Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Đồng chí X đâu rồi? Xin hãy trả lời cho người dân xem. Và cách xử lý, truy cứu hình sự tới bọn quan chức tham nhũng, tội phạm kinh tế này như thế nào? ( Xử lý nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Không mất tiền ngân sách thì mất tài sản công )


Đồng chí X đâu? Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đồng chí X và bè lũ tay sai 'Hồng hơn Chuyên", chỉ 1 mình tập đoàn Sông Đà đã "nướng", làm thất thoát hơn 10 ngàn tỷ đồng ngân sách của đất nước Việt Nam. Số tiền đó đi đâu hở đồng chí X?

Việc xây dựng nhà từ đường của đồng chí X ở Kiên Giang có dính líu gì tới số tiền  thất thoát này không? Hay là từ những vụ khác? Nếu không, thì với mức lương của đồng chí X và gia đình gộp lại ( tính từ sau ngày ở trong bưng, trong rừng ra), có đủ tiền để xây nhà từ đường của dòng họ mình hay không?

Đồng chí X đâu rồi? Xin hãy trả lời cho người dân xem.  Và cách xử lý, truy cứu hình sự tới bọn quan chức tham nhũng, tội phạm kinh tế này ra sao?



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


__________



Ngày 20.11.2012, 07:06 (GMT+7)



Xử lý nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước

Không mất tiền ngân sách thì mất tài sản công


SGTT.VN - Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu quốc hội tỏ ra rất quan tâm tới nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là về hiệu quả sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu và các biện pháp khắc phục. Trong trả lời chất vấn bằng văn bản cho đại biểu, bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều còn số khá giật mình về tình hình nợ của các DNNN. Tuy nhiên, người dân vẫn hầu như không biết gì về giải pháp để giải quyết bài toán nợ tại khu vực DNNN.


DNNN vay nợ nhiều nhưng không hiệu quả




Vụ thất thoát hơn 10.000 tỉ đồng ở tập đoàn Sông Đà gần đây vẫn được coi là chưa tới mức xử lý kỷ luật, và tập đoàn này chỉ phải nộp lại ngân sách có 30 tỉ đồng

Theo bộ trưởng Vương Đình Huệ thì tính tới thời điểm 31.12.2011, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Số nợ này bằng khoảng 65,2% GDP của toàn nền kinh tế trong năm 2011.


Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Đáng chú ý là có tới 30 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần. Trong đó có tám đơn vị có tỷ lệ trên mười lần, mười doanh nghiệp từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 – 5 lần. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất là 0,34 lần còn tỷ lệ tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn bình quân tính theo số liệu báo cáo hợp nhất là 0,62 lần. Tỷ lệ tổng tài sản/tổng nợ phải trả, theo báo cáo hợp nhất bình quân năm 2011 là 1,62 lần.


Qua phát biểu của bộ trưởng và các con số trên có thể thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.


Mặc dù đi vay khá nhiều nhưng hiệu quả sử dụng vốn của các DNNN lại rất thấp, chưa xứng đáng với vai trò là chủ lực của nền kinh tế, cũng như các ưu đãi mà khu vực này được hưởng. So với các khu vực kinh tế khác, hiệu quả kinh doanh của các DNNN ngày càng tỏ ra thua kém. Các tập đoàn lớn hoặc rơi vào tình trạng vỡ nợ như Vinashin, hoặc rơi vào cảnh thua lỗ lớn như Vinalines, tập đoàn Sông Đà…, hoặc rơi vào cảnh không trả nợ đúng hạn như tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỉ đồng, tập đoàn Dầu khí đang nợ quá hạn 1.731 tỉ đồng, các tổng công ty như Thuốc lá Việt Nam nợ quá hạn 467 tỉ đồng, Xây dựng công trình giao thông 6 nợ quá hạn 128 tỉ đồng, Rau quả nông sản 30 tỉ đồng.


Tuy hoạt động của khu vực DNNN kém hiệu quả như vậy nhưng Chính phủ vẫn lúng túng trong việc tìm người chịu trách nhiệm. Điển hình như vụ thất thoát hơn 10.000 tỉ đồng ở tập đoàn Sông Đà gần đây vẫn được coi là chưa tới mức xử lý kỷ luật, và tập đoàn này chỉ phải nộp lại ngân sách có 30 tỉ đồng.


Mặc dù bộ trưởng bộ Tài chính và thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều không nêu cụ thể tỷ lệ nợ xấu của DNNN, nhưng có thể ở mức khá cao qua các con số nợ quá hạn của các tập đoàn kể trên. Rõ ràng rằng nếu như khu vực DNNN gây ra nhiều nợ xấu nhưng không thể phá sản, thì gánh nặng chi trả cuối cùng sẽ thuộc về ngân sách nhà nước. Đây sẽ là một áp lực rất lớn đối với ngân sách trong bối cảnh nợ công cao và ngân sách nhà nước eo hẹp, đến nỗi khó khăn trong việc thực hiện tăng lương tối thiểu theo kế hoạch trong năm 2013.


Xử lý nợ xấu trong khu vực DNNN: bài toán nan giải

Đối với các doanh nghiệp thông thường, ngân hàng thương mại (NHTM) không gặp quá nhiều khó khăn khi thương lượng, xử lý các khoản nợ xấu và có thể thanh lý tài sản đảm bảo khi cần thiết. Tuy nhiên, với DNNN thì việc giải quyết nợ xấu lại khó khăn hơn nhiều do các rào cản pháp lý đối với công sản.


Hầu hết các tài sản thế chấp (nếu có) của DNNN đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước với các điều kiện ràng buộc phức tạp, nên việc phát mại tài sản là không hề dễ dàng. Thông thường, các NHTM thường bán tài sản thế chấp ở dưới mức giá gốc để dễ thanh lý nhưng theo quy định thì các tài sản của Nhà nước không được bán thấp hơn giá trị gốc, hay là giá trị sổ sách của DNNN. 

Phần lớn tài sản thế chấp lại là bất động sản nên các NHTM lại càng khó khăn hơn trong xử lý nợ, khi mà thị trường bất động sản đã đóng băng suốt hơn một năm qua. Đó là chưa kể tới việc có nhiều khoản vay của DNNN dựa trên sự bảo lãnh của Nhà nước thay vì có tài sản đảm bảo.


Nhìn chung, với các quy định pháp lý hiện nay, việc xử lý các khoản nợ xấu của DNNN hiện nằm ngoài khả năng của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, các cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất được các bên liên quan phải chịu trách nhiệm về nợ xấu của khu vực này như thế nào. Liệu các NHTM phải chịu thua lỗ và mất vốn do cho các DNNN vay, hay Nhà nước sẽ dùng ngân sách nhà nước để bù đắp (một phần hoặc toàn bộ) các thiệt hại do khu vực này gây ra hay sẽ bán tài sản của các DNNN, bất chấp mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị gốc trên sổ sách, để có tiền trả nợ ngân hàng.


Để xử lý nợ xấu trong khu vực DNNN thì việc hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia (VMNC) mà NHNN đang đề xuất là chưa đủ. Công ty này có thể không gặp vấn đề gì khi mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, nhưng sẽ gặp phải các vấn đề pháp lý mà các NHTM đang gặp phải hiện nay liên quan đến việc bán tài sản của DNNN. Rõ ràng, để giải quyết được nợ xấu của khu vực DNNN thì vẫn cần phải có sự tham gia trực tiếp của một uỷ ban tái cấu trúc nền kinh tế trung ương có toàn quyền quyết định về việc mua, bán tài sản của các DNNN. Cơ quan này sẽ phối hợp với VMNC để việc xử lý các khoản nợ, thể hiện bằng việc sẵn sàng bán các loại tài sản ở dưới mức giá trị sổ sách để lấy tiền trả các khoản nợ xấu.


Tuy nhiên, ngay cả khi uỷ ban này được thành lập thì việc thanh lý tài sản cũng không hề đơn giản do quy mô tài sản cần phải bán cho các đối tác khác là rất lớn. Với tình hình thanh khoản thị trường chứng khoán èo uột như hiện nay, và với 2/3 các mã chứng khoán có thị giá dưới mức giá phát hành, thì việc mua lại tài sản của DNNN gần như nằm ngoài khả năng của các cá nhân, tổ chức trong nước, ngay cả khi giảm mạnh giá bán.


Vì thế một trong những vai trò quan trọng của VNMC và uỷ ban tái cấu trúc nền kinh tế là phải tìm kiếm và bán các tài sản thuộc khu vực DNNN cho các tổ chức nước ngoài, thì mới có thể giảm nhanh được tỷ lệ nợ xấu. Nhưng đây là điều mà có vẻ như Chính phủ vẫn chưa muốn đề cập tới.


NGUYÊN MINH CƯỜNG


Dựa vào nguồn thu từ đất và cái giá phải trả
Năm 2007, ngay sau khi gia nhập WTO, dòng tiền đầu tư từ nước ngoài tranh nhau chảy vào nền kinh tế. Bong bóng tài sản, từ đó, cũng hình thành và ngày càng phình to hơn. Vòng xoáy hình thành bong bóng tài sản ngày càng lớn dần rồi, một năm sau đó, bong bóng trên thị trường chứng khoán bắt đầu vỡ. Dường như, ít ai có thể dự báo được hiệu ứng bong bóng vỡ lại có thể lan rộng và gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay.
Năm thứ năm kể từ khi bong bóng tài sản bắt đầu vỡ, các ngân hàng bắt đầu nhận ra được hậu quả của việc cho vay dễ dãi từ những năm trước. Xử lý nợ xấu giờ đây trở thành ưu tiên của các ngân hàng, thay vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tài trợ tiếp tục hay ngưng tài trợ và thanh lý tài sản – đó là điều các ngân hàng đang phải đắn đo, cân nhắc trong giai đoạn này. Tài trợ tiếp tục thì doanh nghiệp không có khả năng trả lãi và hoàn trả gốc. Thanh lý tài sản thì không thể thu hồi đủ nợ gốc. Có vẻ như chính sách cho vay dễ dãi trong thời kỳ trước nhằm phục vụ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, giờ đây trở thành tác dụng ngược.
Không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản vỡ còn ảnh hưởng cả đến hoạt động phát triển kinh tế ở các địa phương. Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam – V1000, về cơ cấu ngành nghề, phần lớn nguồn thu của các thành phố trực thuộc Trung ương đều phụ thuộc nhiều vào ngành xây dựng – bất động sản. Việc thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian gần đây sẽ tạo áp lực rất lớn lên cân đối thu chi của các địa phương này. Và việc gần đây chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng xác nhận thông tin khoảng 400 cán bộ công chức, viên chức hành chính của quận Liên Chiểu chưa được nhận lương tháng 11 là một điển hình. Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng đến cân đối nguồn thu của địa phương.
Đã đến lúc cần phải cải tổ – đó là điều Chính phủ đã nhìn nhận. Tuy nhiên, việc cải tổ không chỉ dừng lại ở khu vực ngân hàng. Việc cải tổ còn cần phải được thực hiện trên giác độ thay đổi mô hình và chiến lược phát triển ở từng địa phương. Thay vì tập trung vào những nguồn thu thiếu bền vững và mang tính ngắn hạn như nguồn thu từ bất động sản, thì nên hướng đến việc phát triển hệ thống doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh, từ đó, sẽ có được nguồn thu mang tính bền vững hơn.
HUY TRẦN


SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét