Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

“Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức - Đọc và mua quyển sách hay về lịch sử Viêt Nam sau 1975.


Đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức

Trần Hữu Dũng


"Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết (kể cả những công trình bằng ngoại ngữ của các học giả nước ngoài). Chỉ cần đọc qua mục lục quyển sách là đủ để choáng ngợp bởi sự súc tích của nó. Tất cả những vấn đề nổi bật đều được kể lại với những thông tin mới lạ: từ sự cố “nạn kiều” ở miền Nam, đến những thất bại kinh tế đưa đến chính sách Đổi Mới năm 1986, vụ "Sáu Sứ", đến chiến tranh biên giới Tây Nam... đều được Huy Đức thuật lại rành mạch, lớp lang, theo ký ức của hàng trăm nhân vật chủ chốt  ̶  nhiều người có những vai trò quyết định trong các sự kiện ấy  ̶  được chính tác giả phỏng vấn.



Cuốn sách đầy ắp những thông tin mà tôi chưa từng đọc được trong bất cứ sách báo nào đã xuất bản.  Có thể nói, ngoài Huy Đức, trong lớp nhà báo hiện nay, không ai có thể có được những phỏng vấn trực tiếp với hầu hết những nhân vật quan trọng ở Việt Nam như thế này. Huy Đức là một trong số rất ít (có thể đếm trên ngón một bàn tay!) ký giả Việt Nam hiện nay có khả năng nghiệp vụ cao, dày dặn kinh nghiệm, và nhất là có biệt tài tạo sự tin cẩn ở những người được phỏng vấn về những sự kiện vô cùng “nhạy cảm”, thậm chí "thâm cung bí sử".

Ngoài sự cực kỳ súc tích, một đặc điểm nổi bật khác, càng đáng ca ngợi, ở tác phẩm này là sự rất công bằng của tác giả đối với “bên thua cuộc”.  Tôi chưa bao giờ được đọc những câu chuyên về sự gian truân (mà tôi đã nghĩ là không bút mực nào tả xiết) của những người vuợt biên, những “thuyền nhân”, được kể lại một cách trung thực, không phê phán, không tuyên truyền, nhưng đầy tình người và nước mắt, như trong cuốn này. Tôi cũng chưa bao giờ được đọc về hoàn cảnh tái sum họp của những gia đình tập kết, hay những người bị đi cải tạo, như đã đọc ở đây.

Ở một tầm mức cao hơn, “Bên Thắng Cuộc” lột trần nhiều “huyền thoại” về một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam: Họ không phải là những ác quỷ “bán nước” (thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân) như những người thù ghét họ thường khẳng định, nhưng cũng chẳng phải là những lãnh tụ anh minh, tài đức, luôn luôn gắn bó, đoàn kết với nhau, như ghi trong “chính sử” của Đảng.  Họ là những con người với những tị hiềm, những tranh chấp cá nhân, những thiếu sót ở cách cư xử trong gia đình, và, vâng, những sai lầm nghiêm trọng về chính sách, chiến thuật, về đường lối cai trị, và nhất là (theo tôi) cách chọn người của họ.  Những sai lầm mà, theo tôi, đã đưa đến hậu quả hiện nay (và vẫn còn tiếp diễn chưa biết đến bao giờ) cho đất nước.

Hẵn có độc giả sẽ “than phiền” rằng “Bên Thắng Cuộc” thiếu những phân tích tổng quan của chính người viết, nhưng, tôi nghĩ, Huy Đức truớc hết là một ký giả, trọng trách hàng đầu của anh là ghi lại một cách trung thực, có hệ thống, càng nhiều càng tốt, những sự kiện xã hội, chính trị và lịch sử. Phần vụ phân tích những sự kiện ấy thì nên để cho những người khác (hay chính Huy Đức, trong một cuốn sách mà tôi mong anh sẽ viết sau này). Một phê bình khác, có lý hơn, là quyển sách này vẫn còn nhiều khoảng trống (trong dòng lịch sử). Có lẽ, khi đọc lại, tác giả sẽ phát hiện những khoảng trống ấy và sẽ lấp chúng trong những lần tái bản sau.

Tất nhiên, nhiều thông tin trong cuốn này cần được kiểm chứng (nhất là thông tin về những sư kiện liên hệ đến những quốc gia khác mà các học giả quốc tế đã nói đến khá nhiều, dựa vào những tài liệu văn khố hải ngoại). Song, dù vài sự kiện nào đó (ví dụ như về liên hệ với Liên Xô và Trung Quốc) có thể là chưa thật đầy đủ (và có thể có ích hơn nếu tác giả đối chiếu với những nguồn nước ngoài), cuốn này cũng hữu ích vì nó cho thấy cái nhìn của người trong cuộc (về phía Việt Nam).  Nếu họ có nhận định không đúng, có thiếu sót thông tin, và do đó có những quyết định sai lầm, thì chính sự sai lầm ấy cũng là một dữ kiện làm rõ thêm lịch sử.

Cuốn sách sẽ là một sự thích thú cho tất cả mọi người Việt Nam ưu tư với quê hương, mong muốn nhìn lại chính cuộc đời mình, gia đình mình, trong gần 40 năm qua, nhưng nó cũng là một kho tư liệu hết sức dồi dào, mới mẻ, cực kỳ quý báu cho những học giả, những sử gia nghiên cứu về Việt Nam.  Chúng ta nên cám ơn tác giả.


Trần Hữu Dũng
11/2012

THỂ LỆ MUA SÁCH

Địa chỉ mua sách:

Ebook:

Kindle của Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00AKAQUJA
Các dạng khác (Nook, etc...): https://www.smashwords.com/books/view/263208

Sách in:
Cuốn 1, Giải phóng, $19.99 + $4.50 bưu phí.
Cuốn 2, Quyền bính, $19.99 + $4.50 bưu phí.
(Hai cuốn $40 + $9.00 bưu phí).
Có thể pre-order từ

transsolutions@comcast.net,
412-897-5762,

gởi check/money order đến:

Transpacific Solutions LLC
107 Marshall Drive, Sharpsburg, PA 15215





Bên Thắng Cuộc

Huy Đức

Sách chia làm 2 cuốn:

Cuốn I: Giải Phóng

Cuốn 2: Quyền Bính

Dưới đây là mục lục Cuốn I.  Được biết Cuốn II sẽ ra mắt vào tháng 1-2013

PHẦN I: MIỀN NAM

Chương I: Ba Mươi Tháng Tư

Diễn biến quân sự và chính trị trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến và những gì xảy ra trong dinh Độc Lập trong ngày 30-4 (Đi từ bưng biền/ Xuân Lộc/ Tướng Big Minh/ Trại Davis/ Nguyễn Hữu Hạnh/ Sài Gòn trong vòng vây/ Xe tăng 390/ Đầu hàng/ Tuẫn tiết)

Chương II: Cải Tạo

Những bàn bạc bên trong, quan điểm của chính quyền trong việc đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền”, những thủ thuật được áp dụng để đưa sĩ quan vào trại cải tạo; số phận của những người tù không án, không biết ngày về và những bi kịch mà người thân của họ phải nhiều năm gánh chịu. (Những ngày đầu/ “Ngụy Quyền”/ “Ngụy Quân”/ “Đoàn tụ”/ “Phản động”/ Tù và cải tạo/ “Thăm nuôi”/ “Học tập”).

Chương III: Đánh Tư Sản

Những công cụ chuyên chính vô sản áp dụng ngay sau ngày 30-4-1975: Đánh tư sản vào tháng 9-1975 và liền sau đó là đổi tiền lần thứ nhất 22-9-1975; Cải tạo tư sản tháng 3-1978… Sự khác nhau của cải tạo tư sản và đánh tư sản (“Chiến dịch X-2”/ Đổi tiền/ “Gian thương”/ “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh”/ Hai gia đình tư sản/ Kinh tế mới)
Chương IV: Nạn Kiều

Sự thật về vấn đề người Hoa năm 1978 (Đội quân thứ năm/ Hiệp định Geneve/ “chổi ngắn không quét xa”/ Hoàng Sa/ Sợ “con ngựa thành Troy”/ ‘Nạn Kiều”/ “Phương án II”/ “Ban 69”/ Vụ Cát Lái).
Chương V: Chiến Tranh

Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh ở CPC và biên giới phía Bắc năm 1979 (Biên giới Tây Nam/ Pol Pot/ Đi dây/ Khmer Đỏ và Campuchia dân chủ/ “Kẻ Thù Lịch Sử”/ Thất bại trong tấn công ngăn chặn [Pre-emptive War]/ “Nhất biên đảo”/ “Áo lính lại khoác vào ngay”).

Chương VI: Vượt Biên

Điều gì đã khiến cho hàng triệu người VN phải bỏ nước ra đi. Bi kịch của người dân và thái độ chính quyền trước cuộc tị nạn lớn nhất của người Việt Nam trong lịch sử (“Vượt biên”/ Từ “trí thức yêu nước”/ Đến “thường dân”/ Trước khi tới biển/ Trại tị nạn).

Chương VII: “Giải Phóng”

Cuộc chiến tranh được gọi là giải phóng có thực sự giải phóng sau những gì mà những người cộng sản áp dụng tại miền Nam (Sài Gòn thay đổi/ Kinh tế mới/ Đốt sách/ Cạo râu/ “Cách mạng là đảo lộn”/ Lòng người/ Những người sinh ra không đúng cửa/ “Cánh cửa” Thanh niên xung phong/ Cửa không đủ rộng/ “Nổi loạn”/ “Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở”).

PHẦN II: THỜI LÊ DUẨN
Chương VIII: Thống Nhất

Những lo lắng từ hai phía đặc biệt là của ông Lê Duẩn dẫn đến quyết định thống nhất hai miền cả về chính trị và kinh tế, áp dụng mô hình miền Bắc vào miền Nam một cách vội vã, mặc dù, nhiều người lúc đó, kể cả ông Lê Duẩn, nhận thấy nền kinh tế tư nhân miền Nam hiệu quả hơn những gì áp dụng trên miền Bắc (Nước Việt Nam là một/ “Bắc hóa”/ Chủ nghĩa xã hội/ “Con đường của Bác”/ “Mỗi người làm việc bằng hai”/ Lê Duẩn và mối tình miền Nam/ Chấp chính và chuyên chính).
Chương IX: Xé Rào

Chính sách kinh tế kế hoạch hóa và sản xuất lớn nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” đã dẫn đất nước đến chỗ kiệt quệ. Người dân và chính quyền các địa phương, thay vì tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” chấp nhận một số quy luật của kinh tế thị trường, tiến trình này bị coi là “xé rào” nhưng chính những “lỗ thủng” đó đã trở thành lối thoát cho dân chúng (Bế tắc/ Mậu dịch quốc doanh/ Máy bỏ không, công nhân cuốc ruộng/ Tháo gỡ/ Nghị quyết Trung ương Sáu/ Bù giá vào lương/ Cắm cờ xé rào/ Khoán chui/ Ông Kiệt xé rào, ông Linh lãnh đạn/ “Ai thắng ai”).
Chương X: Đổi Mới

Vai trò của Trường Chinh trong việc tiếp thu thực tiễn và chuẩn bị về mặt lý luận để những người cộng sản chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, điều mà về sau gọi là đổi mới (Hội nghị Đà Lạt/ Nhóm giúp việc mới/ Người của những khúc quanh lịch sử/ Từ chính sách Kinh Tế Mới/ Đến chọc thủng bức tường bao cấp/ Giá-Lương-Tiền/ Nã pháo vào bộ tổng/ Khép lại trang sử Lê Duẩn/ Vai trò của Mikhail Gorbachev/ Tuyên ngôn đổi mới/ Bàn tay Lê Đức Thọ/ Phút 89).
Chương XI: Campuchia

Dù muốn hay không, Campuchia đã “nằm trong một trang sử” của Việt Nam. Không gian chiến tranh trong thập niên 1980s và cách mà Việt Nam đã làm để thoát ra khỏi hai cuộc chiến: Biên giới phía Bắc và Campuchia (“Pot ở đầu phum ta cuối phum”/ “Xuất khẩu cách mạng”/ Tư tưởng nước lớn/ Bị cô lập/ Phương Bắc/ Hội nghị Thành Đô/ Campuchia thời hậu Việt Nam).
 (HẾT CUỐN I)

_________________________


Bên Thắng Cuộc: Giải phóng

Nonfiction » History » Asian » Asia / Southeast Asia



By Huy Đức
Rating:  
(5.00 based on 1 review)

Published: Dec. 08, 2012
Words: 230520 (approximate)
Language: Vietnamese
ISBN: 9781467557900

Short description


Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 - ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc.

Extended description


Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 - ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế, chính trị học, và xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm. Trong vòng ba năm, từ tháng 8-2009 đến tháng 8-2012, tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết. Bản thảo cuốn sách đã được gửi tới một số thân hữu và một số nhà sử học, trong đó có năm nhà sử học uy tín của Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Sau khi sửa chữa, bổ sung, tháng 11-2012, bản thảo hoàn chỉnh đã được gửi đến một số nhà xuất bản trong nước, tuy nhiên, nó đã bị từ chối. Cho dù một số nhà xuất bản tiếng Việt có uy tín tại Mỹ và Pháp đồng ý in, nhưng để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ cho cuốn sách một vị trí khách quan, tác giả quyết định tự mình đưa cuốn sách này đến tay bạn đọc.

Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, và sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau. Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra, và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.

http://www.smashwords.com/books/view/263208#longdescr



__________________



Về cuốn 'Bên Thắng Cuộc'

Cập nhật: 00:37 GMT - thứ tư, 12 tháng 12, 2012


Mốc thời gian quan trọng: Sài Gòn 30 tháng 4 năm 1975

Khi tin ‘giải phóng miền Nam’ lan đến một vùng quê Hà Tĩnh, một cậu bé còn chơi với bạn ở ngoài ruộng và bọn trẻ đã ‘buông nhau ra thôi không đánh vật’ nữa, nhưng cuộc giằng co chọn lối đúng và sai cho cả một dân tộc hóa ra mới chỉ bắt đầu và còn chưa kết thúc.

Với cậu bé chăn trâu ngày đó mà nay thành danh với cái tên blogger Osin, hành trình vào đời và nghiệp làm báo cũng bắt đầu từ tháng 4/1975 khi sự ‘nhận mặt nhau’ diễn ra có triệu người vui và triệu người buồn của hai miền Nam Bắc Việt Nam sau cuộc nội chiến quốc tế hóa.

Khi được đọc bản thảo ‘Bên Thắng Cuộc’ (cả hai tập), tôi băn khoăn không hiểu vì sao Huy Đức không đặt tựa cho sách là ‘Bên Thắng Trận’ với cả sự oai hùng, hào khí cách mạng như truyền thông chính thống vẫn nêu?

Có phải trận chiến quân sự và ý thức hệ dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một cuộc cờ và trận chiến vì tâm hồn và tương lai Việt Nam vẫn chưa dứt?

Những suy luận đến từ cuốn sách chắc sẽ còn nhiều, vì chỉ trong vòng vài tuần qua, số bài bình luận về cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ đã xuất hiện đông đảo với đầy đủ những lời khen nhưng cũng có một số ý phê bình, đa số tôn trọng và không gay gắt.

Vì thế nên ở đây, tôi chỉ chia sẻ một số cảm quan riêng và tập trung vào những gì tôi nghĩ rằng sách đã gợi mở ra và tạo đà cho những người viết trong và ngoài nước đi tiếp.

Trước hết, cuốn sách mổ xẻ khá rành mạch, chi tiết và làm mới lại nhiều giai đoạn lịch sử, biến cố, sự kiện quan trọng trong một thời kỳ cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1975 đến Đổi Mới.

Các đoạn có giá trị nhất, nhiều tư liệu mới nhất và tổng hợp được cách nhìn của các bên nhất phải kể đến giai đoạn lực lượng cộng sản Nam và Bắc tiến vào Sài Gòn, và thời kỳ quân quản rồi thống nhất hai miền.



"Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc"

Sau đó là các diễn biến của thời kỳ đánh tư sản, tiêu diệt văn hóa, văn nghệ tự do, quy kết loại trừ tư bản Hoa kiều, cưỡng bức kinh tế mới, cho tới cuộc chiến với Khmer Đỏ cùng thời gian các nỗ lực duy chí ý nhằm áp đặt mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bao cấp trên cả nước, đưa đến các thảm họa nhân đạo và sự suy sụp kinh tế.

Ở các chương này, ngòi bút Huy Đức tỏa sáng trong giọng văn âm thầm, cố gắng giữ vẻ bình thản nhưng bên trong sôi sục, thậm chí có chỗ nghẹn đi vì các biến cố đau đớn cho hàng triệu người mà anh chứng kiện cận cảnh, nhất là ở trong tâm thức một người đi bộ đội về và từ Bắc vào sống trong Nam.

Qua các chương đó, người đọc dù thuộc các thế hệ sau có thể hình dung ra được khá rành mạch vì sao sự mê tín với một mô hình độc tôn đã khiến lãnh đạo Đảng cầm quyền ở Việt Nam liên tiếp sai lầm mà các di chứng vẫn còn đang là chính sách hiện hành dù đã được bớt liều nhờ tác động khách quan và sự tự ý thức.


Dòng đời trong lịch sử


Cách viết ‘sử ký’ di chuyển từ bối cảnh lịch sử chung đến hoạt động của các nhân vật chính đã dựng lại nhiều hình ảnh sống động nhờ số lượng phong phú các tư liệu nguồn mà tác giả ghi lại hoặc phỏng vấn trực tiếp với nhiều nhân chứng, người trong cuộc ở cả các cấp cao.

Cuộc đời riêng, hoạt động và suy nghĩ, tính toán cá nhân và chính trị của các ông Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ...được tái hiện rõ rệt.
Chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình vợ con họ được kể lại, ghi lại vừa đủ để phụ thêm cho các hiểu tính cách, các bước ngoặt trong đời những nhân vật này trong bối cảnh xã hội, lịch sử mà không sa đà vào chuyện riêng tư.

Chẳng hạn cuộc tình và cuộc đời làm vợ thứ nhì của ông Lê Duẩn mà bà Nguyễn Thụy Nga phải gánh chịu cho thấy một giai đoạn mà văn hóa chính trị cộng sản rất hà khắc, thậm chí tàn khốc với việc riêng của tất cả mọi người, kể cả những nhân vật cao cấp, ngược hẳn với thời kỳ tung hê, thả cửa của quan chức hiện nay.

Một cách nhìn khác xuyên qua những tư liệu quý mà Huy Đức thu lượm và tìm cách kiến giải là dòng ‘sinh hoạt quân sự’.



Ông Võ Văn Kiệt đến hội nghị sơ kết Thanh niên Xung phong năm 1981 ở Đắc Nông

Lồng vào các chiến dịch tiến vào Sài Gòn năm 1975, chiến tranh biên giới Tây Nam, xung đột Trung – Việt, hay đi ngược về thời kỳ kháng Pháp, chiến tranh Mỹ – Việt là các chân dung sỹ quan, tướng lĩnh, nhân chứng của nhiều phía.

Các trận đánh, các cuộc ra quân, những vụ thảm sát, tàn phá của quân Pol Pot, quân Trung Quốc được mô tả bằng ngòi bút của người làm báo, viết phóng sự nên sống động hơn nhiều so với các cuốn tiếng Việt từ trước tới nay về cùng chủ đề mà tôi được đọc.

Các vụ ‘thâm cung bí sử’ trong chính trường Việt Nam, nhất là giới tướng lĩnh như cái chết của các tướng Nguyễn Chí Thanh thời chiến tranh, rồi những chuyện đột tử của các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện sau này cùng một âm mưu bao vây, hạ thấp tướng Võ Nguyên Giáp được mô tả thật sinh động.

Cuộc đời và các suy tư của ông Võ Văn Kiệt mà tác giả có thời gian gặp gỡ nhiều cũng được trình bày lại khá đầy đủ, cho người đọc cơ hội thấy được chân dung một nhân vật cộng sản miền Nam luôn trăn trở để càng về cuối đời lại càng về gần với tinh thần dân tộc.


Nhân chứng và tư liệu


Đã có người khác đã bình luận về phương pháp viết của Huy Đức, gồm cả phần được và phần thiếu sót nên ở đây, tôi chỉ muốn chú ý đến cách sử dụng tư liệu của tác giả để tạo dựng bối cảnh quốc tế hoặc khu vực cho phần nội dung Việt Nam của anh.

Giai đoạn viết về cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu và Liên Xô sụp đổ không phải là phần mạnh nhất của tác giả.




Nhà báo Huy Đức và TBT Lê Khả Phiêu: bản thân tác giả là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử

Huy Đức chủ yếu sử dụng lời kể của tiến sỹ Lê Đăng Doanh về chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sang Đông Đức, cuộc gặp Erich Honecker, Mikhail Gorbachev và Nicolai Ceaucescu và tư liệu của Bùi Tín đã xuất bản khá lâu để dựng lại ‘cú sốc thể chế’ mà perestroika và glasnost gây ra cho ban lãnh đạo Hà Nội.

Sang để 'chấn chỉnh' lãnh tụ phe cộng sản quốc tế Gorbachev về đường lối xét lại, ông Linh đã cảm lạnh, sốt và ốm (theo cả nghĩa đen và bóng?) khi gặp sự hắt hủi, coi thường của 'đồng chí đàn anh' - dấu hiệu Hà Nội bị Đông Âu bỏ rơi nên dần tìm sang ngả Trung Quốc.

Nhưng cũng vì dựa trên các trích dẫn đó là chính, nhiều lý giải về Đông Âu trong sách không theo kịp các tác phẩm xuất bản tại khu vực này hoặc sách của các tác giả Phương Tây trong 10 năm qua.


"Khi được đọc bản thảo ‘Bên Thắng Cuộc’, tôi băn khoăn không hiểu vì sao Huy Đức không đặt tựa cho sách là ‘Bên Thắng Trận’ với cả sự oai hùng, hào khí cách mạng? "
Nguyễn Giang


Về sự dính líu và cuộc tháo chạy của người Mỹ khỏi Đông Dương, quan hệ Mỹ – Trung về Campuchia cuốn sách cũng dùng quá nhiều luận điểm của nhân vật nổi tiếng thiên kiến và thiên hữu, ông Henry Kissinger trong cuốn ‘Ending the Vietnam War’ (2003), thiếu hẳn các cuốn mới hơn về Trung Quốc như ‘Inside Ten Episodes of China’s Diplomacy’ (2006) của Tiền Kỳ Tham.

Các đoạn về quan hệ Trung Xô hoặc Trung Mỹ hay vai trò chỉ đạo của Moscow với Hà Nội trong nhiều thập niên cũng thiếu nhiều phần đối chiếu từ các sách mới mà giới nghiên cứu Âu Mỹ liên tiếp đưa gia thời gian qua như cuốn ‘Revolution 1989: The Fall of the Soviet Empire’ của Victor Sebestyen (2009) hay ‘Russian’s Cold War’ của Jonathan Haslam (2012).

Nói như thế không phải là để phê phán cuốn sách đầy đủ nhất từ trước tới nay về chính trị Việt Nam mà để bạn đọc Việt Nam tin tưởng rằng chủ đề ‘hệ thống cộng sản’ vẫn được giới khoa bảng quốc tế theo đuổi, cập nhật, và trong dòng sách này Bên Thắng Cuộc chắc chắn là một hồ sơ quan trọng nếu được dịch ra ngoại ngữ.

Phần trong nước, tác giả cũng sử dụng khá nhiều các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam để ghi nhận các bước tiến và lùi trong chính sách.

Nhưng vì ở Việt Nam luôn có khoảng cách khá lớn giữa ngôn từ văn bản với chính sách áp dụng thực và kết quả cuối cùng nên cách làm này dù cần thiết cho giới cần tra cứu, lại dễ khiến bạn đọc bình thường có cảm giác bội thực của một thời phải ăn độn bo bo.

Trái lại, khi đi xa văn kiện, ngòi bút báo chí tinh tế đã giúp tác giả giải mã được chiến lược ‘pháo đài huyện’ mà các con đẻ của nó vẫn đang lãnh đạo đất nước ngày hôm nay.



Xé rào: ông Trường Chinh thăm nhà máy bột giặt Viso năm 1983

Nào ai nghĩ chính phong trào ông Lê Duẩn tung ra nhằm gây dựng cán bộ trẻ từ huyện để đẩy thẳng lên trung ương hồi đó, theo Huy Đức, đã tạo đà cho ông Nguyễn Tấn Dũng từ huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải hay bà Trương Mỹ Hoa từ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang và một số nhân vật khác lên cao.

Chính cách để các nhân vật thật tái hiện trong ánh sáng mới của lịch sử và tư liệu khiến 'Bên Thắng Cuộc' không nằm vào dạng tác phẩm nghiên cứu academic mà giống ký sự hay non-fiction biographic history tựa như của Simon Sebag Montefiore trong ‘Stalin: The Court of the Red Tsa’ hay ‘Jerusalem: The Biography’.

‘Bên Thắng Cuộc’ còn nhiều phần phát hiện thú vị khác về ‘người trong cuộc’ mà tôi tin là bạn đọc sẽ đánh giá cao, và nếu những gì tác giả viết ra có gây dư luận khen chê hay tạo ra tranh luận thì cũng là điều tốt vì đã lâu người đọc tiếng Việt chưa có trong tay một bộ sách đầy đủ, chân thực và nhiều tính gợi mở như thế về đất nước họ.

Và nếu vì đọc ‘Bên Thắng Cuộc’ mà có các tác giả khác nung nấu muốn viết thêm, viết lại, viết tiếp về chủ đề Việt Nam thì hẳn cũng là một thành công ‘ý tại ngôn ngoại’ cho tác giả.


Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com



3 nhận xét:

  1. Góp ý về cuốn sáchlúc 06:41 19 tháng 12, 2012

    Thiếu Tá Lê Quang Liễn phản đối nội dung sách Bên Thắng Cuộc nói về Anh


    Thưa tác giả Huy Đức,

    Được nghe,đọc nhiều quảng cáo trên internet về tác phẩm Bên Thắng Cuộc của ông . Cho nên tôi cũng tò mò tìm đọc cho biết.

    Trong ChươngII,tiểu mục Ngụy Quân trang 52,tình cờ tôi đọc những điều người vợ cũ của tôi (theo sách là gia đình "Cách mạng") và được Phan Xuân Huy phỏng vấn(?), viết về chuyến đi thăm tôi ở trại tù tháng 9 năm 1975 và được đăng tải trên báo Tia Sáng năm 1975.Tôi rất ngạc nhiên và ghê tởm,sau gần 40 năm mới hay, về những điều mà nhà báo PXHuy đã viết ra và gán ghép cho kẻ vắng mặt vì những lý lẽ sau đây:

    ***trại tù như một trại Hè
    ***ca tụng về cuộc sống lành mạnh ở Trại tù
    ***.." đã bị tên tướng ngụy Bùi Thế Lân bỏ kẹt tại cửa Thuận An và đã cùng toàn bộ binh lính trong Tiểu đoàn 7 đầu hàng quân đội giải phóng..."

    http://www.haingoaiphiemdam.com/NewsContent.aspx?Id=5067

    Trả lờiXóa
  2. Góp ý về cuốn sáchlúc 06:41 19 tháng 12, 2012

    Thật ra toàn bộ anh em TQLC đã bị bắt,nếu anh em chúng tôi ra hàng thì đã được hưởng qui chế đãi ngộ hàng binh như Phạm Văn Đính và một số đồng bọn thuộc Trung Đoàn 56 .Vả lại, đơn vị chúng tôi lúc đó thuộc quyền của Bộ Tư Lịnh Tiền Phương Quân Đoàn I.Ở đây ,vị Tư lịnhTQLC không có trách nhiệm nào hết.Người chịu trách nhiệm là Trung Tướng Lâm Quang Thi mới đúng nghĩa hơn.Khi viết toàn bộ ra hàng là điều cố tình hạ nhục anh em chúng tôi khi thất thế!!

    Nếu ông Huy Đức biết rõ thêm về tôi là người tù cuối cùng của Lữ Đoàn 147 TQLC ra khỏi trại tù ngày 12 tháng 2 năm 1988 sau gần 13 năm tù ngục với 4 năm 7 tháng 24 ngày bị "kiên giam" còng tay,chân,bị đánh gảy xương sườn vì những chống đối tập thể trong Trại tù Bình Điền ,Thừa Thiên.Thì phần trích dẫn từ bài viết của tên nhà báo PXHuy là thiếu trách nhiệm.

    Tôi biết PXHuy là thành phần đối lập cơ hội với chế độ VNCH trước năm 1975 mà tôi tận trung phục vụ.Có lẽ trong những ngày tháng đầu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975,Phan Xuân Huy-cũng như một số người nhẹ dạ - vì muốn tìm chỗ đứng an toàn trong lòng chế độ mới bằng những bài viết,những câu nói ,với những nhận thức "sâu sắc của mình" về cái hay ,cái đẹp của chế độ XHCN.

    Một nhà báo chân chính phải viết cho sự thật,vì lương tâm thì đừng bao giờ gán ,chụp cho những người vắng mặt những gì vì lợi ích cho bản thân,phe nhóm.

    Tôi gửi đến tác giả Huy Đức những nhận xét của tôi về phần trích dẫn trong sách và mong được hoàn chỉnh sự chính xác cũng như trách nhiệm của người viết.

    Trân trọng,

    Lê Quang Liễn

    http://www.haingoaiphiemdam.com/NewsContent.aspx?Id=5067

    Trả lờiXóa
  3. Góp ý về cuốn sáchlúc 06:42 19 tháng 12, 2012



    Kính thưa quý diễn đàn.

    Gần đây dư luận xôn xao về một quyển sách của tác giả Huy Đức, người từ chế độ cộng sản viết về tài liệu lịch sử của cuộc chiến vừa qua. Qua quyển sách có tên là " Bên thắng cuộc", nhìn toàn diện tác giả dường như muốn diễn đạt và dẫn chứng những điều thật sự xảy ra sau cuộc chiến, nhưng sự thật đó lại là những điều không thật. Kẻ bại trận bị đi tù nhưng với mỹ từ là học tập cải tạo. Những đoạn high light màu đỏ dưới đây để chúng ta có thể nhận định được giá trị của quyển sách nầy. Những dẫn chứng bịa đặt mặc dầu với những tên khác nhau, nhưng tác giả Huy Đức phải hoàn toàn trách nhiệm những điều không có thật trong quyển sách của mình. Phan Xuân Huy cựu dân biểu phản chiến QLVNCH, cùng các tên Ngô công Đức chủ báo Tin Sáng, đã tiếp tay cho cộng sản để làm suy yếu chế độ miền Nam.

    Trường hợp cá nhân Lê quang Liễn là một điển hình. Là bạn cùng khóa, cùng trường, cùng chiến đấu và cùng ở tù chung trại tù Ái Tử, Bình Điền. Bạn Liễn không bao giờ nói lên câu nói như trong bài viết dù là với vợ con mình. Chúng tôi, những đơn vị chiến đấu cuối cùng trong cuộc lui binh từ bỏ vùng địa đầu giới tuyến từ lệnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cả Lữ đoàn 147TQLC của chúng tôi đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Lâm Quang Thi Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1. Chúng tôi đã chiến đấu trong tình trạng bị cô thế, chúng tôi bị bắt làm tù binh vào ngày 27-3-1975. Chúng tôi không đầu hàng như trong đoạn dẫn chứng của tác giả Huy Đức. Sư đoàn TQLC chúng tôi, cũng như bất cứ ai ở cùng trại tù với Lê Quang Liễn đều cảm mến và kính phục tinh thần chiến đấu cao độ và bất khuất của anh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vào những ngày cuối tháng Ba gãy súng, Liễn đã đích thân đưa xác người em ruột mình lên chuyến tàu đầu tiên và cũng là cuối cùng, duy nhất cùng với BCH Lữ Đoàn vào Đà Nẳng. Sau đó đã quay lại cùng chiến đấu thề sống chết với đơn vị mình. Thiếu Tá Lê Quang Liễn TDP/ TD7 không bao giờ bỏ cuộc, thề sống chết với đơn vị mình. Chuyện bại trận của chúng tôi, không phải là trách nhiệm của Thiếu Tướng Bùi Thế Lân mà là của Trung Tướng Lâm Quang Thi vị Tư Lệnh Tiền Phương , người chỉ huy chúng tôi

    Liễn không bao giờ ca tụng chế độ cộng sản, như trong dẫn chứng những điều bịa đặt làm tổn thương đến danh dự của người lính QLVNCH. Liễn ra tù sau cùng trong số sĩ quan của Lữ Đoàn 147 bị bắt tại bãi biển Thuận An vào ngày 12-2-1988 . Trong giấy ra trại chỉ để là cải tạo trung bình, không giống bất cứ giấy ra trại nào của mọi người khác. Rất anh hùng trong chiến đấu, bất khuất trong trại tù,sống chết với thuộc cấp trong những giờ phút hiểm nguy nhất của cuộc chiến

    Một cuốn sách có giá trị lịch sử, phải là một cuốn sách được viết bởi những người không thuộc phe phía nào. Những dẫn chứng vu vơ hoặc của vài tên hèn hạ "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản" như Phan Xuân Huy hay vài người nào đó đã phát biểu trong hoàn cảnh chẳng ai dám nói những gì khác hơn, ngoài những giáo điều cộng sản đều hoàn toàn không giá trị.

    Xin tất cả chúng ta, những nhân chứng còn sống lại trong thế hệ hôm nay, không chấp nhận những điều sai sự thật dù bất cứ hình thức nào.
    Qua quyển sách "Bên thắng cuộc" của tác giả Huy Đức là những viên thuốc đắng có bọc đường. Người đọc sẽ cảm nhận những tuyên truyền cho một chế độ gian ác, bên cạnh những quả bóng mù mờ, hư hư thực thực dễ dẫn dắt những người non nớt cả tin đi vào những điều không thật để rồi quên đi một quá khứ gian ác, đày đọa Quân, Dân, Cán, Chính QLVNCH qua mỹ từ “Học tập cải tạo”.

    Ai thắng ai trong cuộc chiến vừa qua. Nay sự thật lịch sử đã được minh chứng rõ ràng!!

    Hãy cẩn thận khi đọc quyển sách " Bên Thắng Cuộc" của tác giả Huy Đức

    MX Phạm văn Tiền

    ĐĐ F Khóa 20 Đà Lạt

    ( Nguyễn Đắc Song Phương ) http://www.haingoaiphiemdam.com/NewsContent.aspx?Id=5067

    Trả lờiXóa