Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Gucci ơi “nà” Gucci ! Tại sao lại niêm phong "hàng chính chủ" … trung quốc ? :-) ( Truy tìm chủ và niêm phong cửa hàng Gucci - Milano tại Sài Gòn ____ Hô 'biến' hàng gia công thành hàng hiệu xách tay )

Thứ năm, 6/12/2012, 11:48 GMT+7

Cửa hàng Milano trên đường Đồng Khởi bị niêm phong. Ảnh: Kiên Cường.
Sáng nay (6/12), shop thời trang hàng hiệu Gucci - Milano trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM cửa chốt then cài, bị dán niêm phong, bên trong im ắng không có nhân viên. Phía trước cửa hiệu này chỉ có một người tự xưng là nhân viên trông coi cửa hàng ngăn cản chụp ảnh. Băng rôn giảm giá 30-50% vẫn được treo cao.

Trung tá Bùi Thanh Nguyên, Đội phó Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM cho VnExpress.net biết, ngay sau khi bắt giữ lô hàng hiệu Dolce&Gabbana, Gucci (tại khách sạn Sheraton hôm 27/11) "nghi có dấu hiệu trốn thuế", cảnh sát đã điều tra các mối quan hệ của công ty nhập khẩu lô hàng này (công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế). Trong đó, công ty Milano được xác định là chủ lô hàng hiệu, đã ủy thác nhập khẩu cho Công ty Nam Đế. Nhiều lần cơ quan điều tra mời người có trách nhiệm của Milano đến làm việc để làm rõ những vấn đề liên quan, song Milano không hợp tác.

Cũng theo trung tá Nguyên, sau nhiều ngày chờ đợi Milano không được, đến sáng 5/12, cán bộ PC46 đã đến trụ sở Milano đề nghị hợp tác điều tra nhưng cũng không có người đại diện. Các nhân viên tránh né, mọi số điện thoại của những người được cho là lãnh đạo công ty đều không liên hệ được. Cơ quan điều tra sau đó đã niêm phong toàn bộ cửa hàng, ra thông báo Milano phải có người đại diện làm việc với cơ quan điều tra vào lúc 9h sáng 6/12.

"Tuy nhiên, sáng nay chúng tôi có mặt và chờ phía Milano đến 10h30 vẫn không có ai đại diện làm việc. Cơ quan điều tra sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để truy tìm người có trách nhiệm của Milano", Đội phó Nguyên khẳng định.

Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời đại diện Milano lên làm việc, song họ tránh né. Ảnh: Quốc Thắng.
Ông Đỗ Trung Kiên, phụ trách an ninh của khách sạn Sheraton, nơi Milano thuê mặt bằng, cho biết mấy ngày nay công an đã làm việc với phía khách sạn. "Milano chỉ là đơn vị thuê mặt bằng tại đây ít nhất 9 năm và họ có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì ban giám đốc mới ký hợp đồng. Chúng tôi đã hợp tác công an đáp ứng tất cả những gì họ yêu cầu", ông Kiên nói.

Nhân viên khách sạn này cũng cho biết từ hôm qua đến nay có nhiều khách hàng mang ví, túi xách, quần áo... đến để hỏi về nguồn gốc xuất xứ vì họ cho rằng đây là hàng giả. "Tuy nhiên, do cửa hàng bị niêm phong và không có nhân viên của Milano nên họ rất bức xúc", nhân viên Sheraton nói.

> Ảnh Cửa hàng Milano - Gucci bị niêm phong

Liên quan đến xuất xứ hàng hóa của lô hàng Milano bị công an tạm giữ, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4 - cảng ICD Phước Long, quận 9 cho biết, trước khi thông quan, theo quy định của Bộ Công thương, hàng may mặc phải được kiểm tra tồn dư các chất độc hại. Công ty nhập khẩu hàng là Nam Đế đã đăng ký kiểm định tại Công ty Vinacontrol.

"Ngày 23/11, Nam Đế đến đăng ký kiểm định. Ngày 26/11, khoảng hơn 15h chúng tôi tới tiến hành lấy mẫu. Sau đó một ngày thì có kết quả kiểm tra. Chúng tôi chỉ kiểm tra xem hàng may mặc có đạt chất lượng hàng hóa nhập khẩu hay không chứ không kiểm tra xuất xứ", ông Lê Ngọc Lợi, Trưởng phòng giám định 2 Vinacontrol khẳng định.

Lô hàng có 526 cái quần áo, váy đầm, khăn các loại, kết quả cho thấy đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Vinacontrol không kiểm định chất lượng túi xách trong lô hàng.

Tuy nhiên, theo tờ khai hải quan của công ty nhập khẩu Nam Đế thì lô hàng xuất xứ - nhà sản xuất: Trung Quốc. Đơn vị xuất khẩu là Công ty China National Aero Zhuhai Import Ecport Co., LTD.

Công ty Nam Đế, đơn vị nhập khẩu lô hàng nói trên có trụ sở ở số 451/43 A Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM là một căn phòng thuê để ở của giám đốc công ty này. Một tấm biển nhỏ ghi Công ty Nam Đế phía ngoài với số di động nhiều ngày nay cũng không thể liên lạc.

Ngày 27/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế TP HCM bắt giữ 4 chiếc ôtô tải chở hàng tấn áo quần, túi xách, dây nịt các loại ở dưới tầng hầm khách sạn Sheraton, 88 Đồng Khởi. Giấy tờ nhập khẩu lô hàng này do công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế đứng tên. Công ty xuất hàng nằm tại Quảng Đông, Trung Quốc. Đường đi của lô hàng bắt đầu từ Hong Kong.

Trong tờ khai nhập khẩu của Công ty Nam Đế, nhiều mặt hàng sơ mi nam, áo thun nữ, quần dài nam có giá nhập khẩu rẻ mạt dù mang mác xịn. Ví dụ váy ngắn chỉ 5,5 USD mỗi cái, giầy nam 3,8 USD mỗi đôi, áo khoác nữ 3,7 USD một cái. Toàn bộ lô hàng vào Việt Nam chỉ phải đóng 27 triệu đồng tiền thuế.

Đến sáng nay, đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế TP HCM (PC46) cho biết vẫn chưa kiểm xong lô hàng "nghi là hàng lậu" trên 4 xe tải trên. Cơ quan điều tra vẫn chưa xác định số hàng quần áo, dây nịt, giày dép mang mác Dolce&Gabbana, Gucci... trên là hàng thật hay giả vì còn chờ kết luận từ cơ quan kiểm định.

Kiên Cường - Quốc Thắng
Vnexpress


_____________________



Hô 'biến' hàng gia công thành hàng hiệu xách tay


Cập nhật lúc :4:08 PM, 04/12/2012

Ngay khi các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới ra mắt những dòng sản phẩm mới thì trên thị trường cũng xuất hiện hàng "nhái" có mẫu mã y hệt.

>>Choáng với túi Gucci hàng hiệu giá gốc chỉ vài USD

Con phố chuyên bán mác "made in Vietnam"

Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều nhãn hiệu hàng Việt Nam cao cấp như Sanciaro, Manhattan, Viettien Smartcasual, Mattana, An Phước, Jemma, Gosto, Nino Maxx. Vera, WOW... Một số thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Moschino, LV, Hermes, Prada, CK, Dolce & Gabbana, Chanel, Christian Dior, Fendi... đến các thương hiệu "bình dân" như: H&M, Charles& Keith, Nine West, Zara, Mango... đều có chi nhánh phân phối và góp mặt trong các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam.

Việc bỏ ra vài chục triệu cho đến vài chục triệu đồng mua một chiếc túi, áo, váy, đôi giày "xịn" không còn khó khăn đối với người có mức thu nhập cao. Ngay cả trong thời kì "lạm phát", nhiều cô hoa hậu, người mẫu vẫn sải bước tại các sự kiện văn hóa với những chiếc túi xách, váy áo giá trị lên đến hàng tỉ đồng. Bên cạnh những mặt hàng "xịn" còn xuất hiện rất nhiều hàng "nhái", hàng fake (hàng hiệu nhái) được trà trộn và bày bán tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng dù nghi ngờ là hàng fake vẫn tặc lưỡi mua vì được tiếng "sang".

Nhiều người thì chuyển sang sử dụng các mặt hàng "made in Vietnam", hàng Việt Nam xuất khẩu của các hãng như H&M, Mango, Zara. Tâm lý "người Việt dùng hàng Việt" và đầu tư các mặt hàng "xịn" để "biết mùi" chất lượng hàng ở "bển" thế nào là một xu hướng tiêu dùng tích cực.

Túi Chanel "fake" (nhái) cũng có nhãn mác y hệt hàng "xịn"
Tuy nhiên, nhiều người biết món hàng "xịn", hàng "made in Vietnam" lại chính là hàng gia công từ Trung Quốc, hoặc các xưởng may tư nhân tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng họ vẫn mua vì thích thể hiện. Để có câu trả lời về quá trình "phù phép" quần áo gia công thành "made in Việt Nam", PV Người Đưa Tin đã tìm đến các cửa hàng in nhãn mác tại Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Trong vai một khách hàng muốn tìm "mối" mua buôn hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu, PV đã được một chủ cửa hàng trên phố Hàng Bồ "bật mí", thực tế hàng Việt Nam xuất khẩu lỗi chủ yếu được đặt hàng từ các khu may gia công ở Cổ Nhuế, Việt Hưng, Ninh Hiệp (Hà Nội) hoặc đặt tại các xưởng may gia công của Trung Quốc... Người bán chỉ việc đặt các mác có logo Zara, Bebe, Mango, F21, H&M đem về khâu, đính lên quần áo là có hàng "made in Vietnam". Các loại nhãn mác này thường được bán với giá 400 - 500 đồng/chiếc.

Cũng theo tìm hiểu của PV, khu Hàng Bồ chỉ "đảm nhận" công việc bán những chiếc mác loại đơn giản. Những chiếc mác kiểu này thường được cách điệu đi, khác một chút so với các nhãn, mác "xịn" nổi tiếng ngoài thị trường. Muốn đặt hàng những chiếc mác "giống y hệt" thì phải tìm đến các chủ cơ sở sản xuất nhãn mác tại Hà Đông (Hà Nội), Cổ Nhuế.

Lần theo một vài "mối" nhận sản xuất nhãn mác, phóng viên đã gọi đến số điện thoại của một chủ cơ sở sản xuất mác tại Hà Đông. Ban đầu, người chủ khẳng định là cơ sở không in mác quần áo fake mà chỉ sản xuất mác cá nhân theo đơn đặt hàng của các công ty may, xưởng may. Sau một hồi "gạ gẫm" và hứa sẽ đặt hàng với số lượng lớn, giao nhận tiền đặt cọc đầy đủ, chủ cơ sở mới rụt rè tiết lộ.

Nhiều xưởng may ở Hà Đông, Cổ Nhuế... nhận làm in ấn mác với điều kiện đặt hàng từ 500 chiếc trở lên. Muốn đặt in mác theo bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, khách hàng chỉ cần đưa mẫu nhãn, mác đó đến cửa hàng, nhìn vào chất liệu giấy, chủ tiệm sẽ báo giá sau. Chỉ khoảng 5 - 7 ngày là có thể hoàn toàn vài trăm chiếc mác các kiểu giống y như thật. Một đơn hàng từ 500 chiếc như vậy sẽ có giá từ 400 - 500 đồng/chiếc mác với kiểu dáng cầu kỳ phức tạp. Đường đi của những chiếc mác hàng "xịn" là như thế đó.

"Hô biến"hàng gia công thành hàng xách tay

Từ vài năm trở lại đây, con phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) đã được mệnh danh là "thiên đường hàng hiệu". Phố Nguyễn Sơn lại có lợi thế nằm cạnh nhiều cơ quan của ngành hàng không Việt Nam và trung tâm của đoàn tiếp viên hàng không. Do đó, dễ hiểu vì sao hàng xách tay lại quy tụ nhiều nhất ở đây. Các cửa hàng bán đồ xách tay tại đây mọc lên như nấm từ mặt phố đến các ngõ ngách. Thời kỳ "lạm phát" đi kèm với vật giá leo thang vẫn không làm xu hướng chơi "hàng hiệu" của người có điều kiện kinh tế hạ nhiệt.

Chị Thu Linh (Hàng Đường, Hà Nội), "khách ruột" của các cửa hàng xách tay cho biết, các mặt hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn chủ yếu là túi xách, quần áo, mỹ phẩm, kính... của những nhãn mác hàng hiệu nổi tiếng thế giới như: Burberry, Lacoste, LV, Versace, D&G, Just Cavalli, Ohui, Channel, Olay, L'Oreal... Mức giá ở đây cũng khá cao, trong đó chỉ một số ít mỹ phẩm, quần áo có giá tiền trăm còn hầu hết các mặt hàng được tính bằng tiền triệu đồng.

Từ mác cá nhân đến mác những thương hiệu lớn làm giả như thật được bán tại Hàng Bồ
Mặc dù là "khách ruột" nhưng chị Linh vẫn lo ngại, vì nhiều năm nay, ở phố Nguyễn Sơn không chỉ bán hàng "xịn" do các tiếp viên hàng không mang ở "bển" về theo mỗi chuyến bay mà còn trà trộn kha khá hàng “nhái” từ Trung Quốc. Kinh nghiệm "đau thương" nhất là chị từng mua một chiếc túi Buberry với giá 10 triệu đồng, rẻ hơn giá ở showroom Buberry một nửa. Thế nhưng, đến khi sang nước ngoài công tác, hải quan bên đó đã thu lại chiếc túi của chị để kiểm tra và phát hiện ra đó là hàng fake cao cấp.


Những ai chưa từng đến phố Nguyễn Sơn có lẽ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và phải có sự so sánh cực kỳ kỹ lưỡng, cẩn trọng khi mua hàng ở đây để tránh bỏ tiền mua hàng hiệu lại rước về hàng fake. Với khoảng gần 20 cửa hàng bán đồ xách tay, chỉ có một vài hàng bán đồ thực sự mang thương hiệu nổi tiếng và có chất lượng tốt. Số cửa hàng còn lại bày bán đồ rẻ tiền không thương hiệu của nước ngoài nhưng giá khá cao và để kiểm chứng được nguồn gốc của chúng cũng chỉ có thể phụ thuộc vào người bán!?

Tại ngõ 115, một cửa hàng quả quyết khẳng định hàng do người nhà làm tiếp viên xách tay về nhưng khi xem đồ thì giá rẻ giật mình. Mỗi chiếc khăn quàng cổ có giá  từ 200.000 - 300.000 đồng, túi xách tay khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tính tỷ lệ ăn chia với tiếp viên hoặc phi công vận chuyển hàng về, liệu mặt hàng này có giá thấp như vậy được không? Liệu đây có phải hàng gia công trộn vào trong khi giá của các loại túi xách này cao ngất ngưởng từ 7 - 18 triệu đồng?

Cũng theo "bật mí" của chị Thanh Hà, một chủ một cửa hàng quần áo, mỹ phẩm xách tay đã giải nghệ, không phải hàng xách tay nào cũng có nguồn gốc từ Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan... Bởi nhiều cửa hàng muốn kiếm lợi nhuận cao thường móc nối với các đầu mối chuyên đổ buôn hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc). Hàng nhái sẽ được "trà trộn" bán cùng với các mặt hàng "xịn" do các tiếp viên hàng không mang về.

Tại những khu chợ thương mại của Quảng Châu có rất nhiều các gian hàng chuyên buôn bán và sản xuất hàng mỹ phẩm, hàng thời trang "nhái" các hãng nổi tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.

Ngay khi các thương hiệu thời trang nổi tiếng ra mắt dòng sản phẩm mới, bộ sưu tập mới thì trên thị trường cũng xuất hiện hàng nhái có mẫu mã y hệt. Nhiều xưởng gia công tại Quảng Châu chuyên "chế" các loại mác, tag sắt, mác giấy giống y hệt các hãng thời trang LV, Mango, Zara... Thậm chí cả quy trình dập mác, đóng mã số logo hay đính mác sườn... của các hãng "xịn" thế nào, hàng nhái cũng bắt chước y hệt. 
 
Theo Người đưa tin, Baodatviet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét