Đại lộ Đông Tây tái phát “bệnh” cũ
Đoạn đường bị trồi nhựa đã được sửa chữa không dưới 3 lần nhưng nay lại có dấu hiệu tiếp tục hư hỏng
Trở lại đại lộ Đông Tây, đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến đường Lương Định Của (quận 2-TPHCM) sáng 19-6, chúng tôi nhận thấy phần đường bị trồi nhựa đã được Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TP (gọi tắt là Ban GT-ĐT) sửa chữa cách đây gần một tháng có dấu hiệu tiếp tục hư hỏng.
Lại trồi nhựa
Đoạn đường này đã được Ban GT-ĐT sửa chữa bằng cách cắt các khu vực trồi nhựa và thảm bù nhựa để tạo giao thông êm thuận không dưới 3 lần, lần gần đây nhất là từ ngày 21 đến 23-5.
Theo khảo sát của chúng tôi, sau gần một tháng, các vệt bánh xe lại xuất hiện, mặt đường bắt đầu bị lõm xuống, nhựa đường có dấu hiệu bị dồn sang hai bên rãnh bánh xe.
Theo Ban GT-ĐT, kết quả khảo sát thực tế và phân tích, đánh giá của phía tư vấn độc lập cho thấy kết cấu nền đường tại khu vực trên vẫn ổn định. Tình trạng mặt đường lõm xuống thành rãnh trên đại lộ Đông Tây được ban Ban GT-ĐT gọi là hiện tượng trồi nhựa, không phải lún sụp.
Sau khi sửa chữa gần một tháng, đại lộ Đông Tây lại bị trồi nhựa trở lại
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trồi nhựa là do lớp nhựa mặt đường tại khu vực trên bị biến dạng dưới tác động tải trọng thực tế do cấp phối (bê tông nhựa mặt đường) chưa phù hợp.
Ban GT-ĐT cũng khẳng định xe quá tải không phải là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình giao thông thực tế, yếu tố này sẽ được lưu ý, kiểm tra, xem xét trong quá trình xây dựng phương án xử lý triệt để vấn đề trồi nhựa trên đại lộ Đông Tây.
Theo Ban GT-ĐT, hiện tượng trồi nhựa chỉ xuất hiện cục bộ trong phạm vi khoảng 800 m trên đại lộ Đông Tây, tính từ giao lộ Lương Định Của - đại lộ Đông Tây (quận 2).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tượng trồi nhựa không chỉ xuất hiện trong phạm vi 800 m gần giao lộ Lương Định Của - đại lộ Đông Tây mà còn kéo dài đến tận nút giao Cát Lái.
Cấp phối chưa phù hợp?
Căn cứ trên ý kiến hướng dẫn của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, tư vấn và nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đang xem xét 2 phương án để chọn ra phương án xử lý triệt để hiện tượng trồi nhựa trên đại lộ Đông Tây. Cụ thể, sử dụng mặt đường cứng (bê tông xi măng) hoặc thay cấp phối nhựa mặt đường hiện hữu bằng cấp phối phù hợp.
Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận xét: “Nếu đã xác định nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trồi nhựa là do cấp phối chưa phù hợp thì chỉ cần bóc bỏ lớp bê tông nhựa nóng cũ và thay bằng lớp bê tông nhựa nóng mới đúng cấp phối. Trong trường hợp này, sử dụng mặt đường bê tông xi măng là quá lãng phí”.
Thạc sĩ Phạm Sanh đặt vấn đề cần phải làm rõ chuyện cấp phối chưa phù hợp là do tư vấn sai hay do nhà thầu làm trật. Tuy nhiên, ông tỏ ra nghi ngờ nguyên nhân “cấp phối chưa phù hợp” vì đoạn đường bị trồi nhựa đã được sửa chữa không dưới 3 lần nhưng “bệnh” cũ vẫn cứ tái phát. “Điều này chứng tỏ nguyên nhân cấp phối chưa phù hợp, không có cơ sở vững chắc” - ông nói.
Theo thạc sĩ Phạm Sanh, nếu hư hỏng đường do lớp trên mặt thì tại sao lại đưa phương án mặt đường cứng vào tầm ngắm? Mặt đường bê tông xi măng chỉ dùng cho các nơi phải chịu lực tác động lớn như sân bay, trạm thu phí hoặc đường bị ngập nước có lớp nền không ổn định.
Theo Ban GT-ĐT, công tác đánh giá của đơn vị tư vấn độc lập sẽ được hoàn thành trong tháng 6-2012 và việc sửa chữa triệt để hiện tượng trồi nhựa trên đại lộ Đông Tây sẽ hoàn thành trong quý III/2012.
Hai năm chưa khắc phục xong Hiện tượng trồi nhựa trên đại lộ Đông Tây tại khu vực giao lộ Lương Định Của - đại lộ Đông Tây xuất hiện từ tháng 10-2010, chỉ 2 tháng sau khi đưa đoạn đường này vào sử dụng. Hiện tượng này làm cho mặt đường bị hằn sâu thành rãnh, có lúc lõm xuống đến 20 cm, gây khó khăn cho các xe khi di chuyển. Trước nguy cơ mất an toàn giao thông tại khu vực trên, Sở GTVT TPHCM đã nhiều lần yêu cầu Ban GT-ĐT khắc phục sớm các hư hỏng. Thế nhưng, sau gần 2 năm, đoạn đường trên vẫn tiếp tục bị trồi nhựa. |
Bài và ảnh: ÁNH NGUYỆT
Nld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét