Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

"Tôi chỉ có tham gia những cuộc tuần hành chống Trung Quốc xâm lược thôi mà bị như thế này thì tôi hỏi rằng cơ đồ đất nước này sẽ đi tới đâu?" - Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh ( “Sao không quản lý xuất nhập cảnh đối với Trung Quốc?” )


“Sao không quản lý xuất nhập cảnh đối với Trung Quốc?”


Gần đây, nhiều trường hợp những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc, những cây bút tự do hoặc những người lên tiếng cho vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam lần lượt phát hiện mình bị cấm xuất cảnh khi họ có công việc phải ra nước ngoài.



Courtesy FB Nguyễn Hữu Vinh
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, ảnh chụp trước đây tại Hà Nội.

Tình trạng này chiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam ra sao?

Đến sân bay mới biết



Ngày 2/8 vừa qua, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự chuẩn bị xuất cảnh sang Singapore. Bức xúc trước sự việc trên, blogger này kể với Đài Á Châu Tự Do:

“Tôi đưa mẹ tôi ra sân bay để làm thủ tục bay đi khám bệnh ở Singapore. Lúc làm xong các thủ tục về vé, vào đến phòng xuất cảnh thì tôi bị giữ lại. Tôi không hiểu lý do tại sao thì người ta đưa tôi vào một căn phòng và bảo tôi bị dừng xuất cảnh theo yêu cầu của công an Hà Nội.”

Trường hợp đến sân bay mới phát hiện bị dừng xuất cảnh đã xảy ra với rất nhiều blogger và những người lên tiếng trong những vấn đề chủ quyền biển đảo, dân chủ, nhân quyền như blogger Người Buôn Gió, nhà văn Đào Hiếu, Linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam Phạm Trung Thành, linh mục Đinh Hữu Thoại, nhà thơ Bùi Chát, blogger Nguyễn Hoàng Vi, blogger Uyên Vũ v.v…

Tôi đưa mẹ tôi ra sân bay để làm thủ tục bay đi khám bệnh ở Singapore. Lúc làm xong các thủ tục về vé, vào đến phòng xuất cảnh thì tôi bị giữ lại.

Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh


Theo Luật sư Trần Đình Triển, nếu xảy ra sự việc cấm xuất cảnh thì công dân có quyền được biết quyết định trên. Ông nói:

“Những sự việc liên quan đến quyền tự do đi lại của dân thì các cơ quan thẩm quyền có quyền áp dụng nhưng phải áp dụng theo đúng quy định của pháp luật. Liên quan đến quyền của họ (công dân) thì phải gửi quyết định cho họ. Bản thân họ có quyền khiếu kiện, khiếu nại về quyết định đó đúng hay sai. Chứ tình trạng ra quyết định mà họ không biết nhiều khi gây ra rất nhiều thiệt hại cho họ.

Ví dụ có bố mẹ ốm đau, người ta xuất cảnh, bản thân họ phải chuẩn bị vé, nhiều khi vì đưa bố mẹ đi khám bệnh hay đưa con đi học, người ta phải bán cả gia tài để lo cho một chuyến đi như vậy. Tự nhiên cấm xuất cảnh thì sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho bản thân họ.”

Luật sư Nguyễn Đình Triển cho biết ngoài vấn đề quyền công dân, việc thông báo quyết định dừng xuất cảnh còn giúp người bị cấm xuất cảnh nhận biết về vấn đề vi phạm và mau chóng có biện pháp giải quyết.

“Họ phải được biết. Họ biết thì họ không phải bị những chuyện thứ nhất là họ biết thì họ không chuẩn bị chuyến đi đó. Thứ hai là họ biết việc như vậy thì họ xem họ bị lỗi gì, lý do gì họ bị cấm xuất cảnh, họ có quyền khởi kiện lên cơ quan có thẩm quyền để xem xét áp dụng biện pháp đó hạn chế quyền dân chủ, quyền tự do đi lại của công dân.”

Các blogger cho biết hiện nay việc thực hiện gửi thông báo quyết định cấm xuất cảnh gần như không được thực hiện. Thậm chí, một số blogger chuyên viết về những vấn đề nhạy cảm nói thẳng rằng muốn biết mình có bị cấm xuất cảnh hay không, cách kiểm tra duy nhất là… đến phi trường, sau khi đã mua vé để ra nước ngoài!



Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh trong một lần bị công an TP Hà Nội triệu tập hồi năm 2011. File photo.


Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh thì ví việc xuất nhập cảnh giống như một cái bẫy. Ông nói:

“Vấn đề cấm xuất cảnh, xưa nay tôi có nói với mấy người ở trong chỗ bộ phận quản lý xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài là công dân Việt Nam bây giờ giống như bầy cá trong chậu. Các ông mở cho lối nào thì đi, không mở thì chúng tôi phải chịu. Nhưng làm gì thì làm, trong một nhà nước pháp quyền, Hiến pháp, pháp luật ghi rõ là phải đảm bảo quyền tự do đi lại của công dân. Mà bây giờ xuất nhập cảnh giống như một cái bẫy ấy, cứ đến đấy là sập. Chúng tôi tốn biết bao nhiêu công sức.

Mẹ tôi bỏ cả tuần sắp xếp công việc các thứ, từ trong quê ra đến đây, nắng nôi vất vả như vậy, bây giờ đi đến đây rồi quay trở về. Tiền vé không được hoàn lại. Tất cả chi phí này khác cũng như kế hoạch lỡ dở của gia đình, thì họ bảo là “chúng tôi không có trách nhiệm trong việc đó. Chức năng, trách nhiệm của chúng tôi là không cho anh xuất cảnh”.

Cũng là một nạn nhân của việc bị cấm xuất cảnh mà không biết, linh mục Đinh Hữu Thoại của Dòng Chúa Cứu Thế đã thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật là làm đơn khởi kiện gửi đến tòa án hành chính nơi ngăn chặn xuất cảnh là tòa án Tây Ninh. Tòa án này mặc dù trước đó nói rằng đây là việc trong thẩm quyền của họ, nhưng sau đó đã hoãn lại đơn và đình chỉ vụ án.

Còn trong trường hợp khác người ta không dính líu gì đến những chuyện đó mà đưa ra quyết định cấm xuất cảnh mà không giải thích lý do và không cho người ta biết thì tôi cho rằng việc đó không đúng.

LS Trần Đình Triển


Linh mục Đinh Hữu Thoại kháng án xin phúc thẩm lên tòa án nhân dân tối cao TPHCM. Trả lời phúc thẩm vẫn giữ nguyên kết quả án sơ thẩm của tòa án Tây Ninh. Linh mục Đinh Hữu Thoại tiếp tục xin phúc thẩm ở tòa án tối cao ở Hà Nội và ngày 16/7 ông nhận được văn thư trả lời. Ông cho biết:

“Vừa rồi nhận được văn thư trả lời của họ. Họ quy tôi vào hai điều, thứ nhất là nằm trong đối tượng vi phạm an ninh quốc gia gì đó, nhưng chứng minh bằng pháp luật hiện nay thì tòa án nhân dân tối cao Hà Nội thứ nhất là lấn quyền của thường vụ quốc hội, bởi vì theo luật Việt Nam hiện nay, chỉ có thường vụ quốc hội mới có quyền giải thích luật, thứ hai là họ lấn quyền của thủ tướng trong việc hiện nay thủ tướng chưa đưa ra một danh mục những loại tội nào nằm trong danh mục xâm phạm an ninh quốc gia, mà tòa án Hà Nội đã ghép tôi vào danh mục đó, tức là họ tự lấn quyền của thủ tướng. Vừa rồi tôi có văn thư để tố cáo sự lạm quyền của tòa án nhân dân tối cao Hà Nội."

Theo luật sư Trần Đình Triển, về nguyên tắc, việc áp dụng lệnh cấm xuất cảnh được thực hiện đối với người đang bị khởi tố hoặc bị khởi kiện về mặt hành chính hay dân sự. Việc cấm xuất cảnh nhằm bảo đảm việc họ có trách nhiệm làm việc với cơ quan có thẩm quyền của nhà nước hoặc thực hiện các nghĩa vụ dân sự.

Luật sư Trần Đình Triển: “Còn trong trường hợp khác người ta không dính líu gì đến những chuyện đó mà đưa ra quyết định cấm xuất cảnh mà không giải thích lý do và không cho người ta biết thì tôi cho rằng việc đó không đúng.”

Đất nước này sẽ đi về đâu?


Hồi đầu tháng 8 Trung Quốc đã cho 23.000 tàu cá cùng nhiều tàu hải giám bảo vệ từ vùng Hải Nam tràn xuống Biển Đông càn quét mọi loại cá.


Thời gian gần đây, ngoài việc ngăn chặn xuất cảnh, những gương mặt thường xuyên xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn hoặc những cây bút chuyên đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo còn gặp ngăn trở trong việc tự do đi lại ở khu vực, đặc biệt vào các ngày chủ nhật. Rất nhiều người đã lên tiếng về việc họ bị công an theo dõi, ngăn chặn tại nhà, không cho đi biểu tình vào ngày chủ nhật.

Quá bức xúc trước những sự việc đang diễn ra cũng như những sai phạm, nghịch lý trong vấn đề quản lý xuất nhập cảnh, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh lên tiếng:

“Trong khi tôi ngồi ở phòng quản lý xuất nhập cảnh họ dừng tôi, tôi có nói với họ rằng:

“Ngày hôm nay, hai ba nghìn thuyền Trung Quốc xông vào Việt Nam, không thấy ai quản lý xuất nhập cảnh.

Mà những người như tôi, xét lại thì tôi chỉ có tham gia những cuộc tuần hành chống Trung Quốc xâm lược thôi mà bị như thế này thì tôi hỏi rằng cơ đồ đất nước này sẽ đi tới đâu?
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh


Hàng nghìn lao động chui ở Cà Mau mà không quản lý xuất nhập cảnh, không ai biết; rồi những người tham ô hàng nghìn tỷ của nhà nước chạy trốn ra khỏi đất nước thì không thấy công an làm việc. Mà những người như tôi, xét lại thì tôi chỉ có tham gia những cuộc tuần hành chống Trung Quốc xâm lược thôi mà bị như thế này thì tôi hỏi rằng cơ đồ đất nước này sẽ đi tới đâu?”

Câu hỏi trên không chỉ riêng một mình blogger Nguyễn Hữu Vinh đặt ra, mà những người quan tâm đến hiện tình đất nước đều bày tỏ bức xúc và lo lắng trước những hành động trấn áp của lực lượng an ninh đối với những người tham gia biểu tình.

Ngày 27/7 vừa qua, 42 nhân sỹ trí thức đã làm đơn gửi lên Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TPHCM đề nghị cho phép tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, nhưng ngày 7/8, lãnh đạo thành phố đã có cuộc họp với 3 người đứng đơn và cho biết “chưa chủ trương biểu tình lúc này”. Trong khi đó, việc Trung Quốc liên tục đưa hàng ngàn tàu cá ra hoạt động ở khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã khiến cho không chỉ người dân, mà nhiều cơ quan báo chí chính thống cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Theo dòng thời sự:


Khánh An, phóng viên RFA
2012-08-12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét