Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Những “công tử” được Nhà nước nuông chiều, sinh hư. Nhóm lợi ích ráo riết mọi cửa. Sau Vinashin, Vinalines, còn 'Vina' nào nữa?

XEM THÊM : 


- “Những tập đoàn kinh tế nhà nước giống như những sân sau của các quan chức, họ tìm cách rút ruột và nền kinh tế của đất nước không có triển vọng phát triển được. Bây giờ các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành gánh nặng cho đất nước với cơ chế này thì đây là một ổ tham nhũng.”- GSTS Nguyễn Thế Hùng 
http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/06/gsts-nguyen-hung-voi-co-che-nay-thi-ay.html


- Thủ đoạn “cướp đất” của dân. Với muôn kiểu cách chia, cách tính của chính quyền và Doanh nghiệp thì “miếng cơm manh áo” của người dân gần như là bị .. cướp trắng. http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/06/thu-oan-cuop-at-cua-dan-voi-muon-kieu.html




++++++++++++


Sau Vinashin, Vinalines, còn 'Vina' nào nữa?


Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (7/6), không dưới ba lần, các đại biểu nêu câu hỏi sau Vinashin, Vinalines, sẽ còn những Vina nào nữa chịu chung số phận.




Công tử sinh hư





ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, vừa qua, chúng ta đã phải trả “học phí” quá lớn trong chuyện “làm kinh tế, đổ vỡ, mất cán bộ”.


Nhiều đại biểu dẫn ra thực tế các tổng công ty, DNNN đang làm ăn thất thoát, lãng phí lớn. 


Dẫn lại trường hợp Vinashin, Vinalines vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến (ĐB Quảng Trị) gọi đó là những “công tử” được Nhà nước nuông chiều, sinh hư. 


“Chúng ta sẵn sàng giao tiền của mà chưa xem xét năng lực của các DN này. Mỗi khi DN gặp nạn, Nhà nước sẵn sàng ném tiền cứu, dẫn tới ỷ lại. DN không muốn cổ phần, cứ muốn bao cấp dài”, ông Tiến phân tích.


“Hết Vinashin đến Vinalines. Cử tri đang thấp thỏm chờ xem còn Vina nào nữa”, ông Tiến nói.


Ông Lê Như Tiến: Tham nhũng, hối lộ thường qua con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình





Đó cũng là câu hỏi được ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đặt ra tại Hội trường sáng nay.


ĐB Nguyễn Thành Tâm cho rằng “phải chấn chỉnh việc sử dụng vốn tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”. Theo ông Tâm, vấn đề ở chỗ chúng ta “chưa có các quy định cụ thể, chưa được luật hóa về việc sử dụng vốn”.


“Trong thời gian chờ các chính sách thì phải giám sát thường xuyên, đề xuất kịp thời các các giải pháp”, ông Tâm nhấn mạnh.




Tham nhũng 'tiểu ngạch'




Đại biểu bày tỏ lo lắng về thất thoát, lãng phí và đặc biệt là tham nhũng. 


ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lo ngại “bây giờ tham nhũng không còn e dè nữa”. “Chúng ta đã bị mất một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên”.


ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đơn cử bây giờ người dân sợ phải vào bệnh viện vì còn phải xếp hàng, có sự phân biệt, nạn phong bì.


Ông Nguyễn Văn Tiên: Dân sợ vào bệnh viện vì nạn phong bì





“Bây giờ phải có những quân binh chủng hợp thành chống tham nhũng”, ĐB Nam kêu gọi. 


Đại biểu Lê Như Tiến phân tích “Tham nhũng, hối lộ thường qua con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình... Và bằng rất nhiều mỹ từ thân thiện lọt tai: quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đô, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là mừng cả căn hộ, cả ô tô khi lên chức”, ĐB Tiến chỉ ra.


“Ở đâu có quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh lộng quyền, chuyên quyền. Biểu hiện của tham nhũng càng khó khăn, tinh vi thì bộ máy chống tham nhũng càng phải có năng lực”.  


Dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri, rằng tham nhũng chúng ta đã có thuốc, đã bắt đúng bệnh nhưng quan trọng là có chịu uống thuốc hay không, ĐB Tiến nhấn mạnh, vấn đề là ai uống thuốc, uống liều như thế nào?


Trách nhiệm “cưỡng chế” uống thuốc thuộc về người đứng đầu các cơ quan, ông Tiến nói.  Đã là trọng bệnh phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da.


Hơn nữa, “chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”, ông Tiến dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh yêu cầu “có giải pháp quyết liệt với cán bộ, công chức, những người có đạo đức, thái độ kém thì phải thay thế”.


“Nhân dân đang chờ đợi”, ông Nghĩa lưu ý.




Nhóm lợi ích ráo riết mọi cửa




Bên cạnh thực trạng bê bối của các DNNN, thực trạng nợ xấu trong các ngân hàng và nghi vấn về nhóm lợi ích trong các ngân hàng cũng được nhiều đại biểu nêu tại phiên thảo luận. 


ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nêu hiện nay đang có tiến thoái lưỡng nan giữa người đi vay và cho vay. Nay ngân hàng có tiền nhưng không dám cho vay, sợ lỗ. Doanh nghiệp thì hàng tồn kho, có tâm lý chờ lãi suất giảm tiếp nên không muốn vay. Các ngân hàng nhà nước cần công bố sàn lãi suất cho vay thấp nhất có thể, không để tâm lý chờ lãi suất tiếp tục giảm nữa.


ĐB này cũng không loại trừ khả năng tác động của nhóm lợi ích nào đó đang muốn trục lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ.


Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch quan ngại: "Dường như tái cấu trúc ngân hàng đang có nhóm lợi ích nào đó đục nước béo cò, nếu vậy tôi kiến nghị phải giải quyết dứt khoát, vì lợi ích quốc gia".


“Các nhóm lợi ích đang ráo riết tác động từ mọi cửa”, ĐB Đáng lưu ý.


“Khi các nhóm lợi ích tác động, chi phối, ảnh hưởng đến lợi ích của đại bộ phận nhân dân thì vô cùng nguy hiểm”. Đời sống nhân dân đang khó khăn. Bức xúc xã hội nhiều. Ổn định xã hội cũng chính là ổn định của toàn bộ hệ thống chính trị, ông Đáng lưu ý.



Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng-Vietnamnet 




+++++++++++++++++



'Nhà nước quá nuông chiều các công tử Vinalines, Vinashin'


Phát biểu của đại biểu Lê Như Tiến tại diễn đàn Quốc hội sáng nay gây ấn tượng mạnh với lối ví von nêu bật thực trạng các tập đoàn kinh tế Nhà nước, mà theo cách nói của ông là những "quả đấm thép" đang tan chảy.

Ông Lê Như Tiến là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. VnExpress giới thiệu bài phát biểu mang tựa đề Phòng chống tham nhũng cần có những Bao công của ông tại buổi thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội sáng nay.

Báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã nhận định: Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự quản lý của Nhà nước.

Tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước. 
Các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...

Ông Lê Như Tiến cho rằng thamnhungx đang có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau.
Ông Lê Như Tiến trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, sau bài phát biểu ấn tượng tại hội trường. Ảnh: Tiến Dũng


Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, với trên 365.000 ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ... của trên 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất.

Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai. Khi đất đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt thì những người được giao quyền rất dễ "xúc động" trước những nguồn lợi béo bở đó, trong khi các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, các cơ sở giáo dục, đang thiếu đất nghiêm trọng nhằm giảm tải cho các nhu cầu bức thiết về văn hóa, xã hội, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo... Thế là "quốc nạn" có nguy cơ hạ đo ván các "quốc sách".

Gần đây dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm đến các "quả đấm thép" của nền kinh tế, đó là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn kính cẩn nghiêng mình gọi là các "ông lớn, các đại gia". Sau PMU 18, Vinashin nay lại Vinalines..., mỗi doanh nghiệp này đã làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân. Cử tri thấp thỏm chờ xem, tiếp theo còn xuất hiện các "Vina" nào nữa?

Nhà nước quá
Nhà nước quá "nuông chiều" các "công tử" như Vinalines, Vinashin. Ảnh: V.T.

Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên đến 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hàng năm của quốc gia, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Một số "quả đấm thép" đang tan chảy khiến chúng ta phải tính đến tái cấu trúc, phải nghĩ đến phương thức đầu tư, cách thức quản trị doanh nghiệp và phải chăng có nguyên nhân là do Nhà nước quá "nuông chiều" các "công tử" này, sẵn sàng cung ứng "bầu sữa" ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này. Mỗi khi doanh nghiệp "hoạn nạn", Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài.

Giống buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường "chính ngạch" mà thường qua các con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình; bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau. Bằng cách dùng phép thuật nhào nặn, biến hóa các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp mỗi khi thanh tra, kiểm toán "hỏi thăm".

Và bằng rất nhiều mỹ từ thân thiện lọt tai: quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đô, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là mừng cả căn hộ, cả ô-tô khi lên chức.

Có một nguyên lý trong phòng, chống tham nhũng mà đôi khi chúng ta lãng quên, đó là ở đâu có điều kiện phát sinh tham nhũng thì ở đó phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Các vụ PMU18, Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá.

Biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì chúng ta càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những "Bao công" quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.

Trước kỳ họp thứ 3 này, vào sáng 4/5, tiếp xúc với cử trị quận Ba Đình, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phòng chống tham nhũng lần này, Trung ương quyết tâm cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi...". Song Đại biểu Nguyễn Phú Trọng còn băn khoăn: "Lo là có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không"?

Chúng tôi cho đây là vấn đề cốt lõi vì: Bắt trúng mạch, cắt đúng thuốc mà không chịu uống thuốc thì việc bắt mạch và cắt thuốc sẽ không còn ý nghĩa. Không ai khác yêu cầu và cưỡng chế họ phải "uống thuốc" đó là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được.

Cũng trong đợt tiếp xúc cử tri này, vào sáng 2/5, Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 TP HCM. Trả lời cử tri về phòng chống tham nhũng, Đai biểu Trương Tấn Sang nhấn mạnh: 

"Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao". Theo chúng tôi, có lẽ đây vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc trong phòng chống tham nhũng.

Tôi xin dẫn lời nhà giáo dục học Xô Viết Makarenko, ông đã đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: "Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục".




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét