Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Mỹ chỉ trích TQ việc nâng cấp Tam Sa, đồn trú quân trên quần đảo Hoàng Sa, gây căng thẳng ở Biển Đông. Đồng thời Mỹ xem xét điều thêm máy bay ném bom, tàu ngầm tới Thái Bình Dương.



Mỹ xem xét điều thêm máy bay ném bom, tàu ngầm tới Thái Bình Dương


Các nhà hoạch định Lầu Năm Góc sẽ xem xét bổ sung thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ một kế hoạch của Mỹ nhằm chuyển sự tập trung sang các thách thức an ninh ở khu vực này.


Một máy bay ném bom B-52 cùng 2 chiến đấu cơ F/A-18 Hornets bay gần tàu sân bay Mỹ USS Nimitz.


Thông tin trên được một quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết hôm 1/8.


Ông Robert Scher, phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các kế hoạch, nói Lầu Năm Góc sẽ xem xét việc điều thêm các khí tài tới đảo Guam, trung tâm chiến lược của Mỹ ở phía tây Thái Bình Duơng và điều này đã được đề xuất trong một nghiên cứu độc lập về các kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực.

Chiến lược của Mỹ đã kêu gọi chuyển các nguồn lực kinh tế, ngoại giao và quân sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau một thập niên bị sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Mỹ phải cân nhắc vấn đề trên với tầm nhìn mang tính toàn cầu và xem xét các yêu cầu khác, ông Scher phát biểu trong một cuộc điều trần tại Hạ viện.

Đảo Guam là lãnh thổ của Mỹ nằm ở Thái Bình Dương gần Philippines. Không quân Mỹ có căn cứ Andersen trên đảo, nơi có một đơn vị máy bay ném bom B-52 luân phiên. Hải quân Mỹ cũng có một đội gồm 3 tàu ngầm tấn công tại đây.


Bản đánh giá độc lập và mối lo ngại từ Trung Quốc


Đảo Guam là lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Thái Bình Dương.


Đánh giá mới về sự bố trí lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực đã được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một nhóm nghiên cứu chính sách độc lập, thực hiện theo đề nghị của quốc hội Mỹ.

CSIS đã đề xuất trong một báo cáo được công bố hồi tuần trước về việc triển khai thêm 1 hoặc nhiều tàu ngầm tấn công tại Guam nhằm cung cấp một lợi thế quan trọng chống lại các công nghệ “chống tiếp cận khu vực” mà Trung Quốc đang phát triển để không cho quân đội Mỹ tiếp cận khu vực.

CCIS cũng nhắc tới một phương án khác là đặt thường trực một phi đội gồm 12 máy bay B-52 tại Guam thay cho cách làm hiện thời là luân phiên chúng tới đây từ các căn cứ tại lục địa Mỹ.

Một vấn đề chính mà Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang đối mặt trong khu vực là “sức mạnh và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự ổn định và trật tự trong những năm tới”, báo cáo của CSIS cho biết.

CSIS nói rằng các lực lượng Mỹ có thể giúp định hình môi trường hoà bình bằng việc đứng vững trước các cam kết an ninh - một động thái có thể “ngăn chặn sự chèn ép của Trung Quốc hay sự gây hấn của Triều Tiên”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố các kế hoạch nhằm “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ từ tỷ lệ 50-50 giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương sang tỷ lệ 50-60 thiên về Thái Bình Dương. Chi tiết của sự thay đổi này chưa được công bố, mặc dù giới nói phần lớn kế hoạch liên quan tới việc bố trí các tàu chiến mới.

Ông Robert Scher cho hay Bộ quốc phòng đồng tình với báo cáo của CSIS rằng “có các cơ hội để tăng cường khí tài với Guam và gửi một thông điệp quan trọng tới khu vực”.

Hiện Mỹ không có kế hoạch triển khai thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công nào tới khu vực nhưng sẽ cân nhắc dựa trên báo cáo của CSIS, ông Scher nói thêm.

Bộ quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục thăm dò các cơ hội với Philippines, một đồng minh lâu đời, về việc triển khai các lực lượng tới “những vị trí ưu tiên” chưa xác định nhằm tăng cường an ninh hàng hải.

An Bình
Tổng hợp
Dantri


------------------------

Hoa Kỳ chỉ trích việc nâng cấp Tam Sa

Cập nhật: 00:17 GMT - thứ bảy, 4 tháng 8, 2012


Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc thành lập thành phố Tam Sa


Hoa Kỳ ra tuyên bố về Biển Đông, trong một diễn biến bất thường trực tiếp bày tỏ bất đồng chính sách với Trung Quốc.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ra hôm thứ Sáu 3/8, nói nước này "lo ngại về sự gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông và đang theo dõi sát sao tình hình".


Đề cập Tam Sa


Phó Phát ngôn Patrick Ventrell trực tiếp đề cập "việc Trung Quốc nâng cấp đơn vị hành chính ở thành phố Tam Sa và thiết lập một đơn vị quân sự đồn trú mới ở nơi này, bao trùm các vùng tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa, đi ngược lại các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng, và có nguy cơ làm tăng căng thẳng trong vùng".

"Hoa Kỳ thúc giục tất cả các bên hãy hành động nhằm làm dịu căng thẳng," ông nói.

Cuối tháng Sáu, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, rồi sau đó lại nâng cấp thành thành phố cấp khu vực.

Tuyên bố của Mỹ có thể được xem là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam, nước đã phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Hà Nội xem là của Việt Nam.

Trước đó hôm 2/8, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi kiềm chế để không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Nghị quyết này cũng nói Hoa Kỳ "cam kết hỗ trợ các nước Đông Nam Á được mạnh mẽ và độc lập".


Mỹ chọn phe?


Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc ở Washington, nói Hoa Kỳ muốn củng cố đoàn kết trong Asean.

Bà ghi nhận tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập thêm hành vi "khiêu khích" của nước nào khác.

Chi tiết này sẽ làm Trung Quốc khó chịu vì nước này "ngày càng xem Mỹ đã chọn phe và khiến Việt Nam và Philippines bạo gan đối đầu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông," bà phân tích.

Một nhà phân tích khác lại cảnh báo Hoa Kỳ có thể chỉ khiến Trung Quốc càng xem nghi ngờ của họ là chính xác.

Kenneth Lieberthal, một chuyên gia về Trung Quốc từng làm cho chính phủ Tổng thống Bill Clinton, nói: "Rất có thể Trung Quốc sẽ xem cảnh báo này không cần thiết, và xác nhận lo ngại của họ rằng Hoa Kỳ đang tìm cách đứng về phe các nước Đông Nam Á để chống lại họ.”

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhắc lại nước này "không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ và không có tham vọng lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa".

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các quốc gia trong vùng cần phải phối hợp với nhau làm việc qua con đuờng ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, không ép buộc, không hù dọa, không đe dọa và không sử dụng vũ lực," tuyên bố nói.



Bbc


---------------------


Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012

Mỹ chỉ trích Trung Quốc đồn trú quân trên quần đảo Hoàng Sa, gây căng thẳng ở Biển Đông


Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.
hoangsa.org

Đức Tâm

Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm nay, 03/08/2012, lên tiếng chỉ trích quyết định của Trung Quốc cho đồn trú quân trên quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền Washington kêu gọi bảo đảm ổn định trong khu vực.


Trong thông cáo được công bố hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, tuyên bố: "Chúng tôi lo ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình".

Vẫn theo đại diện bộ Ngoại giao Hoa Kỳ : "Đặc biệt, việc Trung Quốc nâng cấp đơn vị hành chính ở thành phố Tam Sa và thiết lập một đơn vị quân sự đồn trú mới ở nơi này, bao trùm các vùng tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), đi ngược lại các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng, và có nguy cơ làm tăng căng thẳng trong vùng".

Trước các phát biểu hung hăng về sự đối đầu tại Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Ventrell chỉ rõ : " Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các bên hãy hành động nhằm làm dịu căng thẳng".

Hôm thứ Hai, 30/07/2012, Bắc Kinh thông báo là binh sĩ Trung Quốc sẽ đóng quân ở thành phố Tam Sa, trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng không đưa ra lịch trình cụ thể. Quyết định này của Trung Quốc đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ phía Việt Nam và Philippines. Cả hai nước tố cáo Trung Quốc có ý đồ đe dọa quân sự.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn đơn phương khẳng định có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Một số nơi trong vùng biển này vẫn là nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại quan điểm này và tái khẳng định là Washington không muốn đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Toàn văn tuyên bố báo chí của ông Patrick Ventrell, quyền phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Washington ngày 03/08/2012


« Là quốc gia Thái Bình Dương và cường quốc thường trú trong khu vực, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do lưu thông hàng hải và thương mại hợp pháp, không bị cản trở, ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ này và không có tham vọng lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các quốc gia trong vùng cần phải phối hợp với nhau làm việc qua con đuờng ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, không ép buộc, không hù dọa, không đe dọa và không sử dụng vũ lực.

Chúng tôi quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và theo dõi chặt chẽ tình hình. Những diễn biến gần đây bao gồm việc ngày càng có nhiều lời lẽ đối đầu nhau, các bất đồng về việc khai thác tài nguyên, các hành động ép buộc về kinh tế và những sự cố xung quanh bãi đá Scarborough, kể cả lập hàng rào ngăn cản việc tiếp cận. Đặc biệt, việc Trung Quốc nâng cấp đơn vị hành chính ở thành phố Tam Sa và thiết lập một đơn vị quân sự đồn trú ở nơi này, bao trùm các vùng tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), đi ngược lại các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong vùng.

Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên hãy hành động để làm giảm căng thẳng, phù hợp với tinh thần của Tuyên bố ASEAN năm 1992 về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và Tuyên bố ASEAN- Trung Quốc năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng đồng thuận về một cơ chế các nguyên tắc nhằm quản lý và ngăn ngừa tranh chấp. Chúng tôi khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới việc hoàn tất một Bộ Luật Ứng xử toàn diện để thiết lập các luật lệ và các thủ tục rõ ràng nhằm giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ ủng hộ bản Nguyên tắc 6 điểm về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vừa được đưa ra.

Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên làm rõ và theo đuổi các đòi hỏi lãnh thổ và vùng biển của mình phù hợp với luật lệ quốc tế trong đó có Công ước về Luật Biển. Chúng tôi tin tưởng rằng các bên tranh chấp đều tìm kiếm cách giải quyết bằng con đường ngoại giao hoặc phương thức hòa bình khác, kể cả việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế luật pháp quốc tế khác. Chúng tôi cũng khuyến khích các bên liên quan tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác mới để quản lý việc khai thác một cách có trách nhiệm các tài nguyên ờ Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Như tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton từng nói rõ, tất cả các nước châu Á – Thái Bình Dương đều có chung trách vụ trong việc bảo đảm ổn định khu vực thông qua hợp tác và đối thoại. Để đạt được điều đó, Hoa Kỳ tích cực ủng hộ sự thống nhất và vai trò lãnh đạo của ASEAN tại các diễn đàn khu vực và đang tiến hành một loạt các cuộc tham khảo với các thành viên ASEAN và các quốc gia khác trong vùng để phát huy các giải pháp ngoại giao và góp phần củng cố hệ thống quy tắc, trách nhiệm và chuẩn mực vốn là nền tảng của sự ổn định, an ninh và sự năng động kinh tế của vùng châu Á-Thái Bình Dương ».


Rfi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét