Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Chủ quyền mất dần, nhục cũng thành quen _____ Hộ chiếu bá quyền Trung Quốc : Quả pháo khai chiến của Tập Cận Bình. Phỏng vấn giáo sư bang giao quốc tế Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.



Thứ năm 29 Tháng Mười Một 2012
Hộ chiếu bá quyền Trung Quốc : Quả pháo khai chiến của Tập Cận Bình
Dân biểu Philippines Walden Bello (trái) tham gia hoạt động biểu tình phản đối hộ chiếu mới có hình lưỡi bò trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati, Manila ngày 29/11/2012.
Dân biểu Philippines Walden Bello (trái) tham gia hoạt động biểu tình phản đối hộ chiếu mới có hình lưỡi bò trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati, Manila ngày 29/11/2012.
REUTERS/Romeo Ranoco

Tú Anh

Hộ chiếu mới của Trung Quốc với 10 triệu bản, được lưu hành từ tháng 5/2012 nhưng tính chất « bá quyền » mới được truyền thông quốc tế phát hiện vào ngày 22/11/2012. Hầu hết vùng biển Đông Nam Á nằm trong bản đồ « lưỡi bò », hai bang của Ấn Độ và danh lam thắng cảnh của Đài Loan cũng thuộc về Trung Quốc. Phản ứng mạnh của quốc tế đặt Bắc Kinh vào thế cô lập.


Ngày 15/11/2012 vừa qua, trong bối cảnh đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 kết thúc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định với phóng viên quốc tế là ban lãnh đạo mới « kiên quyết » đi theo chính sách đối ngoại « hòa bình, cởi mở, hữu hảo, đôi bên cùng có lợi ».

Mặc dù ngôn từ chính thức khẳng định đảng Cộng sản Trung Quốc không có mưu toan điều chỉnh chính sách, nhưng không ít nhà bình luận Trung Quốc lập luận rằng Bắc Kinh nên bỏ chính sách « khiêm tốn » của Đặng Tiểu Bình. Giáo sư Diêm Học Thông, giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đại học Thanh Hoa cho rằng Trung Quốc cần phải biến đổi từ « thụ động sang chủ động , từ phản ứng sang ra tay trước ». Một nhà phân tích Tây phương là giáo sư David Denoon, đại học New York cũng thấy chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã thay đổi từ năm 2005 : cứng cỏi hơn và ít hợp tác hơn.

Một tuần sau khi ông Tập Cận Bình chính thức được « bầu » vào ghế lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản, truyền thông thế giới phát hiện trên hộ chiếu mới của Trung Quốc một « sự kiện không bình thường ». Trên hai trang 8 và 46, Trung Quốc in ngầm bản đồ lãnh thổ trong đó có đường « lưỡi bò » nuốt gọn Biển Đông ở phía Nam, tóm thu hai danh lam của Đài Loan là Nhật Nguyệt đàm và Thanh Thủy nhai. Ở phía Tây, hai bang của láng giềng Ấn Độ « tự động » lọt vào lãnh thổ Trung Hoa.

Trừ Ấn Độ đã âm thầm trả đũa từ nhiều tháng trước, các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Indonesia đều lên tiếng phản đối. Manila từ chối công nhận hộ chiếu Trung Quốc. Tại Việt Nam, những người quan tâm đến vận mệnh đất nước vận động công luận trong và ngoài nước đối phó với « âm mưu thôn tính » của Bắc phương. Công an cửa khẩu cũng có sáng kiến đóng dấu « hủy » visa của công dân Trung Quốc trong khi chờ một chính sách từ trung ương.

Tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc gây áp lực mạnh nhất có nguy cơ căng thẳng leo thang. Washington lên án Bắc Kinh « gây căng thẳng với láng giềng » trong khi Tổng thư ký hiệp hội ASEAN cảnh báo « Biển Đông biến thành Palestine châu Á ».

Theo nhận đinh của Asia News, hội nghị bốn nước Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn chiếm biển đảo mà Manila triệu tập vào tháng 12 tới đây có khả năng đi tới một mặt trận chung.

Để tìm hiểu hành động của Bắc Kinh có phù hợp với công pháp quốc tế hay không ? Họ toan tính gì khi phát hành hộ chiếu « bá quyền » ? Là nạn nhân trực tiếp, Việt Nam phải có đối sách đơn phương và đa phương sao cho tương xứng ? RFI đặt câu hỏi với giáo sư bang giao quốc tế Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.

Giáo sư Lê Đình Thông : « Hộ chiếu ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Việc in ấn này phát xuất từ Tuyên truyền Bộ của Trung Quốc, chủ trương mỗi người Hoa là một tuyên truyền viên của đảng Cộng sản, khoa trương sức mạnh kinh tế và quân sự, nhưng sẽ không nhận được kết quả mong muốn. Ngược lại sẽ bị phản ứng bất lợi của các nước trong khu vực.

Bản đồ « lưỡi bò » phát xuất từ « bản đồ » mà theo ý tôi gọi tắt là bản đồ « lưỡi Mao ». trong cuốn sách « Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc » do Mao viết năm 1939 và do Tân hoa Thư điếm ấn hành, thì cái « lưỡi Mao » từ năm 1939 còn lớn hơn cái lưỡi bò hiện nay rất nhiều vì nuốt trọn các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam từ Bắc đến Nam…

Việt Nam chưa có phản ứng tương xứng … Thời điểm thuận lợi cho Việt Nam là phải nhân hội nghị bốn nước đòi chủ quyền ở Biển Đông do Manila triệu tập vào tháng 12 bàn về chính sách đối phó với hộ chiếu « lưỡi bò » của Trung Quốc.

Tôi xin nhắc lại là vào tháng trước, tại Paris, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Iris tổ chức hội nghị về Biển Đông, đã đề nghị Việt Nam và Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế La Haye. Như vậy điều này cho Việt Nam và Philippines lợi thế về phương diện pháp lý và chính trị, và làm cho quốc tế, nhất là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu quan tâm đúng mức về hồ sơ nóng bỏng này trong khu vực…

Một đối sách khác là Việt Nam phải cải cách, trao thẩm quyền phản đối mạnh mẽ cho xã hội dân sự, thẩm quyền mà hiện giờ Bộ Ngoại giao không làm được như lên án đế quốc Trung Quốc.

Nếu tại Manila, các nước trong khu vực ra được một quyết định chung thì điều này sẽ gây khó khăn cho việc buôn bán cho người dân Trung Quốc, sẽ dấy lên làn sóng người dân Trung Quốc đòi hỏi chính phủ phải đáp ứng yêu cầu của các nước trong khu vực là xé bỏ hai trang 8 và 46. Xé bỏ còn mang tính biểu tượng là Trung Quốc xé bỏ sách lược thôn tính Biển Đông, ít ra là trên mặt ngôn từ… »

RFI



__________________________



Chủ quyền mất dần, nhục cũng thành quen
Friday, November 30, 2012 2:46:14 PM  



Song Chi/Người Việt

Việc in chìm tấm bản đồ hình “lưỡi bò” trên hộ chiếu mới của nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ là một diễn biến tiếp theo sau hàng loạt hành động trước đó của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa bản đồ phi pháp này.
Trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam cấm dân chúng biểu tình chống Trung Quốc thì người dân Philippines được biểu tình phản đối ‘hộ chiếu lưỡi bò’. (Hình: Dondi Tawatao/Getty Images)


Và khi các nước có liên quan hoặc đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Ðông còn đang tức giận và tìm cách đối phó với những tấm hộ chiếu “lưỡi bò”, thì Trung Quốc đã lại có thêm một bước đi khiêu khích nữa:

Báo chí trong và ngoài nước dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng bắt đầu từ năm 2013, các quy định mới sẽ cho phép cảnh sát tỉnh Hải Nam lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài bị xem là xâm nhập trái phép trong vùng biển mà Trung Quốc tự cho là lãnh hải của mình ở biển Ðông.

Trên thực tế từ nhiều năm qua, tàu Trung Quốc đã từng nhiều lần bắt giữ các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Nhẹ nhất thì cũng là tịch thu ngư cụ, hải sản... rồi thả cho về, nặng hơn thì đánh đập, bắt giam, đòi tiền chuộc, cũng có khi tông chìm tàu...

Nhưng tất cả những hành động này chỉ là “không chính thức”.

Còn nay thì cảnh sát biển của Trung Quốc sẽ chính thức được quyền lục soát, tịch thu và trục xuất tàu nước ngoài xâm nhập khu vực đường “lưỡi bò”!

Ðiều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng tự tin không cần giấu diếm mưu đồ độc chiếm biển Ðông, bất chấp sự lo ngại và phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế.

Các nhà bình luận chính trị đã nói nhiều về chiến lược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển Ðông: Ðó là cứ lấn dần, từng bước thiết lập quyền kiểm soát khu vực biển Ðông cho đến khi Trung Quốc có thể thâu tóm toàn bộ khu vực theo đúng như tham vọng của họ.

Với các nước khác như thế nào không biết, nhưng trước bước đi mới này của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ ngư dân và khẳng định chủ quyền của mình?

Liệu Việt Nam có dám cho tàu cảnh sát đi bảo vệ ngư dân mà nếu có, thì liệu có thể đối phó với lực lượng tàu hải giám, tàu ngư chính, cảnh sát biển... đồ sộ, đông đảo các loại của Trung Quốc?

Hay là cứ mặc cho tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc công khai chặn bắt, lục soát, tịch thu và trục xuất ngay trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam? Ðể rồi cùng lắm, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao lại xuất hiện, “phát lại” cuộn băng với những lời phản đối cũ mèm?

Và nếu tình hình cứ tiếp diễn một thời gian thì ngư dân Việt Nam dù có muốn cũng không thể tiếp tục ra khơi để rồi lại mất trắng tài sản, chưa kể có thể còn bị cảnh sát Trung Quốc đánh đập, lăng nhục, bắt giam.

Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Trung Quốc, như thực tế đã xảy ra, ngang nhiên vào ra trên khu vực biển Ðông, đánh bắt cá dưới sự yểm trợ của những tàu hải giám.

Thế là dần dần người Việt đành bỏ trống biển khơi cho Trung Quốc. Nói cách khác, biển Ðông, hay ít nhất là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xưa đến nay, trở thành của Trung Quốc mà họ không cần phải gây chiến tranh. Vừa tốn kém vừa tạo điều kiện cho các nước khác có dịp “tọa sơn quan hổ đấu”, một điều mà nhà cầm quyền Trung Quốc tối kỵ.

Chưa hết, trên bản tin Thứ Sáu 30 tháng 11, 2012 của trang Nhật báo Ba Sàm lại có thêm “hung tin” từ một số blogger và một nguồn tin từ báo giới cho hay: Vào lúc gần 8 giờ ngày 30 tháng 1 năm 2012, tàu Trung Quốc lại vừa xâm nhập lãnh hải Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam!

Còn nhớ, khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 vào tháng 5 năm 2011, Việt Nam đã phản đối khá mạnh, tổ chức họp báo đưa tin, báo chí được phép lên án mạnh mẽ. Liệu bây giờ Việt nam sẽ có phản ứng gì mạnh hơn nữa không?

Một ví dụ khác trước đó nữa, khi lần đầu tiên Bắc Kinh tuyên bố lập thành phố đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa nhằm quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa vào cuối năm 2007, người dân Việt Nam đã giận dữ xuống đường tại Sài Gòn, Hà Nội.

Những cuộc biểu tình hiếm hoi đầu tiên phản đối Trung Quốc trong một chế độ mà biểu tình là chuyện cấm kỵ quả thật đã gây tiếng vang lớn, thế giới cũng phải lưu ý.

Tiếp theo là hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tại các thành phố thuộc các quốc gia khác nhau.

Sức ép của lòng dân buộc nhà nước Việt Nam cũng phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Kết quả là Trung Quốc buộc phải tuyên bố tạm dừng kế hoạch này.

Thế nhưng sau một thời gian, cái “thành phố Tam Sa”, trung tâm hành chính Tam Sa lại được đường hoàng thành lập, phát triển.

Trung Quốc đã lập cục cấp điện, đã bắt đầu xây dựng các cơ sở xử lý rác thải và nhà máy xử lý nước thải ở đây (“TQ lập cục cấp điện trái phép tại Hoàng Sa”, báo VNExpress).

Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, bầu thị trưởng, thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú (”Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, báo Thanh Niên), phát hành bản đồ “thành phố Tam Sa,” v.v... và v.v...

Việt Nam đã làm gì? Một bên cứ phản đối, một bên cứ việc ta ta làm, đường ta ta cứ đi. Còn người dân? Chán ngán và không buồn phản đối nữa.

Thế là Trung Quốc thắng.

Vụ cắt dây cáp tàu, cấp hộ chiếu, cho cảnh sát biển được phép lục soát, trục xuất tàu cá của ngư dân Việt Nam... tất cả đều theo một lộ trình như vậy.

Trước đây khá lâu người viết bài này đã từng viết về tình trạng biển Ðông ngày càng trở nên chật hẹp với Việt Nam, nay thực tế đã quá rõ ràng, nghiêm trọng.

Mà nhà cầm quyền Việt Nam thì vẫn không cho thấy sẽ có một phương sách đối phó nào theo hướng mạnh mẽ tăng dần cho xứng tầm với mức độ ngang ngược ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh, nếu không muốn nói là ngược lại.

Nhưng điều chua xót hơn là chính người dân Việt Nam chúng ta dường như cũng chẳng có cách gì khác ngoài việc giận dữ, tuyên bố phản đối.

Kinh nghiệm cay đắng của những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trước đây bị chính nhà nước Việt Nam gây khó dễ, ngăn chặn đủ kiểu, thậm chí thẳng tay đàn áp khiến cho những cuộc biểu tình khó có thể nổ ra nữa.

Mà nếu có nổ ra thì vài trăm người, thậm chí vài ngàn người cũng chưa đủ gây sức ép lên nhà cầm quyền Trung Quốc nếu chúng ta thử làm vài so sánh:

Cuộc biểu tình của khoảng 400 nghìn người Hong Kong chống lại bàn tay xâm lấn của chính phủ trung ương Trung Quốc đối với các vấn đề nội bộ của Hong Kong, nhân ngày kỷ niệm thứ 15 Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc -ngày 1 tháng 7 năm 2012.

Cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người Hồng Kông đòi chính quyền Trung Quốc hủy bỏ việc áp đặt môn học “yêu nước Trung Quốc” đối với học sinh phổ thông ngày 1 tháng 9 năm 2912.

Hay những cuộc biểu tình của chính người Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Ðiếu Ngư/Sensaku. Xảy ra vào ngày 15, 16 tháng 9 năm 2012 tại nhiều thành phố khác nhau, lên đến hơn 60,000 người, một số cuộc biểu tình còn biến thành bạo lực, v.v...

Chỉ riêng Việt Nam, nhà cầm quyền đã thành công khi ra sức dập tắt mọi cuộc biểu tình, mọi hành động phản đối Trung Quốc, làm nguội lạnh lòng yêu nước và sự quan tâm đến tình hình chính trị, vận mệnh đất nước trong đa số người dân.

Trong khi chính họ ngày càng tự quen dần với nỗi nhục bị Trung Quốc lấn lướt, coi không ra gì, thì đến lượt họ cũng tập cho người dân quen với điều này.

Cũng như chuyện tham nhũng, càng ngày số vụ tham nhũng càng nhiều, mức độ tham nhũng càng lớn, nhưng người dân đã bị quen dần đến mức không còn thấy kinh ngạc. Thì chuyện Việt Nam bị Trung Quốc lấn dần trên biển Ðông đến lúc không còn chỗ mà lùi, cũng không làm ai hoảng hốt nữa.

Câu hỏi bây giờ không còn là liệu có mất nước hay không mà bao giờ thì mất?

Và thời gian không còn tính theo đơn vị năm nữa mà là tháng, ngày.

Nguoi-Viet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét