Thứ hai 18 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 18 Tháng Sáu 2012
Một tổ chức nhân quyền mở chiến dịch tẩy chay hạt điều từ Việt Nam
Tình trạng bóc lột sức lao động trong chuyện khai thác hạt điều (DR)
Tú Anh
Ngành xuất khẩu hạt điều mang lại cho Việt Nam khoảng 1,5 tỷ đôla ngoại tệ. Nhưng theo bản báo cáo của Tổ chức Nhân quyền Mỹ Human Rights Watch công bố hồi năm ngoái cho biết trong vòng 10 năm từ 2001 đến 2010, các công ty khai thác đã sử dụng hơn 309.000 trại viên của 59 trung tâm cai nghiện tại Việt Nam làm lao động bóc hạt điều với đồng lương 3 đôla mỗi tháng.
Tổ chức có tên là Liên minh Bài trừ Nô lệ mới gọi tắt là CAMSA, phát hiện thêm là nhiều tù nhân kể cả tù chính trị, tôn giáo đã bị cưỡng bách lao động không công trong điều kiện nguy hiểm cho sức khỏe. Tình trạng này đã được điều trần tại Quốc Hội Mỹ.
Vào ngày 13/06/2012 vừa qua, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới mở chiến dịch báo động công luận và kêu gọi tẩy chay hạt điều“máu“ Việt Nam. Tù nhân bị cưỡng bách như thế nào và ai được hưởng lợi ? RFI phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế, cơ sở tại Đức, thành viên của CAMSA.
Ông Vũ Quốc Dụng, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế
18/06/2012
RFI : Thân chào anh Vũ Quốc Dụng, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ra thông cáo kêu gọi tẩy chai hạt điều Việt Nam vì giới chủ nhân sử dụng công nhân như nô lệ. Câu hỏi đầu tiên là các công nhân bị bóc lột là ai?
CAMSA tố cáo rằng những người bị bóc lột sức lao động một cách hết sức dã man là người tù, kể cả tù chính trị lẫn tù thường phạm, và trại viên của những trung tâm cai nghiện ở Việt Nam. Từ năm 2005 Hiệp hội Nhân quyền quốc tế (ISHR) chúng tôi đã chú ý đến việc cưỡng bức tù nhân chính trị làm hạt điều. Hồi đó Mục sư Nguyễn Hồng Quang đã nêu lên vấn đề này ở trại Z30A Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.
Còn Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) đã lấy được lời khai của những người Thượng bị tù nay trốn thoát được sang Thái Lan. Một thành phần cũng bị bắt buộc phải bóc hạt điều là những trại viên thuộc các trung tâm cai nghiện mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã cho biết trong bản nghiên cứu công phu ra hồi cuối năm ngoái. Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế và Ủy ban Cứu Người Vượt Biển là đồng sáng lập viên của của CAMSA.
Như vậy con số những người sản xuất hạt điều này có thể lên đến số hàng trăm ngàn và họ đã và đang bị bóc lột tàn tệ trong việc sản xuất hạt điều, tạo ra món lợi xuất khẩu lên đến 1,5 tỉ dollar của Việt Nam.
Cần nói cho rõ rằng đây là những người đang bị giam cầm nên họ không có cách nào để thoát khỏi cảnh bóc lột. Liên Minh CAMSA kêu gọi người tiêu thụ trên thế giới tẩy chay loại hạt điều máu này và yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hình thức cưỡng bức lao động cũng như để cho quốc tế đến thăm viếng tất cả các nhà tù và các loại trại hay trung tâm cai nghiện.
RFI : Báo chí Việt Nam thỉnh thoảng đưa tin trại viên cai nghiện ma túy trốn trại hàng loạt chắc hẵn là có lý do? Những nạn nhân này cũng như tù chính trị, tôn giáo bị bốc lột như thế nào?
Mỗi ngày các người tù bị bắt làm một khối lượng hạt điều lớn và làm trong môi trường độc hại mà không được hưởng lương. Ở trại Z30A các tù nhân bắt đầu làm từ 6g sáng đến 17g chiều, buổi trưa được nghỉ 3 tiếng. Mỗi người phải làm khoảng 30 Kg hạt điều hạng B mỗi ngày. Nếu gặp loại điều to hạng A thì khối lượng tăng lên là 60Kg, còn gặp hạng C thì là 20Kg. Trung bình cứ 5 kg hạt tươi thì cho 1 Kg nhân.
Sức người trung bình chỉ làm phân nửa chỉ tiêu vừa nêu mà thôi. Còn người tù thì phải làm nhiều hơn, làm theo chỉ tiêu để lấy điểm thi đua cho việc cứu xét ân xá, và lấy tiền nuôi cán bộ chăn tù. Lương căn bản mà tư nhân trả là 12.000 đồng/người/ngày, trong khi lương trả cho công nhân ở bên ngoài gấp 4 lần số ấy. Số lương của tù nhân được giao thẳng cho nhà tù và tù nhân không bao giờ được nhận lại. Trại tù nói là dùng tiền này để nuôi tù nhân, nuôi cán bộ canh gác tù và người kiểm phẩm.
Ai chống đối lao động thì bị kỷ luật. Ốm thì phải có giấy phép mới được nghỉ. Không có giấy phép bác sĩ mà nghỉ thì bị kỷ luật bằng cách biệt giam và cùm 2 chân vào ban đêm, nếu nặng thì có thể bị cùm thêm 1 chân vào ban ngày. Hồi cuối năm 2007, một tù nhân chính trị khá nổi tiếng Việt Nam là bác sĩ Lê Nguyên Sang đã bị kỷ luật cùm chân và biệt giam 1 tuần vì bị ốm nên không đạt chỉ tiêu lao động. Các tù nhân chính trị cho biết tù thường phạm thì có thể bị trừng phạt bằng cách treo lên và đánh,
Liên quan đến vấn đề cưỡng bức lao động, hồi năm 2008, gia đình tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển có đem ra tố cáo với phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ. Sau đó Tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn có gửi một phái đoàn lên thăm ông Truyển nhưng không gặp vì trại Z30A đem tù nhân giấu trong rừng sâu. Tuy nhiên sau đó việc lao động đối với tù chính trị ở Z30A cũng nhẹ bớt đi.
RFI : Điều kiện lao động ở trại Z30A như thế nào? Vì sao có những trường hợp thương tật ?
Chúng tôi phê phán 2 điều: một nhà máy chế biến hạt điều được đặt ngay sát nơi giam tù và điều kiện làm việc rất tồi tệ. Hàng ngày người tù nhận loại hạt điều đã được sấy khô hoặc hấp sơ để họ tách vỏ. Khi tách, mủ hạt điều là át xít Cardol có thể bắn vào mắt, mặt, tay và ngón tay. Loại mủ át xít này làm bỏng chỗ da tiếp xúc với nó nên người tù phải lồng 3 bao găng tay ni lông khi làm hạt điều. Không khéo mà để mủ bắn vào mắt thì có thể bị mù.
Nhưng xưởng lại không trang bị đủ thiết bị bảo hộ lao động cho người tù. Găng tay phát cho họ luôn thiếu dùng, xin thêm thì không cho. Tù nhân phải nhờ gia đình gửi thêm cho găng tay, mua kính bảo hộ, tự may những đồ bọc các đầu ngón tay, các cánh tay áo dài hay tạp dề để bảo vệ thân thể. Còn tù nhân người Thượng đang tị nạn ở Thái cho chúng tôi biết là trại của ông ta không cho dùng găng tay vì sợ như thế sẽ làm giảm năng suất lao động.
Một vấn đề gây hại sức khoẻ là việc đặt nhà máy xấy hột điều nằm cạnh khu biệt giam của phân trại K1 của trại Z30A. Hàng ngày nhà máy này thổi ra những cột khói vàng khè. Khi thuận gió khói này bay vào buồng giam khiến tù nhân bị cay mắt và khó thở. Họ phải dùng khăn mặt để che.
RFI : Các công ty khai thác hạt điều này là ai ? Tại sao họ có thể sử dụng tù nhân thay thế công nhân?
Như tôi đã thưa ở trên vấn đề nghiêm trọng ở chỗ trại giam đã cấu kết với công ty tư nhân để bóc lột tù nhân. Công ty thì ép mức lương còn trại giam thì lùa tù đi lao động, ép họ làm chỉ tiêu cao và tịch thu lương của họ.
Năm 2008, tôi nghe nói rằng viên Trưởng giám thị Z30A là thượng tá CA Nguyễn Trung Binh đã có phần hùn với một trong 2 xưởng bóc hạt điều của phân trại K1. Tôi cũng nghe công ty thầu bóc hạt điều là công ty Thanh Bình thuộc một tập đoàn kinh tế của quân đội nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi trình bày vấn đề cưỡng bức tù nhân sản xuất hạt điều một cách cặn kẽ để mong thính giả hiểu hạt điều mà chúng ta ăn hàng ngày đến từ đâu, do ai làm và làm trong điều kiện nào. Chúng ta cần tẩy chay các sản phẩm lấy từ máu và mồ hôi của người tù.
RFI xin cảm ơn ông Vũ Quốc Dụng
Rfi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét