Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Trịnh Công Sơn - Trái tim cộng sản hay người nghệ sĩ? Bộ mặt thật của đảng CS: Sẵn sàng thủ tiêu những ai có tư tưởng không đúng ý của nó.


Trái tim cộng sản hay người nghệ sĩ?

Viết về Trịnh Công Sơn thấy dễ mà khó. Dễ là những gì đã thể hiện trong tác phẩm âm nhạc ông tưởng chừng đã nói hết. Tình yêu, thân phận con người, màu da, chiến tranh.

Nhưng khó thi thoảng vẫn có những bài viết đặt lại vấn đề này, nọ về tư cách con người của ông. Có bài gây sóng gió dữ dội vì chính người viết lại là bạn bè thân thiết một thời của ông nên càng như đổ lửa thêm dầu vào dư luận.


Trong hạn hẹp của bài viết nhỏ này tôi muốn nhấn mạnh vào những tư liệu mới mà tôi vừa tìm thấy được trong thư viện của gia đình tôi.

Qua đó cung cấp thêm một cái nhìn vào con người và tính cách Trịnh Công Sơn. Cũng có thể chủ quan nhưng ít ra từ những nhân chứng còn sống góp thêm một cái nhìn vào người nhạc sĩ vĩ đại này.

Trịnh Công Sơn, giác ngộ cách mạng

Trịnh Công Sơn có phải là một người cộng sản? Câu hỏi này đặt ra có người cho rằng rất phản cảm. Tuy nhiên, có nhiều sự việc liên quan đến con người, tác phẩm và cuộc đời của ông dấp dính đến ranh giới này.

Sự việc đáng tranh cãi nhất chính là Trịnh Công Sơn từng viết một lá thư gửi thi sĩ Ngô Kha được nhiều người biết dưới cái tên “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu”. Bản gốc của lá thư hiện vẫn còn lưu trữ ở gia đình dịch giả Bửu Ý tại Huế. Người công bố lá thư này đầu tiên trong sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước là nhà thơ Lê Minh Quốc trong cuốn “Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người” (Nxb. Phụ Nữ 2001).

Sau đó lá thư tiếp tục xuất hiện trên báo Thơ, phụ san báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam số ra ngày 12.6.2004 do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thực hiện. Sự kiện này tiếp tục bùng nổ trên báo Thanh Niên (số 178 ra ngày 26.6.2004) khi nhà thơ Thái Ngọc San, một người bạn thân của Trịnh Công Sơn đặt lại vấn đề “Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên báo Thơ thực hay giả?”

Một số câu hỏi của bài báo đặt ra như vào thời gian bức thư ra đời (1974) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị thủ tiêu làm sao ông có thể nhận thư của Trịnh Công Sơn?

Trịnh Công Sơn
Không cần tinh ý lắm, người mê nhạc Trịnh có thể nhận thấy bức thư của Trịnh Công Sơn mang nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với khối ngôn ngữ triết lý đậm đặc, giàu hình ảnh thơ mộng và tuyệt đẹp của ông trải dài qua âm nhạc. Thậm chí có những tổ chức ngôn ngữ quái đản của người làm chính trị thứ thiệt như các từ “tiêu diệt tự do tư tưởng”, “tập thể nhân dân”, “vấn đề tổ chức cơ cấu”… còn xuất hiện trong bức thư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đặt câu hỏi “ trong hoàn cảnh nào mà Trịnh Công Sơn “giác ngộ cách mạng” đến như thế?” Từ những băn khoăn này, ông Xuân đã tìm được nhà báo Nguyễn Quốc Thái, người lo biên tập và in số tập san Đứng Dậy, quay ronéo, phát hành dịp giáng sinh 1974. Đây cũng là điểm xuất phát đầu tiên của lá thư gửi Ngô Kha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cũng trong số báo nói trên, còn in tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha năm 1972. Đặc biệt còn có “Lá thư đòi con” của bà Cao Thị Uẩn, mẹ của Ngô Kha viết ngày 25.12.1974 gửi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bài viết khác. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái còn cho ông Xuân biết, muốn biết hoàn cảnh nào Trịnh Công Sơn viết lá thư gửi Ngô Kha nên hỏi hỏi ông Lê Khắc Cầm.

Lê Khắc Cầm, một cơ sở trí thức nòng cốt của Thành ủy Huế, trả lời nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về việc lá thư của Trịnh Công Sơn như sau:
"Người mê nhạc Trịnh có thể nhận thấy bức thư của Trịnh Công Sơn mang nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với khối ngôn ngữ triết lý đậm đặc, giàu hình ảnh thơ mộng và tuyệt đẹp."

“Sau hiệp định Paris 27.1.1973 ra đời ít lâu thì anh Ngô Kha bị bắt đưa đi mất tích. Một số anh em trí thức sợ lộ cũng thoát ly.Số cơ sở còn lại phải “ẩn mình” hoặc chuyển vùng. Phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống. Tính đến cuối năm 1974 anh Ngô Kha đã bị bắt gần 20 tháng mà không được tin tức gì. Tôi bàn với Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc tìm cách tập hợp các “thành phần thứ ba” đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha, gây lại không khí đấu tranh,"

"Ý kiến của tôi được các bạn đồng tình. Những người chủ trương tập san Đứng Dậy ở Sài Gòn ủng hộ Huế thực hiện một tập san đặc biệt với chủ đề đòi trả tự do cho Ngô Kha. Chúng tôi chia nhau viết. Trịnh Công Sơn viết “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” và dự thảo “Tuyên cáo của các giáo sư văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha”. Tuyên cáo này tập hợp được gần 50 chữ ký của các vị “thành phần thứ ba”. Người ký đầu tiên là họa sĩ Vĩnh Phối, thứ hai họa sĩ Đinh Cường, thứ ba nhà văn Bửu Ý. Người cuối cùng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…”.

Tôi hỏi tiếp: Như thế Trịnh Công Sơn cùng với anh chủ trương và thực hiện nội dung số tập san đặc biệt về cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha. Vậy Trịnh Công Sơn có phải cơ sở cách mạng không?

Lê Khắc Cầm đáp: “Điều đó rất khó nói. Nhưng anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành ủy. Làm việc với tôi có nghĩa là làm việc với cách mạng”.

Nội dung cuộc trao đổi này đã được ông Nguyễn Đắc Xuân công bố trên tạp chí Sông Hương.

Suýt bị thủ tiêu

Trong thư viện gia đình tôi có một tư liệu minh chứng cho “điều rất khó nói” của ông Lê Khắc Cầm, một cơ sở của thành ủy Huế và là người giác ngộ, hay theo dõi Trịnh Công Sơn ngày đó. Tư liệu này gần như đi ngược lại hoàn toàn những gì Trịnh Công Sơn từng viết trong lá thư gửi thi sĩ Ngô Kha. Bức thư gửi Ngô Kha ông bị buộc ép viết hay viết theo chỉ đạo thì chỉ những người trong cuộc mới biết rõ. Nhưng những gì được chứng minh sau đó thì đã hoàn toàn ngược lại.

Thư mời buổi nói chuyện ngày 25/10/1974 (Tư liệu gia đình nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh)

Ngày 25.10.1974, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tỉnh giáo hội Quảng Nam có tổ chức một buổi nói chuyện mời hai diễn giả chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cha tôi, nhà thơ Đông Trình tại chùa Pháp Bảo Hội An. Đây là buổi theo thư mời Đại đức Thích Long Trí, Phó ban Nội vụ Văn phòng chùa Pháp Bảo ghi rất rõ là “sinh hoạt văn nghệ theo tinh thần hòa giải dân tộc” và ban tổ chức “chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương”.

Những tình tiết trích dẫn trong thư mời như trên, cho thấy “tình thế” rất nóng và rất căng thẳng của buổi nói chuyện. Đây là thời điểm khá nhạy cảm. Người nghệ sĩ cần bày tỏ thẳng thắn chính kiến của mình trước thời cuộc, nêu cao tinh thần đấu tranh ý chí cách mạng. Nói cách khác, buổi nói chuyện đã được những người cộng sản lợi dụng và dàn dựng. Và họ mượn uy tín của các nghệ sĩ để đấu tranh theo chiêu bài “hòa giải dân tộc”.

Trước đó, tất nhiên cũng đã có ý kiến chỉ đạo và theo dõi biết thái độ của Trịnh Công Sơn đặc biệt qua lá thư gửi Ngô Kha bừng bừng khí thế cách mạng.

Cha tôi, nhà thơ Đông Trình và Trịnh Công Sơn gần như hai phong cách sáng tạo khác biệt.

Khi Trịnh viết “Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe” thì ông viết “Lót ổ cho đại bác”. Quan điểm của ông là “Hãy bắn thẳng vào tôi đây”. Đêm đó ông đã đọc các bài thơ “Hoa đã hướng dương”, “Hành ca cho một tương lai đã nhìn rõ mặt”, “Vì những người chết không nhắm mắt”, “Đường thơm chân đất”, “Gửi người em gái bên kia cầu sông Vệ”, “Một lần là trăm năm”… tin tưởng vào một ngày giải phóng và thống nhất đất nước không còn xa.

Ai cũng nghĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ như vậy! Nhưng không! Thật bất ngờ ra trước công chúng, Trịnh Công Sơn đã bộc lộ hoàn toàn là một con người khác. Ông đã hát những ca khúc phản chiến chung chung. Hoàn toàn không chịu theo chỉ đạo như các bài “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Hát trên những xác người”, “Ra đồng giữa ngọ”, “Đại bác ru đêm”…

"Có kế hoạch thủ tiêu ông trong đêm trên đường ra Huế khi đi qua đèo Hải Vân. Tuy nhiên, sau đó theo sự sắp đặt từ trước của thầy Long Trí và ban tổ chức đã cam kết 'chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương' kế hoạch này đã dừng lại."

Những bài hát không bộc lộ rõ chính kiến giữa “ta” và “địch”. Giữa “chính nghĩa” và “phi nhân”… Ông phát biểu cái chết ở chiến tuyến nào cũng mất mát và đau thương cả. Chết là chết. Không có biên giới và hoa hồng nào cho cái chết. Chiến tranh cần được chấm dứt để con người bớt đau khổ.

Việc xuất hiện với những bài hát “vô tổ chức”, “thiếu định hướng” như trên của ông đã gây bất lợi cho chương trình. Cha tôi cho biết, vấn đề càng nặng nề hơn khi tối hôm đó, khi nghe anh em tranh đấu phản đối Trịnh Công Sơn đòi ra Huế ngay lập tức. Ông còn bày tỏ nhiều ý kiến cá nhân như không cho rằng sự xuất hiện của người Cộng sản có nghĩa “toàn dân miền Nam yêu quý”.

Và ông phản đối nhạc sĩ Tôn Thất Lập dịp đó đang đi qua các nước Xã hội chủ nghĩa ở châu Âu quảng bá hình ảnh Việt Nam Cộng Sản. Ông nói:

“Nếu nói rằng mọi người dân Việt đều thích cộng sản thì không đúng! Nhưng họ yêu chuộng tự do và hòa bình là điều chắc chắn!”.

Câu chuyện của ông đã trở thành vấn đề căng thẳng tới mức đã bị đặt lên bàn cân:

“Phải khử ngay, thằng này không thể dùng được!”

Người được giao thực hiện mật vụ này tên là Dũng. Và đã có kế hoạch thủ tiêu ông trong đêm trên đường ra Huế khi đi qua đèo Hải Vân. Tuy nhiên, sau đó theo sự sắp đặt từ trước của thầy Long Trí và ban tổ chức đã cam kết “chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương” kế hoạch này đã dừng lại.

Tối đó Trịnh Công Sơn ở lại Hội An và sáng hôm sau an toàn ra Huế. Nếu trong đêm đó ông đi thì không biết việc gì sẽ xảy ra.

Viết câu chuyện này theo trí nhớ và cách kể của cha tôi, tôi muốn ghi lại một cách trung thực một câu chuyện về người nhạc sĩ thiên tài. Gần như với sáng tạo, ông chối bỏ mọi sự áp đặt và định hướng thậm chí luôn luôn tìm cách chống lại nó. Nhiều nghệ sĩ vẫn bị các nhà chính trị lợi dụng một cách hồn nhiên.

Và họ cũng thật hồn nhiên như thế khi tiếp cận nỗi đau của con người, sự bối rối của tình yêu trước các thử thách và hiểm họa. Vì thế tác phẩm của họ có ngọn lửa bất tử khi tâm hồn họ gặp tâm hồn nhân loại.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh, hiện sống tại Sài Gòn.

Thêm về tin này



Cập nhật: 09:13 GMT - thứ tư, 3 tháng 4, 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét