Oanhblog




XEM THÊM :



- 16/8/2013, 2 sinh viên yêu nước Phương Uyên-Nguyên Kha sẽ ra tòa phúc thẩm tại Long An . Chúng ta hãy hổ trợ tinh thần cho gia đình 2 em . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/08/1682013-2-sinh-vien-yeu-nuoc-phuong.html


- TỔ CHỨC PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI: THỈNH NGUYỆN THƯ KÊU GỌI PHÓNG THÍCH 35 BLOGGER VIỆT NAM BỊ CẦM TÙ . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/07/to-chuc-phong-vien-khong-bien-gioi.html


- Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam : Xóa bỏ điều luật 258 . VN phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc . ------ Bản tiếng Anh (English Version) : STATEMENT FROM A NETWORK OF VIETNAMESE BLOGGERS : ABOLISH ARTICLE 258 . VIETNAM SHOULD AMEND LAW TO DEMONSTRATE HUMAN RIGHTS COUNCIL CANDIDACY COMMITMENT . _____________ Bloggers Việt Nam đưa ra bản Tuyên bố chung, kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải sửa đổi pháp luật, liên quan đến vấn đề tự do tư tưởng và tự do phát biểu . ------- Vietnamese bloggers released a Statement, calling on the Vietnamese Communist Government to make changes to its laws, regarding freedom of opinion and expression . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/07/tuyen-bo-cua-mang-luoi-blogger-viet-nam.html


- MỘT Ý KIẾN HAY VÀ THIẾT THỰC ĐỂ CHIA SẺ VỚI GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NHÀ TRANH ĐẤU ĐANG BỊ TÙ ĐÀY , BÊN CẠNH CÁC COMMENT VÀ LIKE ỦNG HỘ . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/mot-y-kien-hay-va-thiet-thuc-e-chia-se.html  


- BS. SƠN: CẨM NANG DÀNH CHO NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC TRƯỚC SỰ TÀN BẠO CỦA CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ --------- Lớp huấn luyện của Phạm Hồng Sơn . 27 ghi chú dành cho những Tù nhân Lương tâm dự khuyết . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/07/bs-son-cam-nang-danh-cho-nguoi-viet-yeu.html


-  Câu chuyện bó đũa người Việt có ai không biết ? Sau đây là 1 ý kiến rất hay và chính xác cần được mọi người quan tâm và áp dụng để mang lại dân chủ , hòa bình, tự do cho đất nước . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/nhung-viec-can-uoc-quan-tam-mot-vai-gop.html


- Thông báo của Chúng Ta - Công Dân Tự Do về việc tiếp tục công khai phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại những nơi công cộng. Mời gọi các bạn trẻ cùng các bác, các cô, chú, anh chị tiếp tay để tất cả Chúng Ta đem những ý tưởng về Quyền Làm Người đến với đồng bào . -------- Tải xuống cuốn "Câu chuyện về Quyền Con Người" . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/thong-bao-cua-chung-ta-cong-dan-tu-do.html



- TỔNG HỢP : TÌNH HÌNH GẦN ĐÂY VỀ SỰ XÂM LƯỢC TRẮNG TRỢN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM VÀ VÕ MỒM , NGHE ĐẾN NHÀM CỦA ĐẢNG TA. http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-trung-quoc-xam-luoc-va-su-cuoi.html


- TỔNG HỢP VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VÀ NHỮNG TRÒ BỊP BỢM, MỊ DÂN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-ve-sua-oi-hien-phap-va-nhung.html     


- TỔNG HỢP : BÓTAY.COM.VN - CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP CHỈ CÓ Ở “THIÊN ĐƯỜNG” XHCNVN . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/xem-them-chuyen-dai-nhieu-tap-chi-co-o.html


....................................

2 nhận xét:

  1. - Thứ ba, ngày 13 tháng tám năm 2013

    Những điều cần biết thêm về Tướng Quân Trần Độ, người của sự thật ( vài kỷ niệm vặt giữa nhà văn Vũ Thư Hiên với Trần Độ )

    http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/08/nhung-ieu-can-biet-them-ve-tuong-quan.html

    Trả lờiXóa
  2. - Thứ hai, ngày 19 tháng tám năm 2013

    "Nhật ký rồng rắn" củaTướng quân Trần Độ và việc thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Việt Nam .

    http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/08/nhat-ky-rong-ran-cuatuong-quan-tran-o.html

    Trả lờiXóa