Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

H/A tại hiện trường. Chưa khánh thành lại SẬP. Vì sao vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3? Chủ đầu tư dự án Lê Bá Thanh giải thích vỡ đập là do tài xế chạy xe của Trung Quốc chở quá tải va vào !!! Lý do vớ vẩn, né tránh trách nhiệm.

27/11/2012 14:00

Kon Tum: Cận cảnh đập thủy điện bị “xe ben húc sập”

Sau sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek 3, thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum làm 2 người chết và bị thương, công trình hiện nay đang lạnh tanh, không còn một bóng công nhân.

>> Sập thủy điện gây chết người: Làm sai thiết kế?

Trước đó, vào khoảng 17h30' ngày 22/11, trong khi thi công chèn đá thân đập thì đột nhiên mảng tường bê tông phía thượng lưu con đập bị đổ sập. Sự cố xảy ra làm anh Nguyễn Viết Hùng (tài xế 28 tuổi, trú tại Đại Lộc, Quảng Nam) bị chôn vùi trong khối bê tông, đất đá và đã tử vong ngay sau đó.

Sự việc xảy ra vào ngày 22/11, nhưng mãi đến ngày 26/11, sau khi xác nạn nhân đã được đưa về quê an táng, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía chủ đầu tư?

Theo ông Lê Bá Thanh, Giám đốc Công ty thủy điện Hồng Phát Đăk Mek: “Hiện công trình đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng nhưng chưa tích nước. Nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đập là do xe ben va vào làm sập dây chuyền” (!?).

Chùm ảnh tại hiện trường được PV VietNamNet ghi lại sau 4 ngày xảy ra sự việc:


Cảnh đứt gãy bờ đập nhìn từ xa.

Bờ đập có chiều dài 80m, chiều cao 20m đã bị sập một mặt phía thượng lưu.

Cận cảnh một mảng bê tông bị sập.

Khoảng 80% mặt bê tông phía thượng lưu bờ đập bị xé toạc.

Khối bê tông lớn bị đổ sập và nát vụn.

Cửa thoát nước đã bị đất đá chèn lấp.


Đoạn còn lại của bờ đập thủy điện không bị sập.

Nguyên nhân vỡ bờ đập thủy điện được chủ đầu tư cho là do xe ben tông vào.
 

Công trình thủy điện dự kiến hoàn thành vào quý 1/2013 nhưng hiện giờ vẫn đang còn rất ngổn ngang.

Đây là vụ sập bờ đập thủy điện đầu tiên ở nước ta khi thủy điện chưa tích nước.
 
Sau 3 ngày xảy ra vụ tai nạn làm chết người, vụ việc mới được phát hiện.


Tiến Thành
Vietnamnet

_______________________



Vì sao đập thủy điện Đak Mek 3 bị vỡ



Đập thủy điện Đak Mek 3 ở Kontum sụp đổ chiều 22/11 làm 1 người chết, trước đó đập thủy điện Đakrông 3 ở Quảng Trị cũng bị vỡ vào ngày 7/10.
Photo courtesy of vtc.vn
Đập thủy điện Đăk Mek 3 bị vỡ và chiếc xe ben chở đá


Hai vụ vỡ đập trên khiến dư luận trở lại câu hỏi về phẩm chất công trình và trách nhiệm giám sát quản lý đối với thủy điện nhỏ trên toàn quốc.


Xe ben đụng ... vỡ đập

Khó nói một tai nạn xe tải va quẹt lại có thể phá vỡ một đập thủy điện dài 80 mét cao 20 mét được xây dựng kiên cố theo kiểu đập chịu lực, thân đập phía thượng lưu và hạ lưu là bê tông cốt sắt ở giữa là đá. Tuy vậy với vụ vỡ đập làm thiệt mạng một người tài xế xe chở đá, chủ đầu tư công trình Cty cổ phần thủy điện Hồng Phát Đăk Mek qua lời Giám đốc Lê Bá Thanh nói với báo chí thì, đập vỡ là vì một chiếc xe ben chở đá đã va vào thân đập gây tác động dây chuyền làm vỡ đập.


TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nêu lên nghi vấn về nguyên nhân làm vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 ở huyện Dak Glei tỉnh kontum. Ông nói:


“Có một cái xe tải tông mà sụp đổ, bê tông thân đập phía thượng lưu dày hơn 1 mét thì xe tăng đâm cũng chưa đổ…nhưng mà họ nói vậy cũng không biết là sao, nhưng tôi nghĩ chủ yếu là do chất lượng công trình không bảo đảm.”


Dự án thủy điện Đak Mek 3 có vốn đầu tư tư nhân với hơn 200 tỷ đồng, công suất thiết kế 7,5 MW, khởi công tháng 3/2009, dự kiến phát điện vào đầu sang năm 2013. Công trình do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Nam Việt trụ sở ở Saigon thiết kế và được thi công bởi Công ty thi công cơ giới Hồng Phát cũng là một công ty con của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Thủy điện Hồng Phát Đak Mek.


Bê tông thân đập phía thượng lưu dày hơn 1 mét thì xe tăng đâm cũng chưa đổ…nhưng mà họ nói vậy cũng không biết là sao, nhưng tôi nghĩ chủ yếu là do chất lượng công trình không bảo đảm.    
TS Lê Ngọc Báu


Theo số liệu chính thức từ Ban chỉ đạo Tây Nguyên, khu vực Tây Nguyên hiện có 287 dự án thủy điện với tổng công suất gần 7.000 MW được phê duyệt, trong đó 84 dự án đang vận hành, 50 dự án đang xây dựng và 87 dự án đang nghiên cứu.


Tên gọi Đăk Mek 3 cho thấy đây là một phần của hệ thống thủy điện bậc thang ở Kontum với mục đích phát triển nguồn điện, đồng thời điều tiết mùa lũ và nước tưới cho mùa khô.


Thủy điện ở Tây Nguyên cho đến nay không mang lại hiệu qủa nếu so sánh với việc hủy hoại khoảng 17.000 héc-ta rừng tự nhiên, người dân mất đất canh tác cuộc sống bị xáo trộn. TS Lê Ngọc Báu nhận định:


“Thật ra ở Tây Nguyên xây dựng thủy điện rất nhiều nhưng về thủy lợi thì không tương xứng. Người ta xây dựng thủy điện như vậy thì mất rừng, mất hồ nhưng mà hiệu quả không cao. Người ta nói là thủy điện phục vụ thủy lợi nhưng sự thực nó không thể kết hợp được vì những vùng đó cũng không phát triển được thủy lợi, không giúp ích cho nông nghiệp được.”

Chủ đầu tư và đơn vị thi công là một

Đập thủy điện Đak Mek 3 bị vỡ. Photo courtesy of xaluan.com


Một công trình thủy điện dưới 20 MW được xem là thủy điện nhỏ và do chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương giám sát. Vụ vỡ đập Đăk Mek 3 dưới chân núi Ngọc Linh, huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum chiều 22/11; trước đó là vụ vỡ đập Đăk Rông 3 ở huyện Đak Rông tỉnh Quảng Trị ngày 7/10 chỉ sau 15 ngày được nghiệm thu, đã gióng lên tiếng chuông báo động về phẩm chất công trình và công tác gíam sát quản lý. GS Vũ Trọng Hồng, chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhận định:


Thông thường thủy điện nhỏ không có quản lý của bộ chuyên ngành mà giao xuống địa phương, trong khi địa phương chưa có trình độ chuyên môn để nghiệm thu công trình được. Tôi đang kiến nghị phải xem xét lại qui trình giao thủy điện nhỏ xuống địa phương liệu có đủ khả năng để quản lý hay không?”


Mặc dù vụ vỡ đập Đăk Mek 3 tỉnh Kontum xảy ra từ chiều ngày 22/11 với thiệt hại nghiêm trọng là có người chết,  cả con đập dài 80 mét cao 20 mét bị vỡ vụn hoàn toàn nhưng cho đến chiều 25/11 Sở Công thương Kontum vẫn chưa nhận được thông tin gì. Khi nhà báo hỏi, ông Nguyễn Bộ, Giám đốc Sở Công thương Kontum nhìn nhận việc quản lý các thủy điện nhỏ là trách nhiệm của Sở.


Theo Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Hoàng Liên Sơn, giám đốc Sở Xây dựng Kontum nhận định rằng, Chủ đầu tư và đơn vị thi công là cùng một nhà nên khó biết công trình có được thi công theo đúng thiết kế phê duyệt hay không. Việc giám sát cũng do một đơn vị của chủ đầu tư thuê. Trong khi đó Phó Chủ tịch huyện Đăk Glei bán cái qua chủ đầu tư vì cho rằng đây là việc của chủ đầu tư.


Với những thực tế ở Đăk Rông 3 và nay Đak Mek 3 việc phân cấp quản lý hàng trăm công trình thủy điện vừa và nhỏ trên toàn quốc đến lúc nên được xem xét lại.



Theo dòng thời sự:


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-11-26

_______________________



Chủ Nhật, 25/11/2012, 22:00 (GMT+7)

Vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3

TTO - Trưa 25-11, PV TTO đã có mặt tại công trường thủy điện Đăk Mek 3 (dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, Kontum). Trước đó chiều 22-11, công trình này đã bị vỡ đập.
Đập thủy điện Đak Mek 3 (ảnh chụp đỉnh núi xuống) - Ảnh: Hữu Khá

Tại đây, theo quan sát của PV, hiện trường đập thủy điện đổ nhào. Từng khối bêtông lớn gãy, nằm chỏng chơ dưới sông. Tấm bạt che làm nơi mổ tử thi nạn nhân vẫn còn hương, đèn. Mặt đập phía thượng nguồn đổ gãy, từng cây thép lớn nằm la liệt, cong vẹo. Đất đá bên trong đổ văng ra xa mấy chục mét. Trên đống đất đá, một chiếc xe ben đã bị móp méo.

Khối bê tông lớn bị gãy ngang xuống sông - Ảnh: Hữu Khá

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Bá Thanh, giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát Đăk Mek (chủ đầu tư dự án), cho biết dự án thủy điện khởi công vào tháng 3-2009, dự kiến đưa vào phát điện đầu năm 2013. Thủy điện có công suất 7,5MW, được đầu tư với số vốn hơn 200 tỉ đồng. Công trình do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Nam Việt (trụ sở tại TP.HCM) thiết kế, Công ty thi công cơ giới Hồng Phát thi công.

Ông Thanh nhắc đi nhắc lại công trình đảm bảo chất lượng, việc vỡ đập là do tài xế chạy xe ben Dongfeng của Trung Quốc chở 60 tấn, quá tải va vào. 

HỮU KHÁ - LÊ TRUNG

* Thông tin và hình ảnh chi tiết xin xem trên báo Tuổi Trẻ ngày 26-11

Ý kiến(4)
Sao vậy?
26/11/2012 07:38:48
Một đập thủy điện mà vì 60 tấn đã vỡ vậy thì sau khi tích nước sẽ ra sao? Tại sao chúng ta cứ phải sống trong sợ hãi với mấy cái đập thủy điện thế này?
vo thi
May là chưa tích nước
26/11/2012 07:24:00
Mong sao bộ trưởng bộ xây dựng vi hành nhiều hơn, để cứu dân khỏi những "quả bom" khổng lồ thế này.
Thanh Thien
Nghe giải thích mà không thể tin nổi
25/11/2012 23:34:34
Chiếc xe tải chở 60 tấn va vào mà cả thủy điện lại như thế, vậy nếu tích nước , lượng nước sẽ là bao nhiêu tấn, nếu có lũ sẽ như thế nào?
Không thể tin nổi, ôi thủy điện và tính mạng người dân vùng hạ lưu.

huỳnh văn lương
Nản!
25/11/2012 22:17:30
Nói rất hay, xe ben va vào mà đổ thế này, có dư chấn thì toàn bộ thủy điện có lẽ thành đống bê tông.
NVH     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét