Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Sự thật khó tin – 87 triệu người dân bị bốc hơi một nửa tổng tài sản sau 6 năm. Ai là kẻ cướp vô hình của 87 triệu người dân Việt Nam? ____ Sắp Tết, thực phẩm lại thi nhau đội giá. Tết buồn của người lao động. Hàng nghìn tiệm vàng sắp bị xóa sổ.



Wegreen Vietnam
Economic Corner – WEGREEN: Sự thật khó tin – 87 triệu người dân bị bốc hơi một nửa tổng tài sản sau 6 năm



Một thống kê sẽ khiến không ít người vội ôm chặt lây ví tiền của mình và chột dạ: Làm thế nào mà một người thông minh, chăm chỉ, mẫu mực như mình lại có thể dễ dàng bị ăn cắp và đang ngày càng trở nên nghèo khó đến thế?

TRONG 6 NĂM (2006 – 2012), ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM MẤT GIÁ HƠN 50%. Nói cách khác, hơn 50% tài sản của người dân được chôn dưới 3 tấc đất từ năm 2006 tới nay sau 6 năm đã bị bốc hơi đi hơn một nửa. Thật vô cùng khủng khiếp. Vậy AI LÀ THỦ PHẠM CƯỚP TIỀN của gần 90 triệu người dân Viêt Nam một cách tinh vi, trắng trợn và dã man đến vậy? Câu trả lời, đó chính là LẠM PHÁT, hệ quả của của sự gia tăng phi mã của giá thuốc, giá thực phẩm, giá dịch vụ giáo dục,…



Hòa nhịp vào cơn sốt vi rút của nền kinh tế toàn cầu, Viêt Nam đang rơi vào những trận ốm co rút chưa có hồi kết thúc cho dù Chính phủ Viêt Nam đã bằng cách này hay cách khác kê đơn cho bệnh nhân nền kinh tế Việt Nam đang nằm liệt chiếu (tung tiền giải cứu bất động sản, giảm thuế, tăng tín dụng, hạ lãi suất cho vay, tái cấu trúc DNNN,…). Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 là 5,03% [1]- mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 1999. Cùng với mức tăng trưởng đáng thất vọng của một nền kinh tế được nhiều kỳ vọng và nhiều quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng được dự trù đạt 9,21%. Con số này là sự nỗ lực đáng kể của Chính phủ Việt Nam một năm qua ra sức bít lỗ hổng của nền kinh tế lấy DNNN làm chủ đạo, nơi mà sự suy sụp của khu vực doanh nghiệp này đã khiến toàn dân Việt Nam nghèo đi nhanh không kể xiết (lạm phát 18,13% riêng trong năm 2011). 

Nếu so sánh mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác trên thế giới, ta sẽ thấy được sự khác biệt về năng lực điều hành của bộ máy chính phủ các quốc gia [2]:

- CPI Trung Quốc: 1,901%
- CPI Phần Lan: 2,194%
- CPI Đức: 1,809% 
- CPI Italy: 2,507%
- CPI Nhật Bản: -0,400%
- CPI Hàn Quốc: 1,622%
- CPI Indonexia: 4,320%

Sự yếu kém của Chính phủ không những khiến vị thế của nền kinh tế quốc gia bị suy giảm mà còn gây thiệt hại nặng nề tới tài sản của người dân. Đây là lý do tại sao tầng lớp trung lưu bị đẩy dần xuống tầng lớp nghèo, còn tầng lớp nghèo trở nên khánh kiệt hơn:

- Chỉ số CPI Việt Nam 2006: 6,57%
- Chỉ số CPI Việt Nam 2007: 12,75%
- Chỉ số CPI Việt Nam 2008: 19,87%
- Chỉ số CPI Việt Nam 2009: 6,52%
- Chỉ số CPI Việt Nam 2010: 11,75%
- Chỉ số CPI Việt Nam 20011: 18,13%
- Chỉ số CPI Việt Nam 2012: 9,21% (dự trù)
(nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam)

Điều đó có nghĩa là trong túi của ai đó có 20 triệu vào cuối 2012 thì thực tế anh ta chỉ có chưa tới 10 triệu vào cuối năm 2006. Ai là nạn nhân hãy lên tiếng, & Tiền rơi vào túi ai, xin mời quý độc giả vào cuộc???

[1] http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=217
[2] http://www.global-rates.com/economic-indicators/inflation/inflation.aspx 

Bài viết & Hình ảnh: [Admin Mizzou] 
Bản quyền: © Wegreen Vietnam 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=352959861469493&set=a.295680247197455.63320.246214618810685&type=1&theater



_____



Sắp Tết, thực phẩm thi nhau đội giá


Cùng với đó là giá thực phẩm như thịt gà, hải sản... cũng lấy lý do sắp tết tăng giá vù vù. Không ít người tiêu dùng đang tỏ ra sốt ruột khi giá cả các mặt hàng thiết yếu không bình ổn, khi những ngày nghỉ lễ cuối năm và Tết Nguyên đán đang đến gần.

Rau, thịt đua tăng giá

Kể từ đợt rét đậm, rét hại, toàn miền Bắc trong khoảng một tuần trở lại đây, thị trường rau-củ-quả ở Hà Nội đột ngột tăng giá mạnh. Khảo sát sáng 27/12 tại một số chợ dân sinh như Nam Đồng (Q. Đống Đa), Ngọc Hà (Q. Ba Đình)..., giá các loại rau-củ-quả đã tăng giá gấp rưỡi, thậm chí tăng 70% so với tháng trước. Theo đó, giá rau muống hiện ở mức 10.000đ/mớ, bắp cải 17.000đ/kg, cà chua 20.000đ/kg, cải mơ 20.000đ/kg, su hào 10.000đ/củ... Đặc biệt, các loại khoai tây, khoai lang, càrốt... đều đồng loạt tăng giá từ 5.000 - 7.000đ/kg so với cách đây một tuần.

Chị Mến - tiểu thương chợ Nam Đồng - giải thích: "Khoai các loại tại các chợ đầu mối đang rất khan hàng, tăng giá bán từ gốc buộc chúng tôi phải tăng giá theo".

Trong khi đó, các loại thực phẩm cũng thi nhau đội giá, đặc biệt vào những ngày giáp Tết dương lịch. Tăng giá nhanh nhất phải kể đến gà ta (nguyên lông) tăng từ 110.000đ/kg lên 130.000đ/kg và theo các tiểu thương chợ Ngọc Hà (Q. Ba Đình), giá gà còn tiếp tục lên vào cận Tết Nguyên đán. Giá thịt lợn các loại bình quân từ 80.000đ - 120.000đ/kg, thịt bò thăn tăng lên mức 250.000đ/kg so với mức 220.000đ của tháng trước...

Thực phẩm tươi sống tăng giá chóng mặt dịp cận tết
Theo ghi nhận, tất cả các mức giá này đều đã tăng 10 - 20% so với đầu tháng 12. Tại các siêu thị như Hapro, Minh Hoa, Fivimart, giá cả thực phẩm tươi sống cũng đều tăng thêm một mức giá, đặc biệt là thịt bò, thịt gà (làm sẵn), ngao, cá thu... Một nhân viên bán hàng ở siêu thị Minh Hoa khẳng định, càng gần Tết Nguyên đán, riêng mặt hàng tươi sống càng có xu hướng tăng bởi rất khó để nhập hàng ngon.

Nỗ lực kìm giá

Theo Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn có xu hướng biến động theo chiều hướng tăng trong thời điểm hiện tại, bởi thương lái đang tìm cách xuất lợn hơi sang Trung Quốc do được giá. Số lượng ước tính lên đến 300 - 400 tấn/ngày. Ngoài ra, người chăn nuôi một phần muốn giữ hàng để dành bán cận tết nên hàng trở nên khan cục bộ. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở miền Bắc mà còn ở một số tỉnh phía nam như Đồng Nai, Bình Dương...

Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tết, Cục Chăn nuôi cũng cho biết dự kiến nhập khoảng 10.000 tấn thịt các loại mỗi tháng, chủ yếu là các loại thịt cao cấp như thịt bò Australia, thịt cừu... Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cũng khẳng định rằng, ngoài việc nỗ lực bình ổn giá, về nguồn cung sẽ đảm bảo đủ phục vụ cho người dân về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó, với rau xanh, Cục Trồng trọt cho hay, toàn miền Bắc sẽ có khoảng 400.000ha rau màu thu hoạch trước tết. Nguồn cung dồi dào sẽ khiến giá cả đạt mức bình ổn hơn so với hiện tại.

Về thịt, Cục Chăn nuôi dự báo tổng sản lượng thịt các loại cả năm 2012 đạt 4,3 triệu tấn - tăng 3,8% so với năm 2011, trứng gia cầm đạt 7,5 triệu quả- tăng 9%. Riêng TCty Chăn nuôi VN đã chuẩn bị khoảng 470 tấn thịt gà, 450.000 quả trứng, 630 tấn thịt lợn và 280 tấn thịt bò để phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Quý Tỵ.

http://www.vef.vn/kinh-te-24h/2012-12-30-sap-tet-thuc-pham-thi-nhau-doi-gia


____



Cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 12. 22 trong số 50 doanh nghiệp được hỏi cho biết năm nay sẽ không thưởng. 28 đơn vị còn lại có thưởng nhưng hầu hết mỗi nhân viên chỉ được tháng lương thứ 13, kể cả ngành thuộc Top đầu như ngân hàng.

Nợ xấu cao phải cắt lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng không còn ngân sách lo cái Tết sung túc cho nhân viên như mọi năm. Một số đơn vị đã công khai kế hoạch không thưởng, nhiều nơi chọn cách im lặng khiến nhân viên đến giờ vẫn ngóng tin nhưng biết trước về chuyện giảm thu nhập so với năm trước.

Trong số 9 ngân hàng tham gia khảo sát của VnExpress, 7 đơn vị cho biết đã lên kế hoạch cho cuối năm. Nhưng duy nhất một lãnh tuyên bố nhân viên của họ sẽ được 2 tháng lương, 4 nơi chỉ có tháng lương thứ 13 và 2 ngân hàng không có thưởng.

Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) thường dẫn đầu về lương thưởng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Lâm cho biết thưởng năm nay sẽ không bằng năm ngoái. "Rầm rộ nhắc đến thưởng Tết rầm rộ giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại thực sự là không hay lắm”, ông nói.

Thị trường bất động sản tê liệt khiến hàng loạt nhân sự trong lĩnh vực này mất việc, giảm lương. Những người còn việc để làm cũng chịu chung cảnh thu nhập sa sút. Một lãnh đạo trong số đại diện 10 doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ: "Làm nhiều thì lỗ nhiều. Năm nay lo trả nợ còn chưa xong, nói gì đến thưởng". Công ty của ông thuộc loại quy mô lớn trên thị trường. Đây cũng là tình cảnh chung của 5 đơn vị khác tham gia khảo sát.

Tuy nhiên, nhân viên các công ty địa ốc phía Nam có thể kỳ vọng vào một cái Tết không quá tệ. 4 trong số 10 doanh nghiệp bất động sản được phỏng vấn cho biết sẽ có thưởng Tết và cả 4 đều hoạt động chính ở thị trường TP HCM. Một lãnh đạo trong số này khẳng định mức thưởng Tết sẽ cao hơn năm ngoái, bên cạnh đó còn thưởng doanh số cho những nhân viên làm việc hiệu quả. 3 công ty cho biết sẽ có tháng lương thứ 13.

Ảnh: Anh Quân
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thẳng thắn cho biết sẽ không có thưởng Tết. Ảnh: Anh Quân

Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng 4 trong số 6 công ty chứng khoán tham gia khảo sát cho biết chưa có kế hoạch thưởng và nhiều khả năng là không có.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM ngần ngại nói về câu chuyện tế nhị này vì tình hình kinh doanh năm nay lỗ nặng. “Các công ty chứng khoán đứng trong top 10 thị phần mới có khả năng dồi dào tặng thưởng, động viên nhân lực, chứ nhìn vào công ty chúng tôi, chỉ thêm buồn. Chúng tôi hiện cũng đâu còn nguồn nào để thưởng”, ông nói.

Có 2 lãnh đạo công ty chứng khoán khẳng định sẽ có tháng lương thứ 13 bên cạnh việc thưởng theo thành tích kinh doanh.

25 công ty còn tham gia khảo sát của VnExpress.net hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như thép, xi măng, may mặc, hàng tiêu dùng, thủy sản… Bên cạnh đó, có một số công ty được khảo sát thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, bán lẻ…

7 trong số 25 doanh nghiệp này cho biết chưa có kế hoạch thưởng nhưng nhiều khả năng sẽ không có. 16 đơn vị đều tiết lộ chỉ trả tháng lương thứ 13, 2 công ty sẽ không có thưởng.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng điện máy, sản xuất hàng tiêu dùng, … có mức thưởng Tết hậu hĩnh hơn so với những ngành khác khi mức thưởng đối với mỗi nhân viên là 2 đến 3 tháng lương.

"Trăm đồng tiền công không bằng mười đồng tiền thưởng, vì thế dù ít dù nhiều cũng nên có để động viên nhân viên ăn tết cho phấn khởi", lãnh đạo một hệ thống siêu thị điện máy tại Hà Nội cho hay.

Tuy nhiên, sếp của một doanh nghiệp năm nay làm ăn không hiệu quả lại cho rằng lợi ích mọi người trong công ty điều gắn liền kết quả kinh doanh. "Những lúc làm ăn khấm khá lên, chúng tôi cũng không ngại chi mức thưởng sẽ cao hơn", vị này cho hay.

Báo cáo ngày 25/12 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội về tình hình thưởng Tết Âm lịch năm nay cho thấy mức giảm các doanh nghiệp giảm từ 8 đến 15% so với năm ngoái.

Năm ngoái, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết mức thưởng cao nhất rơi vào các doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa, kinh doanh địa ốc... 

Doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành giày da, may mặc có mức thưởng tương đối thấp. Song, nhìn chung, người lao động đều được thưởng Tết, trung bình là 1 tháng lương. Tuy nhiên, đến năm nay, nhiều doanh nghiệp cắt giảm hoàn toàn thưởng Tết của nhân viên, kể cả những ngành hot.

Năm nay, thưởng Tết cao nhất ở TP HCM thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đạt 624,27 triệu đồng, gấp 2.000 lần so với mức thấp nhất.

Báo cáo mới đây của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, mức thưởng Tết cao nhất của doanh nghiệp trên địa bàn là 75 triệu đồng. Trong khi tại TP HCM, hiện mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Tại Quảng Ngãi mức thưởng cao nhất hơn 88,5 triệu đồng.

So với số liệu thống kê của năm ngoái, mức thưởng trên giảm đáng kể. Mức thưởng Tết cao nhất năm ngoái thuộc về doanh nghiệp tại TP HCM với 700 triệu đồng.

Hà Vi - Hàn Phi
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/12/tet-buon-cua-nguoi-lao-dong/  




_____




Trong thông cáo phát đi cuối ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước khẳng định từ ngày 10/1/2013, sẽ chỉ những địa điểm được cấp phép mới có quyền kinh doanh vàng miếng.

Hiện 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng, với tổng cộng 2.400 điểm giao dịch trên cả nước đủ tiêu chuẩn được cấp phép mới. Trong đó TP HCM có 900 điểm và Hà Nội khoảng 400 điểm. 

Theo nghị định quản lý kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên gánh trách nhiệm cấp phép hoạt động cho các đơn vị mua, bán vàng miếng.

Trong số 8.000 địa điểm giao dịch vàng miếng hiện tại, sẽ chỉ có 30% tiếp tục được hoạt động sau ngày 10/1. Ảnh: AQ
Trong số 8.000 địa điểm giao dịch vàng miếng hiện tại, sẽ chỉ có 30% tiếp tục được hoạt động sau ngày 10/1. Ảnh: AQ

Trước đây cả nước có khoảng 12.000 địa điểm kinh doanh vàng miếng, bao gồm cả cửa hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp tư nhân hay công ty cổ phần. Trong khảo sát gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, số lượng này chỉ còn hơn 8.000. Ngân hàng Nhà nước nhận định trong năm vừa rồi, hàng nghìn doanh nghiệp đã tự rút lui khỏi thị trường do nhiều lý do. Trong đó phải kể đến việc buôn bán vàng miếng gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động khó lường. Nhu cầu người dân cũng ngày càng giảm và họ ngày càng thận trọng hơn sau những sự cố vàng giả, vàng nhái, vàng cong vênh.

Theo Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25/5, những doanh nghiệp tham gia kinh doanh vàng miếng phải đạt đủ các tiêu chuẩn như vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; trên 2 năm kinh nghiệm; tiền thuế từ hoạt động kinh doanh vàng phải đạt ít nhất 500 triệu đồng trong 2 năm năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng ở 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận việc xóa sổ 70% điểm giao dịch vàng có thể gây ra nhiều xáo trộn trong những ngày đầu tiên. Sau ngày 10/1/2013, cơ quan này sẽ phải gửi văn bản thông báo đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương để cùng phối hợp đề phòng các sự cố phát sinh.

Cùng với chủ trương xóa sổ các cửa hàng không đạt tiêu chuẩn, Ngân hàng Nhà nước còn lần đầu tiên ấn định trạng thái vàng miếng với các ngân hàng. Theo Thông tư 38 ban hành chiều 28/12, số dư mua bán vàng cuối ngày không được vượt 2% vốn điều lệ, một quy định hạn chế việc găm giữ, mua bán khống của các ngân hàng.

Đây được xem là những biện pháp cứng rắn nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm can thiệp thị trường vàng bị thả nổi nhiều năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu dừng huy động và cho vay bằng vàng, hạn chót để các đơn vị tất toán trạng thái là hết tháng 6/2013. Hoạt động nhập khẩu và dập đúc vàng miếng thuộc độc quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Vàng trang sức cũng sẽ bị quản lý

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên trong tương lai, cả vàng trang sức cũng sẽ bị quản lý, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết. Một trong những quy định sẽ được đặt ra là khi mua bán vàng trang sức cũng cần phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, những quy định này đòi hỏi một thời gian để nghiên cứu vì mạng lưới kinh doanh vàng trang sức hiện nay rộng hơn rất nhiều so với vàng miếng.

Thanh Bình
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/12/hang-nghin-tiem-vang-sap-bi-xoa-so-1/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét