Nông dân sau bức màn phát triển - Bài 1: Lất lây trên đất của mình
Trong khi bao mục tiêu tốt đẹp để phục vụ cho
phát triển kinh tế từ các dự án quy hoạch vẫn còn đang trên giấy thì
nông dân đang phải gắng gượng chèo gánh cuộc sống của mình.
LTS:
Việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế
là điều tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Nhưng phía sau những dự án ấy, đời sống của nông dân có đất bị thu hồi
sẽ ra sao khi tư liệu sản xuất đã bị mất, việc thực hiện chính sách chăm
lo cho họ hiệu quả đến đâu…?
Nhân dịp Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính
sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(ngày 5-6), Pháp Luật TP.HCM giới thiệu vài lát cắt về cuộc sống của nông dân trên bước đường phát triển ấy.
Tháng 2-2008 là thời điểm đáng nhớ của gần 400 hộ dân
thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước (Tiền Giang): Chủ tịch UBND tỉnh
này đặt bút ký quyết định thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Bốn năm
qua, hàng ngàn con người ở đây sống vất vưởng ngay trên mảnh đất trước
đây từng nổi tiếng với thương hiệu khóm Tân Lập.
Kiếm sống qua ngày
Đất bị thu hồi, tiền hỗ trợ không đủ đầu tư để tái
sản xuất, bao năm qua người nông dân xứ này tạm bợ sống. Họ nháo nhào đi
làm thuê tứ xứ hoặc ngày ngày đi mò cua, bắt cá để kiếm cái ăn. Trong
khi đó, 500 ha đất trồng khóm bị thu hồi giao cho KCN Long Giang, giờ
nhiều diện tích bỏ hoang, cỏ dại vây phủ. Những ai từng đổ mồ hôi sôi
nước mắt để tôn tạo nên vùng đất trù phú này hẳn phải xót xa đến quặn
lòng.
Trong căn chòi dựng tạm bợ trên phần đất trước đây là
ruộng khóm (giờ đang bỏ hoang trong KCN Long Giang), anh Hồ Văn Huân
(người trồng khóm có tiếng của vùng, giờ không còn miếng đất) tâm sự:
“Bây giờ tất cả vùng khóm này đã trở thành nỗi buồn của bà con. Tưởng
đâu dân nhường đất để doanh nghiệp làm kinh tế thì chúng tôi được đảm
bảo đời sống ổn định. Nhưng bao năm rồi tất cả chỉ là hứa hẹn. Tiền bồi
thường hơn 200 triệu đồng, phần lo trả nợ, phần lo cuộc sống gia đình
cũng chóng vơi. Mấy năm nay bà con phiêu dạt khắp nơi kiếm sống qua
ngày”. Anh Huân bùi ngùi nhớ lại một thời nhộn nhịp ở xứ này khi thương
lái tấp nập về mua khóm. Người dân cất nhà, mua bò, cho con đi học cũng
nhờ ruộng khóm. Vậy mà tất cả chỉ còn là quá khứ.
Nói về tương lai, Năm Mắn nhìn mông lung ra cánh đồng mưa bay lớt phớt. Ảnh: G.TUỆ
Đưa ánh nhìn vô định trước cánh đồng bỏ hoang, ông Lê
Văn Màu (ấp 4, xã Tân Lập 1) cười buồn: “Ngày nào có người thuê đi mần
mướn là mừng rồi. Xa mấy cũng đi, rẻ mấy cũng làm, còn hơn ngồi không mà
không có tiền chạy gạo”. Mỗi ngày đi ngang qua cánh đồng khóm ngày xưa
giờ là khu đất ngập đầy cỏ dại, ông Màu thấy lòng trĩu nặng. Công việc
làm thuê, phụ hồ thất thường, mỗi ngày kiếm chừng 100.000 đồng nhưng
tiền xăng, tiền cơm trưa đã ngốn phân nửa. Nếu còn ruộng khóm, ông Màu
và hàng trăm hộ dân ở đây chẳng phải cắc củm từng đồng kiếm cơm như thế.
Tình cảnh bà Lê Thị Hoa (xã Tân Lập 1) cũng chẳng khá
hơn. Chúng tôi gặp bà ngay lúc bà vừa đi nhận 3 kg hạt điều về nhà để
lột vỏ lụa. Mỗi ký lô bà được trả 3.500 đồng, mỗi ngày làm được 3 kg.
“Ai mắt khỏe hơn thì làm được khoảng 5 kg, ngồi nhức cả lưng mới kiếm
được 15.000-20.000 đồng” - bà Hoa kể.
Bà Hoa nhớ như in mùa mưa năm 1996, cả gia đình bà từ
Hậu Giang dắt nhau về vùng Tân Lập nhận khoán đất trồng khóm. Suốt ba
tháng mưa dầm dề bùn đào lên liếp đều trôi xuống nước. Để có ruộng khóm
thu hoạch bình quân 70 triệu/ha, gia đình bà phải sớm khuya lặn ngụp hốt
bùn lên liếp, dẫn nước xả phèn suốt 10 năm ròng. Hơn 15 năm qua cả năm
miệng ăn nhà bà chỉ trông chờ vào đấy, giờ bà phải chạy ăn từng bữa.
Chặc lưỡi làm “ruộng lậu, lúa thí”
Đầu mùa mưa ở phương Nam, chúng tôi quay lại KCN Sông
Hậu - nơi được tỉnh Hậu Giang kỳ vọng sẽ làm thay da, đổi thịt miền quê
lúa. Đập vào mắt chúng tôi là những bãi đất hoang, chỗ thì bơm cát để
đó, chỗ thì ruộng lúa còn trơ gốc rạ. Nằm sâu phía trong vẫn thấp thoáng
những mái nhà, hàng chuối. Chẳng có vẻ gì cho thấy bóng hình KCN ở đây
ngoại trừ dàn khung cẩu vàng khè nằm gần bờ sông Hậu, dù 200 ha đất khu
quy hoạch này đã giải tỏa đền bù xong.
Năm Mắn, một nông dân cố cựu ở xã Đông Phú (Châu
Thành), nói: “Coi đất liền miếng, ruộng rẫy yên bình vậy chứ của người
ta hết trơn đó chú em. Dân tụi này cùng đường quá nên mần ruộng lậu, lúa
thí đó mà”.
Nói rồi Năm Mắn chụp vội cái nón vải bạc phếch lên đầu:
“Đi. Lội ruộng vô sâu trong đồng. Nhiều chuyện để nói lắm”. Lầm lũi
nhưng nhanh nhảu, Năm Mắn phăng phăng dẫn chúng tôi lội ruộng vào thăm
bà con để cảm nhận cuộc sống của những nông dân làm “ruộng lậu, lúa thí”
ngay trên chính mảnh ruộng của mình.
Tận dụng đất trong KCN Sông Hậu bỏ hoang, hàng chục hộ dân đã cất chòi trồng đậu, bí… để sống qua ngày. Ảnh: G.TUỆ
Vừa đi Năm Mắn vừa kể hàng trăm hecta đất chuyên canh
lúa đã bị thu hồi làm dự án cho Nhà máy Vinashine và KCN Sông Hậu. Ngày
xưa nơi đây gọi là đồng Lung Sen, tới mùa ghe của thương lái dập dìu
theo rạch Cái Cui, men theo kênh rạch nội đồng vào đây chở lúa. Bây giờ
thì hết ai nhận ra đồng Lung Sen lúa tốt năm nào. “Dân tụi này xót đất
bỏ hoang nên liều mình khai phá lại ruộng rẫy để kiếm cơm qua ngày nhưng
cũng chỉ tạm bợ qua ngày, hễ nhà đầu tư bơm cát san lấp thì coi như nồi
cơm đứt bóng”. Ánh mắt Năm Mắn nhìn mông lung ra cánh đồng mưa bay lớt
phớt.
Gia đình Năm Mắn ngày trước có ba công ruộng ba mùa,
tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Đến khi ruộng bị thu hồi làm
dự án thì cả nhà Năm Mắn coi như đứt nghiệp. Cầm 150 triệu đồng tiền
bồi thường ba công ruộng, Năm Mắn sửa lại nhà, còn lại cho con cái chút
ít để mua sắm lặt vặt, kiếm cái xe máy làm “chân” đi mần hồ mướn, tiền
công không thấm vào đâu so với nhu cầu cả gia đình.
Đứt gánh giấc mơ đại học
Bi kịch nhất là trường hợp nhà Út Dương. Nhà có tám
công ruộng đều rơi vào dự án của Vinashine và nhận tiền bồi thường
khoảng 400 triệu đồng. Út Dương nói do nhận tiền nhiều đợt lẻ mẻ nên
ngoài chữa bệnh, thuốc thang cho mẹ, vợ và sửa nhà, số tiền này đến nay
không còn một cắc.
Từ nhỏ đến lớn chỉ biết mần ruộng, khi ruộng không
còn, như bao bà con khác, Út Dương phải đi làm thợ hồ. “Ngày xưa còn mần
ruộng thì gạo ăn hổng hết, rau rác thì trong vườn, cá thì quăng chài,
giăng lưới, mùa nào thức ấy coi như sống ổn. Giờ thì hằng ngày phải chạy
tiền mua từng lon gạo. Đau nhất là tui phải cho hai đứa con nghỉ học.
Thằng lớn đang học năm nhất công nghệ thông tin ở Cần Thơ nhưng tui cho
nghỉ ngang để đi làm. Thằng nhỏ cũng phải nghỉ giữa chừng để đi học lái
xe, sắp tới nó đi thực tập ở Bình Dương, không biết lấy tiền đâu để lo
đây” - Út Dương nói.
Theo lời Út Dương, khi áp giá đền bù, cơ quan chức
năng có hỏi han về nguyện vọng công việc sau này, anh nói mai mốt công
ty, xí nghiệp hoạt động thì xin làm bảo vệ, còn con cái thì mong được bố
trí công ăn việc làm. “Mấy ổng chỉ hỏi vậy rồi thôi. Ba, bốn năm nay
chẳng thấy ai đoái hoài gì đến nữa” - Út Dương bức xức.
Cùng cảnh với Út Dương là Mười Tân. Ông có hai con
trai cùng học ĐH nhưng đứa nhỏ đang học quản lý đất đai đã tình nguyện
nghỉ học để dồn sức cho thằng anh đang học năm cuối ĐH Cần Thơ. “Khi ngỏ
lời với thằng út rằng ba chỉ lo nổi cho một đứa thôi, tui đã không cầm
được nước mắt. Nó cũng biết phận nên nghe tôi nói vậy liền đồng ý ở nhà
phụ hồ, mần mướn với tôi. Cầu mong thằng anh nó ra trường có việc làm sẽ
lo lại cho nó đi học tiếp” - Mười Tân nói như khóc.
++++++++++++++++++++
Nông dân sau bức màn phát triển - Bài 2: Phiêu dạt
Ruộng đất không còn, nghề nghiệp không có,
tiền bồi thường không đủ xây lại căn nhà trong khu tái định cư... Vậy là
bà con bỏ quê phiêu dạt khắp nơi để mưu sinh, kiếm sống.
Căn nhà anh Hùng ở thị trấn Ngã Sáu
(Châu Thành, Hậu Giang) nằm chênh vênh cạnh rìa một con rạch. Không chủ,
nhà trống huơ trống hoác, vách trống, sàn gãy mục từ lâu. Cả nhà Hùng
từ ngày nhận tiền bồi thường giải tỏa thu hồi đất thực hiện dự án KCN
Sông Hậu (năm 2006), tưởng đã “đổi đời”. Nhưng nào ngờ, sau cái thời
điểm ấy chẳng bao lâu, họ lại lâm vào bước thăng trầm khốn khó, tha
phương cầu thực khắp xứ.
Chông chênh phận đời nơi đất khách
Gia đình của anh Hùng trước đây sống bằng vườn cam.
Mùa thu hoạch, một công cam cũng cho được vài tạ. Không giàu nhưng gia
đình anh Hùng sống được. Dự án quy hoạch KCN Sông Hậu (Hậu Giang) đánh
trúng vào nhà và vườn cam của gia đình anh Hùng.
“Nông dân tụi tui có bao giờ cầm một lúc gần trăm
triệu đồng đâu. Khi được bồi thường như thế thấy đã lắm. Với lại nghe
chính quyền nói khi quy hoạch lên sẽ tạo công ăn việc làm, rồi sẽ có
lương hằng tháng. Quá đã!”. Anh Hùng kể lại tâm trạng những ngày đầu khi
nhận tiền bồi thường và nói cuộc đời mình tưởng sẽ được quy hoạch lại
theo hướng tốt hơn. Nhưng rồi mọi chuyện dần chuyển theo hướng khác. KCN
thì mênh mông mà chỉ lèo tèo mọc lên vài nhà máy. Anh Hùng không xin
được việc. “Tiền bồi thường tưởng nhiều nhưng khi tính ra, nếu mua đất
hoặc đóng tiền cơ sở hạ tầng để có một nền đất trong khu tái định cư và
xây lại một căn nhà mới là coi như sạch bách”.
Nhưng rồi cái căn nhà ấy để ở ấy thậm chí cuối cùng cũng không có nốt.
Căn nhà trống hoác của anh Hùng ở thị trấn Ngã Sáu
(Châu Thành, Hậu Giang). Sau khi bị thu hồi đất, vợ chồng anh phải dắt
díu lên Sài Gòn làm mướn mưu sinh. Ảnh: MC
Ruộng không còn, cả nhà phải lo mua gạo ăn và bao chi
phí khác cho cuộc sống, khối tiền kia cũng nhanh chóng cạn. Cả phần nền
tái định cư cũng đành phải bán “lúa non” vì không đủ tiền đóng phí cơ
sở hạ tầng.
Ngày trước khi còn những cánh đồng vàng của vùng, anh Hùng
ngoài việc thu hoạch cam thì có thể chạy đồng gặt lúa, suốt lúa kiếm
thêm. Khi quy hoạch bao trùm, cả cái vùng nông nghiệp trù phú cũng
không còn để anh Hùng có thể đi mần thuê kiếm sống như trước nữa. “Tụi
tui phải bỏ quê hương mà đi thôi. Ở đó sống sao bây giờ”. Rồi anh Hùng
dắt díu cả nhà lên Sài Gòn thuê một căn trọ chật hẹp trong con hẻm sâu ở
chợ Bình Điền, Bình Chánh. Anh thì kiếm được một chân vác phân thuê,
còn vợ và con gái thì xin làm trong
xưởng dép.
Khó khăn lắm chúng tôi mới liên lạc và gặp được anh.
Anh Hùng nói: “Làm suốt anh ơi, mấy lúc anh gọi điện thoại là đang chạy
hùng hục đưa phân lên xe, không tài nào bắt máy được. Lúc có, lúc không,
khi bận thì túi bụi lắm. Có khi chẳng ai gọi, nằm chèo queo chẳng kiếm
được xu nào”. Căn gác trọ chừng 10 m2 ngổn ngang đế và quai
dép. “Của bà xã và con gái mang về làm thêm đó” - anh Hùng nói. Anh kể
hai năm nay anh chủ yếu đi vác phân thuê cho khu vực chợ Bình Điền. Ngày
khá kiếm cũng được 200.000 đồng, cộng với khoản tiền vợ con làm được,
tính ra cũng gần 7 triệu đồng/tháng. “Tiền thuê nhà, điện nước đã là 1
triệu.
Ba miệng ăn, một tháng cũng đã 4 triệu hơn. Tính các chi phí khác
nữa thì coi như làm bù ăn đắp. Nghĩ đến quê nhà có khi ứa nước mắt. Đời
mình khổ đã đành, chỉ thương cho tương lai mờ mịt của đứa con gái…” -
anh Hùng nghẹn giọng.
“Tết năm rồi định không về vì tiền cũng cạn. Nhưng
quần quật ở thị thành cả năm, không lẽ tết không về đốt cho ông bà một
nén nhang. Khốn nỗi, tết xong cả nhà sạch túi. Bí quá, tui tháo mấy tấm
tôn bên hông căn nhà bán phế liệu để có tiền bắt xe lên Sài Gòn mần mướn
tiếp”.
Thì ra đó chính là lý do khiến căn nhà tồi tàn của anh trống vách!
Dắt díu câu hò xa xứ
23 tuổi. Sáu năm lăn lộn Bình Dương mần mướn, tuổi xuân của chị Đào coi như lùi lụi trong xưởng gỗ.
Từ ngày ruộng nhà chị Đào bị lấy cho KCN Sông Hậu,
cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn muôn chiều. Tiền đền bù dành để xây
lại nhà còn thiếu trước hụt sau nên cả nhà chị phải nháo nhào đi làm
mướn. “Năm 2007, cha, anh Hai, em và cả thằng Út đều đã lên Bình Dương
mần ở xưởng gỗ rồi. Cực quá lại thiếu trước hụt sau nên bố và anh Hai
phải về quê làm ruộng lại. Em với thằng Út tiếp tục bám trụ để mần”.
Không còn đất sản xuất, anh Nguyễn Hoàng Quốc phải
tha phương khắp nơi nhưng vẫn không đủ sống, đành về lại quê nhà kiếm
cơm trên đất bỏ hoang trong KCN. Ảnh: GT
Đào kể chị làm việc quần quật từ 6 giờ sáng cho đến 6
giờ chiều. “Không làm tăng ca thế thì không tài nào có dư chút đỉnh
phòng khi bệnh đau anh à. Mệt bể hơi. Nhất là hồi còn làm cho một xưởng
gỗ của Đài Loan, cứ quần quật từ 6 giờ đến gần 9 giờ đêm mà lương chỉ
hơn 2 triệu, không đủ đâu vào đâu. Em không chịu nổi nên đã bỏ xưởng về
quê một lần. Nhưng về quê thì biết làm gì để sống? Cha với anh Hai em
không mua được ruộng mới vì giá một công ruộng mới gấp mấy lần giá công
ruộng đền bù. Anh Hai và cha phải ra cày xới lại đất trống trong KCN để
trồng lúa, nuôi vịt kiếm sống qua ngày”.
Thế là vật vờ một thời gian ở quê, chị Đào lại xách
giỏ quay lại Bình Dương tiếp tục làm công nhân xưởng gỗ. Lần này đỡ hơn,
chị kiếm được một xưởng gỗ khác lương cao hơn chút xíu. Nếu chịu khổ
làm tăng ca mỗi ngày 4 tiếng, tính ra một tháng chị cũng kiếm được 4
triệu đồng.
“Thân gái chân yếu tay mềm vậy mà em vẫn trụ nổi
trong xưởng gỗ?”. Chị Đào cười buồn: “Rồi cũng quen anh ơi. Em dân làm
ruộng mà”. Rồi chị Đào im lặng. Đôi mắt của cô gái 23 tuổi chừng như
chực khóc...
“Em cũng chẳng biết phải làm sao để thay đổi tình
hình. Giờ không còn ruộng đồng, tụi em chỉ còn biết lên đây kiếm sống. Ở
Bình Dương này có nhiều bà con dưới quê lên làm như em lắm. Tụi em học
ít nên phải lao động chân tay. Lương thì không cao nhưng giá cả ngoài
chợ cứ tăng hằng ngày”. chị Đào lại im lặng.
Chúng tôi phải chuyển chủ đề, hỏi vu vơ chuyện gái
trai để câu chuyện may ra vui hơn. Nhưng rồi giọng chị vẫn buồn như
chính nỗi lòng của người con gái phải sớm rời quê tha phương kiếm sống.
“Nói thật anh chứ em cũng ngại đi chơi với bạn bè nữa. Phần không có
nhiều thời gian, cứ xuống ca là muốn ngủ vùi; phần em chẳng dám sắm cho
mình bộ đồ mới để đi đây đi đó, chưa nói mỗi lần đi thể nào cũng tốn
kém. Giá mà còn mấy công ruộng… ba mùa lúa, hai mùa cam, tuy cực mà vui,
tuy không giàu có gì nhưng cảnh nhà cũng thư thả. Thích nhất là được ở
nhà với ba má. Chiều quây quần bên mâm cơm đầy rau xanh và cá đồng. Nhớ
mấy câu vọng cổ quê nhà da diết anh ơi…”.
Bỏ đồng bằng lên Tây Nguyên làm thuê
Chị Nguyễn Thị Loan
(xã Tân Lập 1, Tân Phước, Tiền Giang) cho hay: Nhiều bà con ở đây sau
khi giao đất cho chính quyền làm KCN Long Giang đã tìm lên Đắk Lắk để
làm rẫy thuê kiếm sống như gia đình ông Hai Đáng, Năm Minh… “Đó là những
nông dân rặc ở xứ này, đã gắn bó gần cả đời mình với ruộng khóm. Vậy mà
giờ phải đành bỏ xứ để đi làm rẫy thuê. Thiệt là xót xa…”. Chị cho biết
chồng chị và một số người trong xã từng tính “bỏ đồng lên núi” nhưng
“lên đó rồi rừng sâu nước độc, thôi thì ở lại quê nhà ai thuê gì làm
nấy, không thì lần ra đồng kiếm con cá, mớ ốc kiếm sống qua ngày” -
giọng chị Loan tiu nghỉu.
|
+++++++++++++++++++++++++++++++
Nông dân sau bức màn phát triển - Bài 3: Tập tành ăn chơi
Sau giải tỏa, nông dân cầm cục tiền bồi
thường trong tay nhưng không được trang bị kỹ năng, nghề ngỗng gì để
thích nghi với đời sống phi nông nghiệp.
Nhiều người bắt đầu tập tành ăn chơi, đua đòi khiến cửa nhà nát tan, khốn đốn.
Cả mấy tháng nay, bà con lối xóm vẫn còn râm ran
chuyện ông Sáu Tây (*) ở Phú Hưng, Châu Thành, Hậu Giang biệt tăm biệt
tích, không quay về căn nhà của anh trai mình nữa.
Đèo bòng “hương tóc mạ non”
Năm 2007, nhận được hơn 200 triệu đồng tiền bồi
thường từ năm công đất, Sáu Tây cười khè đắc chí coi cuộc đời mình từ
đây đã được “đi gió về mây”. Mà cũng đúng, kể từ hôm đó, Sáu Tây bỗng
hóa lạ. Xe máy đời mới, áo quần láng coóng, thuốc lá cũng đổi sang hút
toàn thuốc xịn. “Nó tiêu tùng quá xá. Ruộng đất không còn, nó sinh ra
nhậu nhẹt nhiều. Gần như ngày nào nó cũng đi. Cứ chập đầu giờ chiều là
nó đi tới tối nghịt mới lảo đảo bước về nhà” - anh trai của Sáu Tây kể.
Bà con ở vùng này ai cũng biết Sáu Tây từ ngày có
tiền đâm mê “món đặc sản” mới xuất hiện gần đây ở vùng miệt thứ là “đế
ôm”. Cứ mỗi lần thấy Sáu Tây chạy ngược chiều gió lên cầu Cái Cui là ai
cũng biết Sáu đi tìm “hương tóc mạ non”. Vợ Sáu trước giờ vốn mắc bệnh
tim, đã không dám xúc động nhiều nhưng Sáu đi “đế ôm” riết nên bà phải
phản pháo. Buồn chồng, bà đâm ra bệnh nặng.
Xót thân mình và nghĩ đến cảnh Sáu bỏ mình chơ vơ ở
nhà, đi vuốt ve vạt áo bà ba em khác ở các quán đèn xanh, đèn đỏ thì tim
gan chạy lộn tùng phèo. Thế là bà đành ly dị chồng ở tuổi 48. Bà về chợ
thị trấn Ngã Sáu bán vải chung với người em. Còn Sáu Tây chiều chiều
vẫn say với mấy em má nồng môi ngọt. Gần như quán nào ở Cái Cui Sáu cũng
ghé. Cứ mỗi lần cặp với em út thì nào tiền nhậu, tiền boa, tiền cho
thêm các em son phấn. Thế là chẳng mấy chốc cọc tiền từ năm công đất bốc
hơi cái vèo.
Nhiều diện tích đất trong các KCN vẫn còn bỏ hoang với những bãi cỏ tươi tốt cho bà con nông dân thả bò. Ảnh: MC
Sáu không còn đủ tiền để đóng chi phí cơ sở vật chất
trong khu tái định cư, thế là đành phải bán “nền non” để chơi tiếp.
Chiếc xe máy cũng bay theo những bóng hồng miệt thứ. Những cuộc chơi
triền miên không có điểm dừng đã làm tiêu tan gia sản của Sáu. Ngày Sáu
đi, đêm Sáu về nhà anh trai ngủ. Những đêm thật khuya, người ta thấy có
một người đàn ông nằm co ro bên mái hiên. Có khi trên chõng, lắm lúc ệch
ra đất, chỏng chơ giữa đêm đen.
Sáu Tây giờ ốm sọc. Tóc dài. Đạp chiếc xe đạp đòn
cao. Tuổi 54, Sáu chạy lên chạy xuống khắp vùng làm hồ. Cả mấy tháng
nay, Sáu không còn về nhà anh mình ngủ nữa. Nghe nói Sáu bị mấy đào hất
cẳng, vợ bỏ đi, nhà không có, đất thì chỉ còn dính ở gót chân. Buồn, Sáu
Tây bỏ xứ qua miệt Mái Dầm, vào tận trong lò mổ heo kiếm phòng trọ tá
túc…
Khi đất ruộng lên “đèn”
Cuộc sống của bà con nông dân ở những vùng đất xưa
kia là ruộng vườn màu mỡ của Cái Răng (Cần Thơ) hay Châu Thành (Hậu
Giang) khi bị cơn lốc giải tỏa di dời để quy hoạch làm KCN cuốn tới, đã
bị đảo lộn rất nhiều. Không ít câu chuyện buồn chung quanh bao số phận
mới hôm trước đang là nông dân chân lấm tay bùn, qua bữa sau đã là triệu
phú, tỉ phú. Họ nghĩ mình đổi đời từ chuyện quy hoạch và rồi cũng chính
những “luồng gió mới” kia quật ngã. Tiền bạc tiêu tùng, gia đình ly
tán, giờ phải mần thuê kiếm sống qua ngày.
Một chị chủ quán cà phê ở Đông Phú (Châu Thành, Hậu
Giang) tâm sự: “Hồi nào tới giờ miệt này có thấy quán nhậu có tiếp viên
nữ đâu. Vậy mà giờ quán xá kiểu này lủ khủ”. Ngờ chúng tôi chẳng tin,
chị kể vanh vách tên các quán dọc từ khu đô thị Nam Cần Thơ cho tới tận
Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang). Chị còn bảo quán nào tiếp viên trẻ,
tiếp viên xinh, quán nào tiếp viên tuổi sồn sồn…
“Sao chị rành thế?”. Tỉnh bơ, chị trả lời: “Đi kiếm
chồng riết rồi quen tên quán luôn”. Và rồi không ngờ, chuyện tầm phào
nơi quán nước ven đường lại là một câu chuyện buồn phía sau hai từ quy hoạch.
Gia đình chị chủ quán cũng nằm trong vùng quy hoạch của KCN Sông Hậu.
Từ ngày không còn đất và nhất là sau khi nhận được cục tiền bồi thường,
chồng chị bắt đầu giở máu “phiêu bạt kỳ hồ” vì mê món “bia ôm”. Giờ, họ
chuẩn bị dắt nhau ra tòa ly dị.
Chúng tôi đảo một vòng quanh lối vào cảng Cái Cui và
con đường dẫn vào KCN Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B (Cần Thơ). Con đường dài
chưa tới hai cây số mà la liệt những quán nhậu. 4 giờ chiều, mấy em tiếp
viên với trang phục mát mẻ túa ra trước quán ngả ngớn trò chuyện để chờ
khách. Có quán thì trở thành sòng bạc để khách sát phạt trước mặt bàn
dân thiên hạ…
Một người dân ở đây nói miệt này xưa nay người ta chỉ
lo chăm bẵm chuyện ruộng đồng. Từ khi mở lộ, giải tỏa xây KCN thì mấy
thanh niên hư hỏng từ miệt khác đến rủ rê riết mấy đứa nhỏ xứ này hư
theo. Bài bạc, trộm cắp, thậm chí có cả hút chích cũng đã ùa về xứ sở
vốn bao đời bình yên này, khiến bao gia đình phải khốn đốn. Ông Tư Nhàn,
Trưởng ấp Nhơn Phú (xã Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang), kể nhà ông vừa
bị trộm vào lấy mất cái điện thoại. “Một số thành phần không có việc
làm do ruộng rẫy bị giải tỏa nên nằm nhà không làm gì, riết sanh tật tụ
tập bài bạc, đá gà, rượu chè, trộm vặt” - ông Tư Nhàn nói.
Dọc đường vào KCN Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B mọc lên hàng loạt quán nhậu có tiếp viên nữ. Ảnh: GT
Tỉ phú nông dân thành xe ôm phố chợ
Tư Tới (*), “đại gia” một thời nhờ
tiền bồi thường đất ở khu đô thị mới Nam Cần Thơ, bây giờ thành kẻ trắng
tay, ngày ngày kiếm từng cuốc xe ôm mà vẫn không đủ tiền trả lãi vay
nóng. Một người bạn của Tư Tới ngậm ngùi nói: “Năm, sáu năm nay Tư Tới
bỗng dưng lặn mất tăm. Mới đầu năm rồi, từ một người quen, tôi mới biết
ông bạn đang hành nghề xe ôm trước cổng một bệnh viện ở quận Cái Răng”.
Anh này kể khi ghé tìm Tư Tới, mấy đồng nghiệp nói vừa có khách bao xe
đi Ngã Sáu, hỏi xin số điện thoại di động mới hay đến cái điện thoại Tư
Tới cũng phải cầm vì chạy xe “hẻo” quá…
Nhiều thế hệ gia đình Tư Tới là nông dân. Khi chính
quyền quy hoạch phát triển khu đô thị mới Nam Cần Thơ, đất của gia đình
Tư Tới bị thu hồi để làm dự án khu dân cư thương mại. Theo lời Tư Tới,
mười mấy nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị giải tỏa, số tiền bồi thường
trọn gói được gần 2 tỉ đồng. Sau khi nhận tiền, ông mua hai chiếc tàu
chở khách du lịch. Dạo ấy Tư Tới sống rất phóng khoáng, trận nhậu nhẹt
nào anh em bạn bè cũng đông đúc. Thế nhưng từ một nông dân chuyển sang
kinh doanh, chỉ sau thời gian ngắn, cùng với người thân trong gia đình
gặp bệnh tật, số tiền rủng rỉnh từ bồi thường đất cũng dần dần cạn. “Làm
ăn không ra gì, tui đã bán tàu để trả nợ, rồi đất, nhà cũng bán hết,
giờ phải ở đậu và chạy xe ôm vì hết đường rồi” - Tư Tới tâm sự.
Đã vậy, do nợ nần chồng chất nên mỗi ngày chạy xe ôm
Tư Tới không đủ trả 200.000 đồng tiền lãi vay nóng bên ngoài. Nồi cơm
của nhà Tư Tới bây giờ phụ thuộc vào xe bán bánh mì của bà vợ. “Nếu
không có quy hoạch, gia đình tui làm ruộng tuy không giàu có nhưng đâu
đến nỗi nghèo ngặt như bây giờ. Mình là nông dân rặt nên chuyện tính
toán làm ăn sau khi nhận tiền bồi thường đều mù tịt, làm bề nào cũng
thất bại. Mà chẳng phải riêng tui đâu, nhiều người ở vùng này cũng đều
bi đát như tui cả” - mắt Tư Tới đỏ hoe.
++++++++++++++++++++
07/06/2012 - 00:24
NÔNG DÂN SAU BỨC MÀN PHÁT TRIỂN - BÀI CUỐI
Giải tỏa xong, nông dân tự bơi
Sau giải tỏa, nông dân không đất, không nhà,
không nghề, không biết tổ chức cuộc sống mới thế nào. Chính sách “hậu
giải tỏa” hầu như bị bỏ lơi hoặc làm theo kiểu lấy có.
“Có lẽ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đời
mình có lúc lại phải sống trong căn nhà tạm một thời gian dài như thế
này” - bà Lâm Thị Hóa (Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang) quẹt ngang dòng
nước mắt, nói. Chỉ vào khung cửa sổ làm bằng tấm thạch cao của căn nhà
tạm, bà cho hay: “Cơn giông đầu mùa vừa mới giật rách đó. Hôm đó gió
mạnh, tui với thằng con trai không dám ở trong nhà luôn, ai mà biết nó
sẽ thế nào nếu gặp cơn lốc xoáy”.
Gió lùa trên những khu nhà tạm
Căn nhà tạm của bà Hóa thuông luông như một căn
phòng. Bà Hóa lấy màn ngăn ra thành từng ô, một chỗ cho bà ngủ, một chỗ
cho cậu con trai. Tường đã bắt đầu thủng, những bản lề cửa cũng bung ra
nhiều chỗ.
Bà Hóa bức xúc: “Vì là cán bộ địa phương (bà Hóa là cán bộ
Hội Phụ nữ xã - PV), theo chủ trương Nhà nước, nghĩ giao đất sớm thì sẽ
được bố trí tái định cư sớm. Giờ căn nhà tái định cư thì chưa thể xây
được.
Trong khi tiền đóng cơ sở vật chất vào đó cao quá (từ khoảng
400.000 đồng đến hơn 1,6 triệu đồng/m2), không biết làm sao có đủ tiền để đóng nổi nữa, đành phải sống tạm thế này”.
Nhìn về phía KCN Hậu Giang mênh mông phía trước, bà
Hóa hồi tưởng về căn nhà ấm cúng ngày nào của mình. Nhà bà nằm giữa một
vườn cam trĩu quả và những gốc xoài cát Hòa Lộc lớn. Vào mùa trái tới,
quả về, khu vườn rộn ràng tiếng người mua, kẻ bán. Chồng bà đã lớn lên
và gặp bà ở đó. Vợ chồng bà đã trải qua những tháng ngày ngọt bùi lẫn cơ
cực trong căn nhà giữa mảnh vườn đó. Nơi ấy, người con trai duy nhất
của bà chào đời rồi có cả một tuổi thơ xanh ngát.
Khu tái định cư cho người dân trong dự án KCN An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) là thế này đây! Ảnh: NĐ
“Tiền nào có thể bù đắp được mấy chuyện này? Giờ nằm
cọt kẹt giữa nhà tạm mưa dột, nắng xiên thế này nghĩ mà đau. Lẽ ra những
giá trị tinh thần này Nhà nước phải tính toán, bù đắp tương xứng”. Nói
rồi bà Hóa thẫn thờ nhìn lên bàn thờ. “Ông xã tui mất những ngày vừa có
quyết định quy hoạch. Khi biết căn nhà và khu vườn cha ông để lại bị phá
đi, ông xót lắm. Tui thì càng xót hơn khi ổng nhắm mắt mà chưa có ngôi
nhà mới để đặt di ảnh thờ cho đàng hoàng”.
Bà Hóa là một trong số không ít những hộ nông dân nằm
trong diện giải tỏa của KCN Sông Hậu (Châu Thành, Hậu Giang) rơi vào
hoàn cảnh như thế.
Giải tỏa nhưng không lo tái định cư
Chúng tôi đến khu tái định cư KCN An Nhựt Tân, xã An
Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) để thấm thía hơn tình cảnh của bà con bị
giải tỏa. Kể từ ngày dự án được triển khai, hơn 360 hộ dân xã này đang
chìm nổi trong nỗi lo không ruộng, không nhà. Sau gần năm năm triển
khai, khu tái định cư vẫn chỉ là khu đất trống. Các hộ dân sau khi bị
thu hồi đất sẽ được chủ đầu tư cấp cho một nền tái định cư 80-100 m2
nhưng có thu tiền hạ tầng khoảng 57 triệu đồng. Người dân nói ngay cả
“giá” ưu đãi này cũng đã cao gấp nhiều lần so với tiền bồi thường tương
ứng mà họ nhận được.
Bà Nguyễn Thị Kim cho hay nhà bà có năm người con
nhưng chỉ bán một nền thì những người khác ở đâu. Nhiều hộ khác cũng
giao đất vào thời điểm 2007 nhưng mấy năm trời ròng rã khu tái định cư
vẫn hoang tàn, dân chưa nhận được đất. “Người dân chúng tôi đã bị thiệt
thòi khi thu hồi đất, đến phần tái định cư chủ đầu tư lẫn chính quyền
vẫn không quan tâm, không làm đàng hoàng” - bà Kim nói.
Một góc khu nhà tạm dành cho người dân bị thu hồi đất trong dự án KCN Sông Hậu, Hậu Giang. Ảnh: MC
Tại khu tái định cư, ngoài cỏ và ngổn ngang đất đá,
tất cả chẳng có gì. Nhiều người khi nhận tiền bồi thường đã mua sắt thép
về để chuẩn bị qua khu tái định cư cất nhà. Năm năm qua, đống sắt thép
đã hoen rỉ. Nhiều căn nhà trong vùng dự án đã sắp sập nhưng địa phương
không cho sửa chữa. Khu tái định cư thì chưa ra hình hài gì, điện nước,
hạ tầng không có nên dân không thể nhận nền để xây nhà.
Tâm lý chung của người dân là phải an cư mới lạc
nghiệp. Thế nhưng với số tiền bồi thường hiện nay người dân rất khó để
xây lại căn nhà mới đàng hoàng trong khu tái định cư.
Chính sách nghề phọt phẹt
Với đa số nông dân mất đất, bao kỳ vọng về công ăn
việc làm khi KCN thành hình dường như đều rơi vào vô vọng. Chính sách
đào tạo nghề cho con em các gia đình có đất bị thu hồi hiện nay còn quá
nhiều bất cập.
Thanh niên trình độ thấp thì chỉ có nước làm công nhân.
Thanh niên học nghề về thì nhà máy chưa hoàn thành hoặc chưa biết khi
nào hoàn thành nên họ đành đi làm hồ, chạy xe ôm hoặc học lại nghề khác
để xin việc.
Anh Linh (xã Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang) là một
trong hàng chục học viên thất nghiệp sau khi đi học nghề tận Hải Phòng
để làm việc cho nhà máy Vinashine ở KCN Sông Hậu. Nhưng sau khi học nghề
xong anh vô cùng thất vọng. “Gia đình tôi tốn hàng chục triệu đồng để
lo chi phí cho đợt học đó. Tôi nuôi bao hy vọng, học xong sẽ kiếm đồng
lương trả nợ và nuôi sống gia đình. Vậy mà ngày trở về, nhà máy nằm trơ
như đống sắt”. Anh Linh giờ chạy đi làm hồ khắp nơi với người cha già để
kiếm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình. “Không biết khi nào dự án này
mới được hoàn thành. Tới khi đó, không biết mình có còn được nhận vào
làm không nữa” - anh Linh buồn bã nói.
Trong khi chờ nhận nền tái định cư ở KCN An Nhựt Tân, bà Lê Kim Phụng phải sống trong căn nhà cũ rách nát. Ảnh: NĐ
Đó là chưa nói, với những nông dân lớn tuổi thì không
dễ gì họ được nhận vào làm việc khi KCN hoàn thành, ngay cả chân làm
bảo vệ. Anh Trọng (Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang, người có đất bị thu
hồi ở KCN Sông Hậu) kể: “Khi thu hồi, nghe hứa rằng sẽ tạo công ăn việc
làm cho những người còn trong độ tuổi lao động như tui. Nhưng với trình
độ như nông dân tụi tui thì biết xin làm nghề gì bây giờ. Tui đã nộp hồ
sơ xin vào làm bảo vệ trong KCN Sông Hậu nhưng không được chấp nhận. Giờ
về chỉ còn biết chạy xe ôm kiếm sống”.
* * *
Thực tế cho cho thấy người nông dân có đất bị thu hồi
trong các dự án, ngoài nhận một cục tiền ra, họ hầu như không còn nhận
được sự hỗ trợ nào khác để tổ chức lại đời sống gia đình. Từ chính sách
tái định cư đến việc hỗ trợ khó khăn khi phải thay đổi không gian sống,
nghề nghiệp… đều ít được thực hiện đến nơi đến chốn.
Tổ chức lại đời sống sản xuất là điều hết sức quan
trọng sau quy hoạch nhưng gần như điều này đã không được chính quyền địa
phương và chủ đầu tư lưu tâm đúng mức. Người nông dân chưa thể thích
ứng ngay với đời sống công nghiệp. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân
khách quan về tập quán sản xuất lẫn trình độ của họ.
Không đất, không nghề, bà con chỉ còn biết ăn vào
tiền bồi thường. Không đất, không nghề, dân phải tha phương đi làm thuê
kiếm sống. Không đất, không nghề, người dân không biết tương lai của gia
đình mình sẽ đi về đâu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét