Nới lỏng vòng kim cô đất đai
Mặc dù các đại biểu Quốc hội nôn nóng với việc sửa đổi Luật Đất đai cho rằng nếu chậm trễ là có tội với dân. Nhưng dù sửa thế nào đi nữa thì sẽ vẫn chỉ là nới lỏng việc sử dụng chứ không thay đổi vấn đề sở hữu.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa đơn vị Đà Nẵng được nhiều báo điện tử như Pháp Luật TP.HCM, Dân Trí Online trích lời: “Tham nhũng nhất ở Việt Nam hiện giờ là lĩnh vực đất đai. Bây giờ bao nhiêu vụ bức xúc như vậy. Vì thế, chậm sửa luật đất đai là có tội với dân. Chậm thì người có chức, có quyền lại có thêm điều kiện tham nhũng.”
Xem các báo tường thuật, chúng tôi có cảm giác nhiều vị đại biểu Quốc hội đang muốn thoát ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của thể chế chính trị ở Việt Nam. VnExpress đưa tin, chiều 1/6 phát biểu tại Quốc hội đại biểu Vũ Công Tiến cho rằng, lý do lùi việc cho ý kiến Luật Đất đai sửa đổi vì chờ sửa Hiến pháp là chưa thuyết phục bởi “chờ khi sửa xong Hiến pháp thì đến năm 2015 Luật Đất đai sửa đổi mới có hiệu lực, tình hình đất đai càng thêm phức tạp.” Trong khi đó đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Bùi Mạnh Hùng đề nghị lấy ý kiến Luật Đất đai ở kỳ họp thứ 4 thay vì hoãn đến kỳ họp thứ 5, hai vị này cho là “cần sửa đổi gấp quyền sở hữu của dân”, cũng như có thể xem xét Luật Đất đai đồng thời với việc sửa Hiến pháp.
Xin nhắc lại rằng tại Hội nghị Trung ương 5 họp ở Hà Nội (7-15/5) Đảng Cộng sản đã tái khẳng định Việt Nam theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa dân chủ tập trung và do Đảng toàn quyền lãnh đạo. Riêng về đất đai, Đảng tiếp tục quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà Nước đại diện chủ sở hữu.
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên về ý kiến chuyên gia trí thức cho rằng thể chế chính trị là tiền đề cho việc cải cách kinh tế xã hội, kể cả cải cách về đất đai, LS Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:
“Ngoài cải cách về chính trị thì cải cách hành chính, cải cách về kinh tế và cải cách tư pháp, tất cả những cái này phải được làm đồng bộ, trong đó cải cách kinh tế là một vấn đề then chốt. Chính vì những cơ chế chính sách phải làm sao phù hợp với cơ chế thị trường và phải phù hợp với lòng dân.
Tôi cho rằng đây giống như 4 cái kiềng, nó phải vững chắc thì mới đạt được mục tiêu đề ra.
Dĩ nhiên phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, thì nó mới đổi mới đồng bộ và những thứ khác mới chuyển động theo. Nghĩa là đổi mới sự lãnh đạo, đổi mới thiết chế để làm sao là một thiết chế do dân và vì dân. Tôi nghĩ rằng như thế sẽ thành công.”
Chỉ nới lỏng việc sử dụng đất
Ông Vũ Văn Luân thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng Hải Phòng, từ vụ án Tiếng súng Hoa cải, đã tìm hiểu pháp luật Việt Nam một cách cặn kẽ. Trao đổi với chúng tôi ông Luân nhận định rằng, hiện nay đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, hiểu như thế thì điều 200 Luật Dân sự người ta nói tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách của nhà Nước… Qui định như thế thì rất rõ và theo ông Luân, Điều 212 Luật Dân sự qui định các hình thức sở hữu tư nhân trong đó có tư liệu sản xuất. Ông Vũ Văn Luân nhấn mạnh:
“Vừa rồi trong Hội nghị Trung ương 5 vừa rồi, Tổng Bí thư có nói đất đai đưa về hàng hóa là tư liệu sản xuất, đã là hàng hóa tư liệu sản xuất thì phải được mua bán chứ không phải chuyển nhượng, ở đây một khái niệm hơi trừu tượng và không rõ ràng trong nền kinh tế.
Tôi muốn nói rằng, vừa qua chính vì vấn đề chính sách đất đai của Việt Nam có những điều bất cập không tuân thủ theo qui luật khách quan cho nên đã đưa đến bất ổn, xáo trộn, có đến 80% các vụ khiếu kiện về đất đai. Không biết Nhà nước Việt Nam có nhìn rõ không, nhưng tôi cho rằng nếu cứ vẫn không tuân thủ qui luật khách quan mà vẫn duy trì hạn điền và vẫn duy trì thời hạn thì đến 100 năm hay 5 năm cũng vậy thôi. Thực tiễn đã xảy ra, thí dụ nếu là 50 năm thì đến năm thứ 45 ngân hàng sẽ không cho vay nữa, nhân dân người ta cũng sẽ không đầu tư nữa và lại tiếp tục thu hồi như thế, thì phải mất đi 5 năm trước và 5 năm sau của 50 năm này. Đấy là chưa nói những vấn đề tiêu cực, những vấn đề bất ổn, nguy cơ tham nhũng xen vào đó, và nếu như 1 ha đã như thế thì hàng triệu ha sẽ như thế nào.”
Tại Hội nghị ngày 5/6 ở Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Tài nguyên Môi trường hé lộ việc nâng hạn điền lên 100 ha, nói chính xác là người dân có thể tích tụ đất đai tới 100 ha một cách hợp pháp.
LS Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:
“Sửa đổi Luật Đất Đai sắp đến phải làm theo hướng tăng hạn mức đất nông nghiệp và giao đất lâu dài cho nông dân để tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa giá trị cao. Khống chế những định mức này gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích canh tác cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lãnh vực nông nghiệp. Theo quan điểm của tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng nên sớm rà soát hoàn thiện bổ sung sửa đổi qui định Luật Đất đai. Sửa theo hướng là tăng thời hạn giao đất nông nghiệp và tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và qui định chặt chẽ cụ thể và làm rõ quyền về bảo vệ đất trồng lúa và thu hồi đất nông nghiệp cũng như là việc bồi thường hỗ trợ khi chuyển đổi nghề, làm sao ổn định cuộc sống người dân khi họ có đất bị thu hồi.”
Đền bù phải hợp lý
LS Nguyễn Văn Hậu nhận định:
“Khi thu hồi phải tính theo giá trị thị trường cùng thời điểm thì nó mới phù hợp, mới đúng đạo lý và công bằng. Thí dụ giá đất của tôi như thế, tôi phải có một nơi ở bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, thí dụ vị trí của tôi là mặt đường, tôi bị thu hồi thì tôi phải có một vị trí tương đương như vậy. Tôi ở mặt tiền, bây giờ thu hồi đất tự nhiên tôi phải lên chung cư ở thì nó sẽ tạo ra những bức xúc.
Để giải quyết tốt những vấn đề này, tôi nghĩ là phải tổng kết lại việc thu hồi và hỗ trợ bồi thường khi thu hồi đất thì sẽ thấy được những bất cập và thiếu sót và phải khắc phục vào trong Luật Đất Đai này thì nó mới phù hợp với ý chí và nguyện vọng của người dân.”
Tiến trình về sửa đổi Luật Đất đai được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải trình hôm 1/6 tại Quốc hội.
Theo VnExpress Phó Thủ tướng nói rằng, Hội nghị Trung ương 5 đã ra nghị quyết 8 về vấn đề sở hữu đất đai, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại tố cáo trong quá trình thu hồi đất. Ông Hoàng Trung Hải thêm rằng, Trung ương thấy đất đai là vấn đề phức tạp, cần xem xét một cách thận trọng nên đã giao cho chính phủ phải tiếp tục làm rõ một số nội dung để trình ra Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2012. Trên cơ sở đó, Trung ương sẽ ra nghị quyết định hướng dẫn sửa đổi Luật đất đai.
Theo dòng thời sự:
- Cảnh báo nguy cơ bất ổn chính trị từ đất đai
- Khỏa thân để giữ đất (phần I)
- Khỏa thân để giữ đất (phần II)
- Nông dân An Giang tập trung khiếu kiện trước UBND tỉnh
- Khung cửa hẹp cho luật đất đai
- Những phụ nữ nông dân quyết tâm giữ đất
- Gia đình ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục khiếu nại
- Thủ tướng Việt Nam chỉ thị minh bạch hoá quanh việc thu hồi đất
- Nhức nhối nạn tham nhũng đất đai
- Vì sao tranh chấp đất đai kéo dài?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét