Người Mỹ gốc Á biểu tình chống Trung Quốc
Tổ chức US Pinoys for Good Governance biểu tình trước toà Lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco (Reuters)
Thái độ hung hăng của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền
biển đảo khiến mọi nước châu Á quan ngại, từ Ấn Độ đến Úc hay ngược lên
vùng Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, rồi lên tới Nhật
Bản. Tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Mỹ gốc Á châu cũng bắt đầu bày tỏ thái
độ.
Hai tổ chức người Mỹ gốc Á có hội sở tại California đã mở cuộc vận động dư luận biểu tình chống lại ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc và thế giới - Ngân hàng Công thương Trung Quốc ICBC. Nhưng vì sao lại chống một ngân hàng ? Từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích.
RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, nhiều đoàn thể trong cộng đồng người Mỹ gốc Á bắt đầu mở chiến dịch phản đối Trung Quốc sau thái độ gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ngày 21/08 này, họ sẽ tổ chức biểu tình và họp báo trước chi nhánh của ICBC, một ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc tại San Francisco. Theo dõi chuyện này, xin anh cho thính giả biết rõ bối cảnh của tình hình.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa anh và kính thưa quý thính giả của đài Phát thanh Quốc tế Pháp. Hoa Kỳ có khoảng 17-18 triệu người gốc Á Châu, đây là ta kể cả những người có huyết thống Á châu từ cha hay mẹ. Đông nhất trong số này là những người gốc Ấn Độ, Trung Quốc và Phi Luật Tân. Kế tiếp là Việt Nam rồi Đại Hàn và Nhật Bản, sau đó mới đến các xứ khác.
Việc Trung Quốc có thái độ hung hăng từ ngoại giao đến kinh tế và quân sự ở vùng biển Đông Nam Á tất nhiên được người Mỹ gốc Á quan tâm, kể cả người Mỹ gốc Hoa vì không phải người Hoa nào cũng đồng ý với chính quyền Bắc Kinh. Đó là tại Hoa Kỳ. Tại Châu Á thì hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng thấy là họ phải có phản ứng, như trường hợp Ấn Độ hay Nhật Bản và nhất là các nước Đông Nam Á. Chuyện ấy cũng ảnh hưởng đến cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Trong cộng đồng này, xuất hiện sớm nhất và thật ra có dân số đông đảo ngang ngửa với người Hoa người Ấn chính là cộng đồng Phi Luật Tân. Khi xứ Phi Luật Tân bị Trung Quốc uy hiếp thì họ càng muốn có phản ứng mạnh. Hai đoàn thể vận động mà anh vừa nhắc tới xuất phát từ cộng đồng Phi Luật Tân. Đó là "Liên đoàn Quốc gia người Mỹ gốc Á NAAC" và tổ chức "US Pinoys for Good Governance", là Người Phi Luật Tân Tranh Đấu Cho Một Chế Độ Cai Trị Tốt. Pinoys là danh xưng của người Phi, từ "pino" trong chữ Pilippino và chữ "y" của thổ ngữ Tagalog.
RFI : Anh nói rằng chính người Philippines khởi xướng chuyện phản đối, thế còn người Mỹ gốc Việt thì sao, thưa anh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện này đáng chú ý thưa anh. Chính quyền Manila có thái độ đương cự Trung Quốc rất rõ rệt nên cộng đồng người Phi tại Mỹ và ở nhà coi như một lòng và dù không mấy ồn ào, người Mỹ gốc Phi hoạt động từ đã lâu và có sức huy động khá cao.
Trong khi đó, Chính quyền Việt Nam thì có thái độ nhập nhằng nước đôi và còn đàn áp những người ở nhà tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Vì vậy, người Mỹ gốc Việt cho rằng vấn đề Trung Quốc của Việt Nam chính là đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức tranh đấu dồn nỗ lực phá vỡ hệ thống bảo vệ sự xâm lăng của Trung Quốc hiện nằm tại Hà Nội.
Tuy nhiên, nhiều đoàn thể người Việt tại Mỹ đã kêu gọi phải có thái độ, ví dụ như tẩy chay hàng Trung Quốc, và Tháng Sáu vừa qua, người Việt cũng đã cùng người Phi biểu tình chống Trung Quốc tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York. Tôi nghĩ là trong tương lai, người ta sẽ thấy sự kết hợp rộng lớn của dân Mỹ gốc Á, tương tự như sự liên kết mặc nhiên giữa các nước ở tại khu vực Đông Á.
RFI : Anh giải thích thế nào về sự kiện là trong cuộc biểu tình sắp tới các tổ chức người Mỹ gốc Philippines lại nhắm vào Ngân hàng Công thương Trung Quốc ICBC ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng đấy là một kỹ thuật đấu tranh tinh vi. Họ có Liên đoàn Quốc gia người Mỹ gốc Á là một tổ chức hỗ tương để bảo vệ quyền lợi và nâng đỡ doanh gia Mỹ-Á. Hội sở chính của họ ở tại miền Bắc California, ngoại ô phía Nam của San Francsico, với chi nhánh tại San Diego ở miền Nam California và tại thủ đô Hoa Kỳ. Tổ chức kia, tức là Pinoys for Good Governance thì thiên về chính trị và đấu tranh chi dân chủ. Hai tổ chức này phối hợp tấn công Trung Quốc từ hai ngả.
Trung Quốc Công Thương Ngân Hàng ICBC của Bắc Kinh là ngân hàng có tài sản lớn nhất thế giới, đang bung ra khắp nơi và trù tính sát nhập hai ngân hàng gốc Á tại Hoa Kỳ là East-West Bank và Cathay Bank có tài sản là 33 tỷ đô la là 175 chi nhánh.
Liên đoàn NAAC nêu lý do là ngân hàng ICBC này có chính sách kỳ thị và không tuyển dụng, tài trợ hay đầu tư với người Mỹ gốc Á, gốc Nam Mỹ, gốc Phi Châu và vì vậy vi phạm luật lệ Mỹ. Họ vừa biểu tình phản đối ngày 21/08 này, vừa yêu cầu tiếp xúc với cơ quan hữu trách là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vào mùng 10/09 để chính thức yêu cầu điều tra và cấm ngân hàng ICBC này không được mua thêm ngân hàng của Mỹ trong năn năm tới.
Qua việc này, Liên đoàn NAAC muốn huy động hậu thuẫn của cộng đồng thiểu số da màu vì tội kỳ thị của ngân hàng Trung Quốc, vừa dùng hai đạo luật của Hoa Kỳ để chặn cửa ngân hàng ICBC vì đòi nhà chức trách Mỹ kiểm tra lại. Tôi còn cho rằng họ không muốn một ngân hàng của Bắc Kinh sẽ dùng vỏ bọc là hai ngân hàng East West và Cathay để xâm nhập và hoạt động trong cộng đồng Á châu.
Song song, hai tổ chức này cũng tố cáo Công thương Ngân hàng của Trung Quốc là trực tiếp hay gián tiếp tài trợ hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại vùng biển Đông Nam Á. Đấy là lúc tổ chức Pinoys kia nhắc đến quyền lợi của các nước liên hệ như Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysie, Indonesia và cả Nhật Bản cùng Đài Loan. Họ kêu gọi người Mỹ gốc Á thống nhất hành động để Bắc Kinh phải thương thuyết theo đúng luật pháp quốc tế. Chính tổ chức Pinoys này chủ xướng cuộc biểu tình sắp tới tại California.
RFI : Chúng ta sẽ theo dõi cuộc vận động này, nhưng riêng anh thì có ý kiến gì thêm về cách đấu tranh của người Mỹ gốc Á ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin tự giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Nếu chịu khó tìm hiểu luật lệ Hoa Kỳ liên quan đến Trung Quốc thì người ta có thể tìm ra nhiều đầy mối tác động vào cả chính trường lẫn thị trường Mỹ. Thí dụ như việc Trung Quốc chưa có quy chế của một nền kinh tế thị trường nên có thể bị tấn công bằng nhiều ngả qua các doanh nghiệp và các cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ.
Tai châu Âu, Cộng Hoà Liên Bang Đức cũng rất tích cực đầu tư và tìm thị trường, nhưng họ rất nghiêm khắc với Trung Quốc vì cái quy chế ấy chứ không nhắm mắt ngậm miệng ăn tiền như Mỹ. Nếu người Mỹ được dân Á châu nhắc nhở về sự sai trái của Trung Quốc và nhất là những thiệt thòi cho bản thân thì họ sẽ có phản ứng. Còn về phương thức đấu tranh khác thì xin nhường cho các đoàn thể chính trị.
RFI Việt ngữ xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.
rfi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét