Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Nông dân Dương Nội phản đối kết luận của thanh tra chính phủ





Nông dân Dương Nội phản đối kết luận của thanh tra chính phủ

Thanh tra chính phủ vừa công khai kết luận thanh tra đơn khiếu kiện của hơn 300 hộ nông dân phương Dương Nội, quận Hà Đông liên quan đến việc thu hồi đất tại địa phương.


Photo courtesy Nguyễn Hưng.VNexpress

Chị Cấn Thị Thêu cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại về nội dung kết luận.

Kết luận này đã vấp phái sự phản đối quyết liệt của người dân.



Vào 2 giờ chiều ngày 14 tháng 6, khoảng 200 người dân phường Dương Nội, quận Hà đông đã tập trung về ủy ban nhân dân quận Hà Đông để đón nghe kết luận của thanh tra chính phủ về khiếu kiện đất đai của họ. Kết luận này được đưa ra sau hơn một năm thanh tra chính phủ quyết định thụ lý hồ sơ.




Người dân bức xúc




Phó tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh có mặt tại buổi tiếp dân đã khẳng định chính quyền địa phương đã họp bàn dân chủ với dân trước khi tiến hành thu hồi đất.


Hơn thế, chính quyền Hà Đông đã tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề cho 26 người thuộc phường Dương Nội. Vì vậy thanh tra chính phủ kết luận việc thu hồi đất không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.


Chị Cấn Thị Thêu, một nông dân Dương Nội cho rằng kết luận này đã hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của dân.


"Sau khi đọc xong bản kết luận thì chúng tôi thấy họ đứng về phía những người tước đoạt tư liệu sản xuất của chúng tôi nhiều quá, không đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi.


Chúng tôi bảo điều 3 hiến pháp của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam nêu là nhà nước đảm bảo thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mọi người có cuộc sốn ấm no hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. thế thì chúng tôi nông dân thấp cổ bé họng, nhà nước quy định thế thì các ông phải đảm bảo dân giàu.


Khi thu hồi đất của chúng tôi các ông áp giá 201,600 đồng một mét vuông, hỗ trợ 30,000 đồng mét vuông chuyển đổi nghề, và 35,000 đồng mét vuông để ổn định sản xuất. Bình quân mỗi người được 3 đến 4 triệu đồng thôi.


Chúng tôi không chuyển đổi được nghề, thì chúng tôi ăn hết 3, 4 triệu thì chúng tôi đi đâu về đâu? Vì thế chúng tôi thấy thanh tra chính phủ hôm nay không đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi."


Người dân Dương Nội cho rằng với 17 ngàn người dân bị mất đất, mất tư liệu sản xuất mà chỉ có 26 người nhận được việc làm thì phải mất cả ngàn năm nữa, chính quyền địa phương mới có thể giải quyết việc làm cho toàn bộ số dân mất đất, đó là chưa kể gia tăng dân số.


Trong buổi gặp với người dân Dương Nội, thanh tra chính phủ đã không đưa ra được một văn bản kết luận chính thức cho người dân.


Tuy nhiên thanh tra chính phủ hứa sẽ cung cấp văn bản trong vòng khoảng một tuần nữa.


Đại diện thanh tra chính phủ cũng khuyên người dân không nên làm điều gì vi phạm pháp luật như khiếu nại, khiếu kiện ngoài pháp luật quy định, không được căng bang rôn, biểu ngữ mang tính chất vi phạm pháp luật.Tuy nhiên người dân Dương Nội vẫn kiên quyết tìm công lý đến cùng. Chị Cấn Thị Thêu nói:


"Chúng tôi bảo là vài chục người chúng tôi đã chuẩn bị xăng rồi, không giải quyết cho chúng tôi là chúng tôi ra tuyệt thực tại 35 Ngô Quyền hoặc 37 Hùng vương , vì đằng nào cũng chết. Chúng tôi không chịu sống lay lắt mà bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất đâu."


Vào cuối năm 2007, chính quyền quận Hà Đông ra quyết định thu hồi khoảng 400 ha đất của khoảng 4000 hộ dân phường Dương Nội. người dân địa phương cho biết tính trung bình mức đền bù mà chính quyền đưa ra là khoảng 97 triệu đồng một sào ruộng.


Phần đất thu hồi này dự kiến được dùng phát triển các dự án như khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị Lê Trọng Tấn, bệnh viện quốc tế Hà Đông, trường hữu nghị quốc tế.


Bắt đầu từ năm 2009 đến năm 2010, chính quyền địa phương đã đưa công an đến thực hiện một loạt các vụ cưỡng chế đất bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân. Đã có người bị bắt giam và bị kết tội chống người thi hành công vụ trong những đợt cưỡng chế này.


Đã có khoảng hơn 3000 hộ phải nhận mức đền bù vì bị chính quyền địa phương đe dọa, ép phải nhận tiền, trong khi có khoảng 300 hộ dân khác dù mất đất vẫn kiên quyết không nhận đền bù.


Những người dân này bắt đầu đi khiếu kiện các cấp chính quyền từ năm 2008 cho đến nay. Họ yêu cầu phải được đền bù cấp đất bằng 60% diện tích đất bị thu hồi và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài nhưng không được chính quyền chấp nhận.


Theo dòng thời sự:


2012-06-15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét